An Giang muốn ‘làm lại’ sau trận thắng đầu tiên
Cầu thủ hiểu rằng họ sẽ chịu thiệt nhất khi CLB bỏ giải. Trong khi HLV Nhan Thiện Nhân muốn thuyết phục bầu Minh rót tiền cho đội.
Từ đầu giải, tân binh An Giang chưa có chiến thắng. Họ lại gặp không ít khó khăn tài chính khi nhà tài trợ chưa rót thêm kinh phí. Giám đốc điều hành Võ Hoàng Phong gửi công văn lên lãnh đạo tỉnh báo cáo thành tích yếu kém vừa qua và xin ý kiến về việc bỏ giải do khó khăn tài chính.
HLV Nhan Thiện Nhân vừa có sự bổ sung chân sút Patiyo từ Ninh Bình. Ảnh: KL.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc lãnh đạo lẫn cầu thủ An Giang bất bình khi VFF, VPF đối xử có phần bất công với họ. Còn nhớ mùa giải 2013, Sài Gòn Xuân Thành bỏ giải, ban tổ chức V-League quyết định không có đội xuống hạng, nhờ thế, Kiên Giang được cứu. Mùa này, lãnh đạo An Giang cũng mong kịch bản tương tự khi CLB Ninh Bình không thể “đi đến đích” vì 9 cầu thủ dính cá độ tại AFC Cup. Nhưng VFF và VPF lại khẳng định vẫn có đội đá play-off để giữ được sự hấp dẫn cho V-League.
“Chung kết ngược” ở vòng 12 V-League 2014 An Giang thất thủ 1-3 trước Đồng Tâm và chôn chân ở vị trí cuối bảng. Trong lần gặp lại vào chiều qua (26/4), đội bóng của HLV Nhan Thiện Nhân có màn trả thù ngọt ngào để có chiến thắng 2-0 và lần đầu tiên giành 3 điểm trọn vẹn ở mùa giải năm nay. Hai vòng đấu sát nhau đẩy An Giang xuống vực sâu của thất vọng rồi lại đưa họ tới cửa đường hầm le lói ánh sáng hy vọng. Với chiến thắng này, Giám đốc điều hành Võ Hoàng Phong cùng HLV Nhan Thiện Nhân hy vọng bầu Minh và các nhà tài trợ sẽ nỗ lực hơn nữa để có kinh phí hoạt động cho CLB. Nếu không, bộ đôi này sẽ từ chức và quyết định ra đi bởi “cầu thủ không thể thi đấu bằng niềm tin”.
Video đang HOT
Nếu An Giang đi theo vết xe đổ của Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình, sẽ có hơn 20 cầu thủ thất nghiệp ra đường. Hình ảnh giải chuyên nghiệp Việt Nam lại càng thảm hại, khi các đội thích thì bỏ giải. Chưa khi nào hình ảnh và uy tín của V-League xuống thấp như hiện tại.
Một cầu thủ xin giấu tên lo lắng khi toàn đội gần như chưa nhận tiền chuyển nhượng: “Tiền lương tháng 3 toàn đội đã nhận đầy đủ nhưng tiền lót tay cả đội mới nhận chút ít. Nếu CLB An Giang bức xúc rồi bỏ giải thật thì chỉ chúng tôi thiệt thòi. Giá như có Hiệp hội cầu thủ đứng ra bảo vệ quyền lợi của chúng tôi trong những lúc rơi cảnh bi đát như lúc này”.
Có lẽ, các cầu thủ An Giang bị dồn vào đường cùng. Họ buộc phải vùng lên chiến đấu để níu giữ hy vọng và mang đến thêm niềm tin cho bầu Minh và nhà tài trợ bởi tất cả hiểu rằng, chẳng ai bỏ tiền đầu tư vào đội bóng chỉ biết thua từ đầu giải.
Theo VNE
Những vụ dọa treo giày, bỏ giải ở bóng đá Việt
Ngoài Đình Đồng tính giải nghệ nếu bị phạt nặng, tiền đạo Công Vinh từng dọa treo giày ở mùa giải V-League 2010.
Công Vinh từng tuyên bố treo giày để phản đối án phạt dành cho mình. Ảnh: KL.
Trước quyết định xử phạt nặng của ban kỷ luật VFF, hậu vệ của SLNA cho biết anh dự tính treo giày tìm nghề khác trong công văn xin giảm án của mình. Chỉ có điều fan cho rằng án phạt ban kỷ luật cho Đình Đồng là đúng người, đúng tội. Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cũng cho biết hậu vệ Nghệ An khó được giảm án dù có dọa... giải nghệ.
Thực tế 4 năm trước, Công Vinh cũng từng dọa VFF sẽ treo giày, sau khi nhận án phạt treo giò 6 trận và nộp 10 triệu đồng. Cá nhân chân sút lúc đó khoác áo Hà Nội T&T cho rằng mình bị xử phạt quá nặng sau sự cố vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trong trận Đồng Tháp - Hà Nội T&T ở vòng 6 V-League 2010. Thời điểm nhận án phạt, Công Vinh là trụ cột ở tuyển quốc gia và có tiếng nói trọng lượng với lãnh đạo VFF. Kết quả sau công văn xin giảm án của đội bóng thủ đô và chính Công Vinh, án phạt giảm xuống chỉ còn 3 trận.
Còn nhớ trước SEA Games 27 diễn ra, U23 Việt Nam dính nghi án bán độ trong trận đấu BTV Cup 2013 tại Bình Dương. Trong trận đấu CLB Bangu Atletico (Brazil), U23 Việt Nam dẫn trước 3-1 và còn chơi hơn một người. Nhưng việc đội bóng chơi chùng xuống để đối thủ gỡ hòa 3-3, khiến lãnh đạo VFF thông báo tạm đình chỉ nhiệm vụ HLV Hoàng Văn Phúc qua điện thoại. Không tán thành quyết định của VFF, một nhóm cầu thủ đội U23 tính sẵn sàng bỏ không tham dự SEA Games 27 để bảo vệ thầy.
Ông Phúc thực sự sốc trước sự quyết liệt của học trò và can ngăn. Trong cuộc nói chuyện sau trận đấu, ông Phúc phân trần: "Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27 sắp hoàn tất rồi mà lại gặp chuyện này nên nhiều em rất buồn. Tuy nhiên, tôi đã giật mình khi các em nói sẽ đình công, sẵn sàng bỏ SEA Games 27 vì tôi. Điều đó thực sự điên rồ. Cầu thủ làm vậy chẳng khác nào giết chết tương lai của họ, hại luôn cả sự nghiệp của tôi".
Mỗi khi không bằng lòng điều gì đó, nhất là bất lợi cho CLB của mình, các ông bầu cũng hù dọa chuyện bỏ giải, xóa tên đội bóng để gây sức ép lên VFF hay VPF. Còn nhớ trước mùa giải 2012, bầu Kiên tiết lộ việc 7 CLB sẵn sàng đứng ra thành lập Super Liga khi thất vọng cung cách quản lý của VFF. Dù sau đó ý định này không thành, bầu Kiên cùng những ông bầu khác thành lập VPF thay VFF quản lý hai giải chuyên nghiệp.
Thói quen dọa bỏ giải đã gần như ăn vào tiềm thức các ông bầu mỗi khi đội nhà xảy ra chuyện. Như bầu Trường dọa xóa đội bóng khi cầu thủ đình công đòi tiền nợ lương, thưởng ở đầu V-League 2013. Hoặc bầu Đệ, bầu Thụy cũng từng mấy lần dọa bỏ giải khi Thanh Hóa hay Sài Gòn Xuân Thành bị trọng tài ép buộc. Tất nhiên cũng có lúc ông bầu nói giả làm thật, như chuyện bầu Long - bầu Tuấn bán đội Hòa Phát cho bầu Kiên sau khi bị trọng tài thổi ép mùa 2012. Vừa rồi đến lượt bầu Thụy giải thể đội Sài Gòn Xuân Thành sau án phạt trừ 4 điểm của ban kỷ luật VFF sau trận đấu có vấn đề trên sân Kiên Giang.
Các ông bầu cũng có thói quen dọa bỏ giải khi đội bóng của họ gặp bất lợi. Ảnh: TT.
Mùa nào cũng có vài phàn nàn kêu ca, rồi dọa bỏ giải, bỏ nghề từ ông bầu đến cầu thủ, vốn là thói quen xấu mà người làm bóng đá Việt Nam đã ăn sâu vào máu.
Theo VNE