Ăn gạo lứt muối vừng chữa bách bệnh ư, không đơn giản vậy đâu!
“ Gạo lứt (hay chính là gạo nguyên cám) đã có nghiên cứu nói chẳng tốt hơn so với gạo trắng bởi nhiều lý do”; “Thay vì kiêng khem, ngồi cào bàn phím thì hãy đứng dậy, ra ngoài và tập thể dục…”. Đó là những trích đoạn từ bài viết của bác sĩ Ngô Đức Hùng -tác giả sách “Để yên cho bác sĩ hiền”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng đang công tác tại khoa cấp cứu, BV tuyến Trung ương., . Anh được mệnh danh là bác sĩ “quốc dân” vì hay viết những bài hóm hỉnh, hữu ích về sức khỏe, chuyện đời, chuyện nghề. Lần này, bác sĩ đã có những giải thích khoa học gây bất ngờ về mối liên hệ giữa “ trái tim, gạo lứt muối vừng và dầu gạo”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng
“Trái tim là nhân vật chính trong thơ ca, nhạc họa, là biểu tượng trên các hộp sô-cô-la minh chứng cho tình yêu mãnh liệt và thường xuyên được đem ra để thề thốt. Thế nhưng, trong cuộc sống “đời thường”, nhân vật chính này bị đối xử rất ư là… phũ.
Hãy yêu quý trái tim, đừng phũ với nó hoài mãi nữa
Vài tháng vừa rồi khám tư vấn sức khỏe định kỳ cho cánh anh chị em văn phòng, mới thấy rằng bước ra khỏi thế giới ảo diệu của thơ ca, trái tim trần trụi chỉ là một trái tim… nhiễm mỡ. Vì lười vận động thể chất, ăn uống vô tội vạ và thiếu khoa học… Từ đây, biết bao hệ lụy dẫn tới, nào là xơ vữa động mạch, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Trái tim chỉ có một, hãy yêu quý trái tim của mình
Chả trách bác sĩ trực cấp cứu như tôi hằng đêm phải xử lý hồi sức cấp cứu không biết bao nhiêu ca tim mạch, toát mồ hôi. Trái tim chỉ có một, hãy yêu quý, đừng phũ với nó hoài mãi nữa.
Các bạn lại hỏi tôi: Làm thế nào để yêu thương quý mến và bảo vệ sức khoẻ trái tim? Thực dưỡng và vận động chăng? Dưới góc độ bác sĩ, tôi chỉ muốn chia sẻ về câu chuyện thực dưỡng, còn việc vận động thể chất thì đúng thật là thuộc về “niềm tin ý chí” của mỗi người, thôi thì thân ai nấy lo vậy!
Trước hết, chúng ta hãy ăn sạch, khoa học và điều độ. Việc cân bằng các yếu tố dinh dưỡng trong bữa ăn là rất cần thiết,cần đầy đủ chất đạm, đường và chất béo theo tỉ lệ nhất định. Việc kiêng khem phiến diện bất kể chất nào cũng có nguy cơ gây mất cân bằng cho cơ thể, từ đó khởi phát nhiều hệ lụy bệnh tật, trong đó có bệnh tim.
Xôn xao chuyện gạo lứt chữa bách bệnh
Gần đây dân tình rộ lên việc ăn món gạo lứt muối vừng thực dưỡng để chữa bách bệnh, thậm chí chữa hẳn ung thư. Sự thật thì không đơn giản vậy đâu. Khi ăn gạo lứt, thú thật là mỗi cái việc nhai đã khá…mỏi răng.
Gạo lứt thực ra chính là gạo vẫn còn giữ nguyên lớp cám (gạo nguyên cám) và chính lớp cám là nơi chứa rất nhiều dưỡng chất quý giá nhất của hạt gạo đã khiến thiên hạ hết lời ngợi ca gạo lứt. Lớp cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, Vitamin B, một số khoáng chất như Magiê, Mangan, Phốt pho và có nhiều hơn đến 40% Protein so với gạo trắng. Đặc biệt lớp cám gạo còn chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol, chống oxy hóa cao gấp 4 lần Vitamin E.
May thay, với công nghệ hiện đại, lớp cám gạo quý giá ấy được trích ly thành dầu gạo, mà người Nhật hay dùng trong bữa ăn thay cho nhiều loại dầu thực vật khác vì chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol, được chứng minh ngăn cơ thể hấp thu cholesterol xấu, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng của việc tăng huyết áp. Mình gọi đó là sự kỳ diệu của khoa học.
