Ánh sáng Paulding – bí ẩn bậc nhất nước Mỹ
Mặc dù đã có những giải thích khoa học, nhiều người vẫn tin tưởng hơn vào những câu chuyện kỳ bí xung quanh “ánh sáng Paulding”.
Ánh sáng bí ẩn lần đầu tiên được nhìn thấy từ năm 1966 ở Hoa Kỳ. Ảnh: BBC
Vào bất kỳ buổi đêm nào, từ hôm sương mù ẩm ướt giữa mùa hè đến ngày tuyết dày đến đầu gối trong mùa đông bất tận ở Michigan, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp đám đông người dân địa phương và cả những khách du lịch tò mò tập trung tại một khoảng đất trống nhỏ gần Quốc lộ 45 trên đường Robbins ở Mỹ.
Khi mặt trời lặn và màn đêm dần buông xuống, những quả cầu sáng kỳ lạ bắt đầu hình thành trên sườn đồi cách đó khoảng 8 km, ở một thung lũng bên ngoài Paulding, bang Michigan. Nhưng nếu cố gắng đến gần hay đuổi theo, ánh sáng này sẽ biến mất. Mặc dù dường như không thể nắm bắt được, nhưng thứ ánh sáng này vẫn hiện lên rõ ràng và cứ duy trì ở nơi xa xôi như vậy cho đến khi Mặt trời mọc.
Các du khách hiếu kỳ đến “săn” ánh sáng Paulding trang bị các thiết bị chụp ảnh chuyên nghiệp đã cố gắng chụp được những hình ảnh về hiện tượng kỳ lạ này, nhưng trong nhiều năm, những bức ảnh vẫn không thể giúp họ giải thích được thứ mà bản thân đã chụp được.
Lần đầu tiên ghi nhận việc nhìn thấy ánh sáng Paulding là vào năm 1966, khi một nhóm nam sinh trung học đã nhìn thấy nó và báo cho cảnh sát trưởng địa phương. Có những câu chuyện truyền miệng của người địa phương đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về ánh sáng Paulding. Câu chuyện phổ biến nhất kể rằng, hàng đêm, hồn ma của một người gác phanh xe lửa thiệt mạng trong một thảm họa tàu hỏa xuất hiện và giơ đèn lồng lên để cảnh báo mọi người tránh xa đường ray. Tuy nhiên, không có hồ sơ hoặc hay thông tin nào cho thấy có đường sắt trong khu vực này.
Nhiều câu chuyện huyền bí khác cũng được tạo ra xung quanh “ánh sáng Paulding”, thu hút sự tò mò và khiến các du khách tin rằng họ đang quan sát thứ gì đó khác biệtt hoàn toàn với thế giới hàng ngày.
Không ít du khách hiếu kỳ tập trung đến Paulding vào đúng thời gian cố định để tận mắt nhìn thấy “ánh sáng Paulding”. Ảnh: BBC
Dù câu chuyện là gì, thứ ánh sáng bí ẩn đã đưa thị trấn nhỏ bé Paulding trở thành điểm đến hấp dẫn. Người dân địa phương cũng như khách du lịch liên tục đến để xem “ánh sáng Paulding” và gọi đó là “hồn ma đúng giờ nhất trên thế giới”. Nhiều dịch vụ liên quan như: cửa hàng và nhà hàng cung cấp thức ăn, nước uống hay những trang phục lưu niệm có dấu ấn liên quan đến “ánh sáng Paulding”.
Bà Sarah Bakker, nhân viên cửa hàng Sylvania Outfitters gần đó cho biết: “Tôi đã nhìn thấy ánh sáng Paulding vài lần. Tôi không nghĩ đó là hiện tượng siêu nhiên, nhưng cũng thật thú vị khi nhìn thấy. Một số người nói rằng họ chắc chắn đó chỉ là đèn pha ô tô, nhưng những người khác lại đảm bảo rằng rằng họ nhìn thấy thứ khác mà không thể giải thích được”.
