Ăn thử món bánh của người Sán Dìu
Bánh bạc đầu, bánh tày nồng ệp là những món mà nếu đã ăn một lần sẽ khó quên.
Tại Quảng Ninh, đồng bào dân tộc Sán Dìu hiện đang sinh sống ở một số nơi thuộc các huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ… Chúng tôi may mắn được nếm những món ăn độc đáo, hấp dẫn của người Sán Dìu trong những ngày đầu năm mới 2013.
Bánh bạc đầu vừa nặn vừa ăn
Người bán bánh bạc đầu trên 50 tuổi, ngồi ở cổng chợ Hạ Long I không phải là người Sán Dìu. Mọi công thức bánh bà có được nhờ một người Sán Dìu từng bán lâu năm món bánh này trong thành phố truyền lại. Bà cho biết do bánh được phủ ngoài một lớp bột trắng, nên gọi là “bạc đầu” cho dễ nhớ.
Bánh bạc đầu thơm ngon, lạ miệng – Ảnh Halongcoal.com.vn
Bánh được làm từ bột nếp được xay mịn, nhào dẻo rồi luộc cho đến khi từng khối bột nổi lên trong nồi nước sôi. Nhân bánh gồm có lạc (đậu phộng), vừng (mè) rang thơm, giã nhỏ, trộn đều cùng đường cát trắng.
Ngắt từng miếng bột nhỏ, nặn cho dẹt, nhồi nhân vào giữa, xoa một lớp bột đã được rang chín bên ngoài, thế là có thể ăn ngon lành.
Bà bán hàng luôn tay vừa nặn bánh bạc đầu, vừa gói bánh vào túi cho những người khách mua mang về. Món bánh bạc đầu ăn ngọt man mát, không béo ngậy do chỉ được làm từ bột nếp luộc chín nên người già cũng thích mà trẻ em cũng mê.
Video đang HOT
Bánh bạc đầu làm đơn giản, ngày tôi 5 tuổi, trong những ngày nhàn rỗi, bà nội tôi cũng hay làm bánh chiêu đãi các cháu. Một ngày năm mới gió thổi vun vút, ngồi quanh bếp lò mà cắn một miếng bánh bạc đầu, thơm mùi đường cát, lạc vừng, thấy được gần gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất!
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm vị gừng
Tết Dương lịch này tôi may mắn được ăn bánh tày nồng ệp, món ăn truyền thống của người Sán Dìu.
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm với cái tên lạ lẫm – Ảnh: Thúy Hằng
Từ nhiều năm nay, những ngày rằm, mồng 1 hay lễ tết, bác tôi thường có thói quen làm bánh này để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Bác nói món bánh có tên vừa dài, vừa lạ được người Sán Dìu làm trong những ngày truyền thống, thờ cúng. Món bánh hình tròn, tượng trưng cho trời, cho con cháu những bài học giá trị của hạt gạo với đời sống của con người.
Để làm bánh tày nồng ệp thì cầu kỳ lắm, bột nếp 7 phần, bột tẻ 3 phần, nước cốt củ gừng, lạc rang giòn tách đôi, đường phên nấu cho chảy, tất cả ngần ấy nguyên liệu được trộn đều với nhau. Cái khéo của người làm bánh là sao cho nước đường phên hòa với bột đến đủ độ dẻo quánh, không khô quá mà cũng không vón cục.
Bột được đổ vào khuôn, dưới lót một lần lá chuối, rồi cho lên xửng hấp. Đến khi lấy chiếc đũa, xiên thử vào khuôn bột mà đầu đũa không bị bột dính nữa thì bánh đã chín. Treo bánh lên cao cho ráo nước, ít nhất ngày hôm sau mới ăn thì bánh rất thơm ngon.
Một chiều đông rét đậm đà, xúm xít quanh gian bếp xem bác tôi đổ bánh tày nồng ệp, háo hức giây phút được cắn thử một miếng bánh cay cay, thơm lừng mùi gừng, tôi đã thấy năm mới sớm về đến cửa…
Bà nội tôi nói đồng bào Sán Dìu ngày nay di cư về thành phố Hạ Long rất đông. Họ ăn mặc như người Kinh, buôn bán hàng hóa, hải sản nhanh nhẹn không kém gì những người bản địa. Đây cũng chính là tộc người ăn Tết Đông Chí (ngày 21.12) hàng năm rất to với món bánh bạc đầu, bánh tày nồng ệp và tục lệ mỗi nhà trồng một giàn bầu, giàn bí (mong con cháu đông đúc như bầu, bí).
Chúng tôi chưa có dịp được trò chuyện cùng một người Sán Dìu chính gốc, nhưng được nếm thử những chiếc bánh của họ trong ngày đầu năm mới, cũng đủ thấy bao nhiêu ý nghĩa họ gửi gắm, ẩn sâu trong món ăn truyền thống!
Theo Thúy Hằng (ihay)
Đặc sắc gà đồi, heo cắp nách
Đây là các đặc sản của Tam Đảo, ai đã thưởng thức một lần thì không thể quên.
Dọc các con đường của thị trấn Tam Đảo - Vĩnh Phúc, bên cạnh những khách sạn, resort, nhà nghỉ dầy đặc là những nhà hàng, những quán ăn. Ở những nơi này đều có đặc sản gà đồi và heo cắp nách cùng cơm tám. Cơm tám đúng nghĩa được nấu bằng gạo tám xoan - một đặc sản miền Bắc lừng danh từ lâu nay. Còn giờ, gọi là "cơm tám" nhưng thực ra chỉ là cơm nấu bằng gạo Hải Hậu. Dù vậy, cơm vẫn thơm ngon. Đặc sản có thể gọi thuần của Tam Đảo là gà đồi và heo cắp nách.
Gà đồi được đồng bào dân tộc Sán Dìu nuôi, thả rông trong những vạt đồi. Chúng tự tìm lấy thức ăn. Nhờ vậy mà những con gà này mình mẩy "thon thả", nhỏ gọn như gà tre trong Nam. Khi chế biến thành thức ăn, món nào cũng khiến thực khách trầm trồ khen chắc thịt, sớ nào cũng ứa ra vị ngọt ngon miệng. Dân Tam Đảo chế biến gà đồi nhiều kiểu, như: nướng, hấp, luộc, rang muối, xáo (hầm) măng, rang hành mỡ... Đặc sắc nhất là món gà đồi bọc đất nướng lửa củi. Thưởng thức rồi ai cũng xuýt xoa. Cái làm người ăn khó quên là da gà mỏng "đúng tầm", giòn ngọt, lại thơm.
Gà đồi chắc thịt, sớ nào cũng ứa ra vị ngọt ngon miệng
"Sánh vai" cùng gà đồi trong danh sách ẩm thực đặc trưng vùng núi cao này là những chú heo cắp nách - còn được người dân Tam Đảo gọi là heo mán, heo lửng. Heo cắp nách có thân mình dài, lông đen, bụng thõng, mỏ nhọn, chân nhỏ, mỗi chân lông có ba sợi chụm vào. Heo cũng được bà con dân tộc Sán Dìu thả nuôi trong điều kiện tự nhiên. Chúng tự tìm kiếm thức ăn. Chúng ăn cỏ, măng trúc, các loại rau củ, đặc biệt là những rễ cây có giá trị thảo dược có nhiều nơi đây. Heo cắp nách nặng chừng 6 - 8kg là "xuất chuồng".
Ở một vài nhà hàng Tam Đảo, heo cắp nách được giới thiệu chế biến thành "bảy món ăn chơi" như: hấp, nướng, rựa mận, tiết canh, xào sả, lòng hấp và lòng nướng. Miếng thịt heo đầy những nạc, bên ngoài phủ lớp da mỏng vừa phải, với lớp mỡ trắng đục "mỏng như giấy carton" chen giữa. Cắn một miếng, cảm nhận ngay tiếng da heo giòn "nổ" êm trong răng, rồi chút xíu nước mỡ thấm nhẹ đốc họng. Lại còn miếng nạc ứa vị ngọt đầm đìa miệng. Ăn, phải nói một lần là ghiền.
Tam Đảo còn có rượu đặc sản do đồng bào dân tộc chưng cất. Rượu hơi đục với màu vàng nhạt, nhấp một hơi nghe tinh túy nếp nương lan đều cơ thể. Loại rượu này được ngâm với táo mèo và sâu chít - đặc sản địa phương. Vừa thưởng thức các món gà đồi, heo cắp nách cùng với rượu táo mèo, rượu sâu chít thì lâng lâng. Rượu say đằm, ngủ ngon, thức dậy không váng vất đầu.
Theo 24h
[Chế biến] - Bánh củ cải đường Các cụ ta vẫn thường nói "Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng, một năm bốn mùa đảm bảo an khang". Củ cải rất tốt cho hệ hô hấp, họng, huyết áp, da... Ngoài làm rau, loại củ này còn làm bánh cực ngon. Bánh củ cải vốn được biết đến là món ăn của người Triều Châu tiễn ông Táo...