“Anh Đại ơi, anh cực đoan vừa thôi chứ!”
Có một cột mốc diễn ra vào năm 1985, khi chúng ta chứng kiến tới 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình hỏi tôi: Có cách gì cứu vãn không? Tôi bảo là tôi làm được, với công nghệ giáo dục ở trường thực nghiệm của mình. Thế là chị Bình cho mở 2 hội nghị với các giám đốc sở giáo dục ở miền Bắc và miền Nam, sau đó chương trình thực nghiệm được áp dụng ở nhiều tỉnh trên cả nước…
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, đây không phải lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, cho nên không cần những sự vụ nổi cộm liên quan đến giáo sư trong hơn 1 năm trở lại đây thì tôi đã quan sát và đã có những tò mò về con người giáo sư. Tò mò lớn nhất của tôi là, một người như giáo sư Hồ Ngọc Đại rốt cuộc đã sinh ra và lớn lên trong một nền giáo dục như thế nào?
- Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có ở Quảng Trị. Vào mỗi buổi sáng, mẹ tôi thường đưa tiền cho những người giúp việc trong nhà. Một buổi sáng nọ, không hiểu sao mà cái dây xâu những đồng tiền của mẹ tôi bị đứt, những đồng tiền xu bắn tung tóe. Bà liền nhờ tôi nhặt nhưng trong khi nhặt, tôi đã lấy trộm 2 đồng. Tôi chạy đi thì 2 đồng này lại rơi xuống, kêu leng keng. Mẹ tôi nghe thế, biết tôi ăn trộm liền gọi lại bảo: tiền này là tiền mẹ cho người giúp việc, sao con lại lấy? Con là ông chủ, con phải có tư cách của một ông chủ chứ!
- Trong đời sống này chúng ta vẫn hay gặp những người là ông chủ nhưng thiếu hẳn tư cách của người làm chủ!
- Mẹ tôi còn bảo: Nếu cần thì cứ xin, mợ sẽ cho, không được lấy tiền của người giúp việc như thế. Tôi nhớ mãi câu chuyện này và sau lần ấy, đến tận bây giờ không bao giờ tôi gian dối nữa.
- Chỉ một câu chuyện này thôi, tôi đã lờ mờ hình dung được quá trình giáo dục gia đình mà ông thụ hưởng hồi còn nhỏ. Còn giáo dục trường lớp thì sao?
- Tôi cảm giác mình học rất bình thường nhưng lại được coi là học rất giỏi. Tôi nhớ mãi chuyện, có lần một bạn trong lớp không trả lời được câu hỏi của thầy. Tôi lại trả lời được. Thế là thầy giáo bảo tôi đứng lại, dạng chân ra, để cho người bạn kia bò qua háng. Và lần sau, thầy lại bảo tôi làm như vậy. Nhưng lần này thì tôi hiểu rằng làm thế vô lý quá, không thể để người ta chui qua háng mình nên tôi bảo: em không làm đâu. Ngay từ lớp 1, lớp 2 tôi đã nhiều lần phản kháng, không nghe lời thầy như vậy.
- Đấy là giáo dục tiểu học thời Pháp, ông nhỉ?
- Đúng rồi!
- Trong trí nhớ của ông thì dưới nhà trường Pháp, học tiểu học có vất vả không? Có phải mang trên vai một cái cặp rất nặng không?
- Không! Vui vẻ, nhẹ nhàng lắm. Buổi sáng đi học, buổi chiều tôi toàn đi chơi. Mà lúc ấy vừa học cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp rồi. Đến sau năm 1945 thì tôi học chương trình giáo dục mới, của Việt Nam mình. Và tôi nhớ là cũng thấy nhẹ nhàng lắm. Thời tôi do hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên có chuyện đặc biệt, lứa chúng tôi sang học ở Nam Ninh, Trung Quốc. Chúng tôi học ở khu học xá của người Việt tại Nam Ninh, với những người thầy mà sau này tôi mới hiểu là rất vĩ đại như thầy Nguyễn Xiển, Nguyễn Lân, Lê Văn Thiêm… Tôi học 3 năm trung cấp sư phạm ở bên đấy, vì hồi đấy chưa có hệ đại học.
