Ăn hải sản ’siêu rẻ’: Chớ coi thường mạng sống!
Ăn hải sản “siêu rẻ” có thể mắc các triệu chứng như dị ứng hải sản gây đỏ da, ngứa, nặng hơn có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong.
Thời gian gần đây, tại các khu chợ Việt liên tục xuất hiện những loại hải sản “siêu rẻ” khiến dư luận đi từ bất ngờ đến kinh ngạc. Đặc trưng của những loại hải sản này là có giá thành chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với sản phẩm thông thường. Chính vì thế, những lo ngại về chất lượng sản phẩm đến sức khỏe người sử dụng thực phẩm này đang khiến người dân hết sức quan tâm.
Đủ loại hải sản “siêu rẻ” được bày bán
Theo tìm hiểu thực tế của PV, vào các buổi chiều muộn, dọc vỉa hè nhiều tuyến đường ở Hà Nội như Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Hồ Tùng Mậu… xuất hiện khá nhiều điểm bán cua biển. Cua được bày trên bao tải hay thùng xốp ngay tại vỉa hè với nhiều giá thành khác nhau. Tuy nhiên, đa phần, chủ hàng bán đổ xô với mức giá được niêm yết công khai là 50.000 đồng/con. Đối với cua to hơn (thường có trọng lượng khoảng 500g/con) thì mức giá tùy vào thỏa thuận giữa người bán và người mua.
Trong vai một khách hàng đi mua cua, chúng tôi dừng trước sạp hàng của một thanh niên bán cua trên đường Nguyễn Xiển. Người này quảng cáo đây là cua biển nhập từ miền Nam, giá bán loại to là 80.000 đồng/con, còn loại nhỏ có giá 50.000 đồng/con.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao giá rẻ chỉ bằng một nửa so với cua biển bán tại chợ thì thanh niên này cho biết: “Cua biển bán tại chợ phải thông qua nhiều “cầu” khác nhau nên chi phí phải cao hơn. Ngoài ra, người ta còn tính cả chi phí thuê địa điểm và tâm lý thích mua hàng ở chợ nên người bán có cơ hội thách giá. Chúng tôi thì lấy hàng tận gốc, bán ngay tại vỉa hè nên chắc chắn giá rẻ hơn”. Theo quan sát của PV, cua biển bán tại vỉa hè thường là loại cua yếu, rất nhiều con bị chết do “phơi nắng” suốt cả buổi. Vì thế, cứ tầm chiều muộn là các chủ hàng lại bán tống bán tháo cho người qua đường để “lấy vốn”.
Bên cạnh những loại cua “siêu rẻ”, dân nhậu mùa World Cup truyền tai nhau một loại mực khô “siêu rẻ” rất tiện cho thú, vừa xem bóng đá vừa uống bia. Theo đó, loại mực này được gọi là “mực năm nghìn”. Nó có kích thước chỉ bằng 3 đầu ngón tay và khi nướng lên thì thơm ngon không khác gì mực bình thường.
Chính vì thế mà bất chấp lời đồn đoán về nguồn gốc Trung Quốc của loại mực này, các thực khách vẫn đua nhau mua loại mực mini về để vừa ăn, vừa thưởng thức bóng đá. Một tiểu thương bán mực mini tại chợ Hoàng Mai (Hà Nội) quảng cáo với PV rằng: “Mực mini được nhập từ Quảng Ninh với giá khá cao.
So với mực thông thường (có giá từ 500.000 đồng – 800.000 đồng/kg tùy loại) thì nó cũng không chênh lệch nhiều lắm. Tôi nhập vào là 400.000/kg. Tuy nhiên, do mực nhỏ, số lượng rất nhiều nên giá nhập tính ra cũng chỉ khoảng 4.000 đồng/con. Trong khi đó, tại chợ đầu mối Phùng Khoang, chị L. quảng cáo mực mini nhập từ quê nhà Thanh Hóa và có giá bán 320.000 đồng/kg. Nếu mua về để bán lẻ thì chỉ cần bán với giá 5.000 đồng/con là có lãi”.
Trong khi đó, tại các chợ của TP. Hồ Chí Minh và TP. Huế gần đây xuất hiện loại mực tươi có giá “sốc” là 20.000 – 40.000 đồng/kg. Theo phản ánh của nhiều người dân thì loại mực này có màu lạ, thân tròn dài, da đỏ nâu, khác hẳn những loại mực tươi được bày bán trên thị trường từ trước đến nay. Nguồn gốc của mực “siêu rẻ” thì mỗi người bán nói một cách không biết ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, so với giá mực tươi thông thường thì mực này chỉ bằng 1/6 giá thành nên nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Hơn nữa, theo phản ánh của nhiều người dân thì chất lượng của loại mực tươi “siêu rẻ” này cũng rất khác với mực tươi truyền thống, ăn tuy có giòn nhưng không hề ngọt và có dấu hiệu bị mủn.
Video đang HOT
Cua biển được “phơi nắng” trên đường Nguyễn Xiển.
