An Giang: Khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch ở cù lao Giêng
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, nhà vườn…, tại 3 xã cù lao Giêng có lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tâm linh.
Cù lao Giêng. (Nguồn: angiang.gov.vn)
Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gồm 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, nằm giữa sông Tiền, một nhánh của sông Mekong, có chiều dài 12km và chiều rộng 7km.
Nơi đây từ lâu được biết đến là một “cù lao xanh,” vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người Việt vùng sông nước Nam Bộ, đặc sắc với các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ.
Chợ Mới là huyện cù lao của tỉnh An Giang, với diện tích tự nhiên gần 370km2, trung tâm hành chính của huyện cách thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang 29km theo đường tỉnh lộ 944, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ thống sông, rạch chằng chịt.
Những năm qua, An Giang đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Nhiều tour, tuyến du lịch đến huyện Chợ Mới có thể kết nối cả đường thủy lẫn đường bộ, là điểm thuận lợi để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của huyện.
Trong đó, 3 xã cù lao Giêng được xem là địa điểm hấp dẫn và thuận lợi trong việc đón các hãng tàu du lịch quốc tế, trên hành trình khám phá dòng sông Mekong đi Phnom Penh (Campuchia).
So với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 3 xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch khi có nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia như Di tích lịch sử Cột Dây Thép, Chùa Bà Lê, Đình thần Tấn Mỹ, Phủ thờ họ Dương, Phủ thờ Nguyễn Tộc…
Ngoài ra, nơi đây còn sở hữu nhiều quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo như Nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện Chúa Quan phòng, Tu viện Phanxico, Chùa Thành Hoa, Chùa Phước Thành, Nhà thờ Rạch Sâu và các làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc…, tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, quảng bá, giới thiệu các tour du lịch nội tỉnh (trong đó có 3 xã cù lao Giêng) trong các dịp hội chợ, sự kiện…
Để phát triển loại hình du lịch văn hóa, tham quan di tích, Sở đã tích cực tham mưu Ủy ban Nhân dan tỉnh đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử quốc gia, di tích lịch sử cấp tỉnh; nâng cấp, chỉnh trang các điểm tham quan trên địa bàn 3 xã cù lao Giêng như Tu viện Chúa Quan phòng, Nhà thờ cù lao Giêng, Chùa Thành Hoa, Chùa Phước Thành, vườn sinh thái Út Hùm… để thu hút du khách.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đến năm 2020, sản phẩm du lịch của 3 xã gồm Du lịch văn hóa, tham quan di tích (du lịch tâm linh), du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch ẩm thực và mua sắm đặc sản, du lịch trải nghiệm thế giới sông nước.
Video đang HOT
Mục tiêu đến năm 2020, cù lao Giêng đón 320.000 lượt khách du lịch. Theo thống kê, từ khi triển khai thực hiện Quy hoạch vào cuối năm 2017 đến cuối tháng 5/2020, cù lao Giêng đã đón gần 110.000 lượt khách, trong đó có gần 4.200 lượt khách quốc tế (tăng hơn 2.700 lượt so với năm 2017) và hơn 99.400 lượt khách nội địa.
Số liệu trên cho thấy du lịch cù lao Giêng có rất nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển.
Để phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã đưa Dự án Khu du lịch 3 xã cù lao Giêng vào danh mục xúc tiến mời gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến để chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển du lịch của 3 xã như Dự án Khu du lịch Cồn Én, Dự án Khu du lịch Tân Long, Dự án cù lao Giêng – Xứ sở thần tiên…
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng chấp thuận cho Công ty Du lịch Đời sống Đông Dương mở 5 tuyến du lịch trên địa bàn 3 xã cù lao Giêng và mở rộng ra các địa phương lân cận như Tuyến Nhà thờ cù lao Giêng đi làng xuồng Mỹ Hiệp; Nhà thờ cù lao Giêng đi Tu viện Phanxicô và Vườn sinh thái Út Hùm; Nhà thờ Cồn Phước (Mỹ An) đi Làng nghề đan đát và Vườn sinh thái Út Hùm; Chùa Thành Hoa đi Nhà thờ cù lao Giêng – Chùa Phước Thành về Vườn sinh thái Út Hùm; Vườn sinh thái Út Hùm đi Chùa Phước Thành.
Ngoài ra, các công ty du lịch, lữ hành của các tỉnh, thành phố Vĩnh Long, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức đoàn khách trong nước, quốc tế về tham quan cù lao Giêng bằng xe đạp.
Ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới cho biết với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, nhà vườn…, tại 3 xã cù lao Giêng có lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tâm linh.
Cuối năm 2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã thông qua Quy hoạch tổng thể du lịch 3 xã cù lao Giêng là cơ sở để phát triển du lịch tại đây. Từ đó, nhận thức của chính quyền, cộng đồng địa phương về phát triển du lịch ngày càng nâng cao; nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vườn cây ăn trái, nghề thủ công truyền thống, các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú; chủ động thực hiện các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở địa phương để phục vụ khách du lịch.
Dịch vụ du lịch tại 3 xã cù lao Giêng hiện có bước khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách. Các hộ nhà vườn, các cơ sở kinh doanh mua bán nhỏ lẻ trên địa bàn từng bước được hình thành, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho các hộ dân. Cơ sở hạ tầng ở 3 xã cù lao Giêng cũng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, các điểm du lịch được chỉnh trang, ứng xử văn hóa du lịch từng bước được nâng lên.
Tuy 3 xã cù lao Giêng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là hệ thống bến tàu đón khách và các dịch vụ du lịch đường sông do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế.
Hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú ở 3 xã còn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc; các dịch vụ du lịch khác chưa hình thành, thiếu những khu vui chơi, giải trí tại địa bàn du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trên toàn huyện Chợ Mới hiện có khoảng 60 cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn… Riêng địa bàn 3 xã cù lao Giêng và vùng lân cận có trên 20 cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay… nhưng toàn bộ là tự phát, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch về phục vụ khách du lịch.
Huyện Chợ Mới có ba cơ sở dịch vụ thường xuyên đón khách quốc tế là Happy Homestay An Giang (xã Bình Phước Xuân), Khách sạn Thanh Bình (thị trấn Mỹ Luông) và Khách sạn Lê Ngọc (xã Tấn Mỹ). Từ đầu năm 2020 đến nay, 3 cơ sở đón 300 khách quốc tế, trên 2000 khách nội địa, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ năm 2017 đến nay, lượt khách có lưu trú khi tham quan, du lịch tại 3 xã cù lao Giêng đạt khoảng 2.700 người, trong đó có 350 lượt khách quốc tế, 2.350 lượt khách nội địa, đạt khoảng 28% so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 đạt 9.600 lượt khách lưu trú.
Bên cạnh đó, 3 xã cù lao Giêng chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có tính khác biệt cao trong vùng để thu hút du khách. Nguyên nhân là do thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể, năng lực đầu tư thấp và chưa có kinh nghiệm thực tế để xây dựng sản phẩm cũng như chưa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển du lịch.
Việc phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ở 3 xã cù lao Giêng còn chưa đi vào chiều sâu, chưa đủ nguồn lực đầu tư phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết để góp phần phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu các giải pháp, cân đối nguồn vốn để bổ sung danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch do Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới đề xuất, đặc biệt là các tuyến đường kết nối các điểm tham quan du lịch trên địa bàn 3 xã; hướng dẫn huyện Chợ Mới nghiên cứu, xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư du lịch chi tiết để tổ chức thực hiện mời gọi đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo.
Tỉnh cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện nghiên cứu các tiêu chí để xây dựng hồ sơ công nhận điểm du lịch 3 xã cù lao Giêng trình Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận.
Trong thời gian tới, nếu đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ nâng cấp điểm du lịch 3 xã cù lao Giêng lên thành Khu du lịch cấp tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang giao Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới rà soát, công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 5 loại dịch vụ gồm Dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thể thao gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.
Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cho 3 xã cù lao Giêng thông qua việc thuê đơn vị tư vấn đào tạo tại chỗ, tư vấn kỹ năng xây dựng du lịch cho 3 xã, đặc biệt là kỹ năng xây dựng, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức tuyến kết nối du lịch từ thành phố Long Xuyên đến các điểm tham quan 3 xã cù lao Giêng, tuyến du lịch kết nối Đồng Tháp và các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang./.
Tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Yên
Phú Yên là mảnh đất hiếm hoicòn giữ được nét đẹp hoang sơ của miền Trung. Điều này không chỉ tạo nên sức hấp dẫn du khách, mà còn là lợi thế khai thác du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Còn nhớ năm 2015, sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được công chiếu trên màn ảnh rộng, bên cạnh cốt truyện đầy cảm xúc thì điều đọng lại với người xem, cũng là điều được báo đài nhắc đến nhiều nhất, chính là bối cảnh phim. Lần đầu tiên, người ta biết đến một Phú Yên tuyệt đẹp với biển và núi, với những bãi đá trải dài và khung cảnh ngoạn mục.
5 năm đã qua, bộ phim có thể trôi dần vào quá khứ, nhưng Phú Yên đã kịp ghi tên mình vào danh sách các điểm đến hấp dẫn bậc nhất trên bản đồ du lịch Việt.
Phú Yên đẹp nao lòng buổi bình minh.
Không chỉ sở hữu đường bờ biển dài hơn 200 km với nhiều vịnh, đảo đẹp và hơn 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, Phú Yên còn có những lợi thế du lịch hiếm địa phương nào có được. Đó là sự đa dạng về địa hình cảnh quan thiên nhiên, từ núi rừng, cao nguyên cho đến đồng bằng, biển đảo, sông hồ, đầm vịnh...
