Ấn Độ tăng lực lượng tấn công gần Trung Quốc
Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ (CCS) có thể sẽ sớm phê chuẩn đề xuất của quân đội về việc tăng quân số cho các quân đoàn chiến đấu của nước này ở dọc khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Khu vực biên giới Trung-Ấn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng.
CCS sẽ thông qua kế hoạch dự kiến trên sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ làm rõ lần cuối những câu hỏi được đặt ra bởi Bộ Tài chính nước này, nguồn tin từ tờ Times of India (Thời báo Ấn Độ) hôm qua (1/6) cho biết. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, Bộ Tài chính nước này sẽ không có thêm sự phản đối nào về đề xuất tham vọng mà họ đưa ra nhằm tăng cường năng lực tấn công cho đội quân tinh nhuệ của họ ở khu vực biên giới đông bắc với Trung Quốc.
Quân đội Ấn Độ đề xuất thiết lập một quân đoàn tấn công trên núi, hai sư đoàn bộ binh độc lập và hai sư đoàn thiết giáp độc lập để lấp vào những lỗ hổng tác chiến ở toàn bộ dọc khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với Trung Quốc. Cùng với đó, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường năng lực tấn công ở đường biên giới này.
New Delhi chỉ bắt đầu tham gia “cuộc chạy đua” sức mạnh với quân đội Trung Quốc trong thập kỷ qua. Ấn Độ đang ra sức tìm kiếm sự cân bằng về sức mạnh với nước láng giềng hiếu chiến của mình. Việc thiết lập một quân đoàn tấn công trên núi sẽ là một bước đi đáng kể của Ấn Độ trong cuộc đua này, một quan chức cấp cao ở New Delhi cho biết.
Đề xuất thành lập những quân đoàn mới dự tính sẽ được thực hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Ấn Độ (2012-2017). Tuy nhiên, việc tiến hành một số phần trong đề xuất củng cố toàn diện sức mạnh của lực lượng Ấn Độ ở khu vực biên giới với Trung Quốc, đặc biệt là việc thiết lập các sư đoàn độc lập, có thể sẽ phải kéo dài đến kế hoạch 5 năm tiếp theo – kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Quân đoàn tấn công trên núi theo đề xuất sẽ bao gồm hơn 40.000 quân và có trụ sở chính đóng tại Panagarh ở Tây Bengal. Lực lượng này sẽ lần đầu tiên đem đến cho Ấn Độ sức mạnh và năng lực để phát động các cuộc tấn công vào Khu tự trị Tây Tạng (TAR) trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Quân đoàn tấn công trên núi sẽ bao gồm hai sư đoàn phản ứng nhanh trên cao.
Ấn Độ đã triển khai hai sư đoàn bộ binh mới đến Lekhapani và Missamari ở Assam vào năm 2009-10. Hai sư đoàn này có nhiệm vụ bảo vệ bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ bang này.
Ấn Độ cũng đã củng cố năng lực tên lửa và chiến đấu cơ cho các lực lượng của họ ở khu vực biên giới với Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm bắt kịp với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở đây.
Đề xuất thiết lập lực lượng tấn công trên núi đầu tiên của Ấn Độ đã được đưa ra từ vài năm trước. Tuy nhiên, trong quá khứ, kế hoạch này đã bị Bộ Tài chính Ấn Độ trả lại cho Bộ Quốc phòng với lý do nó tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng làm rõ thêm vài điều. Tuy nhiên, một nguồn tin khẳng định, “đó chỉ là vấn đề thủ tục”.
Video đang HOT
Ấn Độ thân thiết với Nhật Bản, Trung Quốc tức tối cảnh báo
Với tư cách là hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường mới nổi của Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ rất phức tạp. Mặc dù quan hệ kinh tế Trung-Ấn đang phát triển hết sức mạnh mẽ nhưng giữa hai nước này tồn tại rất nhiều mâu thuẫn và sự nghi kỵ khó có thể xóa bỏ. New Delhi luôn cảm thấy bất an trước việc Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự và kèm theo đó là những chính sách, động thái ngày một hung hăng, hiếu chiến của nước này.
Để đối phó với sự nổi lên một cách đáng quan ngại của Trung Quốc, Ấn Độ đã tìm đến với Nhật Bản – một địch thủ lâu đời của Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Tokyo nhằm thắt chặt mối quan hệ Nhật-Ấn.
Sự kiện trên đã khiến Bắc Kinh thực sự nổi dậy. Tờ China Daily – một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, vừa có bài cảnh báo, mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản “sẽ chỉ đem đến rắc rối cho Ấn Độ”.
