Ai tư vấn Tổng thống Donald Trump ‘cấm cửa’ 26 nước châu Âu?
Lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu được Tổng thống Donald Trump đưa ra sau màn tranh cãi quyết liệt giữa những cố vấn cấp cao của ông.
Donald Trump ngồi trong Phòng Bầu Dục chuẩn bị cho bài phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống, lắng nghe các cố vấn tranh luận về nguy cơ lệnh “cấm cửa châu Âu” có thể khơi mào cho một cuộc suy thoái toàn cầu.
Các chuyên gia y tế tỏ ra rất kiên quyết. Cách tốt nhất để làm chậm quá trình lây lan của virus corona là “câu giờ” bằng việc cách ly với châu Âu, đồng thời hi vọng virus sẽ yếu đi một cách tự nhiên khi thời tiết ấm lên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống, phản đối quyết liệt, cho rằng việc đó sẽ khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.
Ông Trump để họ tranh luận thêm một lúc cho tới khi cảm thấy đã nghe đủ. Vị Tổng thống tách một vài cố vấn vào văn phòng nội các, yêu cầu họ phải lập ra một bản kế hoạch mà tất cả mọi người cùng ủng hộ. Các cố vấn trở lại với sự đồng thuận trong đề xuất hạn chế di chuyển. Trump quyết định sẽ thông báo đến toàn thể đất nước vào giờ vàng.
Ông Trump công bố lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu.
Đây được coi là khoảnh khắc quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, thời điểm các cử tri sẽ quyết định xem liệu ông có xứng đáng được tái đắc cử hay không.
“Chúng ta sẽ chiến thắng hoặc thất bại chính tại đây”, một trong hai nhân vật có mặt ở Phòng Bầu dục hôm đó nhận định. Một người khác tin rằng nếu bây giờ thị trường chứng khoán tụt dốc so với khi ông Trump nhậm chức thì những tuyên bố về việc giữ ổn định nền kinh tế sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Nếu các cử tri cũng có chung quan điểm như vậy, phát biểu hôm thứ Tư không thể giúp ông Trump tăng thêm cơ hội kéo dài nhiệm kỳ của mình.
Chỉ số S&P 500 tụt gần 10% trong ngày thứ Năm, đánh dấu mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Ngày thứ Hai đen tối năm 1987, kể cả khi Cục Dự trữ Liên bang có động thái quyết liệt bằng việc tăng cường thanh khoản cho thị trường và mở rộng hoạt động mua bán trái phiếu chính phủ.
Bài phát biểu hôm qua vốn là báo cáo mà ông Trump đã hứa sẽ công bố với toàn thể đất nước về kế hoạch đối phó với đại dịch. Nó được đưa ra sau một ngày dài với những cuộc họp ở Nhà Trắng, kết thúc bằng quyết định ban bố lệnh hạn chế di chuyển từ 26 quốc gia châu Âu. Nhưng theo sau lệnh cấm này, những biện pháp về mặt kinh tế mà vị Tổng thống Mỹ đưa ra lại quá ít ỏi và mơ hồ.
Bài phát biểu 10 phút của ông Trump được soạn nháp vội vàng và chỉnh sửa vào phút chót bởi chính vị Tổng thống và cố vấn cấp cao của ông, Stephen Miller ngay sau khi một cố vấn khác rời khỏi căn phòng. Bản nháp cuối cùng được đưa vào chiếc máy nhắc chữ có hai lỗi lớn và ông Trump lại vô tình thêm vào một lỗi nữa.
Video: Ông Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu.
Vị Tổng thống nói với toàn thể nước Mỹ rằng “ chúng ta sẽ chặn toàn bộ di chuyển từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày“. Điều đó không chính xác.
Theo chi tiết của lệnh cấm được công bố vào buổi tối cùng ngày, những quy định chỉ chặn người nước ngoài từng ở châu Âu trong vòng 14 ngày gần nhất nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trump lại bị vấp một lần nữa trong đoạn về việc hoạt động vận tải hàng hóa sẽ không bị gián đoạn, thay vào đó ông nói nhầm thành hoạt động thương mại sẽ bị hạn chế.
Ông Trump cũng nói rằng việc xét nghiệm và điều trị Covid-19 đều được bảo hiểm chi trả, nhưng điều này đã bị chính các doanh nghiệp bảo hiểm bác bỏ.
Nhưng phần quan trọng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong bài phát biểu lại không bắt nguồn từ ông Trump mà chính là những chuyên gia y tế, đứng đầu bởi Deborah Birx, người được bổ nhiệm làm Đại sứ phòng chống AIDS của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bà đã đưa ra một luận cứ chi tiết về việc có bao nhiêu trường hợp nhiễm bệnh mới phát hiện ở Mỹ bắt nguồn từ châu Âu. Nếu lệnh cấm được ban hành sớm hơn, sự bùng nổ dịch bệnh ở Mỹ có thể được giới hạn ở một vài bang. Bộ trưởng Y tế và các vấn đề nhân sinh Alex Azar ủng hộ bà.
