Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách hàng đến sàn giao dịch, quan tâm bất động sản giảm đến 70-90%
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình chung là các Sàn giao dịch vắng khách, các doanh nghiệp địa ốc dừng lại các kế hoạch, chờ diễn biến tiếp của dịch và đưa ra các phương án ứng phó.
Khảo sát tại một số sàn giao dịch, công ty BĐS trên địa bàn Tp.HCM cho thấy, lượng khách xem căn hộ, đất nền, nhà phố trong vòng 2 tuần trở lại đây giảm rõ nét. Ngoại trừ một số khu vực có lượng khách ổn định từ thời điểm trước Tết, nhưng nhìn chung cũng đã giảm do dịch bệnh đang có dấu hiệu lan diện rộng.
Theo CEO Đông Tây Land cho biết, trong tình hình này khách rất ngại gặp sales, càng ngại lên nhà mẫu xem dự án. Tuần trước nữa vẫn có khách nhưng khoảng hơn 1 tuần nay khách xem dự án đã giảm khoảng 70% và đang có dấu hiệu giảm nữa.
“Ngay cả các bạn sales cũng bị ảnh hưởng tinh thần vì dịch. Thời gian đầu của dịch còn siêng năng, giờ nhiều bạn sales không dám gặp khách. Công ty vẫn động viên sales phòng bệnh nhưng vẫn làm việc. Hiện tại công ty đang cho duy trì làm việc chia ca, 50% ở nhà, 50% đi làm xen kẽ nhau”, vị CEO này cho biết.
Tương tự, một Giám đốc sàn có trụ sở tại Q.1, Tp.HCM than thở: Dịch Covid -19 đã ảnh hưởng cực kì lớn đến hoạt động mua bán, giao dịch của sàn. Sales không hẹn được khách, quảng cáo sản phẩm ngưng hết. Bán BĐS ở tỉnh thì khách hàng không ra sân bay luôn. Vị này cho biết, hiện tại ác nhân viên sales làm việc cầm chừng, không dám chạy marketing, chủ yếu đăng tin chào khách cũ. Lượng khách xem dự án so với thời điểm chưa dịch giảm khoảng 80-90%.
Cùng hoàn cảnh, Giám đốc phụ trách một sàn giao dịch tại Q.Phú Nhuận, Tp.HCM (hiện đang bán dự án đất nền tỉnh) cho hay, giao dịch hiện tại giảm đến khoảng 90%, khách ngại dịch bệnh nên đi tham quan dự án ít hẳn. Có 10 khách giữ chỗ thì chuyển cọc được 1 khách. Giám đốc sàn này cho biết, đợt rồi mở bán tập trung nhưng lượng khách đến rất ít nên số lượng chuyển thành cọc giảm hẳn so với các đợt mở bán trước đó.
Hiện tại sales chủ yếu chào khách qua điện thoại, nhưng dường như khách hàng cũng không mấy quan tâm do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. “Thường thì khách hàng phải đi thăm dự án thì tỉ lệ chuyển cọc mới nhiều nhưng do dịch bệnh nên khách ngại, chỉ còn xuất hiện lượng khách lác đác, đi riêng lẻ. Nhưng những khách này cũng khá chất lượng, thường đi xem dự án thì tỉ lệ xuống tiền sẽ đạt tốt hơn “, vị Giám đốc này cho hay.
Video đang HOT
Khảo sát cho thấy, do dịch nên ở hầu hết các phân khúc BĐS đều bị ảnh hưởng, lượng khách đi xem dự án giảm rõ nét ở cả Tp.HCM và tỉnh lân cận. Theo một số sàn, nếu tình hình cứ đà này thì rất khó để nói trước điều gì. Hiện tại các công ty cũng đã đưa ra các phương án đối phó tạm thời, chờ diễn biến tiếp theo của dịch để quyết định kế hoạch.
Đại diện một Trưởng phòng kinh doanh của một công ty BĐS nhận định, với tình hình này sẽ khó cho phân khúc căn hộ cao cấp và đặc biệt là những dự án sắp bán mới. Giai đoạn này ai cũng tích trữ chứ không dám bung tiền đầu tư, chỉ có đối tượng khách cần mua ở giai đoạn này thì khác, đây là cơ hội để mua được giá tốt hơn. Họ vẫn tìm kiếm những chung cư sắp bàn giao để làm nơi an cư.
Tuy nhiên, tình hình chung là các giao dịch ở các phân khúc đang giảm, một số dự án không phát sinh giao dịch trong nhiều tuần, theo cách của các đại diện công ty cho biết, thì đây là thời điểm rất khó khăn đối với các sàn giao dịch.
Hạ Vy
Doanh nghiệp địa ốc vượt khó ra hàng
Dưới tác động của dịch bệnh, hai từ "ảm đạm" bao phủ thị trường khiến lượng giao dịch sụt giảm khoảng 70%, nhiều doanh nghiệp lao đao vì không bán được hàng, không ít sàn giao dịch buộc phải đóng cửa.