- Ông có kỷ niệm đáng nhớ nào với những người thầy ở bên Nam Ninh không?
- Thật ra tôi học cũng bình thường thôi nhưng khi đi thi thì lại đạt được điểm 5 – điểm cao nhất hồi đó và cũng là điểm cao nhất trong khóa của mình. Điểm số ấy làm tôi rất ngượng. Vì tôi biết nhiều người học giỏi hơn mình, vậy tại sao mình lại được điểm cao hơn họ.
Người cho tôi điểm 5 ấy là thầy Nguyễn Hữu Tảo, một người thầy kiệt xuất, một trong 8 người Đông Dương được Pháp nuôi trọn vẹn cả đời. Mãi đến mấy chục năm sau, khi gặp lại con của thầy Nguyễn Hữu Tảo tôi mới biết rằng hóa ra thầy Tảo khen tôi là người có ý tưởng và ngày xưa thầy cho tôi điểm cao nhất chính là vì tôi có ý tưởng.
- Theo tôi thì những người có ý tưởng là những người thường có xu thế phá cách. Trong suốt quá trình dạy và học sau này, chắc chắn giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng là một người hay phá cách, phải không ạ?
- Khi dạy toán lớp 10 ở trường Ngô Quyền, Hải Phòng, một lần tôi được chọn dạy thao diễn cho giáo viên toàn thành phố. Các thầy cô giáo ngồi ở dưới, tôi dạy cho các học sinh của mình ở trên sân khấu. Hôm ấy tôi kiểm tra bài cũ, học sinh không làm được. Sau đó, nhờ cả lớp chỉ dẫn, cậu học sinh này làm được. Tôi liền hỏi thêm, cậu ấy lại không làm được. Cả lớp lại chỉ dẫn, cậu ấy lại làm được. Và tôi lại tiếp tục hỏi thêm, rồi cậu ấy lại tiếp tục ngắc ngứ, không làm được… Cứ như thế thì hết giờ luôn.
Video đang HOT
Buổi thao diễn khiến tất cả ngỡ ngàng. Có một luồng ý kiến cho tôi là vô kỷ luật, coi thường anh em, vì đã dạy không đúng theo bài soạn chuẩn của 1 tiết học toán là hỏi bài cũ – dạy bài mới, ra bài tập về nhà. Nhưng lại có luồng ý kiến thứ hai cho rằng, tôi là một người thầy có trách nhiệm, nên chắc là phải có một lý do nào đó mới thế. Người ta liền đến hỏi tôi. Tôi trả lời rằng, được chọn thao giảng là một vinh dự cho tôi. Nhưng khi kiểm tra bài cũ, thấy học sinh thiếu hụt kiến thức thì tôi phải dành thời gian để củng cố lại kiến thức, thay vì dạy bài mới như quy định. Tôi thà bị mang tiếng là vô kỷ luật còn hơn là cố dạy mà không vá được những kiến thức bị thủng của học sinh.
Sau vụ ấy, tôi gặp một người thầy – người bạn tên là Đặng Nghiêm Vạn, người sau này trở thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân tộc học và tôi tâm sự rằng: Anh ạ, em không phải là giáo viên giỏi nhưng em muốn được trở thành một giáo viên giỏi, mà phải giỏi thật sự. Vậy phải làm thế nào? Anh Vạn liền trả lời: Vậy cậu phải học lại từ đầu. Và nên học ngành tâm lý học. Sau câu nói ấy, tôi vừa đi dạy vừa học thêm tâm lý học. Và sau đó tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh chuyên ngành này trong suốt 8 năm.
- Chính những phá cách của một người thầy dạy toán thuần túy ở trong ông đã rẽ cuộc đời sư phạm của ông sang một con đường mới. Đó có lẽ cũng là một hành trình tất yếu để mỗi chúng ta tìm ra cái thật sự phù hợp nhất với mình. Thậm chí tìm ra đúng con người mình. Nhưng khi đã rẽ sang một giai đoạn mới – một con đường mới, ông có tiếp tục phá cách nữa không?
