Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Ngày 21/10, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức đã ra một tuyên bố chung lên án vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi “với ngôn từ mạnh mẽ nhất”.
Nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi. Ảnh: AP
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ thông tin nhà báo làm cho tờ Washington Post mất mạng bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là một cú sốc.
Việc đe dọa, tấn công và giết hại các nhà báo, dù trong bất kỳ hoàn c ảnh nào, đều không thể chấp nhận được và Anh, Pháp, Đức lên án hành động đáng lo ngại này với ngôn từ mạnh mẽ nhất.
Tuyên bố chung có đoạn: “Cần có sự giải thích chính xác về điều gì đã xảy ra vào ngày 2/10 – ngoài những giả thuyết đã được đưa ra cho đến nay trong cuộc điều tra của Saudi Arabia, vốn cần được củng cố bằng những sự thật được cho là đáng tin cậy”.
Tuyên bố chung yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra cho tới khi sự thật được sáng tỏ.
Video đang HOT
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ sớm công bố kết quả các cuộc điều tra-khám xét Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Ngày 21/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia trong bối cảnh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vẫn chưa rõ ràng.
Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Merkel cho rằng hoạt động xuất khẩu vũ khí của Đức sang Saudi Arabia không thể diễn ra trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, bà cũng một lần nữa lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, đồng thời kêu gọi khẩn trương làm rõ vụ việc này.
Phát biểu ngày 21/10 sau một chiến dịch vận động tranh cử ở Nevada, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ sớm nói chuyện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Saudi Arabia xác nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã tử vong trong môt vụ ẩu đả tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Donald Trump, ông tin lời giải thích của Saudi Arabia, song vẫn cần biết “thi thể đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra”.
Thanh Tuấn
Theo Báo Tin tức
Quốc tế kêu gọi điều tra toàn diện và minh bạch vụ nhà báo mất tích
Vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động thế giới và phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của Saudi Arabia.
Dù Saudi Arabia ngày 20/10 lên tiếng thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã bị chết ngay trong lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, song vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chính phủ một loạt nước, trong đó có Đức, Anh, Pháp, cùng Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Quốc tế kêu gọi điều tra toàn diện và minh bạch vụ nhà báo mất tích. Ảnh: Washington Post
Cùng ngày, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng phạm vi tìm kiếm thi thể nhà báo Jamal Khashoggi tới khu rừng lớn gần thành phố Istanbul, trong khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ "tiết lộ" tất cả mọi thứ về số phận của nhà báo Khashoggi.
Trước đó, cùng ngày trong một thông cáo, văn phòng công tố Saudi Arabia khẳng định, ông Jamal Khashoggi đã có cuộc tranh cãi với một số người tại lãnh sự quán, và cuộc tranh cãi đã biến thành ẩu đả, khiến ông này thiệt mạng. Saudi Arabia cho biết, đã điều tra vụ việc và bắt giữ 18 công dân nước này. Saudi Arabia cũng thông báo sa thải hai quan chức tình báo hàng đầu liên quan tới vụ việc, cũng là hai trợ lý thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, những thông tin mà nước này đưa ra không hề đề cập tới vị trí, cũng như cho phép xác định vị trí thi thể của nhà báo Khashoggi. Đây là lần đầu tiên Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo này, vụ việc đã làm lung lay mối quan hệ của Saudi Arabia với phương Tây.
Phản ứng trước những thông tin mà Saudi Arabia đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "không thỏa mãn". Theo Tổng thống Trump, việc chính quyền Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết là bước quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có câu trả lời rõ hơn về vấn đề này. Dù bác bỏ thông tin sẽ dừng các hợp đồng mua bán vũ khí với Saudi Arabia, song người đứng đầu nước Mỹ cũng đề cập tới khả năng trừng phạt nước này.
"Cùng với con số 450 tỷ USD giá trị đầu tư, với 110 tỷ USD hợp đồng quân sự từ phía Saudi Arabia, sẽ là hơn 1 triệu việc làm. Sẽ không hữu ích khi chúng ta hủy bỏ các hợp đồng đó. Điều này gây tổn hại cho nước Mỹ hơn là Saudi Arabia. Không có các trang thiết bị quân sự của Mỹ, họ có thể đến Trung Quốc và Nga hay những nước khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều khác có thể được thực hiện bao gồm các biện pháp trừng phạt", Tổng thống Trump cho biết.
Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, những lời giải thích của Saudi Arabia là không đủ và theo bà Merkel, lý do thực sự đằng sau cái chết của nhà báo Khashoggi cần phải được làm sáng tỏ: "Liên quan tới Saudi Arabia, vụ mất tích của nhà báo Khashoggi là một sự kiện kinh hoàng. Vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ và chúng tôi yêu cầu có những lời giải thích rõ ràng".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini thì yêu cầu một cuộc điều tra "sâu rộng, đáng tin cậy và minh bạch" về "cái chết cực kỳ đáng lo ngại này". Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cho rằng, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải, trong khi Bộ Ngoại giao Anh kêu gọi, những người chịu trách nhiệm về hành vi kinh khủng này phải bị xét xử.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20/10 cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc sau thông báo của Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cuộc điều tra nhanh chóng, sâu rộng và minh bạch về bối cảnh vụ việc.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia cùng ngày cũng thông báo, Tòa án nước này sẽ thụ lý vụ nhà báo Khashoggi, bởi vụ việc xảy ra tại Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul - phần lãnh thổ chủ quyền của Saudi Arabia.
Vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động thế giới và phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của Saudi Arabia. Nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng các hoạt động tại nước này, trong khi một số sự kiện quan trọng được tổ chức tại Saudi Arabia cũng vắng bóng các nhà lãnh đạo phương Tây. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, một cuộc điều tra sâu sắc, nhanh chóng và minh bạch sẽ giúp lấy lại hình ảnh của nước này./.
Thu Hoài
Theo VOV1 Tổng hợp
Liên minh châu Âu duy trì cam kết đối với bản thỏa thuận hạt nhân Iran Ngày 27/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) duy trì cam kết đối với bản thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới chừng nào chính quyền Tehran còn tuân thủ đầy đủ bản thỏa thuận này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. (Ảnh: AFP) Phát biểu trước phiên họp của...