Tiêu biểu nhất có thể kể đến ghềnh Đá Đĩa - một trong 5 kiệt tác kỳ thú của thiên nhiên. Trên thế giới chỉ có 4 địa danh tương đồng về cấu tạo địa chất này, gồm ghềnh đá Giant's Causeway tại Ireland, Fingal tại Scotland, Los Órganos tại Tây Ban Nha và Jusangjeolli tại Hàn Quốc.
Ghềnh đá đĩa với cấu tạo địa chất kỳ thú.
Bên cạnh đó, Phú Yên sở hữu mũi Đại Lãnh - nơi vươn xa nhất trên đất liền Việt Nam, đồng thời là nơi đón bình minh sớm nhất cả nước. Vì thế, không ngoa khi nhiều người gọi Phú Yên là "thiên đường bị bỏ quên". Bởi trước đây, nếu nói về du lịch biển miền Trung, phần lớn chỉ nhắc đến Nha Trang, Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Tuy nhiên, chính lợi thế còn hoang sơ, chưa được khai thác triệt để đã làm nên sức hút riêng cho du lịch Phú Yên.
Sự phát triển của ngành du lịch Phú Yên là điều không thể bàn cãi. Những chỉ số tăng trưởng tích cực hàng năm đã chứng minh cho điều này. Ước tính, tổng số lượt khách đến Phú Yên tăng đều 15-25%/năm trong 5 năm trở lại đây.
Nhằm thúc đẩy nền du lịch Phú Yên, những năm qua Chính phủ và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, cải thiện mạng lưới giao thông từ đường không đến đường bộ. Đáng chú ý, việc nâng cấp sân bay Tuy Hòa và ký kết với hai hãng hàng không Nga đã mở ra điểm sáng về phát triển loại hình du lịch cao cấp cho du khách hạng sang và khách quốc tế đến Phú Yên.
Đường bờ biển dài hơn 200 km là một lợi thế du lịch của Phú Yên.
Trong xu hướng du lịch biển đảo của thế giới, đặc biệt là của giới nhà giàu, vẻ đẹp của Phú Yên càng tiệm cận nhu cầu tìm đến những nơi hoang sơ, có địa thế tách biệt để tận hưởng kỳ nghỉ riêng tư.
Tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận ra xu thế này qua các resort xa xỉ hàng đầu như Intercontinental Sun Peninsula - Đà Nẵng hay Six Senses Côn Đảo resort. Đặc điểm chung của những khu nghỉ dưỡng này là sở hữu thiết kế hài hòa, ẩn mình sâu giữa thiên nhiên hoang sơ. Ở đó, giới thượng lưu vừa dễ dàng tận hưởng những bãi biển nước trong như ngọc, bờ cát trắng tinh và màu xanh bạt ngàn của cây cỏ mà vẫn dễ dàng được thỏa mãn các nhu cầu lưu trú, giải trí được cung cấp bởi những đơn vị chủ quản khách sạn.
Tại miền Trung hiện nay, Phú Yên là vùng đất hiếm hoi còn giữ được nét hoang sơ nguyên bản. Điều này không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho ngành du lịch nơi đây, mà còn là lợi thế to lớn để khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Thực tế, Phú Yên đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước. Tính từ 2016 đến cuối 2019, toàn tỉnh thu hút gần 50 dự án đầu tư du lịch và dịch vụ du lịch, tổng vốn đầu tư trên 43.000 tỷ đồng. Trong đó, 16 dự án du lịch đã có quyết định chủ trương đầu tư, 27 dự án trong giai đoạn thẩm định và ba dự án cho phép tiếp cận, nghiên cứu và khảo sát.
Phú Yên đang trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Hiện, Phú Yên có sự xuất hiện của những resort tiêu chuẩn 4-5 sao và các khu tổ hợp nghỉ dưỡng shophouse cao cấp từ các tập đoàn danh tiếng. Bước đi trên trục đường Độc Lập huyết mạch của thành phố Tuy Hòa, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng đến những tuyến đường biển tương đồng như Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng), Trần Phú (Nha Trang)... với sự hiện diện của một loạt công trình cao cấp.
Với việc nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến Phú Yên, chỉ 3-5 năm tới, vùng đất này được kỳ vọng có nhiều thay đổi, tạo bước ngoặt lớn trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng nước nhà.
Rực đỏ mùa hoa học trò Khác với mọi khi, hoa phượng nở năm nay lại là mùa nhập học, thay vì mùa chia tay của tuổi học trò. Những cây phượng nở rực đỏ trong nắng trưa hè tại phường Châu Phú B, Châu Đốc. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh "An Giang mùa hoa phượng đỏ" của Huỳnh Văn Thái (An Giang) thực hiện vào trung tuần...