Với nhan đề “Ấn Độ tự gây nguy hiểm cho mình khi kết thân với Nhật Bản”, bài báo trên tờ China Daily đã dùng nhiều lời lẽ có phần hiếu chiến để cảnh báo, dọa dẫm nước láng giềng. Qua đó, người ta có thể thấy sự lo ngại thực sự của Bắc Kinh trước mối quan hệ thân thiết Nhật-Ấn.
Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, việc Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nhật Bản sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến New Delhi dễ làm người ta nghĩ rằng, đây là một chiến thuật nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Mặc dù thừa nhận chuyến thăm của ông Singh diễn ra ngay lập tức sau chuyến đi của ông Lý Khắc Cường chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng tờ China Daily cho rằng, việc Thủ tướng Ấn Độ kéo dài lịch trình thêm một ngày nữa ở Nhật Bản sau khi xảy ra cuộc đối đầu mới nhất ở biên giới Trung-Ấn cho thấy sự quan ngại của New Delhi đối với Trung Quốc.
“Trong bối cảnh cuộc tranh chấp kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cuộc đối đầu ở khu vực biên giới Trung-Ấn, người ta ngầm hiểu, có sự hợp tác về mặt chiến lược giữa Ấn Độ và Nhật Bản”, tờ báo của Trung Quốc cáo buộc. Tờ báo này sau đó kết luận, mối quan hệ này sẽ “chỉ đem đến phiền toái cho Ấn Độ và đe dọa mối quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Á khác”.
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng có bài viết cáo buộc Nhật Bản đang tìm cách “bao vây” nước này.
Theo vietbao
Trung Quốc "dằn mặt" Nhật vì chiến lược bao vây
Hôm nay 30/6, Hoàn Cầu chỉ trích gay gắt chiến lược bao vây Trung Quốc củaNhật thời gian vừa qua và khẳng định, chắc chắn sẽ đến một ngày Nhật phải tâm phục khẩu phục làm "nước nhỏ" trước Trung Quốc.
Cảnh sát Biển Nhật Bản phun vòi rồng chặn tàu cá Trung Quốc đi vào khu vực đảo Senkaku.
"Bao vây Trung Quốc" là ảo vọng?
Nhật Bản đang tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên bàn thảo về vấn đề hợp tác an ninh trên biển. Và mấy hôm trước, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm Myanma, những động thái này được nhiều người cho là quá trình ghép các mảnh ghép "bao vây Trung Quốc" của Nhật Bản.
Hoàn Cầu cho rằng chiến lược đối đầu với Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản tăng cường hoạt động ở khu vực xung quanh Trung Quốc, phán đoán này dĩ nhiên là không sai. Chiến lược nhằm vào Trung Quốc của Nhật Bản được xây dựng kỹ càng hơn chiến lược nhằm vào Nhật Bản của Trung Quốc. Đó là do sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tương lai của Nhật Bản trong thế kỷ XXI lớn hơn so với độ ảnh hưởng theo chiều ngược lại của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc thường xuyên diễn tập, hâu thuẫn cho cái gọi là "giấc mơ Trung Hoa".
Tuy nhiên, cái gọi là Nhật Bản "bao vây Trung Quốc" chỉ là sự khoa trương một cách hình tượng mà thôi. Nhật Bản mong muốn có thêm một vài tấm thẻ trong ván bài với Trung Quốc, đồng thời sẽ bỏ ra công sức để cạnh tranh với Trung Quốc độ ảnh hưởng tại châu Á, những điều này là hoàn toàn có thể lý giải. Tuy nhiên, kể cả Nhật Bản có tâm "bao vây Trung Quốc" thì lực cũng bất tòng tâm. Kể cả là Mỹ, "bao vây Trung Quốc" cũng ngày càng là ảo tưởng của một vài người mà thôi.
Hoàn Cầu khẳng định, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cục diện sức mạnh ở khu vực châu Á, những ảnh hưởng mà sự thay đổi này đem lại có phạm vi rộng hơn so với nhận trước trước đây của Trung Quốc. Nhật là nước bị ảnh hưởng đầu tiên, mối quan hệ địa chính trị đặc biệt của nước này với Trung Quốc khiến cảm giác "đau đớn" mà Tokyo cảm nhận được trước sự trỗi dậy của Trung Quốc là vô cùng kinh hoàng.
