Ảnh chụp từ Hubble tiết lộ khía cạnh mới của vật chất tối
Các nhà thiên văn học phát hiện vật chất tối bẻ cong ánh sáng của các thiên hà, khiến chúng bị biến dạng khi quan sát bằng kính viễn vọng.
Những ngôi sao, hành tinh và các vật thể phát sáng nổi bật trên bầu trời chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong vũ trụ. Trên thực tế, vật chất tối – nằm trong khoảng không giữa các thiên thể – mới chiếm phần lớn khối lượng và định hình cấu trúc của vũ trụ.
Vật chất tối vô hình và rất khó nắm bắt. Nó không tương tác với các hạt khác trong không gian, cũng không phát ra, hấp thụ hay phản xạ ánh sáng. Các nhà thiên văn học đã tìm kiếm vật chất bí ẩn này trong hàng thập kỷ, nhưng cách duy nhất để nghiên cứu nó là thông qua lực hấp dẫn.
Lực hấp dẫn của vật chất tối tác động lên những thứ có thể nhìn thấy được như cụm thiên hà, một trong những cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ bao gồm vô số thiên hà riêng lẻ. Vật chất tối liên kết các thiên hà lại với nhau và bản thân mỗi thiên hà cũng chứa rất nhiều vật chất tối. Về cơ bản, chúng giống như một mạng lưới liên kết.
Vì vậy, một trong những cách mà các nhà thiên văn học sử dụng để phát hiện vật chất tối là thông qua thấu kính hấp dẫn, trong đó lực hấp dẫn làm biến dạng không gian. Điều này xảy ra khi lực hấp dẫn của vật chất tối trong cụm thiên hà hoạt động giống như một chiếc kính lúp. Nó bẻ cong và phóng đại ánh sáng của các thiên hà.
Ánh sáng từ các thiên hà bên trong cụm MACS J1206 bị bẻ cong bởi túi vật chất tối. Ảnh: Hubble.
Trong một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Science hôm 10/9, các nhà khoa học do Giáo sư Massimo Meneghett từ Đài quan trắc Vật lý Thiên văn và Khoa học Không gian Bologna (OAS) thuộc Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia Italy (INAF) dẫn đầu đã phát hiện ra rằng các khối vật chất tối nhỏ – được gọi là túi vật chất tối – có thể tạo ra hiệu ứng kính lúp mạnh gấp 10 lần so với suy đoán trước đây.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA và Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) của Đài quan sát Nam Âu ở Chile để quan sát những biến dạng ở 11 cụm thiên hà lớn. Dữ liệu từ cả hai kính viễn vọng cho thấy hình ảnh các thiên hà bị bóp méo giống như vòng cung, cùng với các đốm sáng bất thường như vết bẩn trong một bức tranh.
Meneghett cho biết những vòng cung và đốm sáng đó có thể được tạo ra bởi các túi vật chất tối tập trung dày đặc bên trong các thiên hà riêng lẻ. Phát hiện này khiến các nhà thiên văn học ngạc nhiên vì nó khác với mô hình lý thuyết trước đây về sự phân bố vật chất tối bên trong cụm thiên hà.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm cẩn thận trong việc so sánh các mô phỏng với dữ liệu trong nghiên cứu và nhận thấy có sự không trùng khớp. Nguồn gốc của sự khác biệt này có thể là do chúng tôi thiếu một số lý thuyết vật lý quan trọng trong các mô phỏng”, Meneghett giải thích.
“Còn nhiều điều trong vũ trụ mà chúng ta không nắm bắt được trong các mô hình lý thuyết hiện tại. Điều này có thể dẫn đến những ‘lỗ hổng’ trong hiểu biết của chúng ta về bản chất và đặc tính của vật chất tối. Dữ liệu mới từ Hubble cho phép chúng tôi thăm dò sự phân bố của vật chất bí ẩn này ở quy mô nhỏ nhất”, nhà vật lý thiên văn lý thuyết Priyamvada Natarajan tại Đại học Yale của Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết thêm.
Meneghett cùng các cộng sự hy vọng những sứ mệnh trong tương lai như Kính viễn vọng Không gian Nancy Grace Roman, dự kiến phóng vào năm 2025, sẽ giúp thu thập dữ liệu từ các cụm thiên hà xa xôi hơn, cho phép cải tiến mô hình vật chất tối.
Ảnh chụp cận cảnh vết đen Mặt Trời
Kính viễn vọng GREGOR dưới mặt đất có thể chụp những cấu trúc chỉ rộng 50 km trên bề mặt Mặt Trời sau khi nâng cấp.
Vết đen Mặt Trời trong ảnh chụp độ phân giải cao hôm 30/7. Ảnh: Science Alert.
GREGOR, một trong những kính viễn vọng quan sát Mặt Trời mạnh nhất thế giới, vừa được nâng cấp, Science Alert hôm 4/9 đưa tin. Kính viễn vọng dưới mặt đất GREGOR hiện có thể quan sát những cấu trúc chỉ rộng 50 km trên bề mặt Mặt Trời. Sau khi nâng cấp, kính viễn vọng tại Tây Ban Nha này cũng chụp những bức ảnh Mặt Trời có độ phân giải cao hàng đầu châu Âu.
"Đây là một dự án rất thú vị nhưng cũng đầy thách thức. Chỉ trong một năm, chúng tôi thiết kế lại hoàn toàn các thiết bị quang học, cơ học và điện tử để đạt đến chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể", Lucia Kleint, trưởng nhóm dự án GREGOR, nhà vật lý tại Viện Vật lý Mặt Trời Leibniz (KIS), chia sẻ.
Lệnh phong tỏa do Covid-19 thường cản trở nghiên cứu khoa học, nhưng đây lại là trường hợp đặc biệt. Theo KIS, các nhà khoa học mắc kẹt tại đài quan sát GREGOR khi Tây Ban Nha phong tỏa vào tháng 3. Thay vì lãng phí thời gian, họ xây dựng phòng thí nghiệm quang học. Nhóm chuyên gia cũng khắc phục thành công hai vấn đề nghiêm trọng do một cặp gương gây ra, khiến hình ảnh mờ và biến dạng.
Tháng 7, khi lệnh phong tỏa kết thúc và không còn bão tuyết cản trở, điều đầu tiên các nhà khoa học phụ trách GREGOR thực hiện là cho kính viễn vọng đã nâng cấp hoạt động. Một trong những kết quả đáng chú ý của GREGOR là chụp ảnh vết đen Mặt Trời hôm 30/7.
Vết đen là khu vực xuất hiện tạm thời trên bề mặt Mặt Trời. Tại đó, từ trường đặc biệt mạnh ngăn cản hoạt động đối lưu bình thường trên bề mặt ngôi sao này. Vết đen trông tối hơn vì nó nguội hơn vật chất xung quanh.
Các nhà khoa học quan tâm đến vết đen vì chúng có thể đứt gãy, rối tung và nối lại. Sự nối lại từ trường dẫn đến việc giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ, gây ra các lóa Mặt Trời và những vụ phun trào nhật hoa (CME). Hiện tượng này có thể gây gián đoạn sự định hướng và liên lạc của vệ tinh trên Trái Đất. Những hình ảnh chất lượng cao như ảnh chụp của GREGOR sẽ giúp giới khoa học hiểu thêm về vết đen cũng như những cấu trúc khác trên Mặt Trời.
NASA công bố ảnh chụp gần nhất của sao chổi NEOWISE Kính viễn vọng không gian Hubbe chụp được bức ảnh hiếm về sao chổi C/2020 F3 NEOWISE khi nó bay ngang qua Mặt Trời vào tháng 8. Ảnh chụp gần nhất từ trước tới nay của sao chổi NEOWISE được NASA công bố hôm 22/8. Ảnh: Hubble. NEOWISE là sao chổi sáng nhất có thể nhìn thấy từ Bắc bán cầu kể từ...