Anh dự kiến miễn cách ly tại khách sạn thêm cho nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ mở cửa cho nhiều quốc gia hơn nữa với việc miễn cách ly tại khách sạn do chính phủ quy định vào cuối tuần này.
Người dân di chuyển trên đường phố tại London, Anh, ngày 12/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Sunday Telegraph, số nước nằm trong “danh sách đỏ” của Vương quốc Anh sẽ giảm từ 54 nước xuống còn 9 nước.
Tờ báo cho biết, kể từ cuối tháng 10/2021, những người tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Brazil, Mexico và Indonesia, sẽ không còn phải cách ly tại khách sạn do chính phủ chỉ định trong vòng 10 ngày khi họ đến Anh.
Những thay đổi trên dự kiến công bố vào tuần sau, và có thể dẫn đến lượng đặt phòng tăng cao, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các công ty hàng không và du lịch, vốn gần như ngừng hoạt động trong đại dịch.
Anh hiện áp dụng chính sách cách ly tại khách sạn đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ COVID-19 cao. Chi phí cách ly này lên tới khoảng 2.285 bảng Anh (3.095 USD)/người lớn, và yếu tố đó đã cản trở hoạt động du lịch toàn cầu.
Anh có kế hoạch nới lỏng các quy định về đi lại từ ngày 4/10 với việc loại khỏi “danh sách vàng” đối với những nước có nguy cơ dịch bệnh trung bình, đồng thời không yêu cầu những hành khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến từ những quốc gia không nằm trong “danh sách đỏ” cần phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi đến “xứ sở sương mù”.
Chính phủ Anh cho biết thêm rằng kể từ cuối tháng 10, khách quốc tế đến nước này sẽ không còn phải làm xét nghiệm PCR hai ngày sau khi đến, thay vào đó họ có thể lựa chọn phương thức xét nghiệm khác có chi phí thấp hơn.
Trung Quốc cân não giữa "vạn lý trường thành" chống dịch và mở cửa kinh tế
Dù đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc vẫn dè dặt với kế hoạch tái mở cửa kinh tế khi thế giới vẫn vật lộn với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Video đang HOT
Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).
Chưa thể bỏ "vạn lý trường thành" chống dịch
Khi tỉnh Phúc Kiến hồi cuối tháng 4 thông báo sẽ giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách Đài Loan từ 14 ngày xuống 2 ngày, giới chức Trung Quốc hy vọng đây có thể là hình mẫu để tiến tới mở cửa kinh tế giữa đại dịch. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, chính quyền Phúc Kiến phải từ bỏ kế hoạch này. Các ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng ở Đài Loan bùng phát sau nhiều tháng yên ả buộc Phúc Kiến phải tạm gác lại kế hoạch mở cửa. Điều này phần nào phản ánh thách thức với Trung Quốc khi có ý định mở cửa biên giới.
Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Trung Quốc đã dựng lên "vạn lý trường thành" chống dịch nhằm ngăn các ca lây nhiễm từ bên ngoài. Trung Quốc chỉ cho phép nhập cảnh vì công việc và người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 nhiều lần âm tính, phải cách ly bắt buộc từ 14 đến 21 ngày. Mục đích là nhằm ngăn các ca nhiễm ngoài cộng đồng trong khi giới chức đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trong nước để đạt miễn dịch cộng đồng.
Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số (khoảng 560 triệu dân) trước cuối tháng 6 và tiếp theo là ít nhất 70% đến 80% dân số vào cuối năm nay. Tính đến ngày 4/7, Trung Quốc đã tiêm hơn 1,3 tỷ liều vắc xin cho người dân.
Ông Feng Zijian, cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tháng trước phát biểu tại một hội thảo y tế rằng, liệu Trung Quốc có thể khôi phục trạng thái "bình thường" hay không phụ thuộc vào tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Theo các nguồn tin ngoại giao, điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn phải duy trì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ở biên giới ít nhất trong tương lai gần, kể cả khi Trung Quốc dự kiến đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 năm sau.
