Anh nói chính phủ Nga có thể liên quan vụ Navalny
Ngoại trưởng Anh đặt câu hỏi về sự liên quan của chính phủ Nga với vụ lãnh đạo phe đối lập Navalny nghi “bị đầu độc bằng Novichok”.
“Khi trả lời câu hỏi về nguyên nhân, rất khó đưa ra lời giải thích hợp lý nào khác về việc ai là người đứng sau sự việc ngoài nhà nước Nga, đơn giản vì Novichok là chất rất khó tiếp cận và kiểm soát”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói với Sky News hôm 6/9, đề cập đến vụ lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bị ốm nặng.
Ngoại trưởng Raab cho rằng “rõ ràng” Navalny đã bị đầu độc bằng Novichok, loại chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô và được cho là từng được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018.
Đức, nơi đang điều trị cho Navalny, trước đó cũng khẳng định có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy chất độc này trong cơ thể lãnh đạo đối lập Nga.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gọi tuyên bố của Đức là “thiếu căn cứ”. Các bác sĩ Nga cho biết thêm họ không tìm thấy dấu vết nào của chất độc trong cơ thể Navalny, thêm rằng tình trạng của ông là do giảm đột ngột lượng glucose trong máu vì mất cân bằng trao đổi chất.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại số 10 phố Downing, London, hôm 2/9. Ảnh: AFP.
“Điều rõ ràng hiện nay là chính phủ Nga có rất nhiều câu hỏi nghiêm túc cần phải trả lời”, Raab nói.
Ngoại trưởng Anh đã nói chuyện với người đồng cấp Đức Heiko Mass và tuyên bố sẽ làm việc với Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) để thúc đẩy Nga tìm câu trả lời về vụ Navalny. Raab nói cuộc điều tra sẽ xác định liệu có yếu tố nhà nước trong sự việc hay không, thêm rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là hành vi “ghê tởm” và “ xã hội đen”.
Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về tuyên bố này của Ngoại trưởng Anh.
Quan hệ Anh – Nga trở nên căng thẳng từ khi tình báo Nga bị cáo buộc sử dụng chất độc Novichok để ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ở Anh năm 2018, song Moskva bác mọi cáo buộc.
London hồi đầu năm tiếp tục tố tin tặc có liên hệ với Nga cố đánh cắp nghiên cứu vaccine Covid-19 từ các phòng thí nghiệm của Anh, Mỹ và Canada, đồng thời cố can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử ở nước này năm ngoái.
Navalny, 44 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, buộc máy bay chở ông phải hạ cánh khẩn. Trợ lý của Navalny cho rằng ông bị đầu độc khi uống trà tại quán cà phê ở sân bay Tomsk, Siberia, trước khi lên máy bay.
Điện Kremlin nhiều lần bác mọi cáo buộc liên quan tới vụ Navalny, khẳng định không lý do gì để đổ lỗi hay trừng phạt Nga. Moskva cũng hy vọng vấn đề này không hủy hoại tới quan hệ của họ với phương Tây.
Anh 'không chấp nhận' kết quả bầu cử tổng thống Belarus
Ngoại trưởng Anh nói nước này không công nhận kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus khi Lukashenko tái đắc cử và kêu gọi mở điều tra.
"Thế giới đã theo dõi cách chính quyền Belarus dùng bạo lực trấn áp các cuộc biểu tình hôn hòa sau cuộc bầu cử tổng thống 'gian lận' này. Anh không chấp nhận kết quả đó", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố hôm 17/8.
Ông Raab cảnh báo Anh sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để trừng phạt những người chịu trách nhiệm và buộc giới chức Belarus phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
"Chúng ta cần tiến hành gấp một cuộc điều tra độc lập thông qua Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đối với các sai sót khiến cuộc bầu cử diễn ra không công bằng, cũng như hành động đàn áp sau đó", Ngoại trưởng Anh nói.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh được đưa ra khi làn sóng biểu tình bùng phát ở Belarus từ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hôm 9/8. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến ít nhất hai người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại phố Downing hôm 13/4. Ảnh: Reuters.
Phe đối lập cáo buộc kết quả bầu cử có nhiều gian lận, song Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã cầm quyền 26 năm, bác bỏ, viện dẫn kết quả chính thức cho thấy ông giành trên 80% phiếu bầu.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawieck hôm 10/8 cũng cáo buộc giới chức Belarus đã "sử dụng vũ lực với người dân" và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị khẩn cấp về tình hình ở nước này.
Trong khi đó, Nga hôm 16/8 ra tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Belarus trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko vẫn tiếp tục diễn ra. Nga cho rằng "sức ép từ bên ngoài" đang gây ra tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình chống Lukashenko, song không nêu rõ những sức ép đó đến từ đâu.
Tổng thống Lukashenko, 65 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Belarus từ năm 1994. Ông Lukashenko hồi cuối tháng 7 thông báo nhiễm nCoV nhưng không xuất hiện triệu chứng và đã hồi phục. Lukashenko từng gọi Covid-19 là "bệnh tâm thần" hàng loạt và khuyến nghị công dân nên sử dụng phòng tắm hơi truyền thống hoặc uống vodka "để đầu độc virus".
Hong Kong chỉ trích Anh 'tiêu chuẩn kép' Hong Kong chỉ trích Anh "tiêu chuẩn kép", "can thiệp nội bộ" Trung Quốc và vi phạm luật quốc tế sau khi dừng hiệp ước dẫn độ với đặc khu. "Việc Anh đơn phương đình chỉ thỏa thuận giao nộp những kẻ phạm tội trốn chạy với Hong Kong vì mục đích chính trị, lấy việc Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ...