Ăn chặn tiền hỏa táng ở Nam Định: Đếm người chết…ăn tiền
Để thực hiện việc ăn tiền trên xác người chết, nhóm đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn đê hèn, chèn ép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoả táng.
Dù bức xúc, nhưng chủ cơ sở chỉ biết “ngoan ngoãn” nộp tiền để mua lại sự bình yên.
Luật rừng thu phí người chết
Thời gian gần đây dư luận chưa kịp nguôi cơn phẫn nộ trước vụ nhóm giang hồ Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ” quê Thái Bình) thu tiền hoả táng người chết thì mới đây dư luận lại bàng hoàng trước việc Công an tỉnh Nam Định bắt giữ nhóm đối tượng cũng có hoạt động tương tự. Thậm chí mức “phế” mà nhóm giang hồ Nam Định thu từ dịch vụ hoả táng còn cao hơn mức thu ở Thái Bình.
Có mặt tại Nam Định ngay sau thời điểm nhóm đối tượng bị bắt giữ, phóng viên cảm nhận rõ niềm vui của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ hoả táng trên địa bàn. Tuy nhiên khi nhắc tới nhóm giang hồ trên nhiều người vẫn tỏ ra sợ hãi, bàng hoàng.
Là một trong gia đình làm dịch vụ tang lễ đầu tiên tại Nam Định, nên công ty của bà C. (trụ sở tại trung tâm TP. Nam Định) rất có uy tín trong lĩnh vực này. Trước kia địa bàn hoạt động của cơ sở nhà bà C. trải dài khắp các địa bàn trong tỉnh. Do đó thu nhập từ làm dịch vụ này cũng khá cao.
Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây cơ sở của gia đình bà bỗng lâm vào cảnh hoạt động “thoi thóp” bởi bất ngờ xuất hiện một nhóm giang hồ chèn ép. Chúng liên tục cử người xuống đòi thu thêm 500 nghìn mỗi trường hợp hoả táng. Đồng thời chúng buộc các cơ sở chỉ được phép hoạt động ở địa bàn mà chúng cho phép. Điều này khiến nhiều cơ sở rơi vào cảnh mất việc.
“Trước kia, trung bình mỗi tháng cơ sở của gia đình tôi thực hiện được vài chục hợp đồng là bình thường. Nhưng từ khi khi nhóm này xuất hiện, mỗi tháng chúng tôi chỉ còn làm được vài trường hợp. Đặc biệt, nhiều hợp đồng đã ký với gia chủ cũng bị chúng bắt huỷ do “phạm địa bàn” mà chúng đã tự đặt ra” bà C. kể lại.
Cũng theo bà C., ban đầu khi nhóm giang hồ đặt vấn đề thu thêm tiền từ dịch vụ hoả táng thì con trai bà đã phản ứng lại. Tuy nhiên, chúng lập tức có hành động “dằn mặt”. Việc bị o ép khiến nhiều cơ sở kinh doanh khác cũng rất ức chế nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” không dám báo công an bởi không muốn gặp rắc rối.
Video đang HOT
Tương tự trường hợp của bà C., anh Ng. V. M (TP. Nam Định) cũng là một trong những nạn nhân bị thu phí. Anh cho biết, dù rất uất ức khi vài tháng qua bị nhóm giang hồ thu phí vô lý nhưng không ai dám phản kháng. Chỉ đến khi Công an tỉnh Thái Bình triệt phá đường dây ăn chặn tiền hoả táng thì những cơ sở mới quyết tâm làm đơn tố giác.
Những thủ đoạn đê hèn
Để buộc các chủ cơ sở ngoan ngoãn nộp tiền và làm theo luật chúng đặt ra, nhóm đối tượng không từ sử dụng nhiều thủ đoạn đê hèn. Nhiều trường hợp bị chúng “khủng bố” bằng cách ném chất bẩn, cản trở việc kinh doanh. Thậm chí chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực với cả nhân viên của các cơ sở. Đơn cử như tài xế nhà bà C., đã bị chúng chặn đánh ngay trước cổng đài hoá thân.
Theo lời của bà C., phóng viên tìm đến nhà anh H. (59 tuổi, trú tại TP. Nam Định) là một trong những trường hợp bị nhóm đối tượng chặn đánh. Thoáng chút sợ hãi khi thấy phóng viên hỏi về vụ việc, phải mất vài phút trấn tĩnh, anh H. mới dám kể lại sự việc.
