Anh nông dân tỉnh Bắc Giang suýt phá sản lại bất ngờ khá giả bởi ép lạc ra thứ dầu thơm ngon, béo ngậy
Cách đây khoảng 3 năm, anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1986, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) quyết định chuyển sang công việc ép dầu lạc.
Nhờ ép ra thứ dầu lạc thơm ngon, béo ngậy này, anh Thắng không những khá giả hẳn, mà còn bao tiêu đầu ra giúp bà con trong vùng.
Cơ duyên đến với việc ép dầu lạc
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xứ Nghệ, anh Nguyễn Văn Thắng sớm thấu hiểu cuộc sống nghèo khó của bà con ở mảnh đất miền Trung nắng gió. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thắng quyết định ra Bắc thành gia lập nghiệp.
Tuy nhiên, dù làm nhiều công việc, anh đều gặp thất bại, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Khoảng 3 năm trở lại đây, anh tìm ra hướng đi phù hợp và hiệu quả, đó là ép dầu lạc.
Anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) khá giả nhờ ép dầu lạc
Anh Thắng cho biết, khi còn nhỏ, anh đã chứng kiến bà con ở quê ép dầu lạc để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình. Do vậy, sau nhiều lần thất bại trong công việc, anh đã nghĩ đến việc ép dầu từ lạc để cung cấp ra thị trường.
Mặt khác, việc ép dầu lạc còn giúp bà con trong vùng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết vấn đề đầu ra cho các hộ trồng lạc, tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Anh Thắng, xã Đồng Lạc, (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ về cơ duyên đến với công việc ép dầu lạc
“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến việc làm dịch vụ nên mua máy móc thiết bị quy mô nhỏ. Sau đó, số lượng người đến ép dầu ngày càng nhiều nên tôi dần đầu tư máy móc hiện đại để làm”, anh Thắng chia sẻ.
Khi công việc kinh doanh hộ gia đình phát triển và mang lại nguồn lợi nhuận ổn định, cuối năm 2019, anh thành lập HTX nông nghiệp Quang Duy. Hiện nay, HTX vừa ép dầu bán ra thị trường, vừa làm dịch vụ cho bà con với trung bình 30 – 50 tấn nguyên liệu mỗi năm.
Để ép dầu lạc, HTX nông nghiệp Quang Duy (xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) thu mua của bà con khoảng 8 – 10 tấn lạc vỏ/vụ
Theo anh Thắng, để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, HTX hiện đang liên kết với 25 hộ dân trong vùng thực hiện cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng thu mua khoảng 65 tấn lạc/năm từ các đại lý trên địa bàn huyện Tân Yên.
Trung bình mỗi năm, HTX ép được khoảng 3.000 lít dầu các loại, trong đó chủ yếu là dầu lạc với giá bán 100.000 đồng/lít. Ngoài ép dầu lạc và một số loại hạt, HTX còn nghiền bột nghệ và bột sắn dây cho bà con trong vùng.
Nhờ ép dầu lạc, đến nay, kinh tế của gia đình anh đã trở nên khá giả. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 700 triệu đồng.
Theo anh Thắng, xã Đồng Lạc, (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) 1kg lạc nhân sẽ ép ra 1 lít dầu lạc.
Video đang HOT
Mỗi năm, HTX nông nghiệp Quang Duy (xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) sản xuất được khoảng 3.000 lít dầu các loại, trong đó chủ yếu là dầu lạc.
Để dầu lạc thơm ngon
Anh Thắng cho biết, quy trình ép dầu lạc tương đối khắt khe. Lạc phải được phơi thật khô, bóc vỏ, loại bỏ các hạt kém chất lượng rồi cho vào rang. Trong quá trình rang lạc, phải giám sát liên tục, đảm bảo lạc chín tới 85 – 90% là cho ra để ép.
Theo kinh nghiệm của anh Thắng, nếu rang lạc chưa kỹ, dầu lạc sau khi ép sẽ có mùi tanh. Nếu rang lạc chín tới, kỹ, ép vừa được dầu vừa rất nhàn. Do đó, chất lượng dầu lạc của HTX được đánh giá là thơm hơn các loại dầu sản xuất ở cơ sở khác do rang lạc kỹ trước khi ép dầu.
Trước khi ép dầu lạc, phải phơi lạc thật khô, lựa chọn kỹ càng.
