“Ăn kiểu lót dạ” cho kết quả “rất thú vị” đối với ung thư vú, BS Phạm Nguyên Quý vẫn kêu gọi: Thận trọng!
Kết quả nghiên cứu trên là khả quan nhưng vẫn cần thêm thời gian để kiểm định và chúng ta vẫn cần lưu ý ở nhiều điểm để không áp dụng sai thành quả khoa học.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với hơn 2 triệu trường hợp chẩn đoán mới mỗi năm, chiếm khoảng 25% tổng số ung thư ở phụ nữ (Globocan 2018). Như hầu hết các bệnh ung thư khác, các tế bào ung thư vú phụ thuộc vào chất dinh dưỡng và các yếu tố tăng trưởng để tiếp tục phát triển và chống lại ảnh hưởng của thuốc điều trị.
Trong khi đó, một số thí nghiệm trên chuột nhiều năm trước đã cho thấy việc nhịn ăn trong thời gian ngắn hoặc chế độ “ăn kiểu lót dạ” (fasting mimicking diets, KLD) có thể bảo vệ những tế bào lành chống lại tác dụng phụ của hóa trị, đồng thời tăng ảnh hưởng của hóa chất lên tế bào ung thư.
Tuy nhiên, nghiên cứu lâm sàng liên quan tới hiệu quả của việc nhịn ăn ngắn hạn trên bệnh nhân ung thư đang ở giai đoạn sơ khai.
Để góp phần làm rõ hơn ảnh hưởng của chế độ ăn KLD trên người, Judith Kroep và các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng pha 2 (DIRECT trial) trên 129 bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn II/III âm tính với HER2.
Trong thử nghiệm này, một nửa số người tham gia theo chế độ ăn kiểu lót dạ 3 ngày trước và vào ngày hóa trị (nhóm KLD), trong khi nửa còn lại vẫn giữ thói quen ăn uống bình thường (nhóm chứng). Kết quả cho thấy dù bác sĩ dùng cùng phác đồ hóa trị bổ trợ trước mổ, khối u dễ thu nhỏ hơn ở những bệnh nhân theo chế độ ăn KLD.
Hình 1
Cụ thể hơn, tỉ lệ tiêu biến hoàn toàn khối u qua đánh giá bệnh phẩm (mô vú) sau mổ, trên kính hiển vi (pathological Complete Response) là 11,7% và KHÔNG KHÁC NHAU giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, sự tiêu biến một phần hoặc hoàn toàn khối u qua chẩn đoán hình ảnh (MRI hoặc siêu âm) trước phẫu thuật, đã xảy ra thường xuyên hơn khoảng 3 lần ở nhóm KLD so với nhóm chứng.
Về tỉ lệ gặp tác dụng phụ dạng vừa-nặng (cấp độ 3-4), nhóm nghiên cứu báo cáo rằng không có khác biệt đáng kể giữa nhóm ăn KLD (75,4%) và nhóm ăn bình thường (65,6%), và không có ca nào tử vong. Thêm vào đó, tỷ lệ bệnh nhân ngừng/bỏ hóa trị không khác nhau giữa hai nhóm (27,7% trong nhóm KLD so với 23,8% ở nhóm chứng).
Giải thích về lý thuyết đằng sau kết quả thú vị này, nhóm nghiên cứu cho biết chế độ ăn KLD là chế độ ăn thay thế dựa trên thực vật, ít axit amin và hạn chế đường, bao gồm chủ yếu là súp, nước dùng và trà. Việc giảm đạm và đường/năng lượng theo lịch trình này có thể đã làm giảm insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin.
Video đang HOT
Hình 2
Đây là hai yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển ung thư mà một số khảo sát trên chuột đã khẳng định. Việc nhịn ăn sẽ chuyển các tế bào lành từ trạng thái sinh trưởng (bình thường) sang trạng thái nghỉ/”chế độ duy trì” vì mức độ dinh dưỡng và insulin xung quanh giảm thấp, trong khi những tế bào ung thư vẫn hăng hái hoạt động phân chia. Vì hóa trị nhắm vào các tế bào phân chia nhanh, khi truyền hóa trị ở trạng thái nhịn ăn/hơi đói, ảnh hưởng lên các tế bào ung thư sẽ mạnh hơn các tế bào lành và hóa trị sẽ tấn công khối u hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong khi nhóm tác giả gợi ý lạc quan rằng “Nghiên cứu này là bước tiến quan trọng trong việc quản lý/thay đổi chế độ ăn của bệnh nhân ung thư nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị tổng hợp”, một số chuyên gia khác và người viết bài này lại kêu gọi bình luận và truyền thông thận trọng.
Thứ nhất, kết quả trên vẫn chỉ là số liệu từ thử nghiệm lâm sàng pha 2, tức rủi ro sai lệch còn khá cao.
Trên thực tế, gần 70% kết quả khả quan ở thử nghiệm pha 2 bị phủ định (thất bại) khi kiểm chứng trên nhiều ca bệnh hơn ở pha 3.
Thứ hai, nghiên cứu này chưa/không chứng minh được rằng chế độ ăn KLD giúp bệnh nhân ung thư vú sống lâu hơn.
Đây là một tiêu chí quan trọng khi phán xét ý nghĩa của một phương pháp mới trên thực tế. Vì hiệu quả điều trị của bệnh ung thư vú giai đoạn sớm là rất cao (tỉ lệ sống qua 5 năm là 85-95% khi ở giai đoạn II), việc chứng minh một phương pháp mới giúp cải thiện thời gian sống ở tình huống này là khó và thường cần nghiên cứu dài hơi (5-10 năm) thì mới có thể ra kết luận chắc chắn.
Hình 3
Thứ ba, nên nhớ rằng tình huống trong nghiên cứu này là ở bệnh nhân ung thư vú, giai đoạn II/III. Điều này có nghĩa là KHÔNG ĐƯỢC tùy tiện áp dụng cho những loại ung thư khác. Thứ tư, cần lưu ý rằng người ta chỉ áp dụng ăn kiêng, ăn lót dạ vào 3 ngày trước hóa trị và vào ngày hóa trị, tức không phải nhịn đói hoàn toàn và nhịn đói mỗi ngày.
Chi tiết hơn, cần chú ý rằng nhóm nghiên cứu đã áp dụng chế độ ăn 4 ngày cụ thể như Hình 3, với các sản phẩm dinh dưỡng được kiểm soát và điều chỉnh nghiêm ngặt về thành phần và tỉ lệ bởi các chuyên gia dinh dưỡng.
Việc cổ súy nhịn ăn tùy tiện hoặc theo chế độ ăn kiêng mù quáng có thể làm bệnh nhân bị suy dinh dưỡng sớm và không theo nổi lịch trình hóa trị.
Như vậy, có thể nói rằng kết quả nghiên cứu trên là khả quan nhưng vẫn cần thêm thời gian để kiểm định và chúng ta vẫn cần lưu ý ở nhiều điểm để không áp dụng sai thành quả khoa học. Hi vọng rằng lý thuyết ăn lót dạ thú vị nói trên tiếp tục vượt qua pha 3 của thử nghiệm lâm sàng để có thể ứng dụng thực tế với độ tin cậy cao hơn.
1. Y Học Cộng Đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
2. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Tài liệu tham khảo
1. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/cancers/20-Breast-fact-sheet.pdf
2. Raffaghello, L. et al. Starvation-dependent differential stress resistance protects normal but not cancer cells against high-dose chemotherapy. Proc. Natl. Acad. Sci. USA 105, 8215-8220 (2008)
3. de Groot S, et al. Fasting mimicking diet as an adjunct to neoadjuvant chemotherapy for breast cancer in the multicentre randomized phase 2 DIRECT trial. Nat Commun. 2020;11(1):3083.
