Ấn Độ cấm TikTok, sự giả dối của Facebook bị phơi bày
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng nói việc giám sát chặt ngành công nghệ Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thống trị. Nhưng vụ Ấn Độ cấm cửa TikTok cho thấy điều ngược lại.
Tháng 4/2018, khi điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối thu thập dữ liệu người dùng Cambridge Analytica, CEO Facebook Mark Zuckerberg cảnh báo việc giám sát và chia tách các đại gia công nghệ Mỹ sẽ “giúp các công ty Trung Quốc bành trướng”.
Đây cũng là lập luận được các lãnh đạo Facebook lặp đi lặp lại suốt hai năm qua. Họ nói rằng nếu Quốc hội Mỹ chia tách Facebook hoặc giám sát chặt mạng xã hội này, các công ty Trung Quốc không bị quản lý sẽ “kiểm soát cả thế giới”. Theo Facebook, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cướp đoạt các thị trường kỹ thuật số bằng chiến lược xâm phạm quyền riêng tư với sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.
Zuckerberg nói các biện pháp quản lý ngành công nghệ của Washington sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ chết yểu. Cựu CEO Google Eric Schmidt cũng cho rằng việc chia tách nhóm đại gia công nghệ Mỹ chỉ có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia công nghệ khẳng định lập luận của Zuckerberg là đạo đức giả và lừa dối.
TikTok bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu người dùng bất hợp pháp.
TikTok âm thầm thu thập dữ liệu người dùng
Cựu Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Tom Wheeler mô tả các đại gia công nghệ Mỹ “lợi dụng ông kẹ Trung Quốc” để biện minh cho việc thu thập ồ ạt dữ liệu người dùng.
Tuy nhiên, theo Wired, việc chính phủ Ấn Độ cấm cửa TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác hồi tuần trước đã đập tan luận điệu “ông kẹ Trung Quốc” của Zuckerberg và các lãnh đạo công nghệ Mỹ.
Wired nhận định không chỉ xuất phát từ nguyên nhân tranh chấp lãnh thổ, Ấn Độ hành động mạnh tay còn là thông điệp cho thấy nước này không chấp nhận hành vi xâm phạm quyền riêng tư của những ứng dụng như TikTok.
Làn sóng tẩy chay TikTok lan rộng từ tháng 4, khi một người dùng Reddit có tên Bangorlol đăng bài phân tích cho thấy TikTok xâm nhập quyền riêng tư của người dùng vô cùng nghiêm trọng. ID phần cứng, bộ nhớ, danh sách ứng dụng cài trên điện thoại, địa chỉ IP, điểm truy cập Wi-FI, vị trí GPS… là những dữ liệu bị TikTok thâu tóm.
TikTok bị cáo buộc thu thập dữ liệu người dùng ở quy mô chưa từng thấy.
Các chính trị gia Mỹ thuộc cả hai đảng cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ Mỹ khẳng định TikTok âm thầm cung cấp dữ liệu người dùng cho “chính phủ nước ngoài” (Trung Quốc).
Theo Bangorlol, ứng dụng TikTok được thiết kế để người dùng “bị nghiện” và nếu có ai rà lỗi thì ứng dụng này lập tức nhận biết và tự động che giấu các hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Video đang HOT
“Ứng dụng này không muốn bạn biết nó đã thu thập bao nhiêu dữ liệu của bạn”, Bangorlol viết. Mới đây, nhóm tin tặc Anonymous cũng kêu gọi người dùng xóa TikTok khỏi điện thoại để tránh nguy cơ mất dữ liệu cá nhân.
Facebook cũng tệ hại không kém
Wired nhận định TikTok quả thật là mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người dùng. Nhưng trên thực tế, các nền tảng công nghệ Mỹ cũng thực hiện các hành vi mờ ám tương tự trong những năm qua. Ví dụ, Facebook bị cáo buộc thao túng tâm lý người dùng bằng News Feeds, có những hành vi độc quyền, dính bê bối dữ liệu Cambridge Analytica và mới đây là phổ biến các nội dung kích động, thù địch, phân biệt chủng tộc….
Người dùng có hiểu biết đều biết rõ về những rủi ro an ninh và quyền riêng tư khi sử dụng các nền tảng như Facebook. Thậm chí cựu CEO Google Eric Schmidt còn từng nói rằng quyền riêng tư là khái niệm đã lỗi thời và người dùng phải chấp nhận điều đó khi sử dụng các nền tảng online.
