Ấn Độ muốn tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc
Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ với các láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga và mang tới “sức sống mới” cho quan hệ với Mỹ, Tổng thống Ấn Độ cho biết trong bài phát biểu quan trọng trước quốc hội nhằm phác thảo chính sách ngoại giao dưới thời tân Thủ tướng Narendra Modi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj trong cuộc hội đàm tại New Delhi ngày 8/6.
Phát biểu trước cả hai viện của quốc hội ngày 9/6, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cho hay Ấn Độ mong muốn có các mối quan hệ hòa bình và thân thiện với tất cả các quốc gia nhưng không “ngại” đối đầu khi cần.
Ông Mukherjee cho biết chính phủ mới sẽ tăng cường gắn kết với Trung Quốc để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Những bình luận của ông Mukherjee diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 2 ngày để tiếp xúc với chính phủ mới do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu.
Tổng thống Mukherjee cho hay, với Nhật Bản, chính phủ sẽ “thúc đẩy sự tiến bộ trong nhiều sáng kiến vốn đang được thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại tại Ấn Độ”.
Về quan hệ với Nga, ông Mukherjee nói: “Mátxcơva vẫn là một đối tác chiến lược đặc biệt và chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ dựa trên các nền tảng vững chắc này”.
Tổng thống Mukherjee cũng phác thảo chính sách trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Video đang HOT
“Ấn Độ và Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm phát triển quan hệ chiến lược trong những năm qua. Chính phủ của chúng tôi sẽ mang tới sức sống mới trong sự gắn kết giữa hai nước và tăng cường nói trong mọi lĩnh vực như thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, năng lượng và giáo dục”.
Về quan hệ với châu Âu, ông Mukherjee nói chính phủ Ấn Độ “sẽ thực hiện các nỗ lực nhằm đạt được tiến triển trong tất cả các lĩnh vực quan trọng với EU cũng như các quốc gia đứng đầu khối này”.
Tổng thống Mukherjee cũng cho biết chính phủ mới nhậm chức của Thủ tướng Modi “cam kết xây dựng một Ấn Độ vững mạnh, độc lập và tự tin” và muốn một vị thế thích hợp trên trường quốc tế.
Ông Modi từ lâu vẫn nói rằng Ấn Độ đã bị “xem nhẹ” trên trường quốc tế và tụt lại phía sau so với Trung Quốc – láng giềng và cũng là đối thủ lâu đời.
Chú trọng tới Trung Quốc
Sau khi cam kết tăng cường quan hệ với các quốc gia Nam Á khác, vốn đã thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh trong thập kỷ qua, Tổng Mukherjee đã đề cập tới Trung Quốc trong bài phát biểu.
“Chính phủ của Trung Quốc sẽ gắn kết mạnh mẽ với các quốc gia láng giềng trong khu vực, trong đó có Trung Quốc”, Tổng thống Mukherjee nói.
Hôm nay 9/6, Thủ tướng Modi dự kiến có cuộc gặp với ông Vương Nghị. Hôm qua, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ.
Ấn Độ miêu tả cuộc hội đàm giữa ông Vương và Ngoại trưởng Sushma Swaraj là “bước đi hữu ích và thực tế” tiến tới mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa 2 nước láng giềng, vốn bị tổn hại bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ trên hãy Himalaya.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một sự khởi đầu tích cực giữa chính phủ mới của Ấn Độ và chính phủ Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói.
Về phần mình, ông Vương nói với một tờ báo Ấn Độ rằng Trung Quốc “muốn thắt chặt mối quan hệ hiện thời và thúc đẩy hợp tác hơn nữa”.
Thủ tướng Modi đã mời chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Ấn Độ vào cuối năm nay, chìa cành ôliu với một trong những đối thủ lâu đời của New Delhi.
Dù được xem là một người có đường lối rất cứng rắn trong chính sách với Trung Quốc nhưng ông Modi đã bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thập niên qua và từng vài lần tới thăm Bắc Kinh thời còn làm làm thủ hiến bang Gujarat ở phía tây Ấn Độ.
Trong một bài phát biểu tại New Delhi ngày 8/6, ông Modi nói rằng Ấn Độ cần tăng cường cuộc đua để cạnh tranh với Trung Quốc.
“Nếu Ấn Độ phải cạnh tranh với Trung Quốc, trọng tâm sẽ là kỹ năng, quy mô và tốc độ”, ông Modi nói.
Thủ tướng Modi đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi đương đầu với một Trung Quốc ngày càng mạnh lên cả về kinh tế và quân sự – vốn đang tìm cách đóng một vai trò lớn hơn tại Nam Á – trong khi tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với thương mại hai chiều đạt gần 70 tỷ USD.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn bị cản trở bởi sự ngờ vực lẫn nhau do cuộc chiến biên giới đổ máu vào năm 1962 do tranh chấp lãnh thổ.
Hồi tháng 2, ông Modi đã cảnh báo Trung Quốc về việc “tư tưởng bành trướng” tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ.
Trung Quốc đã đáp trả, nói rằng nước này chưa bao giờ “đi xâm lược để chiếm đất của các nước khác”.
Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để cố gắng giải quyết tranh chấp lãnh thổ nhưng chưa thành công.
Trung Quốc đã vướng vào một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng trong nhiều năm qua.
Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt các quốc gia Đông Nam Á, và cũng có tranh chấp biển đảo riêng rẽ với Nhật Bản ở Hoa Đông.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri