Ăn đồ lạ, màu sắc sặc sỡ, dễ nhập viện
Liên tục thời gian qua xảy ra nhiều ca ngộ độc nguy kịch do người dân ăn các sinh vật biển lạ. BV Bạch Mai cũng vừa cấp cứu ca ngộ độc khi ăn cua mặt quỷ, tiên lượng dè dặt một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đôi khi “miếng ăn là miếng tồi tàn”.
Trường hợp ở BV Bạch Mai trên thực tế không phải là ca đầu tiên bị ngộ độc sinh vật biển sau khi ăn. Trước đó, 3 công nhân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phải nhập viện trong tình trạng tê cứng chân, tay, khó thở do ăn cua mặt quỷ. Do được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Cua mặt quỷ (Nguồn: Internet)
Một nhóm 3 ngư dân khác ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã lặn bắt được một số ốc biển lạ, vỏ có màu nâu với những chấm trắng và luộc ăn số ốc này. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. 1 người đã tử vong sau đó, 2 người còn lại được điều trị tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa và may mắn qua cơn nguy hiểm…
Ốc bùn răng cưa và ốc bùn bóng.
Ngoài ra, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá hồng khiến 23 người nhập viện với các triệu chứng: mệt, khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim.
Kết quả mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Hải dương học Nha Trang nhằm định danh loài cá và định lượng độc tố ciguatera trên mẫu thử. Mẫu cá hồng nguyên con và cá hồng cắt lát chứa chất ciguatera, vượt ngưỡng an toàn.
Theo các chuyên gia, cá hồng là loại thủy sản ăn tảo. Chỉ có những loại cá hồng ăn phải một số loài tảo có chứa độc tố, chất độc được tích tụ trong cơ thể và có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng. Ngộ độc ciguatera từ cá là một loại ngộ độc do ăn phải cá biển đã tích tụ độc tố ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng…
Cá hồng gây ngộ độc ở Xuyên Mộc.
Cẩn trọng với những sinh vật bắt mắt
Video đang HOT
Ước tính mỗi năm, hàng trăm ca ngộ độc do ăn cá, ốc lạ, dẫn đến nhiều ca nguy kịch phải thở máy, lọc máu thậm chí tử vong đã gây xôn xao dư luận. Để không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn những loài sinh vật lạ, có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là hầu như các loại sinh vật lạ này đều có vỏ, mai cua có màu rất sặc sỡ. Do đó, giới chuyên môn khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thì cách tốt nhất khi gặp những loại sinh vật sặc sỡ này, người dân cần thận trọng, không nên ăn.
Ảnh minh hoạ.
Theo các chuyên gia, không chỉ ăn ốc biển lạ, ngay với ốc thông thường, người dân khi ăn cũng cần phải hết sức lưu ý. Ốc chứa ký sinh trùng nhiều nên không được ăn sống, ăn tái… Các loại ấu trùng đi vào cơ thể xuyên qua thành ruột di chuyển lên não và tủy sống có thể gây ra nhiều bệnh như viêm màng não, giảm thị lực… Bởi vậy, khi người dân sử dụng ốc làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn.
Trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải các thức ăn độc, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài.
Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao
Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện: 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Những "tử thần" đến từ đại dương
Trong tự nhiên, các loài động vật - thực vật có màu sắc sặc sỡ , rực rỡ bao nhiêu thì độc tố và mức độ nguy hại cao bấy nhiêu.
Màu sắc rực rỡ hơn mức bình thường của các loài nói trên là dấu hiệu để con người nhận biết, đề phòng; nhưng vẫn xảy ra những trường hợp ngộ độc vì ăn phải những sinh vật có độc tố này.
Cua mặt quỷ
Cua mặt quỷ là một trong những loài cua có độc sinh sống ở vùng biển nước ta, có nhiều ở các vùng biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu. Cua mặt quỷ thường ẩn mình ở các vùng cạn, vùng triều thấp; chúng có màu gần giống với màu san hô nên rất khó nhận diện.
Theo thông tin từ Viện Hải dương học Nha Trang, cua mặt quỷ có phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90 mm, dài khoảng 55 mm. Mai cua có nhiều u lồi dẹt, màu sắc bắt mắt, không giống các loài cua biển thực phẩm. Cua mặt quỷ có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng. Phần chân và càng cua có màu nâu đen.
Trong thịt, trứng, đặc biệt ở 2 càng của cua mặt quỷ có chứa các chất độc Saxitonin, Neurotoxin và Tetrodotoxin, tương tự như chất độc có trong cá nóc. Chất độc của cua mặt quỷ hình thành do nguồn thức ăn chính là các loại tảo trong rạn san hô. Các chất này gây tê liệt hệ thần kinh, ức chế hô hấp; có thể gây tử vong trong thời gian ngắn sau khi ăn, dù chỉ 1 lượng rất nhỏ.
Trong thời gian gần đây, bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã tiếp nhận và kịp thời cứu sống nam bệnh nhân 34 tuổi được chuyển từ trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo bị ngộ độc với nhiều dấu hiệu nặng, có tiên lượng xấu do ăn nhằm phải cua mặt quỷ. Điều đáng nói, bệnh nhân này chỉ ăn một lượng rất nhỏ, nhưng mức độ nguy kịch rất cao, điều này cho thấy độc tố có trong cua mặt quỷ có mức độ nguy hiểm khôn lường.
Cua mặt quỷ
Bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh là một trong những loại bạch tuộc độc nhất, dễ dàng nhận biết với những đốm xanh bên ngoài da, khi kích động hoặc chuẩn bị tấn công các đốm xanh này trở nên rực rỡ, vô cùng xinh đẹp. Chúng thường ăn động vật nhỏ như: cua, tôm, và các loại giáp xác khác. Bạch tuộc đốm xanh còn được xem là sinh vật biển độc nhất thế giới.
Tetrodotoxin là thành phần chính có trong chất độc của bạch tuộc đốm xanh, một vết cắn rất nhỏ của loài bạch tuộc này có thể gây tử vong đối với nạn nhân của nó, vì tốc độ chất độc xâm nhập vào máu, đi vào hệ tuần hoàn và tác động lên hệ thống của nạn nhân thông qua vết cắn rất nhanh.
Tại Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp ngư dân nhập viện cấp cứu do nhiễm độc bạch tuộc đốm xanh, và đã có trường hợp tử vong. Không chỉ xuất hiện trong nọc độc của loài bạch tuộc đốm xanh, Tetrodotoxin còn có trong một số bộ phận, mô mềm của loài bạch tuộc này, nên việc ăn phải loài bạch tuộc đốm xanh sẽ có nguy cơ ngộ độc, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Một số kinh nghiệm dân gian đem thực phẩm nghi ngờ có độc cho động vật ăn thử, nếu không có dấu hiệu ngộ độc thì thực phẩm đó an toàn. Điều này không hoàn toàn chính xác, vì có những chất độc có thể không độc với động vật, nhưng có thể gây độc với con người.
Cá nóc
Sử dụng cá nóc làm thực phẩm là tập quán lâu đời của người dân một số nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.....Đã từ lâu, chúng ta đã biết dùng cá nóc làm thực phẩm với nhiều dạng chế biến khác nhau như: luộc, rán, làm chả, nấu cháo, phơi khô, chế biến nước mắm...
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hải sản, ở nước ta đã tìm thấy và định danh được 38 loài cá nóc khác nhau trên 3 vùng biển; trong đó có 21 loài chứa độc (10 loài chứa độc tính mạnh, 7 loài trung bình và 4 loài có độc tính nhẹ). Các loài cá nóc có hình thái khá tương tự nhau, việc phân biệt có thể gặp nhiều khó khăn đối với người dân. Để đảm bảo an toàn, người dân không nên ăn thịt cá nóc, có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng, nếu ăn phải cá có chứa độc tố.
Trong cá nóc, độc tố được tìm thấy ở nhiều cơ quan với hàm lượng khác nhau theo thứ tự trứng> tinh sào> gan> ruột> da> thịt; trong đó các chất độc được tìm thấy ở dạng một hỗn hợp các chất độc có nhóm độc tố TTXs (TTX và các dẫn xuất 4,9-anhydro TTX, 4-epi TTX) là thành phần chính, chiếm tỷ lệ 97,47%. Các độc tố thuộc nhóm chất độc thần kinh PSP là saxitoxin và các dẫn xuất của nó (neoSTX, dcSTX, GTX6 và GTX5) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2,53%.
Thiên nhiên là một thế giới vô cùng kỳ thú. "Hoa hồng đẹp thì có gai", "màu sắc sặc sỡ thường mang độc", để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng, người dân tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Khi có các triệu chứng ngộ độc như tê răng, tê đầu lưỡi, nôn, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, tiết nước dãi, đau bụng thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, phải bằng mọi cách gây nôn để loại chất độc ra khỏi cơ thể.
Ăn cua mặt quỷ, người đàn ông bị liệt toàn thân, ngộ độc nguy kịch Người đàn ông 46 tuổi bị ngừng tim, liệt toàn thân, ngộ độc rất nặng sau khi ăn một loại cua biển. Nguyên nhân ban đầu được xác định do độc tố trong cua mặt quỷ gây ra. Ngày 30-3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bác sĩ Trung tâm Chống độc của bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân...