Ảnh: Dự án sai phạm gần 190 tỷ của nhà thầu vụ sập giàn giáo ở HN
Khởi công từ năm 2003, nhưng đến nay khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh B, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long ( Quảng Ninh) do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội ( HACC1) – đơn vị thi công bị sập giàn giáo khiến 3 người chết tại Hà Nội – vẫn để treo hơn 14 năm.
Dự án khu đô thị (KĐT) Cao Xanh – Hà Khánh B do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội). Dự án được quy hoạch xây dựng tại bãi biển thuộc phường Cao Xanh – Hà Khánh B, TP.Hạ Long.
Theo thuyết minh dự án, đây là dự án mang tính chiến lược nhằm xây dựng Cao Xanh – Hà Khánh B trở thành KĐT với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về không gian kiến trúc, kỹ thuật hạ tầng tạo môi trường sinh hoạt thuận lợi cho cư dân đô thị, góp phần hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể TP.Hạ Long cũng như quy hoạch chi tiết KĐT mới Cao Xanh – Hà Khánh B. Dự án có quy mô xây dựng cho cả hai giai đoạn với diện tích là 69,125ha, được xây dựng với mục đích kinh doanh, cơ chế tài chính được áp dụng là giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Nhưng hơn một thập kỷ trôi qua, KĐT Cao Xanh – Hà Khánh B vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Dù đã được UBND tỉnh Quảng Ninh gia hạn nhiều lần, nhưng nhà thầu thi công này vẫn chậm tiến độ.
Cuối năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng của UBND tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2001 – 2010). Tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Cao Xanh – Hà Khánh B do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện tổng số tiền sai phạm là 189,9 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đầu tư dự án khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh B còn thiếu tính khách quan, chưa đánh giá đúng năng lực về tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư, dẫn đến dự án kéo dài, để đất hoang hóa phải xin gia hạn nhiều lần, vi phạm điều 30 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8.7.1999 của Chính phủ.
Từ những nội dung trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét thu hồi số tiền hơn 139 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội gồm: Hơn 129 tỷ đồng thuế VAT, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí bán hàng; hơn 7,7 tỷ đồng là tiền lãi vay. Thu hồi nộp về ngân sách phường Cao Xanh và Hà Khánh số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được nhận là hơn 2,6 tỷ đồng. Cùng đó, thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền trong đó có hơn 50 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội gồm tiền chi phí dự phòng là 24 tỷ đồng, tiền san lấp mặt bằng là hơn 26 tỷ đồng.
Dưới đây là những hình ảnh PV Dân Việt ghi nhận thực tế mới nhất tại dự án này:
Lối vào khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh B.
Do không được bảo dưỡng nên tuyến đường trục chính khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh B đã xuống cấp nghiêm trọng.
Từ lâu KĐT này trở thành nơi đổ rác trộm của người dân, doanh nghiệp quanh đây.
Video đang HOT
14 năm không được bàn giao, có những đoạn chủ đầu tư dùng đá để chặn lối đi.
Người dân phải gạt đá để đi lại.
Chủ đầu tư phải lập đường dây nóng để ngăn chặn nạn đổ rác thải trộm…
…nhưng hai bên đường vẫn xuất hiện nhiều bao rác thải sinh hoạt.
Rác thải xây dựng cũng được đổ lên vỉa hè.
Tuyến đường trông như đi vào rừng lau sậy.
Rác thải đốt dở tràn trên mặt đường.
Những bãi rác sinh hoạt lớn như thế này có thể bắt gặp khắp nơi trong khu đô thị.
Thậm chí chắn hết cả lối đi.
Sau 14 năm xây dựng, nhiều lần chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục lấp biển để mở rộng diện tích KĐT.
Theo Danviet
Quảng Ninh: Đường thôn đặc biệt khó khăn vừa làm xong đã... sụt vỡ
Sau bao năm mong mỏi, cuối cùng con đường liên thôn nối từ thôn Xuyên Hùng đến bản Đài Van - thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) - đã được khởi công xây dựng. Niềm vui chưa tày gang, ngay khi chưa được nghiệm thu, cả một đoạn đường bê tông dài gần 20m bắc qua suối Đá Mài đã sụt vỡ.
Từ Đài Van Cạn, chúng tôi phải gửi lại xe máy, đi bộ hơn 3 km đường rừng, qua những con dốc dựng đứng, đất đồi ngấm mưa nhão nhoét để tới được Đài Van Sâu - trung tâm của bản. Gọi là trung tâm, nhưng Đài Van Sâu cũng chỉ thấy vài nóc nhà thưa thớt.
Đài Van là thôn đặc biệt khó khăn với 86 hộ dân (96% là đồng bào dân tộc Dao), sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi gia súc. So với các thôn, bản khác trên địa bàn huyện Vân Đồn, Đài Van có khoảng cách chênh lệch khá xa về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản. Con đường duy nhất vào thôn nhiều năm luôn ở trong tình trạng bùn đất, đá đồi lởm chởm, khiến cho việc đi lại, giao thương, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân Đài Van chỉ có thể đi bộ qua suối, chứ không thể di chuyển bằng xe máy qua đoạn đường này.