Năm 2010, nghiên cứu sinh kỹ thuật điện của Đại học Công nghệ Michigan (MTU) Jeremy Bos đã dẫn đầu một nhóm thám hiểm của sinh viên, trang bị mọi thứ từ máy ảnh, máy đo ánh sáng cho đến kính thiên văn công suất cao đã đến thị trấn Paulding. Nhiệm vụ duy nhất của họ là giải thích được “ánh sáng Paulding” rốt cuộc là gì.
Cuối cùng, kết luận mà nhóm sinh viên đưa ra là “ánh sáng Paulding” chỉ là ánh sáng từ đèn pha của những chiếc ô tô đi trên Quốc lộ 45 chiếu ra xa, kết hợp với hiệu ứng khí quyển tạo nên ảo ảnh lung linh như mọi người thường thấy.
Video đang HOT
Ông Jeremy Bos đã lấy bằng tiến sĩ và trở thành phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Máy tính và Điện của Đại học Công nghệ Michigan. Bất chấp những nỗ lực cung cấp thông tin chính xác nhất về các hiện tượng kỳ lạ của nhóm của nghiên cứu, các câu chuyện huyền bí về “ánh sáng Paulding” vẫn tồn tại và được không ít người tin tưởng.
Dù có những giải thích khoa học, nhiều người vẫn tin vào những câu chuyện kỳ bí xung quanh “sáng Paulding”. Ảnh: BBC
Để tăng tính xác thực cho nghiên cứu của mình, ông Jeremy Bos cũng kêu gọi những “thợ săn ma” hãy thử nhìn qua kính viễn vọng hoặc ống kính tele và đảm bảo rằng họ chắc chắn sẽ nhìn thấy đèn pha ô tô. Tuy nhiên, vẫn có những du khách chỉ muốn tin tưởng rằng họ đã nhìn thấy điều không thể lý giải được.
Bà Cyndi Perkins, một chuyên gia cao cấp về nội dung làm việc tại Michigan, cho biết, mặc dù tin vào lời giải thích của Đại học Công nghệ Michigan, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn ghé qua địa điểm này để xem “ánh sáng Paulding”. Bà cũng nói thêm, hiện nay có nhiều khách du lịch đến đây vì muốn xác nhận lại lời giải thích khoa học và cũng có nhiều người khác vẫn đến vì tin vào những nguyên nhân siêu nhiên khác nhau.
Bà Perkins nhấn mạnh: “Những người tin vào ‘ánh sáng Paulding’ không tin rằng bức màn bí mật về nó đã được vén lên. Họ cho rằng những gì các nhà nghiên cứu nhìn thấy không phải là ‘ánh sáng Paulding’ thực sự”.
Khám phá những thành phố ngầm bí ẩn trên khắp thế giới
Ít ai ngờ được rằng dưới nơi chúng ta đang đứng đôi khi lại là những thành phố nằm sâu trong lòng đất và từng là nơi cư trú của hàng nghìn người.
1. Derinkuyu - Đô thị ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại
Được biết đến với cái tên Derinkuyu, thành phố ngầm này chỉ nằm ở độ sâu dưới lòng đất chưa đến 90 mét, bao gồm 18 tầng, có một mạng lưới đường hầm rộng lớn như mê cung và từng là nơi ở của 20.000 người. Mặc dù vẫn chưa rõ nguồn gốc và mục đích chính xác của nó, nhưng Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ ước tính rằng việc xây dựng thành phố bắt đầu khoảng 2.800 năm trước, bởi một nhóm người được gọi là Phrygians, một dân tộc Ấn-Âu từ thời đồ sắt, nổi tiếng với tài năng kiến trúc.
Derinkuyu gần như bị lãng quên một thời gian dài, cho đến khi nó được phát hiện lại vào năm 1963. Thời điểm đó, trong quá trình sửa sang nhà cửa, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ dỡ bỏ bức tường ở tầng hầm và phát hiện ra rằng có cả một căn phòng lớn phía sau bức tường đó. Căn phòng đó chính là nơi được nối liền với mê cung Derinkuyu.