Tuy nhiên, việc nhà nước kiểm soát dịch tốt đã xóa bỏ tâm lý e ngại của chủ đầu tư, trong tháng 3 này nhiều doanh nghiệp đã quyết tâm "vượt khó" ra hàng.
Doanh nghiệp vượt khó ra hàng
Sôi động nhất có thể kể đến thị trường miền Nam. Chủ đầu tư Novaland đã mạnh tay triển khai và mở bán đợt tiếp theo dự án The Grand Manhattan với gần 1.000 sản phẩm.
Không chỉ thế, doanh nghiệp này cũng đồng thời triển khai, mở bán tiếp tục dự án Aqua City tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án bất động sản cao cấp với các loại hình sản phẩm chính là nhà phố, biệt thự ven sông, shophouse... trên diện tích 1.000 ha.
Công ty cổ phần PropertyX (thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp) cũng vừa phát đi thông báo sẽ cho "lên kệ" 2.000 sản phẩm căn hộ chung cư tại làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Đồng thời, công ty này cũng mở bán giai đoạn 2 dự án Biên Hòa New City tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Tương tự, Tập đoàn An Gia vừa ra mắt dự án Westgate với tổ hợp 2.000 căn hộ từ 2 - 3 phòng ngủ. Tập đoàn Vạn Phúc thông báo sẽ mở bán khoảng 100 căn nhà phố tại dự án Van Phuc City, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Công ty cổ phần DKRA Vietnam cũng cho biết, sẽ bán dự án căn hộ chung cư mang tên City Grand cao 25 tầng, với tổng số 666 căn hộ tại quận 2, TP.HCM.
Tại Hà Nội, khu vực phía Tây cũng sẽ đón chào một số dự án mới "lên sàn" như Imperia Smart City với quy mô 5 tòa tháp căn hộ cao tầng sẽ ra mắt trong tháng này. Hay 427 căn nhà ở xã hội tại 2 lô đất HH-01 và HH-02 thuộc Khu chức năng đô thị Đại Mỗ cũng vừa tiếp nhận hồ sơ.
Tại miền Trung, dự án Khu đô thị trung tâm hành chính Điện Thắng Trung - Phân khu Diamond City (tỉnh Quảng Nam) và dự án De 1st Quantum (Huế) cũng vừa được giới thiệu ra thị trường.
Bà Nguyễn Phương Anh - Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Meyland) tiết lộ, doanh nghiệp vừa ra mắt dự án đô thị đảo mang tên Meyhomes Capital Phú Quốc. Hiện doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác.
Trong Nguy có Cơ
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - TGĐ Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZLand) cho rằng, đợt dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản, hàng loạt sàn môi giới bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm, khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn đang mong chờ những dự án đáng để xuống tiền.
Theo ông Toản, việc các doanh nghiệp mở bán các sản phẩm mới là đúng đắn, bởi lẽ công việc vẫn phải vận hành, các kế hoạch vẫn phải triển khai, đặc biệt là việc bán hàng để tạo dòng tiền. Có chăng chỉ cần thay đổi về phương pháp, thay vì tổ chức sự kiện rầm rộ thì có thể thực hiện theo các cách khác, trong đó bán hàng online, bán hàng qua đại lý vẫn đảm bảo hiệu quả nếu như sản phẩm bán phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Đây là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp cận đến những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu làm không tốt thì dự án sẽ khó khăn cho những đợt mở bán sau.
"Thời gian tới đây sẽ là giai đoạn có sự thanh lọc khá lớn trên thị trường bất động sản, một số đơn vị sử dụng vốn vay lớn, đầu tư dở dang hoặc đầu tư tại những khu vực có vị trí không thuận lợi sẽ rất khó khăn" - ông Toản nhận định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Anh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho rằng thị trường bất động sản đang trong quá trình thanh lọc mạnh mẽ, việc thắt chặt tín dụng cho bất động sản khiến các doanh nghiệp không có thực lực gặp khó khăn, nhưng đây lại là thời điểm để các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tài chính, với các dự án đầy đủ pháp lý khẳng định mình.
Các chuyên gia lo ngại, nếu dịch bệnh kéo dài tới hết quý 2/2020 thì chắc chắn suy thoái và khủng hoảng kinh tế là không tránh khỏi, khi đó nhiều ông lớn bất động sản có thể sẽ sụp đổ, các doanh nghiệp có kém tiềm lực và đã khủng hoảng từ trước sẽ chịu "cú đấm bồi" của dịch bệnh sẽ choáng váng hơn bao giờ hết.
Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có những bước đi cẩn trọng, đúng đắn để trở thành điểm sáng, lội ngược dòng trước các dự báo bi quan của thị trường.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: QCG, YEG và SHB là tâm điểm QCG tăng đến gần 40% chỉ sau một tuần giao dịch. Sàn UPCoM có đến 2 cổ phiếu tăng giá trên 90% là STV và HKP. Thị trường có diễn biến hồi phục nhẹ trong tuần từ 2-6/3 nhưng sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn diễn ra rõ nét. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 891,44...