Nhật nên biết "thân phận nước nhỏ"
Tờ báo sặc mùi dân tộc chủ nghĩa này lập luận trước đây Nhật là cường quốc duy nhất ở khu vực Đông Á, đặc biệt là cường quốc trên biển duy nhất ở Đông Á. Hiện nay không những sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc vượt Nhật Bản, mà còn phát triển ra vùng viễn dương, sau đó không lâu, sức mạnh trên biển của Trung Quốc sẽ vượt lên trên Nhật Bản. Tokyo cần quãng thời gian thích ứng dài hơn, khó khăn hơn so với các quốc gia khác. Cho đến một ngày kia, Nhật Bản buộc phải tâm phục khẩu phục là một "nước nhỏ" trước mặt Trung Quốc.
Hoàn Cầu quả quyết ngày này sớm muộn sẽ đến. Những trò vặt vãnh mà Nhật Bản gây ra thời gian qua đều chỉ phí công vô ích, chúng chỉ giúp Tokyo tự an ủi mình và khó có thể ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của châu Á.
Quân đội Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, trong ảnh là lính Trung Quốc cơ động đường không trong một cuộc diễn tập.
Trước mặt Trung Quốc, Nhật Bản ngày càng rơi vào thế yếu, cả về thực lực và tâm lý. Nhật Bản đang cố gắng che giấu thế yếu của mình thông qua việc khoe khoang sức mạnh, cổ xúy sĩ khí người dân, gắn bó sự đoàn kết quốc gia. Vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt là chưa thực sự tự tin vào thế mạnh của mình. Bắc Kinh rất muốn thông qua cuộc đấu tranh với Nhật Bản để kiểm chứng sự lớn mạnh của mình.
Trung Quốc không cần thiết phải coi cuộc xung đột với Nhật Bản mang tính chiến lược. Chiến lược của hai nước đã được xây dựng từ lâu, sự hơn thiệt của mỗi bên trong mỗi vụ va chạm cụ thể không có ảnh hưởng gì lớn tới chiến lược này, cái mà chúng có thể ảnh hưởng chỉ là cảm nhận tâm lý nhất thời của hai nước Trung - Nhật mà thôi. Nếu "đùa" với Nhật Bản quá say sưa thì Trung Quốc lại trở thành đối tác điều chỉnh của Nhật Bản trong giai đoạn "xuống dốc" đặc biệt.
Đương nhiên, sẽ rất khó để xã hội Trung Quốc chín chắn như người khổng lồ chính trị siêu phàm. Ở một mức độ nhất định, xã hội Trung Quốc cũng sa lầy vào các vụ va chạm cụ thể với Nhật Bản, đây là quá trình trưởng thành dần dần về mặt thực lực và tâm lý của Trung Quốc. Bắc Kinh không cần thiết phải va chạm liên miên với một quốc gia đang trong thời kỳ "xuống dốc", cũng không cần thiết vì "so đo" với Nhật Bản mà phải tự trách mình. Chắc chắn Trung Quốc sẽ ngày càng giống một nước lớn thực sự, hết sức tự tin, lẫm liệt.
Hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên diễu võ giương oai gây sức ép với láng giềng có tranh chấp.
Hoàn Cầu tự tin Trung Quốc không cần vội 'chơi bài ngửa' với Nhật Bản, cũng không cần thiết phải vội vàng hòa giải với Nhật Bản. Việc mà Bắc Kinh cần làm nhất là thả lỏng cho thoải mái, dùng lợi ích quốc gia để quyết định sách lược đối với Nhật Bản, và Bắc Kinh làm thế nào cũng đều là đúng.
Giữa hai nước chẳng có gì đáng phải bàn cãi, những chuyện ầm ĩ vừa qua cũng không phải là chuyện lớn. Chỉ vì Nhật Bản không thể thích ứng trong thời kỳ quá độ lịch sử đặc biệt mà phải gây sự với Trung Quốc mà thôi. Nếu Trung Quốc có thời gian thì 'giao đấu với họ cho vui', nếu bận quá, không muốn hao tâm tổn trí thì hoàn toàn có thể làm ngơ.
Hoàn Cầu tuyên bố muốn hướng tới tương lai, Nhật Bản phải bước qua ngưỡng Trung Quốc, Trung Quốc cũng rất cần Nhật Bản bước một cách triệt để qua chính họ. Nhật Bản dần dần "nể sợ" Trung Quốc và Trung Quốc ngày càng tự tin hơn, đây là hai mặt khác nhau của cùng một tiến trình chính trị quốc tế.
Theo vietbao
Ấn Độ không để Trung Quốc yên tại Biển Đông? Ấn Độ đã phái 4 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục tiên phong và một tàu khu trục tàng hình, đi thực hiện nhiệm vụ triển khai dài ngày ngoài khơi xa, từ Eo biển chiến lược Malacca đến Malaysia, Việt Nam và Philippines. Trong hành trình này, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ đi qua những vùng tranh...