Ăn gì khi bị ung thư máu?
Ung thư máu ( bệnh bạch cầu) là căn bệnh nguy hiểm đối với hệ thống máu nói riêng và sức khỏe nói chung. Bệnh này thường đi kèm với sự sụt giảm số lượng lớn các tế bào máu đỏ (hồng cầu) nên tỷ lệ tử vong rất cao.
Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trước, trong và sau quá trình điều trị bệnh ung thư máu – Ảnh: flickr.com
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore (NCCS) và Viện Ung thư quốc gia Mỹ, bệnh nhân ung thư máu nên tuân thủ một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế các tác dụng phụ do thuốc gây ra trong quá trình điều trị. Đồng thời, việc hấp thu đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho bệnh nhân có đủ năng lượng để chống chọi với bệnh tật trong thời gian lâu dài.
Một số loại thực phẩm được các chuyên gia đánh giá là tốt nhất cho các bệnh nhân ung thư gồm:
Tinh dầu cá (cá trích, cá thu, cá ngừ và cá hồi) cung cấp dồi dào vitamin A, vitamin D, omega-3 giúp chống lại các gốc tự do gây hại.
Cà rốt giàu beta-carotene, giúp cơ thể chuyển hóa thành vitamin A rất có lợi cho sức khỏe.
Ớt chuông, đu đủ, cam và chanh giàu vitamin C – chất chống ôxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, đồng thời còn chống nhiễm trùng hiệu quả.
Hàu, hạt hướng dương, hạt bí ngô giàu kẽm và vitamin E, hỗ trợ đắc lực cho vitamin C phát huy hết khả năng tăng tốc thời gian lành bệnh.
Nấm, hành tây và cà chua chứa nhiều selen, lycopene giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều acid folic giúp tái tạo DNA một cách hợp lý và bảo vệ DNA luôn ổn định trong suốt quá trình xạ trị. Bên cạnh đó, lòng đỏ trứng gà còn là nguồn cung cấp tuyệt vời folate, biotin, niacin và vitamin B6 là những dưỡng chất rất có ích trong việc chống ung thư.
Bông cải xanh chứa dồi dào chất sulphorophane có tác dụng giúp gan giải độc và làm giảm khối u ung thư dạ dày.
Tỏi chứa nhiều selen, tryptophan và sulpher giúp ngăn ngừa tế bào ung thư lây lan.
Ảnh: flickr.com
Nho tím chứa dồi dào anthocyanins và resveratrol – hai dưỡng chất đã được chứng minh có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư máu khá tốt.
Các loại đậu giàu chất xơ, protein, isoflavone và phytoestrogen giúp trung hòa các gốc tự do trong ruột và máu.
Video đang HOT
Mật ong nếu được tiêu thụ ở mức vừa phải cũng có khả năng chống vi khuẩn và chống nấm rất tốt, từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả.
Uống trà xanh cũng là cách hay để trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của tế bào gây bệnh ung thư.
Ảnh: flickr.com
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế Mỹ còn khuyến cáo, trước, trong và sau các đợt hóa trị liệu, bệnh nhân ung thư máu cũng cần hạn chế những thực phẩm sau:
Các món chiên, nướng vì nhiệt độ cao rất dễ tạo ra vết cháy đen trên thực phẩm có thể gây ra bệnh ung thư.
Các loại thực phẩm chứa quá nhiều muối natri, đường và chất béo.
Ảnh: flickr.com
Tránh dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có chứa chất bảo quản.
Không nên ăn thực phẩm chưa được nấu chín như các món thịt tái, hải sản sống, rau sống, sản phẩm sữa chưa tiệt trùng… nhằm hạn chế tối đa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Tránh ăn các món dưa chua, cải chua, cà pháo muối chua, mứt, cải xanh muối và trứng bách thảo vì chúng chứa nhiều nitrit – chất gây ung thư.
Không nên uống rượu bia vì chúng khiến cơ thể bị mất nước, tinh thần mệt mỏi và giảm sức đề kháng.
Lưu ý
Trước khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư máu, bạn cần phải làm sạch thực phẩm triệt để nhằm tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Đối với các loại rau củ, nên rửa sạch, gọt vỏ và ngâm nước muối kỹ lưỡng để diệt khuẩn trước khi sử dụng.
Ảnh: flickr.com
Chỉ nên tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư máu cũng nên tránh tiêu thụ quá nhiều chất bổ sung vitamin vì có thể ảnh hưởng xấu đến tác dụng của thuốc qua các đợt hóa trị liệu.
Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản nói trên, bệnh nhân ung thư máu có thể tránh bị nhiễm trùng và các biến chứng xấu có thể xảy ra trong quá trình xạ trị. Từ đó, thời gian bình phục và tuổi thọ của bệnh nhân sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo PNO
10 dấu hiệu báo động bệnh ung thư
Vì ung thư có rất nhiều loại nên các triệu chứng có thể rất khác nhau giữa từng bệnh cũng như giữa từng người. Tuy nhiên, có thể dễ dàng xác định được khoảng 10 triệu chứng "báo động đỏ" của ung thư cần được để ý và đi khám ngay lập tức.
1. Sút cân không rõ lý do
Bạn không làm việc hay tập luyện vất vả hơn trước, bạn cũng không ăn kiêng và vẫn ăn nhiều như mọi khi, vậy mà vẫn bị sụt cân đáng kể, ví dụ 4 hay 5kg trong vòng một tháng. Sụt cân không rõ nguyên nhân theo kiểu này nhất thiết không được coi thường. Nó có thể là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng hoặc các bộ phận khác của đường tiêu hóa.
Bạn nên đi khám bác sỹ và mô tả càng chi tiết càng tốt về thời gian bắt đầu bị sụt cân và đã bị sụt mất bao nhiêu cân. Bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để loại trừ bệnh của tuyến giáp và đề nghị bạn đi chụp CT để xem xét các cơ quan bên trong.
2. Chướng bụng
Chướng bụng là tình trạng mà hầu như ai cũng từng mắc trong đời, do kinh nguyệt, do giữ nước hoặc do khó tiêu. Nếu bắt đầu bị chướng bụng bất thường và không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt, thì cần chú ý sát sao tới những gì đang xảy ra. Chướng bụng có đến mức không thể mặc vừa quần áo? Có xảy ra đột ngột và hiện giờ diễn ra thường xuyên đã vài tuần? Có đi kèm với đau hoặc sưng ở bụng hoặc vùng chậu không? Bạn có thấy đầy bụng và không ăn được, cho dù trước đây không ăn nhiều? Tất cả những dấu hiệu này đều được biết là hay xảy ra ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, nên đi khám để các bác sĩ kiểm tra buồng trứng vì loại ung thư này rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu có thể phát hiện sớm thì cơ hội có kết quả điều trị tốt sẽ cao hơn.
3. Chảy máu bất thường
Mọi hiện tượng ra máu bất thường ngoài chu kỳ "đèn đỏ" quen thuộc đều cần được quan tâm. Bạn cần hiểu rõ về cơ thể cũng như chu kỳ của mình để biết khi nào sẽ đến kỳ đèn đỏ, bạn sẽ mất bao nhiêu máu và sẽ cảm thấy thế nào. Về cơ bản, không nên bỏ qua bất cứ tình trạng ra máu bất thường nào ngoài kỳ đèn đỏ. Ví dụ, nếu chu kỳ của bạn vốn dĩ rất đều, nhưng đột nhiên trở nên lộn xộn, hoặc chu kỳ thông thường rất nhẹ nhàng, nhưng đột nhiên có những kỳ bạn mất rất nhiều máu và rất đau, thì đó là những bất thường cần đi khám. Những triệu chứng khác có thể đi kèm với tình trạng ra máu bất thường là khí hư có mùi khó chịu, ra máu sau khi quan hệ hoặc có máu trong nước tiểu. Tất cả những dạng chảy máu bất thường này đều cần được kiểm tra vì chúng có thể là những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tiết niệu.
