Ăn muối ra sao để vừa tốt cho sức khỏe, lại tránh rước bệnh vào người
Muối rất cần thiết với cơ thể con người, tuy nhiên, ăn thừa muối cũng chính là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư…
Ăn nhiều muối, bệnh đầy mình
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định muối rất quan trọng đối với cơ thể con người. Trong muối có Natri – là một trong hai nguyên tố chính cấu thành nên muối, đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào.
Tuy nhiên, ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến mắc các bệnh như: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… thậm chí còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, ví dụ như ung thư dạ dày.
Theo một số báo cáo gần đây, ở nước ta hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch có liên quan đến ăn nhiều muối.
70% lượng muối ăn vào hằng ngày của người Việt là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn, hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều người không biết mình đang trong tình trạng ăn quá nhiều muối. Đặc biệt, là khi được hỏi bản thân có ăn mặn hay không thì chỉ có khoảng 16% số người được hỏi cho rằng mình ăn mặn.
Ăn nhiều muối là thói quen dễ gây bệnh tăng huyết áp. Bệnh rất dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp. Ảnh minh hoạ
Video đang HOT
Ăn muối ra sao cho hợp lý?
Theo khuyến cáo của tổ chức WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày để phòng chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Theo kết quả điều tra toàn quốc gần đây nhất, trung bình một người trưởng thành ở Việt Nam đang tiêu thụ 9,4g muối/ngày – mức cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hầu hết những thực phẩm chế biến sẵn chưa có dán nhãn thực phẩm nên người dân không biết hàm lượng muối cụ thể trong sản phẩm đó dùng hàng ngày gây khó khăn trong lựa chọn.
Để thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn, tháng 3/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2033/QĐ-BYT về kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn đề phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi của người dân để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày với chỉ tiêu trên 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các loại thực phẩm có nhiều muối và biết các biện pháp để giảm ăn muối; trên 60% người trưởng thành thực hiện ít nhất 1 biện pháp để giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày; trên 90% học sinh phổ thông có hiểu biết về tác hại của việc ăn nhiều muối và nhận biết được các loại thực phẩm chứa nhiều muối; trên 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh liên quan khác được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Trong nội dung Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2018, có đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm mức tiêu thụ muối của một người/ngày xuống dưới 8g và đến năm 2030 là dưới 7g.
Để dễ dàng thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn, Chương trình Sức khoẻ Việt Nam cũng đề cập việc cần có quy định bắt buộc về dán nhãn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn trong đó công bố hàm lượng muối là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng.
Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân không ăn quá 5g muối/ngày, giảm một nửa lượng muối cho vào khi chế biến thức ăn cho gia đình, hạn chế sử dụng các gia vị mặn trên bàn ăn. Nếu có sử dụng nên pha loãng các gia vị mặn và chấm nhẹ tay.
Khi sử dụng các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, cần đọc nhãn dinh dưỡng ghi trên bao gói sản phẩm để biết được hàm lượng muối có trong sản phẩm đó.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cân nhắc và hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều muối như: Rau củ muối, mỳ ăn liền, thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích,… Cùng đó, nên tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên rèn cho con thói quen giảm ăn muối ngay từ nhỏ. Còn với người có thói quen ăn nhiều muối, nên thực hiện các khuyến cáo giảm muối trong các bữa ăn hàng ngày để dần có chế độ ăn lành mạnh. Mỗi hành động nhỏ như giảm ăn muối, tạo thói quen sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.
Mai Hương
Theo vietnamnet
Thái độ sống lạc quan giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ
Phân tích dữ liệu của 15 công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến 230.000 người ở Mỹ, châu Âu, Israel và Úc trong 14 năm, các nhà khoa học Mỹ nhận thấy những người lạc quan giảm được hơn 14% nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, mất trí nhớ, tiểu đường và ít bị đột quỵ cũng như đau tim hơn 35%.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, thái độ sống lạc quan có thể giúp giảm hơn 1/3 nguy cơ đau tim và đột quỵ - Ảnh: Shutterstock
Theo The Daily Mail, nếu muốn giảm trên 1/3 nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, chúng ta hãy nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực.
Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Mount Sinai St Luke, New York, Mỹ, tin rằng các biện pháp can thiệp giúp tăng cường thái độ sống tích cực, lạc quan có thể được sử dụng để cải thiện sức khỏe. Họ đã phân tích dữ liệu của 15 công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến đàn ông và phụ nữ trên toàn cầu, bao gồm cả Anh. Cụ thể, 230.000 người tham gia đến từ Mỹ, châu Âu, Israel và Úc và được theo dõi trung bình 14 năm. Hóa ra, những người lạc quan giảm được hơn 14% nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, mất trí nhớ, tiểu đường và ít bị đột quỵ và đau tim hơn 35%.
Các chuyên gia tin rằng những người lạc quan thường có lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, đối phó tốt hơn với stress - một yếu tố nguy cơ đã biết của bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Stress cũng làm tổn hại hệ thống miễn dịch của chúng ta, làm suy giảm khả năng của cơ thể đối phó với nhiễm trùng. Theo kết quả nhiều công trình quan sát, thái độ sống tích cực làm giảm huyết áp và nồng độ cholesterol.
Ngoài ra, cũng có lý do để tin rằng thái độ lạc quan giúp vào việc loại trừ bệnh suy tim, Alzheimer, bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng và các loại ung thư khác nhau. Giáo sư Rozanski, một bác sĩ tim mạch, cho biết stress, trầm cảm và cô đơn có liên quan đến bệnh tim mạch. Trong khi cảm giác hạnh phúc được cho là làm giảm các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và cholesterol, và kết quả này có thể là nhờ những người lạc quan có xu hướng tập thể dục nhiều hơn và thực hành chế độ ăn uống lành mạnh cũng như hiếm khi uống rượu hoặc hút thuốc. Tâm trạng bi quan chắc chắn dẫn đến viêm, tăng huyết áp và ức chế trao đổi chất. Một số nhà khoa học thậm chí còn cho rằng thái độ bi quan khiến các telomere bị rút ngắn (yếu tố bảo vệ đầu cuối của nhiễm sắc thể, có chiều dài biểu thị tuổi sinh học thực tế của cơ thể). Và telomere càng dài, con người sẽ sống càng thọ.
Giáo sư Alan Rozanski, tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết có thể ứng dụng những phát hiện trên vào việc phòng ngừa bệnh tật.
Đầu năm nay, một nghiên cứu khác do các nhà khoa học ở Đại học Boston, Mỹ, tiến hành, bao quát trên 70.000 phụ nữ và 1.500 đàn ông ở Mỹ, cho thấy trung bình, những người lạc quan nhất sống thọ hơn 15%. Những người lạc quan nhất thường có khả năng sống thọ đến 85 tuổi.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Làm gì để giảm nguy cơ béo phì ở trẻ? Các bà mẹ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát béo phì ở trẻ và ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chứng tiếp theo trong tương lai. Béo phì ở trẻ em đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với người trưởng thành. Béo phì ở trẻ em có nguy cơ phát triển các rủi ro sức khỏe...