Ấn, Trung đua nhau tích trữ lương thảo sát biên giới
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đẩy mạnh tích trữ vật tư hậu cần cho binh sĩ biên giới sử dụng trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.
Các chỉ huy cấp cao của quân đội Ấn – Trung ngày 21/9 đồng ý không điều thêm binh sĩ tăng viện cho tiền tuyến để giảm bớt căng thẳng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa hai nước. Tuy nhiên, hai nước không thống nhất về việc rút hàng chục nghìn quân được tăng cường tới đây sau những vụ đụng độ nổ ra từ hồi tháng 5.
Thực tế này đặt ra thách thức hậu cần rất lớn cho chỉ huy quân đội hai bên, khi phải đảm bảo khả năng sống sót và tác chiến cho các binh sĩ đồn trú ở độ cao hơn 4.500 m, nơi khan hiếm ôxi và nhiệt độ giảm mạnh vào mùa đông, bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài suốt nhiều tháng. Đây là một trong những mối quan tâm chính tại đàm phán giữa chỉ huy quân đội Ấn – Trung, truyền thông Ấn Độ đưa tin.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn thời tiết khắc nghiệt sắp tới, đẩy mạnh hoạt động cung cấp hậu cần tới khu vực Ladakh và Aksai Chin.
Vận tải cơ Ấn Độ đỗ tại một căn cứ không quân ở Leh, vùng Ladakh, ngày 15/9. Ảnh: Reuters.
“Các chỉ huy cấp cao nhất của Ấn Độ đang xem xét khả năng duy trì khoảng 30.000 quân ở phía đông Ladakh trong suốt mùa đông, và mọi biện pháp dự trữ sẵn lương thực, nhiên liệu và đạn dược đang được thần tốc thực hiện”, Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu chương trình Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi, cho biết.
Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết quân đội Trung Quốc (PLA) có thể có lợi thế trong hỗ trợ hậu cần cho lực lượng ở biên giới. Trung Quốc trong những thập kỷ qua đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng cho các huyện biên giới xa xôi của họ trong kế hoạch xóa đói giảm nghèo toàn quốc.
Báo cáo do Stratfor, hãng tư vấn tình báo và an ninh có trụ sở tại Mỹ, công bố ngày 22/9 cho biết Trung Quốc xây thêm ít nhất 13 căn cứ quân sự mới sát Ấn Độ kể từ vụ đụng độ tại Doklam năm 2017, gồm ba căn cứ không quân, 5 sân bay trực thăng và 5 trận địa phòng không.
Các binh sĩ Ấn – Trung đóng dọc theo LAC sẽ phải chống chịu điều kiện khắc nghiệt khi khu vực này gần như bị cô lập trong mùa đông. “Nhiệt độ ở dãy Himalaya có thể xuống dưới -40C trong mùa đông. Tất cả tuyến đường quan trọng kết nối với thế giới bên ngoài sẽ bị đóng băng trong ít nhất nửa năm”, chuyên gia Chu Thần Minh nói.
Video đang HOT
“Khi mùa đông bắt đầu, cả hai bên đều không có cách nào để chiến đấu thêm nữa. Khả năng sống sót sẽ là ưu tiên hàng đầu”, chuyên gia này cho biết.
Xe vận tải của quân đội Trung Quốc chạy trên một tuyến đường ở Tây Tạng, ngày 19/9. Ảnh: CCTV.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin PLA đã xây dựng một số điểm đỗ máy bay và bệnh viện ở các thành phố thuộc khu tự trị Tây Tạng nhằm kết nối với các tiền đồn quân sự dọc biên giới với Ấn Độ.
Tờ PLA Daily từng cho biết không quân Trung Quốc cải hoán vận tải cơ Y-9 thành bệnh viện bay để hỗ trợ chăm sóc y tế cho binh sĩ, đồng thời diễn tập sử dụng máy bay không người lái (UAV) để vận chuyển lương thực cho tiền tuyến.
Tờ Print, có trụ sở tại New Delhi, cho biết các loại vật tư được quân đội Ấn Độ chuyển lên biên giới gồm quần áo mùa đông đặc biệt, lều chuyên dụng, thực phẩm và nhiên liệu để lính biên phòng có thể sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt của 6 tháng tới.
Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia quân sự tại New Delhi, nhận định cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc không rút quân dù hiểu rõ cuộc đối đầu trong những tháng mùa đông sẽ trở thành “chiến tranh tiêu hao”.
“Lính Ấn Độ đã đóng tại Siachin thuộc Ladakh trong vài năm và đã quen với những khó khăn sắp tới. Nếu Trung Quốc cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, họ sẽ bị đáp trả phù hợp. Quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng và được giới lãnh đạo chính trị hỗ trợ đầy đủ”, Chaturvedy nói.
Vị trí xảy ra đụng độ giữa binh sĩ Ấn – Trung những tháng qua. Đồ họa: Telegraph.
Căng thẳng dọc theo LAC đã gia tăng nhiều tháng qua, bất chấp nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao, quân sự và chính trị, bao gồm các cuộc hội đàm tại Moskva đầu tháng 9 giữa quan chức hai nước.
Quân đội hai nước triển khai hàng chục nghìn binh sĩ dọc theo LAC sau lần đụng độ đẫm máu nhất nhiều thập kỷ hôm 15/6. Giới chuyên gia lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vì sao quân đội TQ "bằng mọi giá" chiếm lại bằng được các cao điểm Ấn Độ đang kiểm soát?
Hôm 8.9, nguồn tin của India Today cho biết, quân đội Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ tầm xa J-20 cùng một số khí tài hạng nặng khác đến một căn cứ quân sự phía Đông Ladakh. Tình hình tại biên giới Trung - Ấn đang tiếp tục căng thẳng sau vụ binh sĩ hai bên nổ súng về phía nhau.
Quân đội Trung Quốc diễn tập ở biên giới (ảnh: India Today)
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thông báo, một cuộc họp giữa các tướng lĩnh cấp cao dự kiến sẽ được tổ chức sau vụ việc binh sĩ nổ súng hôm 7.9.
"Chính quân đội Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm các thỏa thuận đạt được thông qua những kênh liên lạc ngoại giao và quân sự. Trong vụ việc xảy ra hôm 7.9, các binh sĩ Trung Quốc đã cố gắng xâm nhập một trong những tiền đồn quan trọng của chúng tôi ở LAC", phát ngôn viên bộ Quốc phòng Ấn Độ nói.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, sau vụ đụng độ nhỏ xảy ra ngày 29.8, quân đội nước này đã chiếm được một số vị trí quan trọng ở Ladakh.
Đặc biệt, các tiền đồn do quân đội Ấn Độ chiếm lĩnh nằm ở độ cao thuận lợi, có khả năng quan sát, nhìn ra những căn cứ chiến lược của lực lượng Trung Quốc ở Ladakh. Vì vậy quân đội Trung Quốc "bằng mọi giá" muốn chiếm ngược lại những tiền đồn này. Quân đội Trung Quốc đã triển khai thêm nhiều binh sĩ, xe tăng, tên lửa dẫn đường lên LAC.
Tuy nhiên, lực lượng Ấn Độ đã có sự chuẩn bị tốt và đánh bật nhiều vụ áp sát, khiêu khích từ quân đội Trung Quốc. Ấn Độ coi việc chiếm lĩnh những cao điểm then chốt là điều kiện mang lại lợi thế trên bàn đàm phán biên giới, theo India Today.
Vụ nổ súng xảy ra ở Ladakh đêm ngày 7.9 xảy ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn gia tăng và các vòng đàm phán cấp cao giữa các bên không mang lại kết quả.
Theo nguồn tin của India Today, vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 6 - 7 giờ tối theo giờ địa phương. Một đội tuần tra của binh sĩ Trung Quốc đã tiến đến rất gần với mục đích xâm nhập tiền đồn Ấn Độ cạnh hồ Pangong.
Tuy nhiên, Zhang Shuili - phát ngôn viên Chiến khu phía Tây Trung Quốc - cho rằng, quân đội Ấn Độ mới là bên vi phạm trước, khi vượt sang phần kiểm soát của các lực lượng Trung Quốc tại Đường kiểm soát thực tế (LAC).
"Chúng tôi buộc phải có phản ứng khẩn cấp để ổn định tình hình lúc đó. Chúng tôi yêu cầu Ấn Độ dừng ngay các hành động nguy hiểm và rút quân", ông Zhang nói.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vụ việc hôm 7.9 là những phát súng đầu tiên được bắn ra kể từ vụ đụng độ năm 1975, khiến 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Quân đội Ấn Độ trao trả lại bò, bê đi lạc cho Trung Quốc (ảnh: Hoàn cầu)
Theo Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, tình hình ở LAC hiện tại là "rất nghiêm trọng" và kêu gọi hai nước tổ chức đối thoại ở cấp cao hơn.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, cùng hôm diễn ra vụ nổ súng, quân đội Ấn Độ đã bàn giao 13 con bò Tây Tạng và 4 con bê đi lạc cho Trung Quốc.
"Trong một hành động thể hiện sự hữu nghị, quân đội Ấn Độ đã bàn giao 13 con bò và 4 con bê đi lạc cho Trung Quốc. Các quan chức có mặt tại buổi giao nhận đã hết lời cảm hơn quân đội Ấn Độ", bài viết được đăng trên trang mạng xã hội chính thức của quân đội Ấn Độ cho hay.
Ở một diễn biến khác, cảnh sát bang Arunachal Pradesh cho biết, 5 công dân Ấn Độ nghi bị quân đội Trung Quốc "bắt cóc" vẫn còn mất tích.
Mỹ sẵn sàng hòa giải Trung - Ấn Trump đề xuất Mỹ làm trung gian hòa giải cho Trung Quốc và Ấn Độ khi căng thẳng ở khu vực biên giới hai nước đang gia tăng. "Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng Mỹ sẵn lòng, sẵn sàng và có thể hòa giải hoặc phân xử tranh chấp biên giới gay gắt giữa họ", Tổng...