Chảy máu cũng có thể bắt nguồn từ đường tiêu hóa hoặc các phần của hệ tiết niệu, như bàng quang hoặc thận. Nếu thấy có máu trong nước tiểu hoặc trong phân, thì có thể do nhiều nguyên nhân, như bệnh trĩ, hoặc máu từ âm đạo, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang, thận hoặc đại trực tràng, vì thế nên đi khám bác sĩ để loại trừ.
Ung thư bàng quang, thận hoặc đại tràng cũng có thể gây ra những triệu chứng như thay đổi về đại tiểu tiện. Nên chú ý nếu thấy có dấu hiệu hoạt động bất thường của ruột và bàng quang, như táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng liên tục. Đi tiểu nhiều lần hơn, hoặc đau trong khi đi tiểu hay đi ngoài, cũng là những dấu hiệu cần để ý.
Cuối cùng, nếu ho ra máu quá một lần, bạn cần đi khám ngay.
4. Thay đổi ở ngực
Mọi người phụ nữ đều cần biết rõ về bộ ngực của mình và cần tự kiểm tra ít nhất một lần mỗi tháng để phát hiện những u cục hoặc những thay đổi khác trong mô vú, trên bề mặt da cũng như trên và xung quanh núm vú. Cần đi khám ngay nếu thấy da trên vú đỏ và dày vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm, là dạng ung thư vú rất hiếm gặp nhưng rất ác tính. Da nổi ban đỏ, bong vảy hoặc ngứa kéo dài vài tuần cũng cần được kiểm tra. Những thay đổi trên bề mặt da cũng bao gồm sưng, lõm (lúm đồng tiền), nhăm nhúm hoặc những nốt sần sùi. Cũng cần quan sát đầu núm vú và tìm những thay đổi bất thường về hình thức. Nếu núm vú đột nhiên tiết dịch (khi không nuôi con bú), bị bẹt ra, nhô lên hoặc tụt xuống (ngược với bình thường), thì tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản ngay.
5. Thay đổi ở da
Những thay đổi về kết cấu da, mụn cơm, nốt ruồi hoặc sạm nám, đều có thể là những dấu hiệu của ung thư da. U hắc tố là loại ung thư da phổ biến và có triệu chứng giống như những nốt trên da thay đổi bất thường về màu sắc, kích thước, hình dạng hoặc bờ mép. Nếu có một số nốt trên da trông có vẻ "buồn cười" hoặc khác với màu da bình thường thì nên đi khám. Cũng cần để ý những thay đổi của nốt ruồi hoặc mụn cơm, như to nhanh hơn, mọc lông, thay đổi về màu sắc hoặc hình dạng. Cảnh giác nếu đột ngột bị chảy máu ở da hoặc bong vảy quá nhiều. Hãy quan sát những thay đổi này trong một hai tuần và nếu vẫn không thấy cải thiện thì nên đi khám.
6. Nuốt khó và thường xuyên bị khó tiêu
Nếu thấy rất khó nuốt thức ăn và có cảm giác như thức ăn luôn mắc ở cổ họng mỗi khi ăn, thì cần cảnh giác, vì đây có thể là triệu chứng của ung thư thực quản hoặc ung thư họng. Khó tiêu liên tục, không liên quan tới thai nghén hoặc những lý do rõ ràng khác, cũng là dấu hiệu báo động. Nếu thường xuyên cảm thấy buồn nôn, khó chịu hoặc cảm giác nóng ở vùng bụng trên, hoặc nôn ra máu, thì đó là những dấu hiệu sớm của ung thư thực quản, dạ dày hoặc ung thư họng.
7. Đau, sốt hoặc ho dai dẳng
Đây là 3 triệu chứng phổ biến và mơ hồ nhất gặp trong rất nhiều bệnh. Cực kỳ khó biết được chúng là do ung thư hay là do một bệnh nào khác, nhưng cũng không được coi thường. Đau không rõ nguyên nhân, dù ở chỗ nào của cơ thể, cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Nếu đau dai dẳng qua một thời gian, và không thể lý giải được bằng vết thương hay bệnh nào khác, thì cần đi khám bác sĩ và mô tả tình trạng đau càng cụ thể càng tốt. Hãy để ý thời gian đau xuất hiện, kiểu đau và điều gì làm đau trầm trọng thêm.