- Khi được cử sang học ở Liên Xô, tôi hỏi ngay là ở đây trường nào khó nhất và được biết là trường Lomonosov, thế là tôi đề nghị sứ quán cho vào học trường này, chuyên ngành tâm lý học trẻ em và sư phạm. Các thầy ở khoa hỏi tôi đã làm gì rồi? Tôi bảo là tôi đã dạy học. Thầy lại hỏi dạy lớp nào? Tôi bảo là đã dạy từ lớp 1 đến lớp 10, vì thời ấy chưa có lớp 11, 12 như bây giờ. Thế là các thầy liền gửi tôi đến làm việc tại một trường thực nghiệm ở Liên Xô, do 2 viện sĩ Liên Xô điều hành.
Làm việc ở đây tôi ngỡ ngàng quá vì không thể ngờ là học sinh tiểu học chỉ trong 1 tiết học đã giải được hàng chục phương trình bậc nhất. Và một ngã rẽ đến với tôi khi trên đường đi làm, tôi tình cờ nhìn thấy một cái áp phích giới thiệu một buổi thuyết trình về phép toán đại số và lý thuyết nhóm, do chính tác giả trình bày. Phép toán này dành cho sinh viên khoa toán, năm thứ 3 của trường Lomonosov. Thấy hay quá, tôi vào dự giờ và khi dự giờ tôi chợt thấy rằng, với cách dạy của tôi thì tôi có thể dạy phép toán này cho học sinh tiểu học.
- Dạy một phép toán đại số của sinh viên khoa toán năm thứ 3 cho các học sinh tiểu học – một sự phá cách, mà không, phải gọi là siêu phá cách mới đúng! Rồi điều gì diễn ra với cái ý tưởng chẳng giống ai này, thưa giáo sư?
- Tôi về trường thực nghiệm nói ý tưởng này với 2 ông viện sĩ phụ trách trường. Một ông bảo: tôi vẫn biết anh là người táo bạo nhưng đến mức này thì không tưởng được. Tuy nhiên, ông ấy vẫn đồng ý để tôi về nghiên cứu, viết giáo trình. Tôi liền bỏ ra 2 tháng để viết, và sau đó tôi đề nghị sẽ dạy phép toán này cho lớp 1.
Ông viện sĩ liền bảo: “Anh Đại ơi, anh cực đoan nó vừa vừa thôi”. Bởi theo ông ấy, nếu dạy lớp 1 mà thất bại thì không ai gửi con vào trường thực nghiệm này nữa. Và thế là ông bảo tôi hãy dạy thử học sinh lớp 2. Tôi nhớ là hôm khai mạc, dạy buổi đầu tiên cho mọi người xem thì mọi thứ diễn ra long trọng lắm. Rất là long trọng. Ông viện sĩ nói thế này: Nếu anh thành công thì vòng nguyệt quế trên đầu anh, còn nếu anh thất bại thì hai vai già này phải gánh…
(Nói tới đây, giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa nhún vai, vừa đặt chéo hai bàn tay lên vai mình. Ông muốn diễn tả lại hình ảnh của ông viện sĩ Liên Xô để tôi hình dung cho rõ. Lúc đó, không hiểu sao tôi bất giác nhớ lại cuộc trả lời phỏng vấn của con trai giáo sư Hồ Ngọc Đại với một tờ báo, rằng đôi khi anh thấy cha mình cực đoan quá và gay gắt quá. Những người trong gia đình từng góp ý về điều này nhưng sau tất cả ông vẫn cứ là ông. Tôi nhớ rất rõ là con trai giáo sư nói về thói quen chỉ một ngón tay về phía trước của cha mình mỗi khi nói chuyện, rồi nhận xét: Rất nhiều người không thích hành động ấy).
…Tôi nhớ mãi hành động của ông ấy. Sau khi tôi dạy xong, ông ấy chạy ra khoác vai tôi và nói: Hy vọng anh thành công. Và tôi thành công.
- Có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ giáo sư thành công ạ?
- À, tôi viết báo nói rõ về chuyện này, mọi người ngỡ ngàng lắm. Người ta bảo ông Đại làm một điều kỳ lạ. Thế là Hội đồng Khoa học Khoa Tâm lý học trường Lomonosov mời tôi đến báo cáo và tôi đã báo cáo từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, hỏi gì tôi nói nấy. Ông chủ tịch hội đồng liền hỏi tôi hiện đã hoàn thành những môn học nào trong quá trình làm luận án phó tiến sĩ?
Tôi bảo, tôi tập trung vào nghiên cứu công trình này nên vẫn chưa thi môn nào. Ông ấy nói ngay: Chúng ta nghe anh Đại như một nhà khoa học đích thực, hãy cho anh Đại đặc cách, miễn thi, bảo vệ luận án phó tiến sĩ luôn.
- Ồ! Giờ thì tôi hiểu rồi, chính bản năng phá cách trong con người trí thức của ông, cộng với những trải nghiệm thực tế ở một trường thực nghiệm tại Liên Xô mà sau này về Việt Nam, ông đã nảy ra ý tường thành lập trường thực nghiệm ở Việt Nam, đúng không ạ?
- Khi tôi về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tiếp tôi tại Phủ Chủ tịch. Thủ tướng hỏi: Anh nghĩ gì về cuộc cải cách giáo dục sắp tới? Tôi nói ngay: “Sẽ thất bại!”. Thật thà quá. Tôi trả lời thật thà quá (Cười…). Thế là Thủ tướng đứng dậy, đi đi lại lại chừng 5 phút. Sau đó thì tôi biết rằng khi ông đứng dậy, đi lại như thế là ông đang rất giận.
- Và sau 5 phút thì sao?
- Thủ tướng ngồi xuống và hỏi tại sao tôi nghĩ là thất bại. Tôi bảo vì cái đề cương cải cách được chuẩn bị trong 20 năm chiến tranh mà bây giờ tình hình khác rồi, cần một cái nhìn, một phương pháp khác rồi. Tôi có nói rằng có những cái trước đây mình cho là đúng thì bây giờ đã sai. Còn nếu trước đây chưa đúng thì bây giờ càng sai.
- Sau này nghĩ lại, có bao giờ giáo sư nghĩ rằng nếu được trả lời lại, có thể mình nên trả lời khác đi?
- Không! Tôi không ngại gì cả. Vì tôi nói, phải có trách nhiệm chứ.
- Rồi sao nữa ạ?
- Rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chậm rãi “Thưa tiến sĩ, nếu tiến sĩ biết trước là thất bại thì tiến sĩ có cách gì sửa chữa được không?”. Khi ông nói “thưa tiến sĩ…” một cách trịnh trọng như thế thì tôi hiểu có một sắc thái gì đó như là không thoải mái, không hài lòng với tôi.
- Lúc ấy thì tiến sĩ Hồ Ngọc Đại trả lời thế nào?
- Tôi bảo là: Chẳng có cách gì. Thủ tưởng lại hỏi, vậy tôi có thể tham gia vào cuộc cải cách này không? Tôi bảo là tôi không tham gia. Thủ tướng lại hỏi, vậy rốt cuộc tôi có thể làm gì? Tôi bảo là tôi xin được dạy lớp 1 và cho tôi mở trường thực nghiệm, bắt đầu từ lớp 1, để dạy chương trình công nghệ giáo dục của tôi. Thủ tướng đồng ý và thế là năm 1978, trường thực nghiệm ra đời. Tôi quản lý, huấn luyện giáo viên, huấn luyện cán bộ và thi thoảng đứng lớp. Thời điểm ấy, nhiều người không hiểu trường thực nghiệm là như thế nào. Tôi bảo tôi làm trường thực nghiệm giống như lắp một cái van an toàn cho đại trà. Bởi làm thực nghiệm là làm trên một diện nhỏ, có thể kiểm soát được. Sau đó mình thẩm định, nếu thấy thành công có thể phát triển thành đại trà.
- Nhưng đến tận lúc này, chưa bao giờ “thực nghiệm” trở thành “đại trà” cả. Cho nên tôi nghĩ cũng bình thường thôi, nếu người ta thắc mắc: thực nghiệm gì mà thực nghiệm đến cả mấy chục năm? Giáo sư nghĩ sao?