4. Adrienne G Waks, Eric P Winer. Breast Cancer Treatment. JAMA. 2019;321(3):288-300.
5. https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/understanding-a-breast-cancer-diagnosis/breast-cancer-survival-rates.html
Ung thư dùng túi truyền tín hiệu gây đột biến tế bào khỏe mạnh
Tín hiệu này gây hiện tượng tái lập trình lại hình dạng và vị trí của ty thể trong các tế bào khỏe mạnh, kích thích sự tạo hình bất thường ở các mô.
Theo 1 nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Wistar, các tế bào ung thư vú bị thiếu oxy sẽ gửi tín hiệu có khả năng tạo ra thay đổi "ung thư hóa" ở các tế bào biểu mô khỏe mạnh xung quanh.
Những tín hiệu này được đóng gói trong các hạt nhỏ được gọi là túi ngoại bào. Tín hiệu gây hiện tượng tái lập trình lại hình dạng và vị trí của ty thể trong các tế bào khỏe mạnh, kích thích sự tạo hình bất thường ở các mô. Các kết quả này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Developmental Cell vào 11/8.
ThS Dario C. Altieri, đại diện nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Các nghiên cứu đã chứng minh tế bào ung thư liên tục phát tín hiệu đến các tế bào khỏe mạnh ở lân cận. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Cách tế bào ung thư truyền tín hiệu và bản chất loại tín hiệu được gửi đi vẫn đang là một câu hỏi lớn với giới khoa học".
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã nuôi cấy các tế bào ung thư vú trong điều kiện thiếu oxy, nhằm bắt chước tình trạng giảm oxy huyết, vốn là tình trạng đặc trưng ở môi trường vi mô xung quanh hầu hết các loại ung thư thể rắn.
Để phân tích rõ hơn tác động của các túi ngoại bào sản xuất bởi tế bào ung thư lên các tế bào bình thường lân cận, nhóm tác giả đã lấy các túi này để nuôi cấy cùng tế bào biểu mô vú khỏe mạnh.
Tế bào giải phóng túi ngoại bào để truyền tín hiệu
Họ đã quan sát được rằng, dưới tác động của túi ngoại bào, ti thể của các tế bào khỏe mạnh đã dịch chuyển dần ra vùng ngoại vi của tế bào. Bên cạnh đó, những túi này còn là tác nhân gây ra nhiều sự thay đổi lớn về biểu hiện gen trong các tế bào khỏe mạnh này.
"Túi ngoại bào tiết ra bởi tế bào ung thư đã làm giảm khả năng tự chết của tế bào khỏe mạnh, đồng thời tăng mức độ của phản ứng viêm, đây đều là những thay đổi có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư" - ThS Altieri phân tích.
Nhóm tác giả tiếp tục tiến hành thử nghiệm trên mô hình 3D của tế bào tuyến vú. Họ quan sát thấy việc tiếp xúc với túi ngoại bào tiết ra bởi tế bào ung thư, khiến tế bào khỏe mạnh bị thay đổi về cấu trúc tế bào, cũng như xuất hiện các biến đổi liên quan mật thiết đến ung thư hóa, bao gồm thay đổi về hình thái, tốc độ phát triển nhanh bất thường, giảm khả năng chết theo lập trình...
"Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, tế bào ung thư vú có thể sử dụng túi ngoại bào để đẩy nhanh tốc độ tiến triển của bệnh. Dựa trên những quan sát này, chúng tôi cho rằng, bằng cách nhắm vào quá trình tái lập trình ty thể, chúng ta có thể phát triển chiến thuật mới để điều trị căn bệnh nan y này" - ThS Altieri khẳng định.
7 món ăn vặt phổ biến có thể giúp ngăn ngừa ung thư Hầu hết mọi người nghĩ rằng, đồ ăn vặt sẽ gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số món ăn vặt cũng có thể chống ung thư, bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là 7 món ăn vặt giúp bảo vệ sức khỏe, phòng tránh ung thư: 1. Đỗ tương luộc Chất isoflavone trong đỗ tương luộc giúp ngăn ngừa ung thư...