Sốt thường là dấu hiệu của một nhiễm trùng, như cúm, nhiễm vi rút và nhiễm khuẩn, nhưng nó cũng có thể báo hiệu một số loại ung thư. Hội Ung thư Mỹ cho biết sốt là một trong những triệu chứng xảy ra với ung thư máu giai đoạn sớm như bệnh bạch cầu hoặc bệnh lympho. Tất nhiên là không cần chạy ngay đến chỗ bác sĩ mỗi khi bị sốt. Điểm quan trọng là nếu sốt kéo dài và không giải thích được thì cần đi khám, chứ không được bỏ qua.
Ho kéo dài (quá 3 hoặc 4 tuần) không liên quan tới cảm lạnh hay cúm, cũng cần được để ý. Nếu nghi ngờ ung thư phổi, nhất là ở người nghiện thuốc lá, bác sĩ sẽ khám họng, kiểm tra chức năng phổi và yêu cầu chụp X quang.
8. Sưng hạch
Hạch lym pho nằm ở cổ, nách và bẹn. Thông thường các hạch này có thể hơi to nếu bị nhiễm trùng và sẽ nhỏ đi khi nhiễm trùng được điều trị hoặc khỏi hẳn. Tuy nhiên, nếu hạch vẫn to dần lên trong hơn 1 tháng, hoặc tạo thành những khối không hết hẳn và không liên quan tới nhiễm trùng, thì nên cảnh giác với khả năng ung thư, như ung thư máu và ung thư hạch.
9. Thay đổi và loét ở miệng
Nếu có hút hoặc sử dụng thuốc lá, thì nên để ý các dấu hiệu của ung thư miệng. Triệu chứng bao gồm những mảng trắng ở niêm mạc miệng, những chấm trắng trên lưỡi, hoặc mụn loét trên môi hoặc trong miệng. những nốt loét ở da và vùng sinh dục không liền, hoặc gây bầm tím hay chảy nhiều máu, cần được bác sĩ kiểm tra.
10. Mệt mỏi và suy nhược
Cuối cùng, triệu chứng tiềm ẩn của bệnh ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất chính là mệt mỏi. Mệt mỏi là triệu chứng quá thường gặp trong rất nhiều tình trạng đến mức không thể kết luận rằng đó là do ung thư gây ra. Tuy nhiên, mệt mỏi do ung thư có lẽ sẽ không giống với sự mệt mỏi sau một ngày làm việc. Nó khiến bạn cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ hoặc không hề gắng sức chút nào. Mệt mỏi kéo dài, không hết khi nghỉ ngơi và có thể đi kèm với tình trạng suy nhược không giải thích được.
Tất cả 10 triệu chứng và dấu hiệu đượcmô tả ở trên đều là những chỉ báo khó thấy và mơ hồ về một bất ổn nào đó. Không dễ phân biệt các triệu chứng của ung thư và không nên hoảng hốt chỉ vì đột ngột có một cái nốt ruồi ở cánh tay hay cảm giác mệt mỏi đôi chút. Chỉ cần nhớ rằng nếu những triệu chứng này tồn tại dai dẳng hoặc xuất hiện mà không vì một lý do nào, thì cần bày tỏ mối băn khoăn của mình với bác sĩ. Có thể đó chỉ là nỗi lo lắng vô ích, nhưng đó cũng có thể là cách cứu sống tính mạng của bạn.
Cẩm Tú
Theo Asiaone
Sự thật về việc cây si đỏ chữa bệnh ung thư Những ngày gần đây rộ lên thông tin về công dụng chữa bệnh ung thư của một loại cây có tên gọi là cây si đỏ. Lập tức, loại cây này trở thành hàng quý hiếm vì nhiều người săn lùng tìm mua. Sự thật về công dụng loại cây này như thế nào? Ảnh minh họa: Internet Đồn đại công dụng giống...