Anh và EU thu hẹp bất đồng trong đàm phán thỏa thuận hậu Brexit
Ngày 16/12, tại Brussels, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ về nội dung giám sát cạnh tranh công bằng, một trong 3 vấn đề gây tranh cãi đang cản trở việc hai bên đạt được thỏa thuận hậu Brexit.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều khoản về đánh bắt cá.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ, ngày 9/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù chỉ là lĩnh vực chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế của EU nhưng đánh bắt cá lại là vấn đề quan trọng đối với một số nước thành viên và cũng là vấn đề được khối này gắn với một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn.
Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu: “Vẫn còn cơ hội và hy vọng. Tôi, những người bạn và đối tác của chúng tôi đều cảm nhận được và sẽ ký được thỏa thuận”.
Trong khi đó, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, thừa nhận bước tích cực trong tiến trình đàm phán, nhưng cho rằng “chưa có đột phá”. Bà cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục kéo dài cho đến cuối tuần này để xem có thể tìm ra một giải pháp không.
Bất cứ thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa EU và Anh đều phải được Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hai bên có thể sẽ phải tổ chức các phiên họp đặc biệt sau lễ Giáng sinh và Năm mới.
Quốc hội Anh được cho là sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ từ 17/12, nhưng người phát ngôn của chính phủ nước này cho biết có thể kêu gọi các nghĩ sĩ quay về trong vòng 48 giờ để thông qua bất cứ thỏa thuận nào.
Hiện cả EU và Anh đã nhất trí tiếp tục đàm phán cho đến khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận, cho dù thời hạn chót đã trôi qua ngày 13/12 vừa qua. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại mới với Anh vẫn có thể xảy ra và hai bên vẫn đang đàm phán giải quyết những bất đồng dai dẳng.
Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh đã không chấp nhận.
Anh, Mỹ ký thỏa thuận hải quan hậu Brexit
Ngày 16/12, Anh và Mỹ đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hải quan nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại giữa hai nước không bị gián đoạn sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/12.
Đại diện các quan chức hải quan Anh và Mỹ ký thỏa thuận hải quan. Nguồn: ICE
Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính Anh, Bộ trưởng Tài chính Jesse Norman khẳng định đây là một thỏa thuận quan trọng đảm bảo tính liên tục hậu Brexit, minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ hải quan Mỹ-Anh. Thông qua việc chia sẻ thông tin, thỏa thuận này sẽ cho phép hai bên tiếp tục hợp tác trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý cho các kế hoạch khơi thông dòng chảy thương mại cho các công ty xuất - nhập khẩu.
Từ lâu Anh và Mỹ vẫn tăng cường hợp tác ngăn chặn các hoạt động tội phạm buôn lậu xuyên Đại Tây Dương, trong đó có cả súng đạn, ma túy, các sản phẩm động vật hoang dã, thậm chí là dược phẩm giả. Thỏa thuận trên cũng tạo cơ sở pháp lý cho Thỏa thuận công nhận các hoạt động kinh tế được ủy quyền của nhau, bảo đảm người dân và các doanh nghiệp mỗi bên tiếp tục được hưởng lợi trong buôn bán.
Anh và EU nhất trí kéo dài đàm phán Brexit Lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán nhằm tháo gỡ những bế tắc hậu Brexit (Anh rời khỏi EU). Trong một tuyên bố chung vừa phát đi hôm nay, 13/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, cả hai đã...