Ăn gì giai đoạn tiền mãn kinh?
Tiền mãn kinh là giai đoạn trước mãn kinh ở phụ nữ, là lúc mà nội tiết tố nữ estrogen bị suy giảm nhiều, gây ra những triệu chứng đầu tiên của rối loạn mãn kinh.
Giai đoạn tiền mãn kinh thường kéo dài từ 40 đến 50 tuổi.
Các triệu chứng báo hiệu thời kỳ tiền mãn kinh thường khác nhau ở mỗi người, có người trải qua rất nhẹ nhàng nhưng đa số gặp rất nhiều rắc rối trong cuộc sống. Hệ nội tiết có sự rối loạn hoạt động nên rất hay gặp:
- Về tâm sinh lý: Thay đổi tính tình, hay cáu gắt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, kinh nguyệt thất thường (thiểu kinh, rong kinh), mất ngủ, đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa. Giảm khoái cảm và khó đạt cực khoái trong quan hệ tình dục.
- Nhan sắc: Da khô, nám da, sạm da. Vòng một chảy xệ trong khi vòng 2 lại tăng. Do hoạt động ít, khối cơ bắp giảm nên nhu cầu về dinh dưỡng cũng giảm. Dinh dưỡng giai đoạn này phải thật hợp lý để duy trì sức khỏe, tránh suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì; kiểm soát loãng xương, đái đường, cao huyết áp. Ngoài 3 bữa ăn chính, có thể thêm 1 đến 2 bữa phụ như ly sữa, trái cây.
Các thành phần cần thiết trong bữa ăn:
1. Chất đạm: Chiếm tỉ lệ hơn 50% trọng lượng thô của tế bào, là thành phần cấu tạo chính của enzyme, một số nội tiết tố; chiếm 30% tổng số năng lượng trong ngày. Theo đó, mỗi ngày cần cung cấp khoảng 50-60 g thịt và 60-70 g cá, 30 g đậu các loại. Mỗi tuần ăn khoảng 3 quả trứng vịt hoặc gà. Nếu bị sỏi mật hoặc tăng cholesterol máu thì chỉ ăn 1 quả trứng/tuần.
2. Chất béo: Cung cấp và dự trữ năng lượng cho cơ thể. Là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo màng tế bào, hấp thu các vitamin tan trong lipid như vitamin A, D, E, F, K. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, chất béo chiếm khoảng 30% tổng số năng lượng. Trong đó, chất béo bão hòa chiếm ít hơn 10% tổng số năng lượng do nó làm tăng cholesterol máu và nguy cơ bệnh tim. Chất béo bão hòa có trong thịt mỡ, sữa béo, kem, phô mai, da, óc, lòng, gan, tim, cật. Chất béo nên chọn là loại không bão hòa như các axít béo thiết yếu (omega-3, omega-6) có lợi cho tim mạch, có trong mỡ cá , mè, bắp, hạt hướng dương, hạt bí ngô, các loại rau có màu xanh đậm, đậu nành và các loại đậu khác. Trong chế biến thức ăn hàng ngày nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè. Không nên dùng dầu dừa và dầu cọ vì kích thích gan sản xuất cholesterol nội sinh.
Video đang HOT
3. Chất bột đường: Chủ yếu cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chất bột đường có trong thức ăn hằng ngày thông dụng như cơm, mì, miến, nui, bún, khoai. Thỉnh thoảng nên ăn thêm củ quả, bột ngũ cốc để tăng chất xơ chống táo bón, thải cholesterol dư thừa, hạn chế tăng đường huyết.
4. Rau xanh và trái cây: Cung cấp 300 g rau xanh, 250 g trái cây mỗi ngày. Chọn các loại trái cây ít ngọt sẽ có lợi cho sức khỏe (cà chua, táo, ổi). Rau trái chứa nhiều vitamin chống lão hóa, chất xơ tốt cho sức khỏe. Nên uống sữa vào các bữa phụ cung cấp nhiều canxi chống loãng xương. Các thực phẩm giàu canxi như cua đồng, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ, đậu nành, sữa, cá hồi, bông cải xanh.
5. Chất sắt: Sắt tham gia cấu tạo hồng cầu. Để đảm bảo nhu cầu sắt hàng ngày, nên ăn những thức ăn giàu sắt như: thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc. Ăn nhiều rau xanh cung cấp nhiều vitamin C để tăng hấp thu sắt (rau ngót, rau muống, mồng tơi).
6. Bổ sung vitamin B12 và axít folic: Vitamin B12 tham gia cấu tạo hồng cầu. Vitamin B12 có trong gan, thận, cá, gia cầm, trứng, sữa. Axít folic có trong măng tây, các loại rau màu xanh đậm. Axít folic cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể để phục vụ quá trình tạo mới của tế bào.
7. Uống đủ nước: Nước vận chuyển chất dinh dưỡng cho cơ thể, đào thải các chất cặn bã, điều hòa thân nhiệt, tham gia bảo vệ mô cơ quan. Không đợi khát mới uống mà nên uống khoảng 1,5-2 lít/ngày, bao gồm 60% nước lọc, 20% sữa, 20% nước trái cây.
8. Đường và muối: Nên giảm trong các bữa ăn. Dùng quá nhiều muối làm tăng huyết áp. Tránh các thức ăn nhiều muối như mắm, dưa muối, thịt muối, xúc xích, giò chả, đồ hộp, mì gói. Các loại trái cây chứa nhiều đường là nho, chuối, cam, mía.
Theo BS Ngô Văn Tuấn – Người lao động
Đối phó với trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng.
Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh dễ mắc trầm cảm và họ cần được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Đi tìm căn nguyên
Rối loạn trầm cảm là một hội chứng rất hay gặp ở người phụ nữ, nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Độ tuổi trung bình dễ mắc trầm cảm ở phụ nữ là từ 40 - 50 tuổi. Các triệu chứng của trầm cảm liên quan đến cơ thể, khí sắc, hành vi, tình cảm, tư duy của bệnh nhân. Nó ảnh hưởng đến cách ăn, ngủ, suy nghĩ, hành vi của bệnh nhân về bản thân và mọi sự việc xung quanh.
Các triệu chứng của trầm cảm có liên quan với sự gián đoạn của các chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn mãn kinh thường kết hợp với sự tăng tần suất và độ nghiêm trọng của trầm cảm. Cộng hưởng với các yếu tố nguy cơ cao như: đổ vỡ gia đình, khó khăn kinh tế, con cái hư hỏng, lo lắng trong nghề nghiệp, có bệnh mạn tính, mất người thân... thì tình trạng trầm cảm càng dễ phát sinh và khó lường. Cùng với áp lực của công việc, cuộc sống, gia đình, ngày càng nhiều chị em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trầm cảm có liên quan mật thiết với tình trạng hormon của người phụ nữ. Cơ thể đã trải qua những thay đổi lớn trong và sau thời kỳ mãn kinh. Lượng estrogen suy giảm nghiêm trọng giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh được coi là yếu tố then chốt khiến phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cao bị trầm cảm. Sự thay đổi một số hormon khác cũng có thể gây trầm cảm như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường và một số bệnh về rối loạn chuyển hóa khác. Trầm cảm cũng có liên quan mật thiết với tình trạng suy chức năng buồng trứng sớm. Mối tương tác ngược lại thì trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở người phụ nữ.
Những biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ tuổi mãn kinh thường bắt đầu bằng việc họ có những thay đổi về tâm lý, hành vi và cảm xúc. Chị em thường cảm thấy buồn rầu, ủ rũ, bực bội, khó chịu, cảm giác mệt mỏi, thiểu lực, uể oải, khó tập trung và không thể nắm bắt được thông tin, giảm sút lòng tự tin. Họ mất quan tâm thích thú trong sinh hoạt hằng ngày, công việc hoặc giải trí.
Có ý nghĩ chán nản, buông xuôi, ít chăm sóc bản thân hoặc gia đình, tự cho mình không xứng đáng hoặc tự nghĩ mình có lỗi. Đồng thời, chị em tuổi mãn kinh thường bị rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ít ngủ, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều). Trong bữa ăn, họ thường ăn ít hoặc ăn không ngon miệng, đôi khi ăn quá nhiều. Khi trầm cảm nặng, thường có triệu chứng sút cân nhanh, giảm ham muốn tình dục, ít ngủ, thức giấc sớm, có kèm hoang tưởng và ảo giác.
Các rối loạn thần kinh thực vật cũng là dấu hiệu của trầm cảm ở tuổi mãn kinh: toát mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, tức ngực, rối loạn tiêu hóa, trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi tiểu nhiều lần trong đêm, các triệu chứng về thần kinh, cơ... Trầm cảm đặc biệt có liên quan đến những phụ nữ có các triệu chứng rối loạn vận mạch và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch (hút thuốc lá, dinh dưỡng thấp, kém vận động, dư cân béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu...). Điều đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh nhân trầm cảm là họ thường có suy nghĩ tiêu cực đối với bản thân như chán sống, tự tử...
Rối loạn trầm cảm là một hội chứng hay gặp ở người phụ nữ, nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Cần làm gì để giúp chị em tuổi mãn kinh đối phó với trầm cảm?
Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh cần được tư vấn về tâm lý để phát hiện và điều trị sớm chứng trầm cảm. Đặc biệt, những trường hợp có triệu chứng tiền mãn kinh rầm rộ cũng như có hoàn cảnh không may mắn cần được khám và tầm soát trầm cảm để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Người thân nên gần gũi, chia sẻ, động viên phụ nữ vượt qua các rối loạn mãn kinh.
Sử dụng liệu pháp hormon thay thế là một giải pháp quan trọng cần thiết cho chị em gặp phải các rối loạn nghiêm trọng giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, mặc dù nồng độ estrogen tụt giảm khá thấp trong giai đoạn này nhưng nhiều phụ nữ không sẵn sàng cho việc sử dụng liệu pháp hormon thay thế. Nguyên nhân của việc này là do việc sử dụng hormon thay thế có thể gây một số bệnh ung thư nhất định. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ do không sử dụng liệu pháp hormon thay thế sẽ tăng khả năng bị trầm cảm.
Bên cạnh đó, việc tập thể dục, chế độ ăn và dùng thuốc chống trầm cảm là các yếu tố rất quan trọng. Việc điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm phải dùng theo đúng chỉ định, có trường hợp phải dùng suốt đời, không được bỏ thuốc giữa chừng, kể cả khi các triệu chứng bệnh đã suy giảm. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường tập luyện, tham gia câu lạc bộ để chia sẻ, giao tiếp vui vẻ, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực, tránh stress để đẩy lùi bệnh trầm cảm...
BS. ĐẶNG LAN
Theo Sức khỏe đời sống
Loạn thông tin sản phẩm hỗ trợ tiền mãn kinh Nếu search từ khóa "tiền mãn kinh" trên google, sẽ ra hàng trăm kết quả, trong đó không ít các trang giới thiệu về thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Với các quảng cáo là sản phẩm có tác dụng chính giúp bổ sung nội tiết tố, cân bằng nội tiết tố nữ, giảm...