Ăn chè tự chọn vỉa hè: Thượng đế đang tự đầu độc mình!
“Tiền nào của nấy thôi. 10.000 đồng/cốc thì lấy đâu ra hoa quả tươi, đường mía “xịn”, hay thậm chí đỗ, bột, dầu chuối nguyên chất?”, chủ một quán chè tự chọn, vỉa hè thú thật.
Không chịu nổi sức hấp dẫn của những cốc chè ngọt lịm, mát tê người, đủ màu sắc, mùi vị giữa cái oi ả của mùa hè, nhiều thượng đế có thể đã biết là chúng độc hại, bẩn thỉu, nhưng vẫn cứ cố tự dối mình rằng chúng ngon, bổ, rẻ.
Có không ít vị chè mà ngay đến cả chủ quán cũng không biết rõ xuất xứ của chúng (Ảnh: KV)
Bên cạnh những thành phần đã rõ nguồn gốc như đỗ xanh được gửi lên từ Thái Bình, quê của chị Lan, chủ một quán chè vỉa hè trên đường Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết các thành phần khác như bột, chuối khô, vừng, dừa khô, thạch rau câu …hầu hết chị đều mua từ chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá siêu rẻ.
Chẳng hạn, chuối khô thường có giá 70.000 đồng/kg, thạch rau câu không rõ nguồn gốc loại 1kg có giá 50.000 đồng, loại nhỏ hơn có giá 25.000 đồng, đậu đỏ có giá 30.000 đồng/kg, đậu đen 25.000 – 30.000 đồng/kg, nếp cẩm có giá 28.000 đồng/kg, dừa khô khoảng 10.000 đồng/túi 5 lạng, dầu chuối 3.000 đồng/lọ…
Tuy nhiên, chị Lan thừa nhận, với các loại đồ khô thường người ta chỉ đóng gói vào các túi nilon hoặc bì bình thường rồi bán cho chị, chứ không hề được đóng gói vào bao bì có in rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần cẩn thận.
“Riêng thạch thì có chữ đấy, nhưng toàn tiếng Trung Quốc, tôi chả dịch được chữ nào. Thấy người ta cảnh báo, mình bán thôi, chứ đừng ăn. Nhìn màu sắc thì bắt mắt, mùi lại thơm, có nhiều vị ngon, thêm vào đó giá lại rẻ, chả tội gì mình không mua về kinh doanh cả”, chị Lan nói.
Xuyến Chi, cô sinh viên 20 tuổi, từng là tín đồ trung thành của các quán chè vỉa hè ở đây bức xúc nói: “Một lần đang cao hứng chém gió với tụi bạn, em không nhìn cốc chè thập cẩm đủ thứ màu của mình nên đã ăn trúng phải miếng hoa quả thối.
Hoa quả như vải, dưa hấu, dứa, mít…đã rẻ đến thế rồi mà chủ quán còn dở chiêu trò. Vải thì họ chẳng bao giờ tách ruột, để cả quả cho …đỡ tốn. Mít, dứa – toàn hoa quả “ nóng” thì họ để ngâm đường, nghe nói còn dùng cả chất bảo quản để hàng tuần liền nếu ế ẩm như thể ngâm sấu, me đá vậy.
Không biết có phải vì ăn nhiều thứ lẫn lộn, trộn trạo ở đó quá không mà hôm đó về em bị đau bụng âm ỉ mấy ngày. Em sợ chè vỉa hè tới già luôn”.
Loại đường khiến ruồi, muỗi, kiến cũng khiếp đảm (Ảnh: Internet)
Gần đây, dân cư mạng xôn xao trước phát hiện chỉ cần mua 1 lạng đường siêu ngọt giá 50.000 đồng thì chủ hàng chè có thể pha bán cả tuần. Loại đường hóa học có tên Tangjing đó được bán phổ biến ở các quầy hàng đồ khô trong các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm…
Theo tìm hiểu, chúng là những hạt đường màu trắng, nhỏ như viên B1, nhưng “siêu” ngọt. Đáng chú ý, khi sử dụng loại đường này, ruồi, muỗi bay xa, kiến không dám bén mảng tới gần.
Video đang HOT
Các nhà khoa học cho biết, loại đường hóa học này cũng có thể là đường Cyclamate, không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Ăn phải loại đường này có nguy cơ bị ung thư và tiểu đường.
Thế nhưng, nhiều bạn trẻ vẫn “điếc không sợ súng” khi thưởng thức món khoái khẩu này hàng ngày.
Bên cạnh đường siêu ngọt, hầu hết các quán chè vỉa hè đều sử dụng phẩm màu và khuyến mại thêm dầu chuối để đánh lừa vị giác của khách.
Các chuyên gia từng khuyến cáo, nếu ăn nhiều dầu chuối, gan sẽ tích trữ lại chất độc, có thể dẫn tới ung thư, nhưng dường như nhiều bạn trẻ đã bị “nghiện” thứ gia vị này.
GS.TS Bùi Minh Đức, chuyên gia về độc học dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho biết: “Dầu chuối độc ở chỗ, người ta đã không dùng dung môi, các sản phẩm tinh khiết cho thực phẩm để pha loãng vì loại này cực kỳ đắt tiền và thường phải nhập ngoại.
Vì vậy người ta dễ cho các chất dẫn xuất rẻ tiền để pha chế ra dầu chuối. Điều này là chắc chắn vì với giá cả bèo bọt như vậy thì lấy đâu ra sản phẩm đạt yêu cầu về độ tinh khiết. Loại dầu này không phản ứng ngay với cơ thể mà gan sẽ tích trữ lại độc tố”.
Tủ đựng đồ cáu bẩn của một hàng chè tự chọn vỉa hè (Ảnh: KV)
Mặc dù ai cũng biết đồ ăn vỉa hè không thể nào sạch được, nhưng họ vẫn chấp nhận chúng với mức giá “dễ chịu” chỉ 10.000 đồng như các loại chè đang được bày bán trên đường Tạ Quang Bửu.
Khi ngồi “thưởng” chè ở đây, các “thượng đế” không chỉ “được” hít no bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường, mà còn được khuyến mại thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh.
Ngay từ khi dọn hàng, đá, các tô đựng chè đã được bày la liệt ra đất, lẫn bụi bẩn và chẳng hề được che đậy trong khi chủ cửa hàng lôi từ trong một chiếc tủ gáu bẩn không kém nhà vệ sinh công cộng ra hàng loạt cốc, thìa cũng bẩn chẳng kém.
Không khó để thấy, mỗi quán chè như vậy thường chỉ có 1 – 2 chiếc khăn vừa để lau bàn, vừa để lau cốc chén, thìa, dĩa. Các “thượng đế” sẽ được khuyến khích dùng loại giấy lau mà theo tiết lộ của chủ một quán chè ở đây thì nó có giá chưa đầy 10.000 đồng/bịch lớn.
Do vậy, chủ quán để cho khách dùng tẹt ga (Ảnh: KV)
“Đây là loại giấy lau do một cơ sở tư nhân ở ngoại thành Hà Nội sản xuất. Chúng có màu trắng, được tẩy rửa kĩ, tạo cảm giác sạch sẽ cho người sử dụng, chứ thực ra chúng còn độc hơn giấy vệ sinh mình mua ở nhà.
Được cái, với loại giấy rẻ tiền này, khách có thể dùng tẹt ga, thích dùng bao nhiêu thì dùng, chứ chúng tôi không phải kè kè canh hộp giấy nữa”, bà B nói.
Tại quán của bà B, theo quan sát của PV, từ 5 giờ chiều tới tận khi họ dọn hàng, duy chỉ có 3 chậu nước đục ngàu được tái sử dụng nhiều lần.
Nhân viên của bà B than thở: “Nhà bà ấy cách đây xa lắm, ai hơi đâu mà về xách nước liên tục được. Mới cả, ăn chè cũng sạch, chỉ cần tráng qua cốc, lau khô là được, có cần phải rửa bằng nước rửa bát đâu, nên chẳng cần nhiều nước làm gì. Khách ở đây toàn người trẻ tuổi, nên họ dễ tính lắm. Chẳng ai để ý mấy việc đó đâu”.
Thay lời kết, có lẽ sự khác nhau lớn nhất giữa các “nhà hàng chè” và những quán chè tự chọn vỉa hè đó là tại những quán chè tự chọn vỉa hè, thượng đế tự đầu độc mình, trong khi tại những hàng quán có địa điểm rõ ràng khác, lượng “độc” phụ thuộc vào lương tâm của người bán hàng.
Theo VTC
Nửa con rắn trong suất cơm trưa văn phòng
Người ăn rùng mình khi phát hiện trong cơm suất có phân gián, tóc, phân chuột, thậm chí là nửa con rắn đã chín.
Trong suất cơm, một nửa con rắn bị đứt, nằm lẫn trong món rau trông rất khủng khiếp. Con rắn bé như cọng rau, đã chết lẫn vào suất ăn, lưng rắn màu đen, bụng trắng phớ...
Nửa con rắn trong suất cơm văn phòng
Một thành viên trên một diễn đàn mạng chia sẻ: "Sự việc xảy ra với một nhân viên ăn cơm trưa tại công ty (công ty nào thì xin được giấu tên). Suất cơm trưa của cô cũng như bao nhân viên khác, chỉ đặc biệt chút là có một nửa con rắn được nấu cùng món rau".
Các thành viên khác trên diễn đàn tỏ vẻ khiếp sợ vì nếu ăn phải con rắn thì không biết sẽ kinh khủng thế nào.
Nick anhoai76 thốt lên: "Thấy ghê quá, ớn nhất mấy loại bò sát, nhất là giun, rắn nhớt nhớt tuột tuột thấy gớm quá".
Một vài thành viên khác hài hước hơn cho rằng rắn là món bổ, ăn cũng tốt, nhưng kiểu chế biến thế này cũng khó mà nuốt được.
Không gặp phải rắn trong rau, nhưng anh Thuyết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng gặp giun đất trong rau cải xào. Anh Thuyết vừa lè lưỡi và kể lại lần ăn cơm hàng đáng nhớ đó.
Suất cơm của anh Thuyết gồm rau cải xào, canh bí, thịt kho với đậu phụ. Vừa ăn được vài miếng, khi gắp đến rau xào, anh Thuyết nhận thấy có sợigì đó nâu nâu đen đen. Gắp lên quan sát hóa ra một con giun đất.
Vốn là đàn ông nên anh cũng không phàn nàn nhiều mà anh chỉ yêu cầu chủ quán đổi loại rau khác.
Còn chị Thúy Quỳnh, nhân viên văn phòng ở một công ty truyền thông, chia sẻ: "Tôi đã từng gặp con sên trong bát canh. Lần đó, tôi cùng mấy người làm cùng cơ quan rủ nhau đi ăn trưa. Bình thường, chúng tôi vẫn ăn ở quán cơm đó.
Theo nhìn nhận của tôi, phía ngoài, quán cơm tương đối sạch sẽ, bàn bọc lớp inox bóng lộn, nồi niêu trắng. Giá cả cũng tương đối hợp lý nếu ăn bình thường chỉ 25 ngàn đồng/suất. Ăn nhiều thức ăn hơn là 30 ngàn đồng.
Sau khi gọi cơm cho 4 người, chúng tôi ngồi ăn ngon lành vì lúc đó đã quá trưa.
Cơm ăn gần hết, thức ăn cũng vơi nhiều. Theo thói quen, tôi múc canh để ăn sau cùng. Đang đưa môi vớt rau muống nấu được cắt ngắn, bỗng nhiên tôi giật mình thấy vật gì đen đen, to bằng đầu đũa. Vớt lên mới thấy đó là một con ốc sên".
Chị Quỳnh cho biết dù hơi thấy ghê, nhưng cơm thì đã ăn rồi, mà ốc sên có vỏ bọc bên ngoài, nếu rửa sạch thì cũng không đến nỗi nào.
Tóc, phân gián trong cơm
Với chị Thúy Loan (Hoàng Cầu, Hà Nội) chuyện đi ăn cơm suất ngoài quán và gặp tóc trong cơm, trong rau là chuyện bình thường. Tóc rơi vào thì nhặt ra ăn tiếp.
Tuy nhiên, có lần đi ăn cơm ngoài, chị Loan gặp phải tình huống không dám ăn nữa là có phân gián đã nấu chín trong cơm.
Chị Loan cho biết: Lúc đầu ăn, thấy cơm có mùi hôi hôi. Nhưng vì chưa tìm ra vật thể lạ gì nên chỉ là nghi ngờ. Đến khi đang ăn dở, chị phát hiện phân gián lẫn trong cơm thì chị phải buông đũa bỏ lại.
Chị có vào thắc mắc chủ quán thì được trả lời ráo hoảnh: "Chắc gián chui vào gạo nên bị thế em à, thông cảm cho chị nhé!".
Từ đó, chị cạch ăn cơm quán kiểu bình dân, bạn bè có rủ thì chọn quán nào sang trọng hơn chút để tránh bị ăn bẩn.
Còn chị Quỳnh (Nghĩa Tân, Hà Nội) thì bụm miệng cười kể, có lần đi ăn ngoài, trong suất cơm của chị còn có lông.
Đang ăn dở suất cơm tại một quán nhỏ ở Trung Yên, Hà Nội gồm có thịt kho tàu, dưa xào, cải ngọt luộc, ít cá kho thì chị Quỳnh bắt gặp một chiếc lông... trong đĩa cơm trắng trẻo.
Chị tự hỏi không biết lí do gì mà chiếc lông này lại xuất hiện trong cơm? Ngước sang bên cạnh, anh bạn đồng nghiệp của chị vẫn ăn ngon lành. Chị vội bảo "có lông trong cơm" và chìa suất cơm của mình cho anh bạn xem. Hai người cùng cười và lặng lẽ bỏ lại 2 suất cơm đang ăn dở.
Chị Quỳnh bảo: "Đi ăn ngoài đúng là có muôn vàn cái bẩn. Nhưng vướng cái, cơ quan chị không nấu ăn trưa vì vậy, cứ đến giờ là đồng nghiệp trong phòng rủ nhau đi ăn. Có cái khuất mắt trông coi nên cứ ăn thôi. Như rau chưa chắc họ rửa đã sạch, thịt chắc gì đã tươi nhưng tẩm ướp thì không biết. Chỉ có điều sau lần mục sở thị cái lông đó thìtôi bắt đầu sợ cơm hàng. Mỗi khi ăn ngoài lại nghĩ đến cảnh đó, ăn mất cả ngon".
Theo Nguyễn Tâm
VTC
Hé lộ "công nghệ" làm thạch dừa siêu bẩn Sau hơn một tuần làm công nhân tại nhiều cơ sở chế biến thạch dừa ở TP Bến Tre, Bến Tre, chúng tôi đã chứng kiến "công nghệ" sản xuất thạch dừa thô bằng nguồn nước sông, rạch. Phụ gia" nấu thạch là các loại phân bón dùng cho cây trồng như NPK, SA, DAP... Thạch dừa nổi lõm bõm trong nước sông...