Hình ảnh đô thị Derinkuyu nằm dưới lòng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: All That's Interesting
2. Matiate: Thành phố ngầm lớn nhất thế giới
Điều đáng ngạc nhiên là Derinkuyu không phải là thành phố ngầm duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2022, khi đang dọn dẹp đường phố và các tòa nhà trong thị trấn lịch sử Midyat, một nhóm nhà bảo tồn Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ phát hiện ra lối vào hang động dẫn xuống một khu phức hợp đồ sộ gồm hàng chục đường hầm và gần 50 phòng.
Gani Tarkan - người khai quật chính của dự án cho biết: "Đây là một thành phố có niên đại 1.900 năm tuổi rồi và có thể từng là nơi sinh sống của tới 60.000 hoặc 70.000 người. Nhưng ở thời điểm đó, nhóm khai quật mới chỉ khám phá được khoảng 3% thành phố dưới lòng đất này".
Các cuộc khai quật đã diễn ra từ năm 2022, nhưng cho đến nay kích thước đầy đủ và phần lớn lịch sử của Matiate vẫn còn là một bí ẩn.
Một lối đi trong trong thành phố ngầm Matiate. Ảnh: All That's Interesting
3. Thành phố dưới lòng đất ở Orvieto, Italy
Các nhà sử học tin rằng vào thời cổ đại, người Etruscan (nền văn minh cổ đại của Italy) đã thành lập một thành phố được gọi là Velzna trên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt. Vị trí này mang lại cho họ khả năng phòng thủ vượt trội, nhưng lại có điểm yếu là khó tiếp cận với nguồn nước. Để khắc phục tình trạng này, người Etruscan đã đào những chiếc giếng sâu và bể chứa nước để hứng nước mưa trên sườn dốc và cũng giúp họ chống chọi được với cuộc vây hãm của người La Mã trong gần hai năm. Tuy nhiên, vào năm 264 TCN, người La Mã đã chiếm ưu thế và cuối cùng thành phố thất thủ.
Người La Mã sau đó đã nhìn thấy tiềm năng từ việc mà người Etruscan đã làm, họ tiếp tục sâu xuống lòng đất. Ở phía trên, thành phố Orvieto tiếp tục phát triển và vươn cao lên, nhưng bên dưới lớp đất, cư dân của nó đã đào những đường hầm để phục vụ các mục đích khác nhau; bao gồm: nơi trú ẩn, mỏ đá, hang động và phòng trưng bày.
Tổng cộng có khoảng 1.200 công trình kiến trúc đã được tìm ra bên dưới thành phố Orvieto và có lẽ con số này sẽ không còn tăng lên, vì hiện tại nơi đây đã chính thức cấm bất kỳ các hoạt động đào sâu thêm đường hầm dưới lòng đất hay hoạt động khảo cổ.
Khoảng 1.200 công trình kiến trúc nằm dưới thành phố Orvieto (Ý). Ảnh: Flickr
4. Petra, Jordan: Thành phố cổ được tạc trong đá sa thạch
Petra là thành phố lớn được chạm khắc trực tiếp vào vách đá sa thạch ở phía Tây Nam Jordan, từng là thủ đô của đế chế Nabataean. Ở thời kỳ đỉnh cao, từ năm 400 TCN đến năm 106 CN, Petra là một trung tâm thương mại và văn hóa thịnh vượng, nhưng sau đó lại bị bỏ hoang đáng tiếc trong nhiều thế kỷ.
Theo National Geographic, các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng cho thấy người Nabataean đã sinh sống ở Petra từ ít nhất là năm 312 trước Công nguyên. Nhưng kể từ khi đế chế Nabataean đã rơi vào tay người La Mã vào năm 106 CN, Petra bị lãng quên và dần rơi vào tình trạng mục nát. Ngoài ra, động đất trong khu vực cũng khiến thành phố nằm trong vách đá bị thiệt hại.