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc chưa thể sớm mở cửa biên giới khi đại dịch vẫn hoành hành nhiều nơi trên thế giới, kế hoạch đăng cai Thế vận hội Mùa đông cũng chỉ là có thể. Mở cửa biên giới không chỉ đơn giản là liệu Trung Quốc đã đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa mà còn là tình hình Covid-19 ở các nước khác như thế nào", một nhà ngoại giao châu Á nhận định.
Mở cửa chọn lọc vì vắc xin không phải "chìa khóa vạn năng"
Trung Quốc ước tính cần tới 2,2 tỷ liều vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 (Ảnh: Reuters).
Nicholas Thomas, chuyên gia y tế và là phó giáo sư tại Đại học City của Hong Kong, cho rằng Trung Quốc không thể bị gạt ra khỏi các hoạt động thương mại và du lịch quốc tế khi Bắc Mỹ và châu Âu đang bắt nhịp trở lại.
"Nếu duy trì những hạn chế kiểm dịch quá mức đối với việc nhập cảnh hoặc quay trở lại Trung Quốc, các doanh nghiệp sẽ tìm đến nơi khác. Liên lạc từ xa không phải biện pháp tệ, nhưng mọi người vẫn thích trực tiếp phát triển kinh doanh hơn. Trung Quốc không thể loại mình khỏi quá trình này", ông Thomas nói. Ngược lại, nếu chính phủ Trung Quốc có thể mất đi sự ủng hộ của công chúng nếu từ bỏ chiến lược kiểm soát dịch nghiêm ngặt ban đầu.
"Do vậy, vấn đề mấu chốt là giới lãnh đạo Trung Quốc coi đâu là nhu cầu lớn nhất hay đâu là rủi ro lớn nhất: từ virus hay từ nền kinh tế", ông Thomas nhấn mạnh. Một lựa chọn thí điểm cho Trung Quốc là thay đổi dần các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ở từng khu vực sau khi đất nước đã tiêm chủng đủ cho 80% dân số. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không xóa bỏ được hoàn toàn rủi ro. Phó giáo sư Hsu Li Yang tại Đại học Y Quốc gia Singapore, nói ngay cả khi đạt được miễn dịch cộng đồng vẫn không thể tránh nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm, các ổ dịch mới mà chỉ giới hạn nó.
Do đó, theo các chuyên gia y tế, trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng, sẽ an toàn hơn nếu Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp chỉ mở cửa với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm tương đương hoặc thấp hơn.
"Một quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt có thể mở cửa cho những nước có mức độ lây nhiễm thấp hoặc tương tự nếu họ tự tin về điều đó, nhưng bạn không thể mở cửa cho tất cả thế giới nếu phần lớn dân số chưa được tiêm chủng", Peter Collignon, giáo sư vi sinh vật tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.
Phó giáo sư Kwok Kin-on từ Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, cũng cho rằng Trung Quốc nên thận trọng với kế hoạch mở cửa biên giới bởi họ cần thêm dữ liệu để xem liệu vắc xin đang sử dụng có thực sự ngăn chặn được virus lây lan hay không, đặc biệt là với các biến chủng mới. Theo ông Kwok, kể cả chỉ mở cửa hạn chế, Trung Quốc vẫn nên duy trì các biện pháp như cách ly dài ngày từ 21-28 ngày, xét nghiệm Covid-19 nhiều lần, hoặc thậm chí sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại các chốt biên giới.
Một giải pháp khác nữa giúp mở cửa biên giới là áp dụng "hộ chiếu vắc xin". Trung Quốc đang đề xuất sử dụng hộ chiếu vắc xin được xây dựng dựa trên hệ thống chứng chỉ sức khỏe trực tuyến mà nước này đưa ra hồi tháng 3. Hệ thống này bao gồm các dữ liệu quan trọng như kết quả xét nghiệm Covid-19 hay trạng thái tiêm chủng của người dùng.
Hàn Quốc cân nhắc bán phong tỏa thủ đô Seoul Ngày 8/7, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy khiến giới chức cân nhắc áp đặt lệnh bán phong tỏa tâm chấn lây nhiễm hiện nay là thủ đô Seoul. Người dân xếp hàng chờ làm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul ngày 7/7. Ảnh: Reuters Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA)...