Wired cho rằng mối đe dọa của các nền tảng Trung Quốc đối với nền kinh tế số là rất rõ ràng và Ấn Độ đã đúng khi cấm cửa TikTok. Các quốc gia khác như Pakistan cũng bày tỏ sự lo ngại về TikTok, chính phủ Mỹ có kế hoạch cấm cửa ứng dụng này. Nhiều nước như Australia, Nhật Bản, New Zealand… tẩy chay Huawei.
Điều đó cho thấy chính phủ các nước không ngại cấm cửa những công nghệ gây nhiều rủi ro và có khả năng bị lạm dụng, đồng thời ưu tiên những công nghệ đảm bảo độ mở của Internet. Những chiến lược TikTok sử dụng để thu thập dữ liệu người dùng là rất đáng lo ngại.
Facebook đang bị hàng trăm nhãn hàng tẩy chay vì truyền bá các nội dung kích động bạo lực.
Nhưng đồng thời, các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon như Facebook cũng phải đối mặt với áp lực tự làm sạch chính mình, bởi Intagram, Facebook, Reddit hay Twitter cũng thu thập dữ liệu người dùng ồ ạt.
Dự kiến trong những tháng tới, nhiều chính phủ ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ sẽ đưa ra những sáng kiến cải tổ Internet. “Nếu muốn thể hiện vai trò lãnh đạo và bảo vệ người dân Mỹ trước các mối đe dọa về an ninh quốc gia, Quốc hội Mỹ cần quản lý chặt chẽ Thung lũng Silicon và đưa ra khung quy định cụ thể”, Wired nhấn mạnh.
“Quốc hội Mỹ cần có cái nhìn nghiêm khắc với mô hình kinh doanh của những công ty như Facebook, một mô hình tập trung vào việc thu thập và nghiên cứu dữ liệu người dùng ở quy mô lớn để tối đa hóa lợi nhuận, và đưa ra những cải tổ cần thiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư, sự minh bạch và tính cạnh tranh của thị trường”, Wired kết luận.
Anonymous kêu gọi xóa TikTok, công ty mẹ có thể mất 6 tỷ USD
Cơn bão lớn đang đến với TikTok.
TikTok đang hứng chịu làn sóng chỉ trích sau lệnh cấm từ chính phủ Ấn Độ và lời kêu gọi xóa ứng dụng từ nhóm hacker Anonymous.
Trước đó, nền tảng này đã nhận nhiều cáo buộc liên quan đến thu thập trái phép dữ liệu người dùng.
Ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đã liệt 59 ứng dụng của Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có TikTok vì an ninh quốc gia.
Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung leo thang trong nhiều thập niên vì xung đột quân sự ở vùng biên giới. Những vụ đụng độ cách đây 2 tuần khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều binh lính Trung Quốc bị thương.
Bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa khiến TikTok gần như vỡ tham vọng bành trướng tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.
Mặt trái của sự tăng trưởng thần tốc
Đáp trả lệnh cấm, CEO TikTok Kevin Mayer khẳng định Trung Quốc chưa từng yêu cầu TikTok gửi dữ liệu của người dùng Ấn Độ, đồng thời khẳng định chúng được lưu trữ tại máy chủ đặt ở Singapore.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Ấn Độ. Việc bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa có thể khiến TikTok thiệt hại lên đến 6 tỷ USD.
Các nguồn tin ban đầu cho rằng lệnh cấm chỉ không cho phép người dùng cài đặt mới, song sau đó xác nhận việc sử dụng TikTok của người dùng hiện tại cũng sẽ bị hạn chế. Điều đó khiến hàng loạt "ngôi sao TikTok" tại Ấn Độ điêu đứng.
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok gặp rắc rối với chính phủ Ấn Độ. Ứng dụng này đã bị chặn một thời gian ngắn ở Ấn Độ vào năm 2019 sau khi tòa án phán quyết trẻ em dễ tiếp xúc với những kẻ "săn mồi" tình ái đe doạ trực tuyến trên đó. Ứng dụng được khôi phục một tuần sau đó, sau khi công ty kháng cáo thành công quyết định của tòa án.
Đối với TikTok, lệnh cấm lần này khiến tình hình ngày một căng thẳng. Theo Forbes, đây có thể là khởi đầu của cuộc đàn áp nhằm "hạ bệ" nền tảng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc, được nhiều người biết đến hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Về phía Mỹ, lệnh cấm TikTok và loạt ứng dụng Trung Quốc của Ấn Độ đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ủng hộ. Bản thân ông cho rằng chúng là "phần mở rộng" trong kế hoạch giám sát của chính phủ Trung Quốc. Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump luôn nhắm đến các sản phẩm nổi tiếng của Trung Quốc vì nguy cơ gửi thông tin người dùng về Bắc Kinh.
Có đến 59 ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, song TikTok là cái tên có thể chịu thiệt hại nặng nhất. Trước đó, phiên bản thử nghiệm của iOS 14 đã "vạch trần" việc TikTok bí mật thu thập dữ liệu từ clipboard của người dùng.
Tháng 11/2019, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ đã điều tra TikTok vì lo ngại an ninh quốc gia, một số quốc gia khác cũng đang xem xét điều tra nền tảng này.
Đó chính là mặt trái của sự tăng trưởng thần tốc mà TikTok đạt được.
Ứng dụng video tỷ người dùng đang có khoảng thời gian vô cùng khó khăn.
"TikTok còn nguy hại hơn Facebook"
Những vấn đề của TikTok chủ yếu rơi vào 2 khía cạnh. Thứ nhất là kiểm duyệt nội dung chưa tốt khi để lọt những video gây nguy hiểm cho giới trẻ, thứ hai là mối lo lắng về việc ứng dụng này được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đó là điều mà Huawei đang đối mặt. Cũng thật trùng hợp khi cả 2 đều có sự tăng trưởng rất nhanh, đủ lực cạnh tranh với các công ty, dịch vụ của Mỹ.
Những cuộc điều tra gần đây đã đi sâu hơn vào cách ứng dụng vận hành, thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng. Nên nhớ rằng hầu hết ứng dụng ngày nay kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu để phục vụ quảng cáo.
Dù vậy, không phải tự nhiên mà một nhóm hacker khét tiếng như Anonymous cũng kêu gọi người dùng gỡ bỏ TikTok.
Trong đoạn tweet đăng tải ngày 1/7, Anonymous dẫn lại bài viết của một người dùng tự nhận là kỹ sư, chia sẻ trên Reddit rằng không chỉ nội dung từ clipboard, TikTok còn ăn cắp nhiều thứ khác.
"Công việc của tôi là đảo ngược công nghệ bên trong các ứng dụng di động, phân tích cách chúng hoạt động và xây dựng thêm chức năng của bên thứ 3 xung quanh ứng dụng đó... Và tôi khuyến nghị mọi người không nên dùng ứng dụng này nữa", Bangolor chia sẻ.
"Đừng sử dụng nó nữa. Đừng để con cái bạn dùng nó. Nói với bạn bè xóa ngay ứng dụng này. Bạn có thể giải trí những nội dung tương tự ở những nền tảng khác mà không phải giao nộp thông tin của mình cho chính phủ Trung Quốc".
Ngày 1/7, nhóm hacker đình đám Anonymous đăng bài kêu gọi ngừng sử dụng TikTok ngay lập tức.
Cách đây ít ngày, Anonymous dẫn lời một người dùng Reddit tự nhận là kỹ sư máy tính giấu tên với 15 năm kinh nghiệm. Người này nhận định dù Facebook vướng phải bê bối bảo mật Cambridge Analytica hay Instagram thừa nhận làm lộ số điện thoại và tài khoản người dùng, Tiktok còn nguy hại hơn Facebook.
Chia sẻ với Forbes, đại diện TikTok nói rằng công ty đang đánh giá kỹ vấn đề, nhưng xác nhận một số cáo buộc là không chính xác hoặc được phân tích dựa trên các phiên bản ứng dụng cũ.
Cũng như một cái tên được nhắc khá nhiều trong thời gian qua là Zoom, nhiệm vụ của TikTok bây giờ là đối diện sự thật, nhanh chóng đưa ra giải pháp thay đổi.
Dù chưa có dấu hiệu Mỹ hay châu Âu sẽ ban hành lệnh cấm TikTok, động thái từ chính phủ Ấn Độ cho thấy mọi chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và một số nước đang căng thẳng.
TikTok ghi nhận lượt tải lớn chỉ trong tháng 01/2020 Ứng dụng chia sẻ video do ByteDance sở hữu - TikTok - được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới vào tháng 01 vừa qua, theo báo cáo số liệu mới nhất. Ứng dụng TikTok đã được cài đặt hơn 104,7 triệu lượt trong tháng 01/2020, tăng 46% so với tháng 01 năm 2019, theo số liệu mới được công bố bởi...