An ninh trong lễ nhậm chức của Donald Trump là thách thức chưa từng có trong lịch sử
Các quan chức cấp cao tham gia lập kế hoạch đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hận thù chính trị và các mối nguy khủng bố gây ra thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Hận thù chính trị của nước Mỹ bị chia rẽ
Làn sóng biểu tình phản đối được coi là thách thức hàng đầu trong buổi lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump. 30 cơ quan được giao trọng trách đảm bảo an ninh cho sự kiện trọng đại diễn ra ngày 20/1 với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối đã được lên kế hoạch.
Giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ đối đầu giữa những nhóm người Mỹ, vốn bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Michael Chertoff, cựu quan chức Bộ An ninh Nội địa dưới thời tổng thống George W. Bush – người chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trong lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Obama, nhấn mạnh: “Mỗi lễ nhậm chức đều nguy hiểm theo cách riêng. Tuy nhiên, tôi chưa thấy thách thức nào lớn như sự kiện ngày 20/1 tới”.
Cảnh sát đảm bảo an ninh bên ngoài tháp Trump ở New York.
Năm 2005, nước Mỹ chứng kiến lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush. Nó đặc biệt vì nước Mỹ chưa thoát khỏi ám ảnh từ vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Bốn năm sau, lễ nhậm chức của Tổng thống Obama cũng ẩn chứa nguy hiểm bởi lần đầu tiên trong lịch sử, ông chủ Nhà Trắng là người Mỹ gốc Phi. Mối quan ngại lớn nhất khi đó là nạn phân biệt chủng tộc cũng như khủng bố.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Obama sẽ không là gì nếu so với các hoạt động tuần hành được chuẩn bị để phản đối ông Trump, người mà tạp chí TIME danh tiếng gọi là “Tổng thống của nước Mỹ chia rẽ” khi chọn ông là Nhân vật của năm. Nhà chức trách Mỹ đã nhận được đơn xin phép biểu tình của 23 tổ chức, bao gồm cả những người ủng hộ và phản đối ông Trump.
Video đang HOT
Hiện tại, cảnh sát Washington, Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), các nhà phân tích tình báo, binh sĩ quân đội… đã được huy động để đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức với con số lên tới hàng chục nghìn người. Chi phí đảm bảo an ninh dự kiến sẽ lớn hơn 100 triệu USD.
Các biện pháp đảm bảo an ninh
Tham dự lễ nhậm chức của ông Trump là hàng nghìn quan chức hàng đầu của nước Mỹ. Đây là trọng tâm bảo vệ của tình báo, quân đội và cảnh sát Mỹ từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Ngày nay, mối đe dọa không chỉ đến từ các tổ chức khủng bố bên ngoài mà còn sinh ra trong chính nội bộ nước Mỹ, với những vụ tấn công kiểu con sói đơn độc.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Roy Blunt, người đứng đầu Ủy ban phụ trách lễ nhậm chức của Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh: “Theo những gì cộng đồng tình báo tiết lộ, các mối đe dọa với lễ nhậm chức của ông Trump lớn chưa từng có. Điều đó đồng nghĩa với việc các lực lượng đảm bảo an ninh của Mỹ phải cảnh giác hơn bao giờ hết”.
Các nhà tổ chức ước đoán, có 2 tới 3 triệu người sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Cùng với đó, gần như toàn bộ lực lượng an ninh trong khu vực sẽ được huy động kết hợp với số lượng lớn lực lượng bổ sung, bao gồm 3.200 cảnh sát trên khắp nước Mỹ, 8.000 binh sĩ lực lượng Vệ binh Quốc gia. Ngoài ra, khoảng 5.000 binh sĩ dự bị có thể được triển khai để phục vụ lễ nhậm chức.
Lực lượng tìm kiếm và rà soát vật liệu nổ cũng sẽ được triển khai. Một số ga tàu điện ngầm và đường phố bị đóng cửa. Các vùng đệm xung quanh khu vực diễn ra lễ nhậm chức cũng được tăng cường an ninh. Các vật liệu cản, trong đó có xe tải chở đầy cát hoặc vật nặng tương tự, cũng sẽ được triển khai để ngăn các âm mưu tấn công.
Trước nguy cơ đụng độ có thể xảy ra giữa các nhóm ủng hộ và phản đối ông Trump, cảnh sát đã chuẩn bị phương án bắt giữ các phần tử quá khích. Tuy nhiên, những kẻ sử dụng ma túy hoặc cần sa không nằm trong nhóm ưu tiên khống chế của cảnh sát trong ngày ông Donald Trump nhậm chức.
Ông Geldart, Giám đốc lực lượng an ninh Washington D.C, cho biết: “Mọi người đều thấy chiến dịch này gây tranh cãi như thế nào. Thành thật mà nói, điều khiến tôi không thể ngủ chính là sự bất đồng giữa những nhóm người Mỹ và làm sao để họ bày tỏ quan điểm của mình trong an toàn”.
Gần 33 triệu USD bảo vệ Donald Trump ở New York
Trong khi đó, nhà chức trách thành phố New York cho biết, số tiền được dùng để đảm bảo an ninh cho Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tới 32,9 triệu USD. Tính tới thời điểm ông Trump nhậm chức, số tiền này sẽ cán mốc 35 triệu USD, tương đương 500.000 USD/ngày. Phần lớn khoản chi phí được dùng cho lực lượng cảnh sát bảo vệ xung quanh tháp Trump, công trình nổi tiếng nằm giữa khu vực tấp nập nhất của New York.
Để độc giả dễ hình dung, tờ Bloomberg cho biết 35 triệu USD bảo vệ ông Trump tương đương với 4,3 triệu bữa ăn phục vụ tại nhà cho những người già cả hoặc tương đương khoản tiền chi cho 400 giáo viên mới, cải tạo 350 km mặt đường…. New York đã yêu cầu chính quyền liên bang hỗ trợ các khoản chi phí này.
(Theo CafeF)
Trump là Tổng thống Mỹ với mức tín nhiệm thấp kỷ lục
Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ ngày 20.1 với mức tín nhiệm thấp kỷ lục, mức thấp nhất trong số các đời tổng thống gần đây và thấp hơn người tiền nhiệm Barack Obama 44 điểm.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Kết quả thăm dò của CNN/ORC trước thềm lễ nhậm chức cho thấy, ông Trump chỉ đạt mức tín nhiệm 40%.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama tuyên thệ vào năm 2009 với mức tín nhiệm đạt 84%, trong khi 67% ủng hộ việc chuyển giao sang Tổng thống Bill Clinton năm 1992. 61% là mức tín nhiệm dành cho Tổng thống George W. Bush vào năm 2001.
CNN nhận định, cách ông Trump xử lý các vấn đề trong quãng thời gian chuyển giao quyền lực vừa qua đã khiến nhiều người Mỹ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của vị tỷ phú vốn không có kinh nghiệm chính trường.
Khoảng 53% số người được hỏi cho biết các tuyên bố và hành động của ông Trump kể từ ngày bầu cử (8/11) khiến họ cảm thấy ít tin tưởng vào nhiệm kỳ của ông. Công chúng Mỹ gần như chia thành 2 phe ngang nhau (48% mỗi bên), trong việc đánh giá vị tỷ phú sẽ là tổng thống giỏi hay tồi.
Ông Trump ngày 17.1 đã lên tiếng đáp trả khảo sát của CNN/ORC. "Vẫn là những người từng đưa ra khảo sát trước bầu cử, họ đã sai lầm và giờ họ lại nhắc đến mức độ tín nhiệm", ông Trump viết trên Twitter. "Những cuộc khảo sát này đều được dàn dựng, giống như trước đây".
Ông Trump trong cuộc gặp với tỷ phú Trung Quốc Jack Ma ngày 9.1.
Tuy vậy, nhiều người Mỹ vẫn tin rằng ông Trump sẽ hoàn thành một số cam kết chủ chốt trong chiến dịch tranh cử như kế hoạch phát triển kinh tế và chống khủng bố.
Kết quả thăm dò cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong công chúng Mỹ, vốn là đặc điểm nổi bật của cuộc bầu cử vừa qua. 48% người tham gia nói những chính sách mà ông Trump đưa ra sẽ dẫn nước Mỹ đi đúng hướng, trong khi 49% suy nghĩ ngược lại.
Vai trò Đệ nhất phu nhân mà con gái Trump, Ivanka đảm nhiệm nhận được 44% sự ủng hộ của những người tham gia khảo sát, 33% phản đối và 23% nói không chắc chắn.
Đài CNBC của Mỹ nhận định, ông Trump có cơ hội lớn để cải thiện mức tín nhiệm nếu đưa ra bài phát biểu ấn tượng và thuyết phục trong lễ nhậm chức ngày 20.1.
Khảo sát của CNN/ORC được tiến hành qua điện thoại từ ngày 12-15, ngẫu nhiên trong số 1.000 người Mỹ. Mức sai số của khảo sát vào khoảng 3 điểm phần trăm.
Theo Danviet
Trump kêu gọi người ủng hộ tham gia lễ nhậm chức trên mạng xã hội Tổng thống đắc cử Donald Trump đăng tải video lên mạng xã hội và kêu gọi mọi người tham gia vào các hoạt động trong lễ nhậm chức vì đây là "thời khắc của chúng ta trong lịch sử Mỹ". Ông Donald Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới. Ảnh: Instagram Video được đăng tải trên cả Facebook và...