- Có một cột mốc diễn ra vào năm 1985, khi chúng ta chứng kiến tới 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình hỏi tôi: Có cách gì cứu vãn không? Tôi bảo là tôi làm được, với công nghệ giáo dục ở trường thực nghiệm của mình. Thế là chị Bình cho mở 2 hội nghị với các giám đốc sở giáo dục ở miền Bắc và miền Nam, sau đó chương trình thực nghiệm được áp dụng ở nhiều tỉnh trên cả nước.
Đến năm 1990, tức là 5 năm sau thì ngành giáo dục đã tổ chức một hội đồng nghiệm thu đàng hoàng, gồm 13 người. Kết quả là 12 người cho phiếu tốt, 1 người cho phiếu khá. Hồi đó tôi tưởng là sẽ được triển khai chính thức thành chương trình đại trà đến nơi rồi nhưng thực tế sau đó vẫn chỉ gọi là thực nghiệm, trường nào muốn theo thì theo.
Đến năm 2000 thì lại có một cột mốc mới, đó là ngành giáo dục có chủ trương cả nước chỉ dùng 1 bộ sách – 1 chương trình. Tất cả các trường thực nghiệm dẹp hết, chỉ còn duy nhất trường thực nghiệm ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến năm 2006, tình trạng học sinh lưu ban lại gia tăng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi đến nói chuyện.
Một lần nữa tôi bảo, nếu dạy theo công nghệ giáo dục như của trường thực nghiệm thì mọi thứ sẽ được cải thiện và tôi đề nghị áp dụng cách dạy này ở 3 khu vực hẻo lánh nhất nước là Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ. Sau đó, đến thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nghe nói là các tỉnh miền núi học theo công nghệ giáo dục mà học sinh không bị tái mù chữ, ông đã tự bỏ tiền túi đi “vi hành” 5 trường ở Lào Cai. Và ông nhận ra 5 trường này tốt quá.
Ông về gặp tôi và hỏi: vậy có thể mở rộng được không? Tôi bảo được, vì tôi có công nghệ mà. Có công nghệ thì mở rộng được ngay. Và thế là sách công nghệ giáo dục lại được mở rộng trở lại. Nhờ thế đến nay có tới 931.000 học sinh lớp 1 của 50 tỉnh thành toàn quốc học theo sách công nghệ giáo dục của tôi. Có những tỉnh thành 100% học sinh học sách của tôi.
- Hằng năm người ta in sách của giáo sư để dạy cho 931.000 học sinh, vậy thì xin hỏi thật: tiền tác quyền cho việc in sách mà giáo sư thu về là rất lớn, phải không ạ?
- Không! Về mặt bản quyền, tôi đã nói với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từ trước là tôi cho không, không cần tiền nong gì cả. Chỉ có điều là sách đó vẫn giữ tên tôi. Tôi cho không nhưng vẫn giữ tên tôi trên sách.
- Đã đành về mặt nguyên tắc là như thế nhưng tôi nói điều này mong giáo sư không giận: trên thực tế, nếu bảo giáo sư không nhận được một tí ti nào từ việc in sách mỗi năm thì tôi không tin. Mà nhiều người chắc cũng không tin.
- Tôi có nhận được tiền từ những việc dành cho sửa sách này nọ nhưng đó không phải tiền bản quyền, vì tôi nói rồi, bản quyền tôi đã cho không rồi.
- Vẫn cứ chung chung ạ. Nếu có thể, xin giáo sư tiết lộ khoản tiền thực tế mà giáo sư vẫn nhận được hằng năm là khoảng bao nhiêu không?
- Khoảng vài chục triệu đồng/năm. Chẳng to tát gì đâu.
- Rất xin lỗi giáo sư khi buộc phải hỏi những câu tế nhị như vừa rồi. Vì chúng ta đều biết việc in ấn, phát hành sách giáo khoa có thể đem đến lợi nhuận khổng lồ.