Lạc phải được rang chín tới 85 – 90% thì dầu lạc khi ép ra mới thơm…
Trong quá trình ép dầu lạc cần chú ý, nếu khô dầu chưa khô kiệt, phải đảo để ép lại, đảm bảo độ kiệt của lạc tới 95 – 98% rồi mới mang đi lọc. Khi lọc, nếu để không khí vào nhiều sẽ dẫn đến tăng áp suất dầu chảy xuống nên không sạch hết cặn.
Sau khi ép khoảng 10-25 phút, phải lọc lại lần nữa do dầu lạc mới ép thường có cặn.
Phải đảm bảo độ kiệt của lạc tới 95 – 98% rồi mới mang đi lọc.
Dầu lạc được sản xuất tại HTX là dầu nguyên chất, không có chất bảo quản nên hoàn toàn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến nay, các sản phẩm của HTX đều đã có tem nhãn, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Trong năm 2020 này, sản phẩm dầu lạc đã được HTX mang đi dự thi OCOP và đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện.
Dầu lạc nguyên chất, không có chất bảo quản.
Dầu lạc của HTX nông nghiệp Quang Duy (xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) sau khi ép được đóng trong chai có gắn nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
Thông thường, có khoảng 5 – 6 lao động làm việc tại HTX. Trong đó, lao động chính tại HTX có mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ tại xưởng được trả 250.000 đồng/người/ngày, lao động làm dịch vụ bên ngoài được trả 350.000 đồng/người/ngày.
Bên cạnh việc sản xuất tại xưởng, HTX còn chuyển giao công nghệ cho 200 đại lý ở tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Ninh… Hiện nay, dầu lạc của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, được người tiêu dùng tin tưởng.
“Trong thời gian tới, HTX dự định đưa dầu lạc vào một số siêu thị và đưa lên sàn giao dịch điện tử. Tôi mong sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp sạch và giá trị dinh dưỡng cao nhất, giá thành bình ổn nhất trên thị trường,” anh Thắng nói.
Bắc Giang: Vác con cá trắm đen "siêu to khổng lồ", dân câu gọi là "vua cá"
Đó là biệt danh do các "cần thủ" đặt cho anh Trương Viết Chiến (sinh năm 1979) - chủ trại nuôi cá lồng trên lòng hồ Ngạc Hai, xã Xuân Lương (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Với anh Chiến, ngoài đam mê nuôi cá lồng, anh còn muốn xây dựng hồ Ngạc Hai trở thành điểm thu hút khách tham quan.
"Đánh thức" nguồn lợi thủy sản trên hồ Ngạc Hai
Tôi và anh Chiến quen nhau nhờ có con học chung một lớp. Dù vậy cũng chỉ "gặp" anh trên facebook chứ ít khi thấy ngoài đời. Trên trang cá nhân, anh thường đăng ảnh các "cần thủ" câu cá ở hồ Ngạc Hai- nơi anh đang sở hữu trại nuôi cá lồng quy mô đầu tư hàng tỷ đồng.
Anh Trương Viết Chiến đang vác một con cá trắm đen bên hồ Ngạc Hai.
Hồ Ngạc Hai cách TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) gần 50 km, hồ rộng 54ha, được bao bọc bởi những ngọn núi thấp với bạt ngàn rừng bạch đàn, keo lai và dùng phấn.
Không gian nơi đây trong lành với tiếng chim hót, mây trời, bóng cây soi trên mặt nước, tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình. Cạnh đập nước, khu nuôi cá của anh Chiến nổi trên mặt hồ với các ô chuồng, nhà ở, tháp canh chắc chắn, quy mô lớn.
Anh Chiến và người làm công ở đây đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Đưa chúng tôi thăm một vòng các chuồng nuôi cá, anh giới thiệu, toàn bộ khu chăn thả cá có 65 chuồng nuôi. Diện tích mỗi chuồng nuôi cá rộng 36m2, bọc lưới sâu 4m có thể thả từ 1 đến 1,5 vạn cá giống (tùy loại).
Trên bờ hồ là nhà kho và dãy bể xi măng lớn với hệ thống dẫn nước đồng bộ mới được xây dựng. Anh Chiến khoe mới "ném" thêm hơn 3,3 tỷ đồng mở rộng trại nuôi cá. Dự kiến cuối năm sẽ cho cá chuối hoa sinh sản tại đây để không phải nhập giống từ Trung Quốc nữa.
