Ấn Độ phá kế bao vây của Trung Quốc
Chính quyền và giới hoạch định chiến lược Ấn Độ đang dấy lên nỗi sợ về “mối đe dọa Trung Quốc” với cảm giác rằng Bắc Kinh đang thực thi các chiến lược bao vây và kiềm chế New Delhi. Đáp lại, Ấn Độ đã từng bước phá kế bao vây của Trung Quốc.
Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp.
New Delhi đã từng bước thực hiện một sự kết hợp cân bằng bên trong, bằng cách gia tăng khả năng quân sự trên đất liền và trên biển, với cân bằng bên ngoài, thông qua hợp tác quân sự với các nước ở Đông và Trung Á.
Cân bằng bên trong của Ấn Độ được thực hiện dưới một số hình thức như tăng ngân sách quốc phòng lên 41 tỷ USD cho năm tài chính 2012-13, tăng 17% so với năm trước.
Video đang HOT
Thứ nhất, ngân sách này sẽ giúp quân đội tiếp tục các chương trình hiện đại hóa quốc phòng với hợp đồng mua 126 máy bay tiêm kích Rafale của Pháp trong thập kỷ tới, cùng với việc sắm thêm 200 máy bay chiến dấu thế hệ thứ năm sẽ được chế tạo cùng với Nga vào trước năm 2017.
Thứ hai, Ấn Độ đang tăng cường phòng thủ trên tuyến biên giới chung với Trung Quốc: Triển khai thêm 100.000 quân dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) trong năm 2011, triển khai loại tên lửa tầm xa BrahMos có tầm bắn 300 km ở khu vực biên giới phía đông. Các đợt triển khai này đã hoàn thành cùng với các dự án tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực, trong đó có việc xây thêm các tuyến đường mới và một loạt các căn cứ không quân trên dọc tuyến biên giới này.
Cuối cùng, và quan trọng nhất là Ấn Độ đang đẩy mạnh xây dựng khả năng hạt nhân của mình với việc bắn thử “hoàn hảo” tên lửa đạn đạo Agni-V có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 5.000 km có thể bắn tới các mục tiêu tại các thành phố lớn dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc.
Kế hoạch hiện đại hóa hải quân bao gồm việc xây thêm hai cảng hải quân nước sâu ở Kawar, trên bờ biển phía Đông Nam và gần Viskhapatnam trở thành một bộ phận của Bộ chỉ huy hải quân phía Đông. Với việc thành lập Bộ chỉ huy Hải quân Cận Đông (FENC) tại Port Blair trong quần đảo Andaman, hải quân Ấn Độ giờ đây đã có thể bao quát toàn bộ Vịnh Bengal và sang cả Eo Malacca, làm gia tăng “Thế bí Malacca” của Trung Quốc.
Các kế hoạch phát triển này được củng cố thêm bằng việc mua thêm các trang thiết bị cứng cho hải quân từ nguồn nước ngoài và trong nước, bao gồm một chiếc tàu ngầm hạt nhân INS Chakra với thời gian thuê là 10 năm của Nga và tàu INS Airhant tự đóng trong nước. Ngoài ra, chiếc tàu sân bay cũ của Nga, Gorshkov, được nâng cấp và đổi tên là INS Vikramaditya, dự kiến sẽ được đưa vào biên chế tháng 12 năm nay. Những kế hoạch mở rộng này sẽ là một phần của kế hoạch xây dựng hạm đội 160 tàu, bao gồm các nhóm ba tàu sân bay vào giữa thập kỷ 2020, như Tổng tư lệnh hải quân, Đô đốc Sureesh Mehta cho biết.
Quá trình cân bằng bên trong diễn ra song song với quá trình cân bằng bên ngoài và hợp tác quốc phòng với các nước và khu vực.
