Ảnh: Lên Sín Chải ngắm loài cây “bất tử”
Ở vùng núi đá xã Sín Chải ( huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, có hàng nghìn cây chè shan tuyết cổ thụ đang bén rễ. Đồng bào Mông nơi đây gọi đó là loài cây “bất tử” bởi chúng có độ tuổi lên đến hàng trăm năm và sinh sống được ở một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như Sín Chải.
Hiện, xã Sín Chải có hơn 3.000 cây chè shan tuyết cổ thụ, đang được bà con đồng bào Mông ở đây bảo vệ và chăm sóc. Theo người dân xã Sín Chải, mùa đông ở vùng núi đá này có khí hậu rất khắc nghiệt khiến cây chè bị tuyết trắng bao phủ nhưng chúng vẫn chống chọi được và vươn mình đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân.
Những rừng chè shan tuyết cành lá sum sê, cao cả chục mét, muốn hái được những búp chè tươi ngon về uống, bà con người Mông phải vác thang, đeo gùi trèo lên tận ngọn.
Những gốc chè shan tuyết có độ tuổi hàng trăm năm, thân cành trắng mốc, phủ đầy rêu phong tạo thành những hình thù uốn lượn xù xì phải cần từ 2 -3 người lớn ôm mới xuể.
Sở dĩ những cây chè ở đây được gọi là chè shan tuyết vì những búp chè sau khi thu hái, bên ngoài phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi nó là chè tuyết.
Video đang HOT
Trò chuyện với chúng tôi, lão nông Hạng A Chứ, thôn Hấu Chua, xã Sín Chải, người đang sở hữu số lượng chè shan tuyết nhiều nhất ở Sín Chải, phấn khởi: Mấy năm trở lại đây, những cây chè này đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình nên bà con gọi đó là những cái máy “in” tiền. Cây này sức sống rất khỏe, không cần phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, cứ đến tháng 3 hàng năm là thu hái bán lấy tiền thôi. Đấy các anh xem, tất cả mọi thứ trong gia đình này từ cái ăn, cái mặc, nhà cửa… đều nhờ nó cả đấy (chè shan tuyết). Hàng năm, từ cây chè gia đình tôi thu 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thuê nhân công lãi khoảng 250 triệu đồng.
Nhờ đem lại nguồn thu lớn cho người dân Sín Chải, nên ngoài bảo vệ và chăm sóc những cây chè cổ thụ, bà con còn tích cực mở rộng diện tích để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thào A Nhè – Bí thư Đảng ủy xã Sín Chải, cho biết: Bước đầu, cây chè shan tuyết đã giúp chúng tôi giải quyết được bài toán xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục định hướng bà con phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để từng bước đưa cây chè trở thành cây chủ lực cho phát triển kinh tế ở cơ sở.
Theo danviet.vn
Món bánh Tết thơm ngon từ gạo của người Mông Nghệ An
Cứ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi những bông hoa đào đã bung cánh khoe sắc cũng là khoảng thời gian đồng bào Mông ở huyện vùng cao Nghệ An, cùng giúp nhau làm bánh "Mông" truyền thống để cúng ông bà tổ tiên.
Dù đã ăn cùng một Tết Nguyên đán như mọi dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, nhưng chiếc bánh truyền thống dâng lên ông bà tổ tiên ngày Tết của người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An không phải là bánh chưng, mà đó là "Dúa túa" có nghĩa là bánh đâm (Dúa dịch là bánh, túa là đâm) - một loại bánh được đâm nhuyễn từ cơm sôi đã hông chín, người dân tạm gọi là bánh "Mông".
Để làm được bánh "Mông", người dân phải chọn loại nếp mới, có màu trắng, dẻo, mới có hương vị thơm ngon. Gạo được ngâm với nước lạnh từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ, rồi vớt vào nồi hông chín.
Khi xôi chín thì đổ cả vào cối đâm thật nhuyễn. Cối dùng đâm bánh của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, nặng để khi đâm vững chắc hơn và khoét lõm xuống như máng cho lợn ăn; chầy giã bánh cũng được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chầy được rửa qua trong nước nhằm bôi trơn chống xôi bám dính. Công đoạn giã bánh là một công việc của đàn ông, khá nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những thanh niên khỏe mạnh.
Bánh được giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Bánh được gói bằng lá dong rừng sẽ đẹp, bền và thơm hơn.
Khi xôi đâm đã mịn thì công đoạn giã đã hoàn thành, lúc này việc gói bánh chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ.
Bánh "Dúa túa" là một trong 3 sính vật không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo quan niệm của người Mông, người sống có thể chịu đói chịu khát trong năm, nhưng ngày lễ, ngày Tết phải có thịt bò, thịt gà, rượu và thức bánh này dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Theo ông Xồng Nhìa Vừ, bản Buộc Mú xã Na Ngoi, Kỳ Sơn kể: Ngày xưa cuộc sống của người Mông thường phải lên nương rẫy sản xuất và vào rừng cả ngày để săn bắt thú rừng để làm thức ăn, do đó để xôi không bị ôi thiu, nhanh hỏng người dân đã sáng tạo ra loại bánh này để đưa đi rừng. Để lâu, chiếc bánh có thể mốc meo, nhưng khi ta cạo đi lớp ngoài, rồi nướng lên trên than hồng thì rất ngon. Ngày nay, bánh "Mông" không chỉ là loại bánh dùng để cúng ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về mà đã trở thành hàng hóa bán nhiều ở các chợ vùng cao, là món quà cho những du khách có dịp lên thăm miền núi.
Lữ Phú
Theo baonghean
Tết của người Mông: Cấm ăn cơm chan canh, tiêu tiền, thổi bếp lửa Vào dịp Tết truyền thống của đồng bào Mông ở xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), những việc như: Ăn cơm chan canh, thổi vào bếp lửa, tiêu tiền, sử dụng công cụ lao động... sẽ bị cấm đến hết ngày mồng 5 Tết. Có dịp theo chân những anh bạn người Mông lên xã vùng cao Co Mạ đón...