Nói rồi anh ra hiệu cho người làm vớt lên một con cá lăng lớn. Vuốt nhẹ thân cá, anh chia sẻ, trại chỉ nuôi 2 loại chính là cá lăng và chuối hoa. Cá lăng thịt thương phẩm nặng từ 3-3,5kg (sau từ 9 đến 11 tháng nuôi). Còn cá chuối hoa thịt thương phẩm đạt từ 0,7-0,8kg/con (sau 7 đến 9 tháng nuôi).
Thịt hai loại cá này rất thơm ngon nên tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu. Với giá cả hiện tại, trừ chi phí, cả hai loại cá lăng và cá chuối hoa người nuôi thu lãi từ 25 đến 30 nghìn đồng mỗi ki lô gam trở lên. Nếu cá lăng nặng trên 6kg có giá bán hơn 350 nghìn đồng mỗi ki lô gam, lãi rất cao.
Một góc khu nuôi cá lồng của anh Trương Viết Chiến trên hồ Ngạc Hai, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Vừa đưa khách tham quan, anh Chiến vừa nhắc công nhân quan sát kỹ các chuồng cá xem có xuất hiện váng nước hay cá chết không. Theo anh, nếu có các hiện tượng trên là cá đã bị nhiễm bệnh, phải vớt lên các bể trên bờ chữa trị, tránh lây lan.
Anh cho biết, hồ Ngạc Hai rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng với các dòng cá đặc sản như cá lăng, chuối hoa và cá chình vì ở đây mực nước sâu, nhiệt độ ổn định lại không lo ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu sau khi ăn no mà có người đi lại trên mặt chuồng, cá sẽ bị khuấy động, dễ xảy ra xuất huyết đường ruột rồi chết.
Để bảo đảm cá phát triển tốt, anh thuê 3 công nhân chăm sóc cá. Thời điểm cho cá ăn, khẩu phần cám, sử dụng thuốc phòng, chữa bệnh được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình an toàn dịch bệnh.
Mặc dù gia đình sống tại thành phố Bắc Giang nhưng tuần nào anh Chiến cũng lên trại nuôi cá lồng vài lần để thăm nom. Ngoài ra, anh còn giám sát các chuồng nuôi cá qua hệ thống camera, bảo đảm sản xuất an toàn.
"Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng lên 85 chuồng nuôi và mở một xưởng sản xuất thức ăn phục vụ riêng cho trại cá. Đó là bước đệm để triển khai chế biến cá chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường"
Để chăn nuôi tốt 2 loại cá đặc sản của mình, điều gì là quan trọng nhất? - một vị khách hỏi, anh Chiến bộc bạch: "Điều tiên quyết là người nuôi cá phải hiểu nguồn nước, điều tiết và xử lý nước hợp lý; đồng thời nắm chắc kỹ thuật nuôi cá, sau đó mới đến cá giống, thức ăn cho cá và cách sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho cá".
Được chăm sóc bài bản nên đàn cá ở đây tỷ lệ hao hụt rất thấp, chưa đến 7%, trong khi nuôi cá trong lồng ở sông và biển tỷ lệ hao hụt lên tới 30%. "Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng lên 85 chuồng nuôi và mở một xưởng sản xuất thức ăn phục vụ riêng cho trại. Đó là bước đệm để triển khai chế biến cá chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường", anh Chiến nói.
Tháng 3 vừa rồi anh đã thành lập Hợp tác xã để có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện ý tưởng của mình.
Thành quả sau gian khó
Được biết, để có thành quả như hiện nay, anh Chiến đã trải qua không ít gian truân. Nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang, là con thứ trong gia đình có năm anh chị em, cha mẹ từng làm nghề buôn bán nên từ nhỏ anh đã học được cách bươn trải, vươn lên trong cuộc sống.
Tốt nghiệp nghề điện lạnh sau 3 năm đào tạo nhưng không xin được việc làm, cuối năm 2001, anh sang Liên bang Nga cùng anh trai buôn bán. Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với thương nhân Trung Quốc và người bản địa nên anh đã tự học tiếng Nga và tiếng Trung để giao tiếp.
Trại nuôi cá lăng của anh Trương Viết Chiến trên hồ Ngạc Hai, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Sau này, vốn tiếng Trung đã giúp anh thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc, đưa nhiều giống cá tầm, chuối hoa... về phân phối cho các cơ sở nuôi trong nước. Năm 2005, anh xây dựng gia đình.
Sau nhiều năm lăn lộn, kiếm được lưng vốn khá, đầu năm 2011, anh cùng vợ trở về Việt Nam sinh sống để có nhiều thời gian nuôi dạy con và lập nghiệp.
Anh Chiến tâm sự: "Từ năm 2013 đến đầu năm 2016 tôi đầu tư gần 40 tỷ đồng vào một số ngành nghề như: Mở xưởng, thành lập công ty chế biến gỗ; buôn, nuôi cá chuối hoa... Tuy nhiên do không có kinh nghiệm quản lý, lại bị bạn hàng lừa gạt nên thua lỗ gần 20 tỷ đồng...".
Cùng với sự động viên của người thân, nhằm sốc lại tinh thần, thời gian này anh thường cùng bạn đi câu cá để dưỡng tâm, tìm hướng kinh doanh mới. Trong những ngày đó anh đã đến hồ Ngạc Hai. Tại đây, anh nảy ra ý tưởng và thuê khoán lại hồ để nuôi cá, đồng thời xây dựng thành khu sinh thái câu cá giải trí.
"Cái rủi cứ theo đuổi tôi mãi anh ạ!", anh Chiến cười buồn nhớ lại. Một trong những thất bại của anh là khi xuống giống 10 chuồng cá đầu tiên tại hồ Ngạc Hai (năm 2015). Chỉ chưa đầy chục ngày, 15 vạn cá chuối hoa (trị giá 128 triệu đồng) đã trở thành mồi cho cá lớn trong hồ với một lý do rất ngớ ngẩn là cá giống nhỏ hơn mắt lưới.
Trương Viết Chiến
Chứng kiến cảnh này, người bạn góp vốn cùng đã lăn ra ốm và bỏ cuộc. Sau đận ấy, anh xuống Hà Nội, Hải Dương tham quan, học tập kỹ thuật từ các mô hình nuôi cá tương tự. Một tháng sau anh tiếp tục đầu tư 120 triệu đồng thả cá giống, đồng thời thuê 2 chuyên gia Đài Loan về hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng (từ năm 2015 đến 2018, mỗi năm 3 tháng vào thời điểm chuẩn bị ao, chuồng nuôi trước khi thả cá giống).
Nhờ đó, năm 2016 anh Chiến thu về 20 tấn cá, lãi gần 300 triệu đồng.
Có kinh nghiệm nuôi cá, trong hai năm tiếp theo, anh đầu tư nâng từ 10 lên 65 chuồng nuôi cá. Nhờ đầu tư đúng hướng, năm ngoái anh thu 80 tấn cá lăng và 70 tấn cá chuối hoa, trừ chi phí, mỗi năm lãi từ 1,1 đến hơn 5 tỷ đồng.
Dự kiến năm nay anh Chiến sẽ thu 250 tấn cá các loại... Thành công đến, người nuôi cá từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ...đã tìm đến để tìm hiểu, thăm quan, học hỏi. Bạn hàng được mở rộng.
Một số hộ tại Sông Công (Thái Nguyên) còn được anh hướng dẫn, đầu tư con giống, tận dụng các chuồng lợn bỏ không (do dịch tả lợn châu Phi) chuyển sang nuôi cá chuối hoa, thu lãi cao.
Ngoài ra, anh còn chung vốn đầu tư nuôi cá Tầm ở hồ Cấm Sơn và mở một trại ấp nở cá chuối hoa tại xã Xuân Phú (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)...
Anh Chiến đưa chúng tôi lên xuồng khám phá hồ Ngạc Hai. Những dải hoa rừng đủ sắc màu buông xuống từ những ngọn dùng phấn soi mình trên làn nước. Anh cho biết, những ngày đẹp trời, người câu cho cả gia đình lên hồ cắm trại qua đêm.
Khi ai đó câu được cá lớn là cả hồ xao động trong tiếng nói cười sảng khoái. Để tạo cảnh quan, anh cho nhân công vệ sinh, trồng hoa các lối đi ven hồ...
Buổi trưa chúng tôi cùng dùng bữa tại trại nuôi cá lồng. Có lẽ không gì thú hơn khi được thưởng thức cá ngay tại trang trại giữa hồ, nơi thiên nhiên, con người như hòa quyện.
Chia tay ông chủ trẻ giữa khung cảnh mây nước Ngạc Hai huyền ảo, chúc anh sẽ thành công với những dự tính, ước vọng của mình, trở thành "vua cá" không chỉ ở hồ Ngạc Hai.
Thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân tại các tỉnh, thành không có biên giới với Campuchia Sáng 21/11, tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang , Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức "Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng tổ chức và hoạt động hội ở các tỉnh, thành phố không...