“Thời điểm sát Tết nguyên đán, tôi được giao xuống huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) để chở người mất đi hoả táng. Tuy nhiên, khi vừa tới nơi tôi nhận được điện thoại đe doạ “muốn sống thì quay xe về” nhưng tôi không làm theo bởi bản thân đang làm việc cho công ty.
Tuy nhiên khi xe chạy đến cổng đài hoá thân Thanh Bình thì bất ngờ khoảng 6 đối tượng xông ra chặn xe tôi lại. Chúng liên tục chửi rủa rồi tát tôi. Quá sợ hãi chạy, tôi chạy về phía bảo vệ thì một kẻ còn rút dao đuổi theo và tiếp tục đe doạ. Làm nghề bao nhiêu qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp phải cảnh này” anh H. kể lại.
Thông tin về vụ việc, Thiếu tá Đinh Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Nam Định cho biết: “Khi các cơ sở làm việc với gia đình có đám hiếu, nhóm đối tượng đã có những hành vi đe dọa, buộc các cơ sở ngoài số tiền phải nộp cho đài hóa thân Thanh Bình thì phải nộp thêm 500.000 đồng.
Nếu như những cơ sở không thực hiện theo yêu cầu trên thì chúng sẽ tìm mọi cách cản trở, đe dọa không cho thực hiện hợp đồng. Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nên ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, đơn vị đã tiến hành lập chuyến án 420C, khẩn trương điều tra làm rõ.
Bước đầu 3 đối tượng đã bị bắt giữ gồm: Trần Xuân Hà (tức Hà “sắc”, SN 1973, trú phường Cửa Bắc, TP. Nam Định), Nguyễn Hữu Quang (tức Quang “con”, SN 1997, trú xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định và Bùi Hải Quang (tức Quang “Hà”, SN 1978, trú phường Mỹ Xá, TP. Nam Định để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đường 'Nhuệ' bảo kê dịch vụ hoả táng dưới mác làm từ thiện
Mỗi ca đưa người đi hoả táng từ Thái Bình qua Nam Định phải cống nạp cho Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") 500.000 đồng với lý do "tiền từ thiện".
Nguyễn Xuân Đường đang bị khởi tố, tạm giam trong vụ án Cố ý gây thương tích do Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) là chủ mưu. Nhiều hoạt động mang tính chất "xã hội đen" khác của anh ta đang được nhà chức trách làm sáng tỏ. Một trong số đó là dấu hiệu bảo kê dịch vụ hoả táng. Những ngày giữa tháng 4, Công an tỉnh Thái Bình đã làm việc với nhiều cơ sở dịch vụ về vấn đề này.
Ở huyện Vũ Thư, ông Bùi Xuân Cao (56 tuổi) làm dịch vụ hoả táng từ năm 2014 khi ở Nam Định có Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Cho hay "nói lại những điều đã trình bày với cơ quan điều tra", ông kể năm đầu tiên, ông ký hợp đồng làm việc trực tiếp với Công ty Hoàng Long, chủ sở hữu Đài hoá thân Thanh Bình. Sau thoả thuận với gia đình có người qua đời, ông vận chuyển qua Nam Định hoả thiêu mà không phải thông qua đơn vị nào. Nhưng thời gian sau, Công ty Hoàng Long uỷ quyền cho đơn vị khác làm đại lý cấp một, phụ trách độc quyền khu vực Thái Bình với nhiệm vụ báo ca cần hoả táng về Đài hoá thân.
Năm 2017, đơn vị được uỷ quyền này bỗng "biến mất" khỏi Thái Bình sau nhiều lần bị đám thanh niên nghi là đàn em của Đường "Nhuệ" quấy rối việc làm ăn. Đầu năm 2018, Đường "Nhuệ" làm việc với ông và hơn 20 doanh nghiệp làm dịch vụ hoả táng trên địa bàn đề nghị không được làm việc trực tiếp với Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Đồng thời, Hiệp hội tang lễ Thái Bình được thành lập do Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường "Nhuệ" khởi xướng, làm đầu mối độc quyền trung chuyển ca hoả táng từ Thái Bình qua Nam Định. Đường "Nhuệ" phân chia địa bàn làm ăn, mỗi cơ sở chỉ được hoạt động ở khu vực nhất định.
Mỗi ca đều phải báo cho đám đàn em của Đường về thời gian, địa điểm để chúng chuyển thông tin qua Đài hoá thân. "Hàng tháng, chúng tôi phải nộp cho nhóm Đường "Nhuệ" 500.000 đồng một ca, dựa vào số liệu trước đó".
"Số tiền này Đường nói trích một phần làm quỹ hoạt động, còn lại sẽ dùng để làm từ thiện. Nhiều doanh nghiệp tỏ ý không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận. Hơn nữa, chúng tôi chưa bao giờ được biết đã dùng số tiền này vào việc gì, từ thiện ra sao", ông Cao nói và ước tính mỗi tháng Thái Bình có khoảng 300-350 ca hoả táng.
Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Bình. Ảnh: Phạm Dự
Chủ một cơ sở làm dịch vụ mai táng khác ở Thái Bình cho biết đã ký hợp đồng với Đài hoá thân Thanh Bình từ năm 2016, mỗi khi có ca đều phải báo với nhóm đàn em của Đường "Nhuệ". Cuối tháng, dựa vào số liệu này để doanh nghiệp nộp cho Đường 500.000 đồng/ca. Khi họp Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Đường yêu cầu doanh nghiệp ký văn bản viết tay với nội dung 500.000 đồng là số tiền nhờ Đường làm từ thiện.
Tất cả việc đưa người đi hoả táng phải làm theo sự chỉ dẫn của Đường "Nhuệ". "Có trường hợp tự ý đưa người sang đài hoá thân Thanh Bình mà không "báo ca" liền bị chặn đường đe đoạ, đập xe. Người nào lén lút đưa một vài ca đi mà không báo cũng đều bị phát hiện và bắt nộp tiền", người này nói và cho hay những điều trên cũng đã được ông trình bày với cơ quan công an.
Vợ chồng Dương Đường lúc chưa bị bắt. Ảnh: Facebook nhân vật.
Xung quanh việc bảo kê của Đường "Nhuệ", ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long) cho biết, đầu năm 2017, hoạt động của Đài hoá thân liên tục bị Đường cho đàn em quậy phá, đánh nhân viên. Việc này khiến chi nhánh tiếp nhận ở Thái Bình phải đóng cửa. Đường "Nhuệ" gặp ông đề nghị ký hợp đồng giao kèo để anh ta làm đầu mối tập hợp các ca hoả táng ở Thái Bình sau đó chuyển sang để ăn phần trăm. Ông Giao không đồng ý.
Đường "Nhuệ" quay sang ép các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng ở Hải Phòng khiến giá dịch vụ tăng lên. "Nếu người dân đưa sang Nam Định hỏa táng chỉ mất khoảng 18 km, còn đưa qua Hải Phòng tới hơn 100 km. Từ đó mà chi phí di chuyển, dịch vụ tăng lên nhiều và số tiền đó người dân phải chịu", ông Giao nói.
Theo ông Giao, hiện cả vùng Thái Bình, Nam Định, Hà Nam chỉ có đài hoả thiêu duy nhất của ông. Thái Bình có hơn 30 cơ sở làm dịch vụ mai táng và mỗi tháng có khoảng 300 đến 350 ca chuyển sang Đài hoá thân Thanh Bình.
"Tưởng rằng mỗi ca 500.000 đồng nộp cho Đường là ít nhưng mỗi tháng anh ta thu số tiền không nhỏ trên công sức của mọi người", ông Giao nói và cho hay mỗi ca hoả táng có giá 4,3 triệu đồng, kể cả người dân trực tiếp mang qua hay phải thông qua các cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên người dân ở Thái Bình đa số đều thông qua cơ sở để thuê quan tài, xe và các dịch vụ liên quan khác. Vì thế, tiền hoả táng do thoả thuận của hai bên.
Vụ án Đường "Nhuệ" khởi nguồn từ ngày 7/4 khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Đường và năm đàn em để điều tra vụ án Cố ý gây thương tích với cáo buộc hành hung tài xế xe khách.
Từ việc điều tra sai phạm của vợ chồng Đường "Nhuệ", hôm 16/4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt bốn cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, Công an thành phố Thái Bình phục hồi điều tra vụ án Đường đánh người gây thương tích xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, sau 5 năm đình chỉ điều tra.
Trước diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra dấu hiệu "hoạt động xã hội đen" của nhóm Đường "Nhuệ".
Phạm Dự
Bức xúc tình trạng trộm cắp cổ vật quý liên tiếp tại Nam Định Chỉ sau một đêm, 16 đạo sắc phong được thờ phụng trong đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định đã không cánh mà bay, khi bị kẻ gian đột nhập lấy cắp. Theo VTV, trong văn hóa tâm linh của người Việt, sắc phong được coi là một cổ vật, có giá trị linh thiêng, được gìn giữ...