Độc tố nào có trong “hải sản lòng đường”?
Có lẽ, chưa bao giờ hải sản “siêu rẻ” lại xuất hiện ồ ạt tại các chợ trên khắp cả nước như hiện nay. Trong khi người ta đang tranh cãi nhau về nguồn gốc và chất lượng của những thực phẩm này thì hàng ngày, rất nhiều người vẫn mua về để sử dụng. Bất chấp những cảnh báo và nghi ngờ vì giá thành rẻ đáng kinh ngạc của những loại hải sản vốn có giá thành rất cao, người tiêu dùng bình dân vẫn cho đây là một cơ hội được ăn những sản phẩm vốn khá đắt đỏ này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng rất lo ngại về điều này.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên- trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, những loại hải sản đã chết hoặc bị ôi thường chứa histamine (là một amin sinh học có liên quan trong hệ miễn dịch cục bộ cũng như việc duy trì chức năng sinh lý của ruột và hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh-PV). Trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn đặc biệt có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng nếu để lâu chưa chế biến. Với những loại hải sản đã chết, hải sản đông lạnh, hải sản khô… vi khuẩn này tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là histamine, nói cách khác thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn, thành một chất độc.
Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng histamine cũng tăng lên và tích luỹ trong thịt hải sản. Khi người dân ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu và gây các biểu hiện dị ứng. Bởi theo nghiên cứu mới đây, histamine có vai trò như một chất của bạch cầu. Các triệu chứng ngộ độc, dị ứng hải sản sẽ gây đỏ da, ngứa (chủ yếu ở mặt, cổ, ngực, tay, nói chung là ở phần trên), nặng hơn có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong. Nhưng quá ít người tiêu dùng biết đến nguy hiểm đó.
TS. Nguyễn Thị Lâm- viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Những thủy, hải sản tươi sống bán rải rác trên các tuyến đường, vỉa hè vốn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể nguy hại đến sức khỏe người ăn. Nguyên do là họ bán rong, bảo quản trong thùng nước đá thô sơ hoặc bày bán trên vỉa hè khó an toàn với thời tiết mưa, nắng thất thường, nên dễ hư hỏng, mà thủy hải sản có những tiêu chuẩn bảo quản rất khắt khe. Với các loại cua ghẹ đã chết vài giờ, nếu bảo quản đúng cách, xử lý, làm sạch, cấp đông và bảo quản lạnh vẫn có thể ăn được.
Tuy nhiên, khi cua ghẹ đã chết, vi khuẩn xâm nhập nhanh, độc tố và men phân giải chất đạm hoạt động cũng rất nhanh nên rất nhanh hỏng. Đấy là tôi đề cập tới những hải sản có nguồn gốc rõ ràng. Đối với những hải sản không rõ nguồn gốc và nhất là những hải sản “siêu rẻ” như hiện nay thì người dân cần phải đề cao cảnh giác. Chớ thấy rẻ mà mua về sử dụng dễ rước bệnh vào người”.
Lan Thiệu
Theo_Người Đưa Tin
Bọ xít hút máu lại tấn công
Khoảng hơn tháng nay, bọ xít hút máu người đã bất ngờ xuất hiện trở lại sau hơn 4 năm. Nhiều người dân Hà Nội đã quên vụ côn trùng này gây "náo loạn" thủ đô và lơi lỏng đề phòng, trong khi chúng nguy hiểm hơn, đang rình rập dưới chân giường, kẽ tủ.
Độc hơn, hại hơn
Ở Hà Nội, vài tuần trở lại đây, nhiều người dân đã tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để cầu cứu khi bị loài bọ xít có thân sọc vàng tấn công. Anh Ngô Văn Hùng (ở Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội) ban đêm nằm ngủ bị chúng đốt 3 vết vào đùi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, các vết đốt đã đỏ tấy, mấy ngày sau đã lan thành quầng. Anh cảm thấy tức ngực, khó thở và phải nhập viện ngay lập tức.
Ông Phùng Văn Bình (ở đường Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vốn nghề vá xe đạp, thuê trọ trong căn phòng cấp 4 lụp sụp. Mấy ngày nay, ông đứng ngồi không yên vì bị loài bọ xít lạ bủa vây. Lúc đi ngủ, đã phát hiện một con bọ xít hút máu bò ngay trên đùi. Quay qua quay lại, ông Bình phát hiện một đàn bọ xít này bò ra từ trong bó củi mục sau nhà.
Ở Hoài Đức, Hà Nội, một số người dân cũng đã phát hiện thấy bọ xít hút máu người. Mới đây, anh Nguyễn Quốc Huy (ở Vân Côn, Hoài Đức) phát hiện trong nhà mình có 2 con bọ xít có độ dài hơn 2cm, rìa thân có sọc vàng nâu đặc trưng của loài bọ xít hút máu người, khiến gia đình anh và hàng xóm hết sức hoang mang lo ngại.
Bọ xít hút máu có sọc vàng trên lưng
Anh Nguyễn Văn Toàn ở Long Biên cũng phát hiện trong nhà mình có loài bọ xít hút máu. "Sáng hôm qua, khi con gái tôi ngủ dậy thì thấy chân trái xuất hiện 3 quầng đỏ không rõ nguyên nhân, tôi vội bế con tới Trung tâm Y tế phường khám. Trưa về nhà thì phát hiện ra có bọ xít. Nghe bác sĩ nói tôi mới biết loài này rất nguy hiểm, tôi vẫn tưởng chúng chỉ như nhiều loài bọ xít khác mà thôi", anh Toàn hoang mang nói.
Trước phản ánh của người dân, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã vào cuộc đánh giá về nguy cơ của loài bọ xít này. PGS.TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm của Viện cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận các cuộc gọi của người dân thông báo về việc họ bị loài bọ xít này đốt. Đến nay, sau nhiều cuộc khảo sát tại các địa bàn dân cư, chúng tôi đã phát hiện có ổ bọ xít hút máu rất lớn ở kho quần áo cũ của một khu dệt may trên đường Trường Chinh (Hà Nội), nhiều gia đình quanh đó đã bị bọ xít hút máu tấn công. Một số điểm nghi ngờ khác ở các vùng ngoại thành như xã Xuân Phương (Từ Liêm), một số xã dọc Đại lộ Thăng Long, khu vực Gia Lâm có số lượng cá thể bọ xít hút máu lên đến 200-300 con/ổ.
Theo TS Lam, ổ bọ xít hút máu người ưa thích sinh sống ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn hoặc gỗ mục. Những nơi có nhiều chuột là có thể có nhiều bọ xít hút máu sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, loài côn trùng này trở nên nguy hiểm hơn khi người ta phát hiện ra chúng có mặt cả ở những nơi sạch sẽ, kể cả ở khu chung cư cao cấp cũng đã xuất hiện loại bọ xít này. Trước đây, thời gian sinh trưởng và phát tán loại bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 thì nay xuất hiện từ tháng 5 và có thể kéo dài tới tháng 9.
Điều đáng lưu ý là khả năng "đánh hơi" tìm nguồn máu của chúng mạnh mẽ và quyết liệt hơn rất nhiều. Khả năng gần người và thích ứng với người ngày càng ổn định. Trước đây, bọ xít hút máu thường tìm chỗ kín để trốn tránh con người và chúng rất sợ ánh sáng. Nhưng đến nay, việc tìm loài này ở các chuồng gia súc, gia cầm trở nên hiếm hơn, trong khi sự xuất hiện tại các nhà dân là khá phổ biến. Như vậy, tập tính gần người và sử dụng máu người làm thức ăn khiến loài vật này đang trở nên nguy hiểm hơn.
Bọ xít hút máu người tấn công thường để lại vết thương sưng to, thậm chí còn gây sốt sau khi bị chúng hút máu. Các vết đốt thường có màu đỏ, rất dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt, đặc biệt là trẻ em. Nguy hiểm là, các vết đốt sưng to, phù nề có thể làm chân tay không cử động được.
Chủ động phòng chống
Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền nhưng việc chúng tấn công con người khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng là nguy cơ hiện hữu. Trước tình trạng bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể đốt người, tốt nhất người dân nên chủ động đề phòng, loại bỏ những nguy cơ bị bọ xít đốt.
Trước hết, chúng ta có thể nhận biết loại bọ xít này để phân biệt với các loại bọ xít khác. Dấu hiệu dễ nhận thấy là bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là chúng ta dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm.
Trong trường hợp bị bọ xít hút máu người đốt, ta nên lập tức rửa vết đốt bằng xà phòng, tuyệt đối không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm. Đồng thời đưa ngay người bị bọ xít đốt đến cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.
Vết thương để lại khi bị bọ xít hút máu đốt
Để diệt loại bọ xít hút máu, ngoài việc tìm bắt để đập chết, có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Fendona 10SC, ICON 10 WP (các loại hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroid), phun trong nhà và xung quanh nhà. Ngoài ra nên chú ý đến trứng để diệt tận gốc, bằng cách thu lại cho vào túi và đốt chúng.
Tóm lại, để phòng, chống bọ xít hút máu, chúng ta nên chủ động dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là những nơi ít ánh sáng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Bọ xít hút máu có chiều dài khoảng 1-3,5cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành; phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dướic các đống gỗ ngoài nhà; trứng có kích thước khoảng 1-1,5mm và màu trắng ngà.
Theo Hải Hậu
Petrotimes
Hà Nội: Nam thanh niên rơi từ tầng 3, tử vong tại chỗ Đang lăn sơn trên tầng 3 bên ngoài căn nhà, nam thanh niên bị rơi xuống đất, tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 8h sáng nay, 9/6, tại căn nhà cạnh nhà số 118 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Đang lăn sơn bên ngoài tầng 3 căn nhà màu trắng (giữa), nam thanh...