- Năm ngoái, người ta “đánh” tôi có lẽ cũng vì thế đấy. Có thể người ta nghĩ tôi chiếm thị phần lớn quá. Anh cứ tưởng tượng có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh toàn quốc, thế mà 931.000 học sinh học sách của tôi, thế thì phần còn lại, học sách của họ được bao nhiêu?
- Vâng! Hồi đó trên mạng xã hội có cả một làn sóng khủng khiếp chỉ trích cách dạy tiếng Việt của giáo sư. Tôi cũng thắc mắc là chuyện dạy học này diễn ra từ vài chục năm rồi nhưng tại sao bỗng nhiên bây giờ, trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị thẩm định các bộ sách để chốt 1 bộ sách duy nhất thì nó lại được ai đó tung lên mạng. Người dân thì không hiểu cách dạy này vì thấy lạ quá mà cứ thấy lạ là nhiều người lao vào phê phán theo kiểu bầy đàn thôi.
- Hồi đó có người bảo tôi là mọi người nói thế mà ông Đại vẫn bình tĩnh thì quá lạ. Tôi bảo là chẳng có gì là lạ cả. Chuyện bình thường. Và tôi giữ một cái lý thế này: những người từng học sách của tôi họ sẽ tự biết nó tốt hay không tốt. Đấy là điều quan trọng nhất. Còn với những người chỉ trích tôi, tôi nghĩ người ta cũng có tư cách để người ta nói chứ. Vì họ cũng như tôi thôi, tôi được nói thì họ cũng được nói. Tôi nói thế này thì họ cũng được nói thế khác chứ.
- Mới đây nhất thì bộ sách công nghệ giáo dục của giáo sư đã bị 15/15 thành viên của hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá là “không đạt”. Điều ấy có nghĩa khi 1 bộ sách giáo khoa thống nhất và duy nhất được triển khai vào năm tới thì sách của giáo sư sẽ bị loại bỏ khỏi nền giáo dục này. Tâm trạng của giáo sư thế nào?
- Tôi không bất ngờ gì cả. Vì tôi đoán trước là họ sẽ đánh trượt nó. Nhưng trả lời anh, tôi nói thật, cả 15/15 thành viên của hội đồng thẩm định, không ai đủ tư cách khoa học để thẩm định sách của tôi. 931.000 học sinh toàn quốc học sách của tôi, tiếng nói thực tế của họ có trọng lượng hơn hay 15 thành viên hội đồng trọng lượng hơn?
- Sau câu hỏi này thì cuộc đối thoại của chúng tôi kết thúc. Giáo sư Hồ Ngọc Đại tặng tôi quyển sách mới của ông với tên gọi: “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Quyển sách nhỏ, khổ 11×18, dày gần 200 trang, trình bày rất rõ những quan điểm giáo dục của ông. Tôi về đọc ngấu nghiến trong một buổi chiều. Và đây là vài câu ở trang 191 tôi muốn chép lại để mọi người cùng suy nghĩ: “Môn tiếng Việt cổ truyền thường chịu một hậu quả truyền kiếp: Cuộc cải cách giáo dục 1985 có 650.000 học sinh lớp Một lưu ban. Ngày nay học sinh lớp 12 còn viết sai câu, tốt nghiệp đại học viết đơn xin việc sai ngữ pháp. Để chữa thẹn, thầy phao tin đồn: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam!”.
Phan Đăng (thực hiện)
Theo CAND
40 năm chìm nổi, số phận SGK của GS Hồ Ngọc Đại sẽ ra sao?
Tồn tài hơn 40 năm qua, hiện đang được 48 tỉnh thành trong cả nước với gần cả triệu học sinh sử dụng, nhưng SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định.
Ngày 23/9, Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thể hiện quan điểm không tâm phục khẩu phục trước quyết định của Hội đồng thẩm định sau nhiều thập niên chìm nổi SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
LINH ANH - NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Vì sao Hà Nội, TPHCM không dùng SGK của GS Hồ Ngọc Đại Những tranh cãi xung quanh bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định SGK theo chương trình mới loại từ vòng một vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vậy giá trị của một cuốn SGK phụ thuộc vào hội đồng thẩm định hay thực tiễn cuộc sống thẩm định? Giá trị...