Từ tháng 6.2016, tuyến đường nối từ thôn Xuyên Hùng đến Bản Đài Van đã được huyện Vân Đồn cho khởi công xây dựng với chiều dài gần 5 km, rộng 3,5m, trong đó có 2,44 km đổ bê tông, 2,59 km dải cấp phối. Tổng vốn đầu tư là 3,9 tỷ đồng, từ các chương trình gồm: chương trình 135, vốn bãi ngang và vốn xây dựng nông thôn mới. Con đường được xây dựng khiến bà con ở bản Đài Van hết sức phấn khởi, bởi đây thực sự là con đường mơ ước, giúp bà con ở bản vùng sâu vùng xa đi lại mua sắm, trao đổi hàng hóa với trung tâm xã, huyện được thuận tiện, con em trong bản đi học trên đường mới sạch sẽ, an toàn...
Nhưng ngay khi con đường còn đang tiến hành xây dựng, chưa được nghiệm thu bàn giao thì hàng loạt những dấu hiệu thi công kém chất lượng đã được người dân phát hiện, cảnh báo.
Anh Trần Ngọc Tiến, Trưởng thôn Đài Van, cho biết: "Từ tháng 6.2016, họ khởi công xây dựng làm được thời gian ngắn thì bỏ đấy, đến cuối năm lại quay lại làm tiếp. Suốt thời gian làm đoạn đường bê tông từ khu trường mầm non đến nhà văn hóa (hơn 1km) không hề thấy lu lèn, chỉ san gạt lấy mặt bằng trên khu đất mượn rồi đổ bê tông".
Hậu quả đúng như người dân dự đoán, nhiều đoạn bê tông vừa hoàn thành được vài tháng đã nứt vỡ, dù chưa có xe tải trọng lớn đi qua. Khi người dân phản ánh, đơn vị thi công lại cho người đến chát vá tạm bợ. Ông Trần Xuân Tiếp (khu Đài Van Sâu) bức xúc: "Họ làm như chúng tôi không biết gì hết đấy. Xe lu họ kéo vào tận nơi nhưng chỉ để làm vì, vài tháng trời đỗ yên một chỗ không động đậy. Chắc họ nghĩ chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, có đường thế là tốt lắm rồi!".
Đoạn đường bê tông qua suối Đá Mài bị sụt vỡ.
Đỉnh điểm là qua trận mưa hồi tháng 7, cả đoạn đường bê tông dài gần 20m bắc qua suối Đá Mài đã sụt vỡ. Ghi nhận của Dân Việt có mặt tại hiện trường vào cuối tháng 12.2017, các mảng bê tông vỡ lăn xuống suối, đất nền cũng sụt tạo thành khoảng trống ngăn cách giữa đường; có 3 bi cống thì 2 bi đã bị tắc do đất đá trôi vào; đoạn đường sụt vỡ khiến mọi phương tiện giao thông không thể qua lại. Đài Van tiếp tục bị chia cắt trong những ngày mưa lớn.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Tiến - Trưởng thôn Đài Van cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Trưởng thôn đã báo cáo với lãnh đạo xã, sau đó đơn vị thi công có cho phương tiện đến nạo vét, đắp lại đoạn đường hỏng, nhưng chỉ được 2 hôm, đến trận mưa đêm 4.7 thì đoạn đường chắp vá lại tan vỡ. Cũng kể từ đó đến nay, đoạn đường trên vẫn chưa được khắc phục, mưa kéo dài khiến cho đường mòn cũ không thể di chuyển bằng xe máy. Đài Van gần như bị cô lập.
Trưởng thôn Trần Ngọc Tiến chỉ những vết nứt được chắp vá trên con đường bê tông vừa mới xây dựng.
Ông Cao Thế Đơn, Chủ tịch UBND xã Đài Xuyên cho biết: Hiện tại toàn tuyến đường liên thôn Đài Van vẫn đang được khắc phục, sửa chữa một số nơi có sự cố. Cũng theo ông Đơn, bi cống nắp ở vị trí bắc qua suối Khe Mai không đảm bảo, không đủ điều kiện thông thoát nước và rác trôi trên rừng xuống. Hiện tại huyện đang nghiên cứu phương án để phá ra xây lại thành cầu thay cho tràn vừa mới xây dựng.
Trong những ngày mưa, con đường mòn xuyên rừng rất lầy lội không thể di chuyển bằng xe máy, khiến Đài Van gần như bị cô lập.
Tìm hiểu được biết, công trình đường liên thôn bản Đài Van ra thôn Xuyên Hùng hiện vẫn đang được 2 đơn vị là Công ty xây dựng Hoa Phong và Công ty CP đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia thi công, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án và công trình huyện Vân Đồn. Mặc dù có nhiều dấu hiệu thi công ẩu, thiếu thẩm định kỹ thuật, gây lãng phí của nhà thầu thi công, nhưng khi PV Dân Việt liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn để xin cung cấp số liệu về dự án, thì vị này nói: "Đường đang hoàn thiện, nên hỏng đâu đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm sửa đó" (!?).
Có hay không việc UBND huyện Vân Đồn thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí trong quá trình triển khai dự án, làm trì hoãn quá trình phát triển KT-XH của 1 thôn nghèo đặc biệt khó khăn?
Theo Đề án đưa thôn Đài Van, xã Đài xuyên ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 được UBND xã Đài Xuyên lập hồi tháng 3.2017, phần mục tiêu chung ghi: Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hạ tầng thôn bản, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu giảm hộ nghèo, cải thiện môi trường sống...".
Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Theo Danviet
Doanh nghiệp "dọa" đóng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới Đường cao tốc BOT Thái Nguyên - Chợ Mới dài 65km đã thông xe kỹ thuật vào tháng 3.2017 nhưng đến nay vẫn chưa được thu phí. Đại diện chủ đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết, nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng khai thác nhưng chưa được thu phí, sẽ buộc phải tạm ngăn đường,...