Anh bất ngờ trình bằng chứng khí Sarin ở Syria
Anh có bằng chứng mới về việc sử dụng các vũ khí hóa học ở Damascus, Thủ tướng David Cameron tuyên bố khi ông tới thành phố Nga St Petersburg dự hội nghị G20.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Anh sẽ “dẫn đầu cuộc tranh luận về viện trợ nhân đạo” tại hội nghị G20.
Theo Thủ tướng Anh, các nhà khoa học ở các phòng thí nghiệm Porton Down đã “kiểm tra các mẫu” lấy từ thủ đô Syria. Bộ Quốc phòng Anh xác nhận thông tin họ đã tìm thấy dấu vết khí Sarin trên các mẫu đất và quần áo.
Ông Cameron cũng phủ nhận các cáo buộc ông không “có vai trò” về Syria sau khi Quốc hội nước này bác bỏ kế hoạch hành động quân sự chống chính quyền Damascus. Nhà lãnh đạo này khẳng định Anh sẽ dẫn đầu các kêu gọi hành động nhiều hơn nữa về viện trợ cho người tị nạn và thúc đẩy các cuộc hội đàm hòa bình mới.
Thủ tướng Anh cho biết nước ông sẽ “dẫn đầu cuộc tranh luận về viện trợ nhân đạo” tại hội nghị G20.
“Anh sẽ là một trong những nước đi đầu trong việc thúc đẩy các kế hoạch về một tiến trình hòa bình cho Syria. Anh sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận trên toàn cầu về việc tiếp tục phản ứng mạnh mẽ đối với các vũ khí hóa học”.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, sau khi đặt ra một ranh giới đỏ cho việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học thì sẽ là sai lầm nếu Mỹ muốn lùi bước và, đặt ra một ranh giới đỏ rồi lại không làm gì cả. Tôi nghĩ như thế sẽ phát đi một tín hiệu xấu tới Tổng thống Assad và tới các lãnh đạo chuyên quyền ở những nơi khác”.
Video đang HOT
Chính phủ Syria bị cáo buộc đã vài lần dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân trong cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua ở nước này gần đây nhất là cuộc tấn công quy mô lớn ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus. Chính quyền Bashar al-Assad phủ nhận các cáo buộc và tuyên bố quân nổi dậy là thủ phạm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết, bằng chứng chính quyền Assad dùng vũ khí hóa học “đang tăng dần theo thời gian”. Ông nhấn mạnh, các nhà khoa học tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu chiến tranh hóa học của Anh ở Porton Down đã phát hiện bằng chứng “chứng tỏ thêm việc sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus”.
Sarin là một loại khí cực độc không màu, không mùi và không vị. Khí này tấn công vào hệ thống thần kinh, làm suy hô hấp và có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài phút.
Syria không chính thức nằm trong nghị trình của hội nghị G20 ở St Peterburg, hội nghị dự kiến bàn về sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chủ đề về đất nước Tây Á này được cho là sẽ lấn át các cuộc gặp không chính thức bên lề hội nghị.
Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu hội đàm không chính thức với các nhà lãnh đạo khác khi ông vận động về hành động quân sự nhằm vào Syria vì cho rằng chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo hành động quân sự mà không được Liên Hợp Quốc chấp thuận sẽ là “một cuộc xâm lược”.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox bình luận rằng việc Hạ viện Anh bác bỏ hành động quân sự chống Syria đã khiến Thủ tướng Cameron thành người “ngoài cuộc”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng William Hague khẳng định Anh vẫn “toàn tâm đứng sau” phe đối lập Syria sau khi trò chuyện với lãnh đạo của phe này ở London. Ông và Chủ tịch Liên minh quốc gia Syria Ahmad Al-Jarba đã thảo luận cách thức London có thể cung cấp nhiều hơn nữa “sự hỗ trợ phi sát thương” cho cuộc chiến chống chính quyền Assad.
Theo khampha
G20 chia rẽ về Syria, Mỹ đả kích Nga kịch liệt
Kết thúc ngày họp đầu tiên của nhóm G20 ở St Petersburg, các đại biểu bất đồng sâu sắc về Syria trong khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bày tỏ sự thất vọng đối với Moscow.
Đến nay, Mỹ và Pháp là hai nước duy nhất tại G20 ở St Petersburg cam kết dùng vũ lực ở Syria. Trung Quốc và Nga khẳng định bất kỳ hành động nào mà không có Liên Hợp Quốc sẽ là phi pháp.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã có màn chào hỏi buồn tẻ tại hội nghị G20.
Tổng thống Barack Obama được cho là đang cố gắng xây dựng một liên minh quốc tế tại hội nghị G20 ủng hộ tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Syria.
Tuy nhiên, ông phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin và nhiều lãnh đạo thế giới khác yêu cầu ông quyết định không tấn công Syria. Nhiều đại biểu lo sợ hành động như vậy sẽ làm tổn thương nền kinh tế thế giới và đẩy giá dầu lên cao.
Tại St Peterburg, ông Putin đã chào đón Obama bằng một nụ cười nhạt và một cái bắt tay mang tính công việc dấu hiệu rõ ràng cho thấy những căng thẳng giữa hai người về cách thức hành động ở Syria. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nở một nụ cười gượng khi các cuộc bàn thảo bắt đầu trong lúc ăn tối về kinh tế thế giới và sau đó về Syria. Không có những cái ôm hay cử chỉ vồn vã giữa hai vị Tổng thống như thường thấy trong những dịp tương tự.
Trong khi đó tại Liên Hợp Quốc, đại sứ Mỹ Samantha Power cáo buộc Nga giữ Hội đồng Bảo an làm con tin khi liên tục bác bỏ các nghị quyết. Bà cho rằng Hội đồng Bảo an không còn là một "con đường độc lập" cho việc bắt Syria phải chịu trách nhiệm cho những tội ác chiến tranh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York, bà Power nói: "Thậm chí ngay sau phá bỏ một cách trắng trợn quy tắc quốc tế chống sử dụng vũ khí hóa học, Nga tiếp tục giữ Hội đồng Bảo an làm con tin và né tránh các trách nhiệm quốc tế của mình. Những gì chúng tôi thấy, những gì người Syria thấy, là Hội đồng Bảo an, thế giới cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng này chứ không phải Hội đồng Bảo an mà chúng ta đang có".
Chính phủ Mỹ cáo buộc các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad giết hại hơn 1.400 người trong cuộc tấn công khí độc ở ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21/8. Phía Anh cho biết, các nhà khoa học tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu Porton Down đã tìm ra dấu vết của khí sarin trên các mẫu đất và quần áo.
Tuy nhiên, ông Assad tuyên bố quân nổi dậy nước này là thủ phạm, và Nga cùng với Trung Quốc từ chối đồng ý về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an chống lại Syria.
Tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công "giới hạn" nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Tuy nhiên, ông muốn để cho Quốc hội bỏ phiếu về vấn đề này.
Ngày 2/9, Tổng thống Obama đã hủy một chuyến đi tới California để vận động Quốc hội, khi một cuộc thăm dò của BBC và ABC News cho thấy hơn 1/3 các thành viên Quốc hội Mỹ vẫn chưa quyết định có ủng hộ hành động quân sự nhằm vào Syria hay không. Đa số đã có sẵn quyết định tiết lộ họ sẽ bỏ phiếu chống.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Quốc hội Syria đã viết cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ, kêu gọi các nghị sĩ Mỹ không hùa vào một "hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm".
Chính quyền Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường Syria trong một số vụ tấn công trong cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua ở nước này. Khoảng 100.000 người đã tử vong kể từ ngày đầu xung đột, và hơn 2 triệu dân Syria đã trở thành người tị nạn, theo các thống kê của Liên Hợp Quốc.
Theo khampha
Cách "khai màn" G20 đầy bất ngờ của Putin Trong một cách được cho là không mấy khôn khéo để bắt đầu một hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới, ngày 4/9, ngay trước khi chủ trì hội nghị G20 ở St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc chính quyền Obama nói dối Quốc hội Mỹ. Ông bình luận rằng các nhà lập pháp Mỹ đang bị...