Mnuchin phản đối kịch liệt, cho rằng không ai cân nhắc tới những tổn thất có thể gây ra cho nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra quyết định có lẽ là khó khăn nhất trong nhiệm kỳ này.
Sáng hôm sau, khi thị trường chứng khoán tụt dốc, Trump nói với các phóng viên rằng: “Tôi đã đưa ra một quyết định rất khó khăn. Dù có tác động tới thị trường hay không, nó vẫn rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chuyện sống chết. Tôi phải đưa ra quyết định và nói thật lòng, những người có chuyên môn đã khen ngợi điều đó. Đó là việc mà tôi phải làm. Các bạn sẽ thấy kết quả tốt vì nó”.
Tính đến chiều thứ Năm, Mỹ có hơn 1.300 trường hợp nhiễm Covid-19 ở ít nhất 46 bang.
MINH NGỌC (Nguồn: Bloomberg)
Theo vtc.vn
Tổng thống Donald Trump đe dọa lãnh đạo Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo các lãnh đạo tối cao Ali Khamenei nên cẩn thận với những phát ngôn của mình về Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng, lãnh đạo tối cao Ali Khamenei nên cẩn thận hơn với những phát ngôn của mình, đặc biệt là liên quan đến Hoa Kỳ.
Nhà lãnh đạo Mỹ lưu ý rằng, tình trạng kinh tế của Iran ngày càng tồi tệ hơn, trong khi đó ông Khamenei lại đi chỉ trích các quốc gia phương Tây.
"Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei gần đây không phải là "nhà lãnh đạo tối cao", đã dùng một số cụm từ khó chịu chịu về Hoa Kỳ và châu Âu. Nền kinh tế của họ đang sụp đổ và người dân của họ đang phải gánh chịu. Vì vậy, ông ấy phải rất cẩn thận trong lời nói của mình", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Ngày 18/1, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng, Washington đang xem xét khả năng thực hiện một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, để vũ khí hạt nhân sẽ không xuất hiện ở Cộng hòa Hồi giáo này. Ông nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với Hugh Hewitt Radio Show.
Ông cũng nhắc lại lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Iran sẽ không bao giờ có thể có được vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ sẽ làm mọi thứ cần thiết để Iran không có vũ khí hạt nhân.
Trước đó, ngày 17/1 trong một cuộc họp báo về kết quả ngoại giao Nga năm 2019 Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergei Lavrov đã nói về việc máy bay chở khách Boeing 737 của hãng hàng không Ukraine bị bắn hạ gần Tehran là do sự lo lắng của quân đội Iran trước cuộc đối đầu với Hoa Kỳ.
Điều đáng chú ý là máy bay Ukraine đã bị không quân Iran bắn rơi sau khi quân đội Iran tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Nước này đã phóng hơn 10 quả tên lửa vào các căn cứ của Mỹ để đáp trả vụ ám sát tướng Iran Kassem Suleymani của quân đội Mỹ.
Sự cố máy bay Ukraine bị bắn rơi ở Tehran là một tín hiệu về sự cần thiết phải giảm leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Trước đó, Tehran đã nhận trách nhiệm của mình và sẽ xem xét bồi thường cho những người đã thiệt mạng trong thảm họa này.
Ông Lavrov cũng cho biết rằng, các hành động của Mỹ chống lại Iran đã gây ra khủng hoảng cho sự ổn định toàn cầu, đặc biệt tình hình trở nên khủng hoảng hơn sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, các nước Anh, Pháp và Đức lại muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân này và họ bắt đầu một cuộc tranh luận với Hoa Kỳ về vấn đề này. Phía Nga cho rằng, trong tương lai gần cần phải tổ chức một cuộc họp của các nhà chính trị của các nước thành viên JCPOA về chương trình hạt nhân Iran. Ông Lavrov nói rằng, đã đến lúc các bên nên nói chuyện với nhau một cách trung thực.
Minh Tú
Theo baodatviet.vn
Iran - Trung Quốc: Những lý do khiến Mỹ và châu Âu ngày càng xa nhau Xung đột với Tehran, thương mại với Trung Quốc, sự nóng lên toàn cầu - các đối tác xuyên Đại Tây Dương không thể đồng ý với Mỹ về bất cứ điều gì. Việc Mỹ giết tướng Iran Qasem Soleimani đã kích động một sự chia rẻ khác trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, dù cho nó vốn không ở trong...