Ấn Độ lo ngại trước cảnh báo mạnh mẽ từ Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chỉ vài ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã gây chú ý với tuyên bố cứng rắn về chính sách thương mại, đặc biệt nhằm vào Ấn Độ.
Ông Donald Trump (trái) trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 25/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Trump cảnh báo sẽ áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, áp đặt thuế tương đương với mức mà Ấn Độ áp lên hàng hóa Mỹ. Phát biểu trước báo giới ngày 17/12 (giờ địa phương), ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ lâu nay đã duy trì chính sách thương mại mở cửa, trong khi nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, áp thuế nhập khẩu rất cao. “Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ như vậy. Họ tính thuế với chúng ta 100-200%, thì chúng ta sẽ làm điều tương tự”, ông tuyên bố.
Ông Trump coi Ấn Độ là một trong những quốc gia áp thuế cao nhất thế giới, trích dẫn ví dụ về mức thuế lên tới 150% đối với xe máy Harley Davidson, một vấn đề ông từng nêu trong nhiệm kỳ trước.
Theo ông, mức thuế cao này đã tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ.
Video đang HOT
Ngoài Ấn Độ, các nước như Trung Quốc và Brazil cũng bị ông Trump chỉ trích vì các chính sách thương mại không công bằng.
Trong khi đó, ông Howard Lutnick, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, ủng hộ hoàn toàn chính sách thương mại “có đi có lại”. Ông Lutnick giải thích rằng nếu một quốc gia áp thuế với Mỹ, thì Mỹ sẽ áp thuế tương đương, đảm bảo các giao dịch thương mại diễn ra công bằng.
Ông Lutnick nhấn mạnh: “Bạn nên mong đợi được đối xử theo cách bạn đối xử với chúng tôi”, khẳng định thông điệp cứng rắn của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump về việc bảo vệ lợi ích thương mại Mỹ.
Tuyên bố của ông Trump đã khiến Ấn Độ lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra. Chính phủ Ấn Độ và các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang theo dõi sát sao tình hình để đánh giá tác động của các biện pháp mà Mỹ có thể thực hiện.
Theo dữ liệu thống kê, trong năm tài khóa 2022-2023, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 133 tỷ USD, trong đó thương mại dịch vụ chiếm khoảng 58 tỷ USD. Ấn Độ hiện là thị trường lớn thứ 10 của Mỹ, chiếm 2,3% thị phần, trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của Ấn Độ, đóng góp gần 20% thị phần.
Theo phòng thương mại và công nghiệp PHD của Ấn Độ, thương mại song phương dự kiến có thể tăng lên 300 tỷ USD vào các năm 2026-2027.
Với việc “có đi có lại” trở thành nguyên tắc trung tâm trong chính sách thương mại của chính quyền ông Trump, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ có nguy cơ đối mặt với nhiều sóng gió trong thời gian tới.
Kế hoạch áp thuế của ông Trump có thể gặp trở ngại
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức vào tháng tới.
Tuy nhiên, ông khó có thể thực hiện được cam kết đó một cách tuyệt đối khi hàng chục tỷ USD hàng hóa có thể sẽ không chịu thuế nhập khẩu do những lỗ hổng thuế quan và việc báo cáo thiếu số lượng hàng hóa đến từ Trung Quốc trên thực tế.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong những năm gần đây, một số chuyên gia đã chỉ ra mức chênh lệch ngày càng lớn giữa số liệu thương mại của Mỹ và Trung Quốc mà họ quy cho ba yếu tố là lỗ hổng thuế quan do quy tắc "tối thiểu", các nhà nhập khẩu Mỹ báo cáo giá trị hàng nhập khẩu thấp xuống để giảm thuế và các nhà xuất khẩu Trung Quốc báo cáo giá trị xuất khẩu tăng lên để tối đa hóa mức hoàn thuế.
Sự khác biệt về số liệu tồn tại từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc bắt đầu cho biết nước này bán nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với báo cáo của Mỹ về lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức chênh lệch tăng dần lên mức gần 64 tỷ USD trong 10 tháng (1-10/2024), trên đà vượt kỷ lục được thiết lập vào năm ngoái.
Theo báo cáo gần đây nhất Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung gửi tới Quốc hội Mỹ, số liệu thương mại bị bóp méo có thể cản trở các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc đưa ra các chính sách về thương mại và chuỗi cung ứng hiệu quả.
Theo nhà phân tích Adam Wolfe thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế và chiến lược đầu tư độc lập hàng đầu châu Âu Absolute Strategy Research, các nhà nhập khẩu Mỹ đã báo cáo thiếu lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 20-25% vào năm ngoái. Ông ước tính có tới 160 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã không được báo cáo vào năm ngoái.
Một yếu tố khác gây ra sự chênh lệch số liệu là quy tắc "tối thiểu", có nghĩa là các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD sẽ không bị Mỹ đánh thuế. Theo ước tính của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ, người tiêu dùng và các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 48 tỷ USD hàng hóa từ các nước khác theo quy tắc này trong 9 tháng (1-9/2024).
Phần lớn trong số đó có thể đến từ Trung Quốc, với các ứng dụng mua sắm giá rẻ như Shein và Temu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ trong hai năm qua.
Số liệu của Trung Quốc cho thấy các lô hàng trị giá hơn 17 tỷ USD đến Mỹ là "các mặt hàng có giá trị thấp" trong 10 tháng (1-10/2024), cao hơn tổng giá trị của cả năm 2023. Con số này sẽ tăng lên, với cả Shein và Temu chứng kiến doanh thu và lượng khách hàng tại Mỹ cao kỷ lục trong tháng 11/2024, nhờ đợt mua sắm Black Friday.
Theo dữ liệu của Bloomberg Second Measure dựa trên các giao dịch thẻ của người tiêu dùng, doanh số bán trên nền tảng Temu ở Mỹ trong tháng 11/2024 tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Shein có doanh số bán tại Mỹ tăng 20%.
Theo báo cáo của các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc., các lô hàng đáp ứng quy tắc "tối thiểu" chiếm 11% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm 1,3 điểm phần trăm và tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ nếu việc xuất khẩu theo quy tắc này hoàn toàn bị cấm.
Một yếu tố khác góp phần gây ra sự chênh lệch về số liệu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến từ phía Trung Quốc. Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã lưu ý trong một báo cáo năm 2021 rằng các công ty Trung Quốc đã báo cáo quá mức xuất khẩu để được hoàn thuế nhiều hơn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2021, hơn 90.000 công ty trong nước được hưởng gần 38 tỷ nhân dân tệ (5,2 tỷ USD) tiền hoàn thuế xuất khẩu. Trung Quốc đã hạn chế điều đó vào tháng trước, khi hủy bỏ việc hoàn thuế đối với xuất khẩu đồng và nhôm và giảm mức hoàn thuế đối với một số sản phẩm dầu tinh chế, năng lượng Mặt Trời, pin và khoáng sản phi kim loại.
Ông Trump doạ áp mức thuế 100% nếu BRICS tìm cách 'rời xa' đồng USD. Ngày 1/12/2024, tổng thống đắc cử Donald Trump gây chú ý khi lên tiếng chỉ trích nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và đe dọa áp mức thuế 100% nếu nhóm này tìm cách "rời xa" đồng USD. Ông Trump tại một sự kiện tại Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN BRICS hiện bao gồm chín quốc gia: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc,...