New Delhi đã ngày càng đầu tư nhiều hơn trong quan hệ với Afghanistan, thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược trong tháng 10 năm 2011, chú ý đến một vai trò lớn hơn sau khi kế hoạch rút quân năm 2014 của lực lượng liên quân.
Với Tajikistan, Ấn Độ đã đẩy mạnh trao đổi với lực lượng an ninh Tajikistan và đã cung cấp tài chính cho việc nâng cấp hai căn cứ không quân Farkhor và Ayni bằng cách hoàn thành xây dựng một bệnh viện quân đội và một kho hậu cần. Ấn Độ và Nga đang thương lượng cùng sử dụng căn cứ này .
Quan hệ giữa Ấn Độ với Tajikistan và đặc biệt là với Afghanistan có tiềm năng làm suy yếu việc Trung Quốc sử dụng Pakistan như là một nước đệm và trong một nỗ lực phân tán sự tập trung của Ấn Độ trên hai mặt trận. Với ảnh hưởng lớn ở Afghanistan, Ấn Độ có khả năng kìm hãm ảnh hưởng của Pakistan.
New Delhi cũng đã tăng cường hợp tác với Mông Cổ, ký một hiệp định Hợp tác Quốc phòng năm 2001, lắp các hệ thống radar có thể theo dõi các vụ thử tên lửa của Trung Quốc, tổ chức các cuộc tập trận song phương kể từ năm 2004.
Quan hệ Ấn Độ-Singapore đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với Hiệp định Hợp tác Quốc phòng năm 2003, nâng cấp quan hệ và mở rộng các cuộc tập trận giữa hai nước của tất cả ba binh chủng, và đáng kể nhất là các cuộc tập trận hải quân SIMBEX trong vịnh Bengal và ở Biển Đông.
Mối quan hệ với Singapore có tầm quan trọng địa chính trị đặc biệt vì Singapore là cửa ngõ phía tây vào Biển Đông và cửa ngõ phía đông vào Eo Malacca, hai tuyến hàng hải quan trọng đối với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Quan hệ an ninh chặt chẽ này co phép Ấn Độ triển khai sức mạnh hải quân vào Biển Đông và cho phép Ấn Độ đóng cửa Eo Malacca, làm trầm trọng thêm “Thế bí Malacca” của Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng được đẩy mạnh những năm gần đây. Hai nước ký hiệp định hợp tác quốc phòng năm 1994 bao gồm huấn luyện, đào tạo và tiến hành diễn tập hải quân chung tại Biển Đông. Các chuyến viếng thăm các hải cảng của Việt Nam của các tàu chiến Ấn Độ được tiến hành hàng năm.
Quan hệ an ninh Ấn-Nhật cũng làm Trung Quốc lo ngại khi quan hệ gần gũi của hai nước láng giềng có lịch sử không thân thiện với mình, có khả năng tạo ra một gọng kìm của hai cường quốc và hoàn tất việc bao vây Trung Quốc cả trên bộ và trên biển.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang không ngừng phát triển và mở rộng trong lĩnh vực an ninh với các cuộc tập trận hải quân MALABAR. Mối quan hệ này được bổ sung bằng cách mở rộng quan hệ với Mỹ. Cả Mỹ và Ấn Độ đều rất coi trọng mối quan hệ này. Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng mối quan hệ hai nước “sẽ là một trong những mối quan hệ định hình cho thế kỷ 21″.
Các biện pháp chiến lược của Ấn Độ được đánh giá cao ở khu vực và quốc tế trong tình hình Trung Quốc tiến hành nhiều hành động cứng rắn ở khu vực và trong một nỗ lực bao vây Ấn Độ và kiềm chế sự vươn lên của nước này, trói Ấn Độ vào khu vực tiểu lục địa. Theo giới quan sát thì hành động vươn lên của Ấn Độ mang tính phòng thủ nhiều hơn do chính phủ ở New Delhi luôn tuân thủ chính sách đối ngoại không liên kết và truyền thống phi bạo lực.
Theo Dân Trí