Mỗi loại thức ăn có vai trò cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định cho cơ thể, đừng bắt nó phải gánh thêm nhiệm vụ khác, như hạt gạo chẳng hạn. Tiêu hóa muốn tốt, thì ăn gạo trắng, muốn hấp thu dưỡng chất quý từ lớp cám gạo thì ngoài gạo lứt còn có thêm … dầu gạo, (Việt Nam đã sản xuất được dầu gạo rồi mà). Bác sĩ Hùng khuyên: “Thay vì kiêng khem, hãy ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; ra ngoài và tập thể dục giúp máu lưu thông, tiêu tốn bớt năng lượng thừa. Hệ thống miễn dịch từ một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại được nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài hơn. Đó cũng là cách để chúng ta bảo vệ trái tim và tự phòng ngừa bách bệnh cho mình.”
Theo Dân trí
Bệnh nhân đột quỵ khi bước ra khỏi phòng điều hòa
Tầm 5 giờ sáng, khi vừa bước ra khỏi phòng điều hòa để vệ sinh cá nhân, chuẩn bị quay lại phòng bà N.T.X (54 tuổi, Quốc Oai, Hà Tây) đột nhiên ngã quỵ. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân có thể bị đột quỵ do chênh lệnh nhiệt độ.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, bà X. được gia đình đưa vào viện sáng sớm 4/7 trong tình trạng hôn mê.
Theo lời kể của con gái, trước thời điểm bị ngã, bà vẫn khỏe mạnh bình thường. Tối đó bà vẫn không có dấu hiệu gì bất thường, đi ngủ vẫn bật điều hòa như mọi hôm.
TS Nguyễn Anh Tuấn khám cho bệnh nhân X. Bà đột quỵ ngay sau một vài phút bước ra khỏi phòng điều hòa. Ảnh: H.Hải
Đến khoảng 5 giờ sáng 4/7, bà X. tỉnh giấc, rời khỏi phòng điều hòa để đi vệ sinh, rửa mặt. Lúc trở lại phòng bà bất ngờ ngã quỵ. Người nhà vội vàng gọi xe cấp cứu đưa thẳng bà tới Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ.
BS Tuấn cho biết, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, huyết áp tăng cao. Trước đó bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Với những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Tuấn cho biết trong những ngày nắng nóng vừa qua BV tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị đột quỵ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ. Lúc này bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... và tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, phổi mãn tính là nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong.
Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng như hiện nay rất bất lợi đối với người cao tuổi, nhất là những người mắc bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp...). Khi nhiệt độ tăng cao, người già rất khó thích ứng kịp vì "trung tâm điều nhiệt" không còn nhạy cảm như thời trẻ, dẫn đến việc điều chỉnh thân nhiệt không kịp thời. Đồng thời, "trung tâm báo khát" ở người già cũng hoạt động kém đi, nên cơ thể bị thiếu nước nhưng không cảm thấy khát, không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng say nóng, dễ mắc bệnh hoặc bệnh tình trở nặng hơn trong những ngày nhiệt độ tăng cao. Vì thế, con cháu hãy luôn nhớ nhắc nhở các cụ uống nước, cho các cụ ăn các loại thức ăn mềm, loãng, nhiều nước như cháo, bún... Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp các cụ khỏe khoắn, tỉnh táo, hoạt bát hơn.
Nhất là sự chênh lệch nhiệt độ có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày này, mọi người cũng cần chú ý sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, vừa đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, mà hãy để cơ thể được mát từ từ, mở cửa phòng, đứng khoảng 1 phút để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng.
Nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở 25-28 độ C và trong phòng nên có quạt thông gió để đảm bảo môi trường trong phòng thoáng khí, tránh tình trạng phòng quá kín, cảm giác không khí mát nhưng có thể tích trữ vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Tương tự, khi ra khỏi phòng điều hòa không đột ngột bước ra ngoài ngay, mà nâng dần nhiệt độ, mở cửa bước ra từ từ để cơ thể thích nghi với nền nhiệt bên ngoài.
Hồng Hải
Theo Dân trí
"Cuộc chiến" của mẹ Việt về kháng kháng sinh Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai) vừa có bài viết sĩ "phê phán" thói quen lạm dụng kháng sinh của các bà mẹ Việt khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" Kháng kháng sinh, mối nguy từ sự lạm dụng BS Ngô Đức Hùng chia sẻ về vấn nạn KKS đang rất được quan tâm Mở đầu...