Theo thời gian, thế giới dần dần quên mất Petra. Mãi đến đầu những năm 1800, một du khách châu Âu ghé thăm địa điểm cổ xưa và khiến nó được biết đến rộng rãi trở lại Năm 1985, Công viên khảo cổ Petra được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO và được mệnh danh là kỳ quan mới của thế giới vào năm 2007.
Kiến trúc đồ sộ ẩn sâu bên vách đá sa thạch từng là thủ đô thịnh vượng của đế chế Nabataean cổ đại. Ảnh: National Geographic
5. Thành phố ngầm Coober Pedy ở Australia
Coober Pedy là một thành phố đặc biệt nhất trong danh sách này, vì không giống như nhiều thành phố ngầm khác trên thế giới đã bị bỏ hoang từ lâu, Coober Pedy vẫn là nơi sinh sống của khoảng 3.500 người thuộc 45 quốc tịch khác nhau cho đến tận ngày nay. Hầu hết cư dân của nó là hậu duệ của những người châu Âu đến vào thế kỷ 20, với hy vọng kiếm tiền từ đá quý.
Khoảng 150 triệu năm trước, Coober Pedy là lòng đại dương rộng lớn, nơi thủy triều đưa khoáng chất từ đáy biển sa thạch vào các vết nứt của Trái đất. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, lớp trầm tích silic còn sót lại ở đó dần dần cứng lại, tạo ra hàng ngàn viên opal (ngọc mắt mèo có thành phần chính là silic) vẫn còn sót lại trong đá. Cuối cùng, một mỏ opal khổng lồ đã được tạo ra trong khu vực và thị trấn Coober Pedy cũng được chính thức thành lập vào năm 1915.
Những cư dân đầu tiên đã bỏ phiếu để đặt tên cho thị trấn của họ là Coober Pedy, bắt nguồn từ thuật ngữ thổ dân kupa-piti, có nghĩa là "người da trắng trong một cái hố".
Một khách sạn bên trong thành phố ngầm Coober Pedy. Ảnh: Flickr
6. Thành phố trong hang động Ellora ở Ấn Độ
Hang động Ellora là một chuỗi gồm 34 ngôi đền bằng đá ở phía Tây Ấn Độ, nằm gần làng Ellora. Mỗi ngôi đền ở đây được chạm khắc trực tiếp vào vách đá bazan, ngoại trừ ngôi đền Kailasa được xây dựng bằng cách đào trực tiếp từ sườn dốc xuống, để đón nhiều ánh sáng mặt trời tự nhiên chiếu vào hang động. Đền Kailasa được đặt tên theo ngọn núi thuộc dãy Kailasa của dãy Himalaya - được cho là nơi thần Shiva của đạo Hindu được cho là ngự trị.
Tổng cộng có 12 ngôi đền theo phong cách Phật giáo có niên đại từ khoảng năm 200 TCN đến 600 CN, 17 ngôi đền Ấn Độ giáo ở trung tâm các hang động có niên đại từ năm 500 đến năm 900 và 5 ngôi đền Kỳ Na giáo có niên đại khoảng năm 800 đến 1000.
Phong cách và thiết kế của những ngôi đền trong khu vực hang động Ellora thường phù hợp với văn hóa của những người xây dựng chúng. Ví dụ, các hang động của Ấn Độ giáo có thiết kế phức tạp hơn nhiều so với các hang động của Phật giáo.
Kiến trúc thành phố trong hang Ellora nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Wikimedia Commons
Toà thành ẩn trong hang động Ellora của Ấn Độ có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Phật giáo, Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo. Ảnh: Wikimedia Commons
Chủ tịch giáo đường Do Thái ở thành phố Mỹ bị đâm chết tại nhà Chủ tịch một giáo đường Do Thái đã được phát hiện bị đâm chết trước cửa nhà tại thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ) vào sáng 21.10. Bà Samantha Woll (40 tuổi) là chủ tịch giáo đường Do Thái Isaac Agree Downtown ở Detroit từ năm 2022. Bà được phát hiện tử vong trước nhà với nhiều vết đâm trên thi thể vào...