Ăn gỏi cá, nam thanh niên mắc giun rồng và nhiều loại ký sinh trùng
Chiều 22/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân (21 tuổi, ở Yên Bái) mắc giun rồng và nhiều loại ký sinh trùng do ăn gỏi cá.
Khi thấy có biểu hiện ngứa khắp người, anh T. Đ. T đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thăm khám trong tình trạng: Sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da. Dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán, ký sinh trùng di chuyển. Anh T. được nhập viện theo dõi với chẩn đoán: Nghi nhiễm giun sán, ký sinh trùng (nghi do giun rồng).
Bệnh nhân cho biết, trước đây anh có ăn gỏi cá, sau đó có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông. Anh gãi đến trầy xước da, đến nỗi vùng gãi gây áp xe mủ. “Bản thân tôi cũng biết mình bị nhiễm giun sán khi nhìn thấy giun nổi ở mặt, tay, bụng, lưng, chân ngứa tại chỗ gây loét, có mủ khi vỡ tiết ra dịch vàng làm cho cuộc sống thường ngày gặp nhiều bất tiện”, anh T. thông tin.
Tiếp nhận người bệnh, bác sĩ Lê Văn Thiệu nhận định, bệnh nhân có nhiều tổn thương ban đỏ rải rác toàn thân dạng nấm hắc lào gây nên. Đặc biệt, vùng da mặt, dưới cánh tay và dưới đùi 2 bên có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển dưới da, trong đó vùng đùi 2 bên tạo ổ áp xe đã vỡ, vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun.
Sau khi hội chẩn với bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30 cm. Sau đó, anh được chuyển lại Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết thêm: Bệnh phẩm giun sau đó đã được chuyển lên Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử để định danh đã nghi ngờ giun tròn, kết hợp với lâm sàng, bệnh nhân được xác định nhiễm Dracunculus sp (giun rồng).
Ngoài ra, bệnh nhân đã được làm huyết thanh chẩn đoán các loại giun sán, ký sinh trùng khác và dương tính với khá nhiều loại giun sán khác như sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.
“Hiện tại, bệnh nhân được theo dõi các tổn thương ở các vị trí trên cơ thể. Khi tổn thương vỡ, có thể giun sẽ chui ra, nhân viên y tế hoặc người nhà có thể lấy dụng cụ từ từ lôi giun ra. Việc lấy giun ra có thể lấy luôn ra được hoặc có thể mất vài ngày. Tránh không làm đứt giun và không rạch dọc, rạch rộng theo chiều dài của giun để lấy giun ra”, bác sĩ Thiệu cho biết.
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh: Cách điều trị duy nhất hiện nay là lấy giun rồng ra hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da. Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra, nó có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người.
“Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Thiệu khuyến cáo.
Video đang HOT
Cách phòng bệnh giun rồng
Bệnh giun rồng có tên khoa học là Dracunculus medinensis gây bệnh ở người và động vật. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh và tỷ lệ mắc có thể lên tới 60%.
Đây là loại giun tròn, dài nhất trong nhóm giun gây nhiễm trên người. Giun cái trưởng thành có chiều rộng 1 – 2 mm, dài khoảng 70 – 120cm, mỗi giun cái có thể mang tới 3 triệu ấu trùng giun. Giun đực ngắn hơn và chết sau khi giao phối với giun cái.
Bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài 9 – 14 tháng và tiến triển âm thầm, ít khi gây tử vong trực tiếp nhưng có thể tử vong do biến chứng của bệnh như nhiễm trùng thứ phát, áp xe lạnh xuất hiện tại chỗ giun chết, nhiễm trùng khớp…, tê liệt tủy sống, liệt nửa người do giun bị chết và vôi hóa.
Các biến chứng này làm hạn chế khả năng học tập, làm mất khả năng lao động, hoặc suy kiệt do diễn biến bệnh kéo dài. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá bệnh đang là gánh nặng bệnh tật, gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.
Các dấu hiệu khi mắc bệnh giun rồng: Khi mới mắc bệnh thường không phát hiện có triệu chứng đặc biệt nào.
Khoảng 1 năm sau khi mắc bệnh, khi con giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu: Sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú.
Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3 – 6 tuần.
Một số trường hợp người bệnh tự kéo nhưng làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan theo đường đi của giun làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết trước khi thải ra ấu trùng giun hoặc uốn ván.
Chẩn đoán xác định nếu tìm thấy giun từ ổ áp xe hoặc biểu hiện trên X-quang của một con giun đã bị vôi hóa.
Các chuyên gia y tế khuyến cách phòng bệnh giun rồng:
Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống.
Nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn, đốt hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu… sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây.
Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…).
Những người bệnh đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh giun rồng không tắm, rửa tại ao hồ, hoặc các nguồn nước sinh hoạt khác để tránh phát tán ấu trùng ra môi trường; làm sạch vết thương, băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.
Món 'đặc sản' khiến một người bị sán ký sinh khắp cơ thể
Thói quen ăn đồ tái sống, đặc biệt là các món 'đặc sản' như gỏi cá, tiết canh... khiến nhiều người bị nhiễm giun sán mức độ nặng.
Gỏi cá sống là món ăn ưa thích của nhiều người Việt. Ảnh minh họa: Popolulu.vietnam.
Thời gian gần đây, nhiều người nhập viện vì ngứa, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, mệt mỏi... Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một số loại giun sán xâm nhập vào cơ thể của người bệnh. Khai thác bệnh sử, điểm chung của đa số bệnh nhân là thói quen ăn các món như tiết canh, gỏi sống, nem chua...
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận nam bệnh nhân T.V.N., đến viện khi đi đại tiện ra nhiều đốt sán, thậm chí sán còn tự chui ra qua đường hậu môn.
Bệnh nhân có thói quen ăn gỏi cá, tiết canh và nem sống trong thời gian dài. Sau khi được điều trị tại bệnh viện, người bệnh đã xổ ra con sán dây dài tới 10 m.
Trước đó, một bệnh nhân 38 tuổi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vì đau ngực. Qua xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm sán dây chó ký sinh tại phổi. Bệnh nhân này cũng có thói quen ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh dê, thịt cừu nướng.
Trường hợp sán ký sinh trong cơ thể sau khi ăn đồ tái sống không phải tình huống hiếm gặp. Điển hình là ca bệnh mới đây được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Theo đó, cách nhập viện 5 giờ, bệnh nhân tên N. thấy đau nhiều vùng thắt lưng lan sang phải kèm tiểu buốt.
Sau khi kiểm tra sức khỏe và thực hiện xét nghiệm, bác sĩ phát hiện sán não (ấu trùng sán dây lợn) đã ký sinh khắp cơ thể người bệnh.
Sau khi chụp CT Scanner ổ bụng, ngoài sỏi thận, bác sĩ còn phát hiện ấu trùng sán rải rác nhiều vùng khác, đường kính 3-5 mm. Đây là trường hợp bệnh nhân tới khám sức khỏe, phát hiện có ấu trùng sán lợn trong cơ thể.
Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho hay thường xuyên ăn các món tươi sống, chưa chín như: gỏi cá, tiết canh, nem chạo, thịt tái... Hiện, người bệnh tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe tạm ổn định.
Ảnh chụp sán chi chít trong cơ thể người bệnh. Ảnh: TTYT Thanh Sơn.
Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Đại Lâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, cho biết gần đây, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán não.
Sán não là một trong những mầm bệnh nguy hiểm đối với con người. Đây là bệnh lý nhiễm sán vào hệ thần kinh trung ương, gây ra những triệu chứng hệ thần kinh như: sốt, đau đầu, chóng mặt, lên cơn co giật sùi bọt mép, trí nhớ giảm, liệt thần kinh VII, liệt nửa người.
Ngoài ra, bệnh còn làm ảnh hưởng hàng loạt hệ cơ quan khác trong cơ thể như: tiêu chảy, mẩn ngứa khắc cơ thể, nổi u cục dưới da, có thể mù mắt do ấu trùng làm tổ trong đáy mắt.
Vì cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, kèm theo nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt trong quá trình sinh hoạt ăn uống hàng ngày, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh làm từ máu sống, thịt lợn tái, gỏi cá vì tiềm ẩn nhiều mầm bệnh gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán.
Đồng thời, người dân cần ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần.
Nhiều ca nhiễm ký sinh trùng đến từ thú cưng Chơi cùng, ngủ cùng, xem thú cưng như một thành viên trong gia đình ngày càng phổ biến, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến gia tăng người mắc ký sinh trùng do lây nhiễm từ chó mèo. Chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng tại Bệnh viện Đặng...