Ẩn ý của ông Trump khi cảnh báo bắn tên lửa thông minh tới Syria
Không chỉ đưa ra cảnh báo cứng rắn với Nga về khả năng tấn công quân sự Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhấn mạnh loại vũ khí mà ông sử dụng là những tên lửa “mới và thông minh”.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Bình luận trên mạng xã hội Twitter hôm qua 11/4, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo trực tiếp tới Nga sau khi Moscow tuyên bố sẵn sàng bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bay tới Syria.
“Nga tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bắn về phía Syria. Nga hãy sẵn sàng, vì các tên lửa này sắp bay đến, chúng đẹp, mới và “thông minh”!”, ông Trump viết trên Twitter.
Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi cáo buộc lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga đã gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến ít nhất 70 người thiệt mạng tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hôm 7/4.
Theo Washington Post, khi Tổng thống Trump đề cập tới tên lửa “thông minh”, ông có thể muốn ngụ ý tới các tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác dựa trên công nghệ laser hoặc định vị toàn cầu GPS bằng vệ tinh. Hầu hết các tên lửa hiện thời của Mỹ đều có hệ thống dẫn đường tiên tiến. Các công nghệ vượt trội này sẽ cho phép Mỹ định vị và tấn công các mục tiêu tại Syria với độ chính xác cao.
Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tới mức Lầu Năm Góc đã phải làm việc với các nhà thầu quốc phòng Mỹ để đẩy mạnh việc sản xuất các vũ khí này, đồng thời giới thiệu các loại tên lửa mới trong quá trình tác chiến. Quân đội Mỹ cũng sẽ gắn thêm thiết bị dẫn đường thông minh cho các loại bom và rocket hiện thời, vốn chưa được trang bị công nghệ tiên tiến này, nhằm tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu một cách chính xác.
Lầu Năm Góc từ lâu vẫn chỉ trích Nga vì sử dụng các loại bom hoặc vũ khí không được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác khi tấn công các mục tiêu tại Syria. Các tên lửa này được cho là có chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều và hiện chiếm số lượng lớn trong kho vũ khí của Nga. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là dễ dàng bắn chệch mục tiêu, do đó sẽ gây thương vong nhiều hơn cho dân thường. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi năm 2015 từng nói rằng phần lớn các cuộc tấn công của Nga tại Syria, khoảng 85-90%, sử dụng bom không được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác.
Các tên lửa thông minh
Video đang HOT
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng đi từ tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải nhằm vào căn cứ không quân Syria rạng sáng 7/4/2017 (Ảnh: AFP)
Một số chuyên gia quân sự cho rằng loại vũ khí thông minh mà Tổng thống Trump đề cập tới có thể là tên lửa hành trình Tomahawk được bố trí trên biển với khả năng tấn công các mục tiêu tại Syria từ các tàu chiến của Mỹ trên Địa Trung Hải. Được Mỹ sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch quân sự Bão táp Sa mạc, tên lửa Tomahawk có khả năng hoạt động linh hoạt và bay ở tầm thấp để tấn công các mục tiêu. Tên lửa hiện đại này có thể được lập trình để chuyển đường bay giữa chừng và bắn trúng các tọa độ GPS khác nhau. Mục tiêu của các tên lửa hành trình tấn công là các máy bay và khí tài khó sửa chữa, thay vì các cơ sở hay công trình kiên cố.
Hồi tháng 4/2017, ông Trump từng phát lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk từ hai tàu khu trục của Mỹ trên Địa Trung Hải để nhắm mục tiêu tới căn cứ không quân Shayrat của Syria. Động thái này của chính quyền Mỹ nhằm đáp trả cáo buộc cho rằng chính quyền Syria đã gây ra vụ tấn công hóa học và Washington được cho là đã thông báo cho Moscow trước khi thực hiện vụ không kích này.
Trong vụ không kích nhằm vào căn cứ Shayrat năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết Washington đã phá hủy 20 máy bay, tương đương 20% sức mạnh không quân của Syria. Theo Guardian, để cảnh báo chính quyền Damascus lần thứ hai, Tổng thống Trump có thể tiến hành không kích mạnh tay hơn, cụ thể là phá hủy toàn bộ lực lượng không quân Syria trong cuộc tấn công sắp tới.
Nhà phân tích Ewen MacAskill cho rằng nếu 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ phá hủy được 20% lực lượng không quân của Syria, Washington sẽ phải tiến hành cuộc không kích mạnh gấp 4 lần, đồng nghĩa với việc sử dụng 240 quả tên lửa, để xóa sổ phần còn lại của không quân Syria.
“Không thể xem thường khả năng của các tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk trong khu vực. Sự hiện diện của chúng ở Địa Trung Hải là chuyện thường thấy, và chúng từng được triển khai để tấn công các mục tiêu tại Bắc Phi trước đây”, chuyên gia phân tích quân sự John Kirby cho biết.
Ngoài Tomahawk, Không quân Mỹ cũng có các tên lửa JASSM mới phóng từ trên không và Washington có thể sử dụng các máy bay đang được bố trí ở khu vực Trung Đông để mang các tên lửa này tấn công Syria.
“Các tên lửa JASSM tàng hình mới có thể được vận chuyển bởi các máy bay B-1B và B-52 (hiện nay có thể dùng F-15E và F-16). JASSM có thể nhận dạng mục tiêu và dẫn đường bằng hệ thống cảm biến hồng ngoại, biến chúng trở thành các tên lửa “mới” và “thông minh”. Mỹ đã phát triển một thế hệ vũ khí tác chiến điện tử mới được thiết kế để giúp nước này tiến hành các cuộc tấn công đánh trúng mục tiêu”, Adam Mount, chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà Khoa học Mỹ, nhận định.
Nhận định về khả năng bắn hạ tên lửa Mỹ của Nga, Douglas Barrie, một chuyên gia cấp cao về phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh, cho biết lực lượng không quân Nga từ lâu đã nỗ lực trong việc định vị và bắn hạ các tên lửa hành trình của Mỹ, song đây không phải là bài toán dễ dàng với Moscow.
“Hai hệ thống phòng không S-400 và Pantsir đã được triển khai tới Syria để thể hiện sự hiện diện của Nga tại khu vực này. Tuy nhiên, để đánh chặn các tên lửa hành trình, Nga cần định vị được chúng khi đang bay và triển khai các hệ thống phòng không trong phạm vi đủ để đánh chặn hoặc đặt các hệ thống này gần các mục tiêu sắp bị tấn công. Do sự hiện diện tương đối hạn chế của Nga tại Syria, điều này sẽ đặt ra thách thức cho Moscow”, ông Barrie nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Lý do Israel bị nghi nã tên lửa vào căn cứ quân sự Syria
Sau vụ không kích nhằm vào căn cứ của quân đội Syria hôm 9/4, cả Nga, Syria và Iran đều cho rằng Israel đã thực hiện vụ việc này. Tuy nhiên, Israel cho tới nay vẫn chưa đưa ra bình luận nào chính thức.
Máy bay chiến đấu F-15 của Israel (Ảnh minh họa: Reuters)
Vụ không kích bằng tên lửa hôm 9/4 đang gợi lại những vấn đề về "cuộc chiến ủy nhiệm" chưa có hồi kết ở Syria. Vụ việc này xảy ra chỉ hai ngày sau vụ tấn công hóa học mà phương Tây nghi ngờ do lực lượng chính phủ Syria thực hiện ở Douma - nơi được coi là thành trì cuối cùng của các nhóm đối lập ở khu vực Đông Ghouta.
Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công hóa học ở Syria xuất hiện, nhiều lãnh đạo các nước, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cáo buộc lực lượng chính phủ Syria tiến hành vụ tấn công này. Tuy nhiên, Syria và Nga tới nay đều bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng các nhóm đối lập đã tìm cách "dàn dựng".
Sau vụ không kích nhằm vào căn cứ của quân đội Syria, cả Nga, Syria và Iran đều cho rằng Israel đã thực hiện vụ việc này. Tuy nhiên, Israel cho tới nay vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào, trong khi một cựu chỉ huy của Không quân Israel cho rằng vụ việc này rõ ràng có "bàn tay" của Israel.
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự tại tỉnh Homs, nơi bị tấn công bằng tên lửa hôm 9/4 (Ảnh: Sky)
Căn cứ quân sự bị tấn công nằm tại tỉnh Homs, trong khi vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học xảy ra tại Douma (Ảnh: Sky)
Cựu Tư lệnh Không quân Israel, Trung tướng Eitan Ben Eliyahu, khẳng định việc Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân sẽ phải trả giá bằng các hành động đáp trả. Tuy nhiên, nghi vấn tấn công của Israel cũng được nhìn nhận theo một hướng khác, đó là nhằm vào sự hiện diện ngày càng gia tăng của Iran ở Syria.
Căn cứ bị tấn công, được gọi là T-4, là nơi có sự hiện diện của Iran. Đây là nơi Israel từng lần ra được tung tích của một máy bay không người lái của Iran đã xâm phạm không phận Israel hồi tháng 2. Trong khi đó, phát biểu trên Đài phát thanh quân đội Israel, thủ lĩnh đảng đối lập Yesh Atid - ông Yair Lapid, cho biết: "T-4 mà chúng ta hay nhắc tới không còn là căn cứ của quân đội Syria, đó là căn cứ nơi có sự hợp tác giữa Iran và Syria. Như những gì mà chúng ta đã nói lâu nay, Israel không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria và sẽ không cho Tehran cơ hội gia tăng hiện diện tại đây. Cái gì cũng có giá của nó".
"Mối đe dọa Iran"
Lâu nay, Israel luôn coi Iran là mối đe dọa hiện hữu và là nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của nước này. Do vậy, Israel luôn canh chừng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, từ Iraq tới Syria và Lebanon. Mỗi khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, Israel sẽ tham vấn Nga, Mỹ và một số nước khác để đưa ra hành động. Tuy nhiên, trong vụ không kích mới đây, nhiều khả năng Israel đã tự mình thực hiện.
Trước khi cuộc nội chiến ở Syria xảy ra vào năm 2011, Israel từng đạt được một thỏa thuận ngầm với Syria về việc cho phép hai quốc gia láng giềng này "tồn tại chung", dù cho Damacus chưa bao giờ công nhận nhà nước Israel. Nhưng sự hiện diện của Iran ở Syria đã thay đổi tình hình địa chính trị trong khu vực, buộc Israel nhiều lần tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria trong những năm qua.
Ngoài ra, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc cũng làm Israel lo ngại. Với việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Israel lo ngại rằng Tehran sẽ có thêm tiềm lực tài chính để phát triển các loại tên lửa và chương trình hạt nhân của nước này.
Ngọc Anh
Theo Dantri
Mỹ và phương Tây có thể tấn công các mục tiêu nào tại Syria? Nhiều căn cứ tại Syria có thể trở thành mục tiêu cho cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra những cảnh báo cứng rắn với chính quyền Damascus sau nghi vấn tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng. Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp...