Ấn Độ cấp phép khẩn vắc xin Covid-19 công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới
Giới chức Ấn Độ đã quyết định cấp phép khẩn cấp vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới mang tên ZyCoV-D.
Ấn Độ đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân (Ảnh: Business Standard).
Theo Reuters , cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã quyết định cấp phép khẩn cấp cho vắc xin ZyCoV-D do hãng dược Zydus Cadila sản xuất, sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.
Quyết định sẽ thúc đẩy cho chương trình tiêm chủng của Ấn Độ với mục tiêu tiêm cho toàn bộ người trưởng thành đạt điều kiện vào tháng 12 và khởi động chương trình tiêm cho người dưới 18 tuổi.
ZyCoV-D sử dụng một phần vật liệu di truyền từ virus như DNA hoặc RNA để tạo ra protein cụ thể mà hệ thống miễn dịch con người nhận ra và phản ứng. Vắc xin này hiện được cấp phép liệu trình gồm 3 mũi tiêm.
Video đang HOT
Zydus Cadila đã nộp đơn xin cấp phép cho vắc xin ZyCoV-D vào đầu tháng trước, dựa trên tỷ lệ hiệu quả là 66,6% trong một thử nghiệm giai đoạn cuối với hơn 28.000 tình nguyện viên trên toàn quốc tham gia.
Zydus Cadila dự kiến sẽ sản xuất từ 100-120 triệu liều ZyCoV-D mỗi năm. ZyCoV-D, chế phẩm được Zydus Cadila phát triển cùng với cơ quan Công nghệ sinh học Ấn Độ, là vắc xin nội địa thứ 2 mà quốc gia Nam Á cấp phép khẩn cấp ở nước này sau Covaxin của hãng Bharat Biotech.
Zydus Cadila hồi tháng 7 cho biết, vắc xin Covid-19 của hãng có hiệu quả chống lại biến chủng SARS-CoV-2, bao gồm Delta và việc đưa vắc xin này vào cơ thể người sẽ sử dụng dụng cụ đặc biệt không dùng kim tiêm, khác với việc dùng ống tiêm truyền thống.
ZyCoV-D trở thành vắc xin thứ 6 được cấp phép sử dụng ở Ấn Độ, nơi 9,18% dân số đã được tiêm đủ mũi, theo dữ liệu của đại học John Hopkins (Mỹ).
Zydus Cadila cũng đã nộp dữ liệu đánh giá liệu trình tiêm 2 mũi vắc xin ZyCoV-D hồi tháng 7 và dự kiến cũng sẽ xin cấp phép từ cơ quan quản lý với liệu trình trên.
Delta hoành hành toàn cầu, WHO lo kịch bản u ám "300 triệu ca Covid-19"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Delta đang trên đà áp đảo các biến chủng khác trên toàn cầu, đồng thời cảnh báo thế giới có thể sớm ghi nhận con số 300 triệu ca Covid-19 do sự lây lan của Delta.
Biến chủng Delta lây lan như "cháy rừng", đang gây nên các vùng dịch lớn trên toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).
Quan chức WHO Maria Van Kerkhove ngày 16/8 cho biết, biến chủng Delta đang áp đảo các chủng virus SARS-CoV-2 khác khi nó đã xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trên thế giới.
"Sự phổ biến của biến thể Lambda đang giảm xuống ... và biến thể Delta lại đang tiếp tục tăng lên. Ở bất cứ nơi nào, khi có sự xuất hiện của chủng Delta, nó sẽ thay thế nhanh chóng các biến thể khác đang lây lan ở khu vực đó", bà Van Kerkhove nói.
Theo các nghiên cứu, Lambda được cho có các đột biến khiến nó có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 và có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin.
Bà Van Kerkhove cho biết, Delta đã loang tới khu vực Trung và Nam Mỹ và dường như đang lấn lướt biến chủng đang chiếm ưu thế ở khu vực này là Lambda.
Delta, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, hiện đã lan tới 142 quốc gia. Xuất hiện lần đầu ở Mỹ vài tháng trước, nó giờ đã chiếm hơn 90% ca Covid-19 được giải trình tự gen ở nước này. Hầu hết nhóm người gặp nguy cơ cao nhất ở Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ và Washington đã phê duyệt việc tiêm liều bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Hơn 200 triệu người trên toàn cầu đã mắc Covid-19 kể từ cuối năm 2019. Thế giới chỉ mất 6 tháng để số ca bệnh tăng từ 100 triệu lên mốc gấp đôi. Với sự xuất hiện của chủng Delta đang lây lan như "cháy rừng", WHO cảnh báo rằng con số này có thể dễ dàng đạt đến mốc 300 triệu ca vào đầu năm sau.
Trong bài phát biểu hôm 17/8, bà Van Kerkhove cho hay, dữ liệu từ các quốc gia cho thấy Delta đang gây nên rủi ro nhập viện cao hơn với những người nhiễm mầm bệnh, nhưng cho biết chưa có dữ liệu đầy đủ cho thấy nó gây chết chóc hơn các chủng khác.
"Về mức độ nghiêm trọng, chúng tôi thấy dữ liệu ở các quốc gia dường như chỉ ra rằng Delta gây nguy cơ nhập viện gia tăng. Chúng tôi chưa thấy bằng chứng nó làm gia tăng ca tử vong", bà Van Kerkhove nói.
Quan chức WHO nhấn mạnh rằng, giống như các chủng khác, Delta gây ra rủi ro với những người mắc bệnh nền như béo phì, tiểu đường, tim mạch. Vấn đề của Delta là nó lây lan nhanh hơn rất nhiều chủng khác nên nó phát tán mầm bệnh cho nhiều người hơn và gây áp lực lớn lên hệ thống y tế toàn cầu.
Người Mỹ tan mộng Covid-19 biến mất Nhiều người Mỹ từng hồ hởi đón mùa hè với niềm tin rằng Covid-19 sẽ sớm biến mất, nhưng sau đó nhận ra chỉ còn cách sống chung với nó. Người Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới đáng thất vọng của đại dịch, khi họ nhận ra rằng Covid-19 không thể sớm biến mất. Một quốc gia từng chờ mong đại...