Ẩn số “lãi dự thu” của các nhà băng
Khác với nhiều dự đoán từ trước về khả năng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm đáng kể trong nửa cuối năm nay, báo cáo tài chính quý III/2020 vừa được nhiều tổ chức tín dụng công bố cho thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, các con số này được cho là sẽ thay đổi đáng kể khi quy định cho phép chưa chuyển nhóm nợ hết hiệu lực.
Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2020 tăng trưởng 2 con số. Ảnh: Lê Tiên
Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2020 đạt 1.666 tỷ đồng, tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm trước. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPBank), lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao, đạt 4.025 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lợi nhuận trước thuế quý III tăng 10%, đạt 3.015 tỷ đồng.
Ngược lại với điểm sáng về lợi nhuận, nhiều ngân hàng ghi nhận số nợ xấu tăng đáng kể sau 9 tháng năm 2020. Tại VPBank, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức 10.147 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Nợ xấu tại MB cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%.
Video đang HOT
Bình luận về diễn biến lợi nhuận và nợ xấu của các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, rất khó nhận diện chính xác về thực trạng lợi nhuận và nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bởi vì, áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ do dịch Covid-19, các nhà băng đang được phép chưa chuyển nhóm nợ với các khoản vay thuộc diện chuyển sang nhóm “xấu hơn”. Điều đó có thể làm giảm tính xác thực ít nhất ở 2 điểm: do nợ xấu chưa chuyển nhóm nên lãi dự thu vẫn được hạch toán trên bảng cân đối, nhờ đó lợi nhuận vẫn tăng; không trích lập dự phòng với các khoản nợ xấu nên góp phần đẩy lợi nhuận tăng.
Dự báo về lợi nhuận và nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, chắc chắn bức tranh thực sẽ hiện rõ sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số khó đoán và có thể tác động mạnh mẽ nhất chính là tình hình dịch Covid-19 trên thế giới. Nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp ở các nước thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, từ đó tác động bất lợi hơn đến thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng.
Từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế khiến nhiều khách hàng của ngân hàng, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ, dẫn đến nợ xấu tăng.
“Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN tham gia nhiều vào thương mại quốc tế hay dịch vụ, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên. NHNN đã giao các đơn vị chức năng đánh giá, phân tích ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng và toàn hệ thống”, bà Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, NHNN cũng nêu rõ thông điệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (vay mua nhà để ở).
Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS trong tổng dư nợ lĩnh vực BĐS ngày càng giảm (thời điểm 31/12/2017 là 45,63%, 31/12/2018 là 35,49%, 31/12/2019 là 32,95%). Đến cuối tháng 8/2020, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tăng 4,78% so với cuối năm 2019, chiếm 19,55% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dự nợ tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh BĐS tăng 5,32%, chiếm 33,91% tổng dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 4,5%, chiếm 66,09% tổng dư nợ tín dụng BĐS. Tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán năm 2018 là 14,7%, năm 2019 là 7,49%, đến cuối tháng 8/2020 giảm 10,35% so với cuối năm 2019, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng.
Ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%?
Theo Dự thảo Thông tư, TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài.
Nội dung dự thảo dựa trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2016, Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời, bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua TPDN giữa các TCTD và hoạt động bán TPDN của các TCTD để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD; qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ của TCTD.
Nội dung thông tư quy định " TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua".
Quy định này nhằm hạn chế các TCTD không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Đồng thời, thông tư cũng có Quy định " TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành". Quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Theo đó, thời gian qua đã phát sinh việc TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Theo đó, trường hợp một đợt phát hành TPDN với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì TCTD cũng không được mua TPDN.
Thông tư cũng quy định "T CTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác" nhằm hạn chế TCTD không được mua trái phiếu phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, vì qua công tác kiểm tra hoạt động của TCTD, phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần... Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.
Dự thảo còn quy định thêm " TCTD mua TPDN với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi chuyển đổi mục đích nắm giữ trái phiếu và thực hiện bán TPDN này cho TCTD khác thì trong vòng 12 tháng không mua lại các TPDN đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN đã bán, trừ trường hợp bán TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật" nhằm quản lý hoạt động mua, bán TPDN giữa các TCTD thống nhất với việc quản lý hoạt động mua, bán nợ của các TCTD và các quy định của pháp luật liên quan, tránh trường hợp các TCTD bán TPDN cho TCTD khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau để tìm cách không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm...
'Siết' quy định ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp vì lo nợ xấu, lách hạn mức tín dụng Theo dự thảo thông tư mới, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% không được mua trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp dính nợ xấu. Cùng với đó, dự thảo thông tư cũng "bị cửa" lách hạn mức tín dụng của các ngân hàng khi tiến hành mua, bán trái phiếu...