Ai mà ngờ phim Marvel hay là thế, nhưng vẫn mắc phải 10 viên sạn ngớ ngẩn
Dưới đây là những tình tiết vô cùng bất hợp lý trong thương hiệu phim Marvel, mà cả “fan cứng” cũng phải gật gù đồng ý.
Từ lúc ra mắt Iron Man (2008) tới nay, vũ trụ điện ảnh Marvel đã có gần 10 năm xây dựng thương hiệu và gặt hái rất nhiều thành công. Nhưng bên cạnh đó, kịch bản qua mỗi phần phim vẫn không thể tránh những “hạt sạn” từ nhỏ như Ant-Man cho đến “to tổ bố” như The Hulk.
1. Bảo vệ thành phố bằng việc phá huỷ nó
Trong phần phim đầu tiên về nhóm Avengers mang tên The Avengers (2012), cả đội có nhiệm vụ phải bảo vệ thành phố New York trước binh đoàn xâm lược ngoài hành tinh Chitauri. Dẫu biết rằng với quy mô của cuộc chiến thì việc đánh sập một vài công trình hay toà nhà là không thể tránh khỏi. Nhưng mà Hulk, Iron Man chẳng ngại ra tay phá huỷ hàng loạt công trình. Giả dụ như có ai đó chưa kịp thoát khỏi vùng giao tranh bị thương vong thì sao?
Chắc cú rằng thiệt hại do Tony và những người bạn gây ra lại nhiều hơn cả mấy gã ngoài hành tinh nhưng có lẽ chính phủ đành ém nhẹm không đòi bồi thường, bởi không thì lấy ai mà bảo vệ nước Mỹ mỗi khi có thảm hoạ nào đó cơ chứ?
2. Lấy oán báo ân
Như nói đã nói ở trên, có đôi lúc nhóm Avengers gây ra đôi chút thiệt hại, nhưng họ đã cứu thế giới khỏi nguy cơ bị phá huỷ hay thậm chí là bị huỷ diệt hoàn toàn nhiều lần. Thế nhưng trong Captain America: Civil War, một số quốc gia lại coi họ là mối đe doạ nên muốn quản lý, khống chế hộ và đẩy đội Avengers vào cuộc nội chiến, anh em tương tàn.
Thôi nào, ít ra cũng phải xét qua lý lịch của họ đi chứ: Tony Stark xuất thân từ gia đình có truyền thống phục vụ cho tổ quốc, Steve là một lão quân nhân hơn 90 tuổi nhưng vẫn luôn sẵn lòng bảo vệ người khác và mấy thành viên khác cũng cũng có nhân thân tốt mà.
Đáng lẽ các nhà lãnh đạo thế giới nên học hỏi chính sách đối đãi với các người hùng của các dân tộc trên một hành tinh xa lắc xa lơ Trái đất. Họ đã thả tự do và ca tụng hết lời nhóm Vệ Binh Dải Ngân Hà khi đội này cứu thoát hành tinh khỏi sự hủy diệt, mặc dù quy tụ toàn các thành phần có tiền án giết người, trộm cướp, thậm chí thần kinh bất ổn định.
3. Hoàn cảnh oan trái của Scarlet Witch
Chuỗi bi kịch của cô nàng này bắt đầu từ Avengers: Age of Ultron, khi cô gây ra rất nhiều rắc rối cho nhóm Avengers, thậm chí còn khiến Bruce Banner hoá điên và Hulk được giải phóng. Và rồi cô ta lại giúp họ đánh bại Ultron và nhận lời gia nhập Avengers.
Nhưng tới khi sự kiện Civil War xảy ra thì người xem cảm thấy bối rối khi những người hùng bảo vệ thế giới bị đối xử như đám ác nhân. Trong khi đó Tony Stark lại sợ quyền năng to lớn của Wanda và quyết định tống giam cô ả, mặc cho cô nàng đang đau khổ vì mất đi người thân duy nhất – Quicksilver và cô độc giữa dòng đời.
4. Sự hiện diện của anh chàng Hawkeye
Nhóm Avengers quy tụ những siêu anh hùng mạnh nhất Trái Đất: người thì có sức mạnh cơ bắp gấp trăm lần người thường, kẻ thì từ đầu tới chân là giáp sắt công nghệ cao, hoặc một gã sinh ra đã là thần – điều khiển sấm sét… Vậy mà trong nhóm lại xuất hiện một người bình thường với khả năng thiện xạ cùng cây cung – món vũ khí có từ thời đồ đá. Nghe thì có vẻ rất ngầu, nhưng liệu thực sự có ích không khi xung quanh toàn những người có ưu thế vượt trội hơn anh ta nhiều lần?
Tuy nhiên bằng cách kỳ diệu nào đó, Hawkeye luôn sống sót và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi tiêu diệt rất nhiều kẻ thù dù chúng được trang bị tối tân không kém Tony Stark là mấy.
5. Black Widow bị ghẻ lạnh
Hẳn bạn còn nhớ cuộc chạm trán giữa đội Iron Man cùng Captain America ở sân bay chứ? Trong nhóm của Iron Man có War Machine được trang bị y hệt Tony, Black Panther với bộ giáp từ Vibarium, Người Nhện Peter Parker với bộ trang phục cường hoá rất nhiều tính năng. Nói chung hầu hết cả đội đều có áo giáp hay trang bị khủng, ngoại trừ một người, chính là Natasha Romanoff – Black Widow.
Dẫu biết rằng cô nàng này có kỹ năng đánh đấm và trinh sát tuyệt vời – nhưng chỉ tác dụng với người thường thôi. Cuộc chiến của cả chục siêu anh hùng mạnh nhất Trái Đất không nên để cho cô tham gia nếu như không được trang bị gì cả. Nhất là khi cô ta ở đội Tony Stark, tại sao gã nhà giàu này lại có thể làm bộ giáp cho tình nhân Pepper của mình nhưng lại không thèm đoái hoài gì tới Black Widow cơ chứ?
6. Quicksilver
Dù bạn không phải fan gạo cội cũng biết rằng Quicksilver sở hữu tốc độ hàng đầu trong các nhân vật của Marvel. Thế nhưng, trong vũ trụ điện ảnh Marvel thì anh ta lại bị giết chết bởi vì đạn bắn. Một nhân vật được sinh ra để làm đối trọng với Flash của DC lại bị chết vì đỡ đạn… Tại sao không giết anh ta bằng việc đặt bẫy hay là bằng tia laser?
Hãy học hỏi Quicksilver của X-Men đây này!
Thậm chí anh ta không được bằng 1 góc của Quicksilver ở vũ trụ X-Men của Fox dù rằng đều xuất phát từ hình mẫu từ truyện tranh Marvel. Cảnh Quicksilver trong X-Men thản nhiên đi dạo khi tất cả mọi thứ xung quanh đứng yên khiến người xem thích thú và cũng thể hiện rõ khả năng siêu phàm của anh chàng này.
7. Tạo hình ngớ ngẩn của Thanos
Xuất hiện lần đầu trong after-crdeit The Avengers, hình ảnh Thanos gây ấn tượng mạnh mẽ với vóc dáng lực lưỡng và bộ giáp trụ thể hiện uy quyền của kẻ thống trị thiên hà.
Nhưng tới trailer đầu tiên của Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực), gã ác nhân màu tím quyết định chọn phong cách trang phục nhẹ nhàng, trông thể thao hơn và bỏ luôn cái mũ giáp. Thiếu mất cái mũ, đầu của gã trông như một đốt ngón tay khổng lồ vậy; trông không có gì là đáng sợ cả, thậm chí là có phần ngớ ngẩn. Ít nhất một người như hắn thì cũng nên có bên mình một chuyên gia tư vấn thời trang và hình ảnh chứ?
8. Đặc vụ Phil Coulson được hồi sinh
Từng bị giết chết bởi ác thần Loki – nhưng nhờ sự tận tình cứu chữa của các đồng nghiệp ở S.H.I.E.L.D, đặc vụ Coulson của chúng ta đã được cứu sống một cách thần kỳ… Khoan đã nào! Nếu tổ chức SHIELD có thể cứu sống được tay đặc vụ, thế còn Quicksilver thì sao? Chả lẽ chỉ hồi sinh được mỗi một người thôi à?
9. Ultron sống ảo
Trong Avengers: Age of Ultron, sau 5 phút lượn lờ trên mạng Internet, gã người máy có trí tuệ nhân tạo này quyết xoá sổ toàn bộ nhân loại. Chỉ vì một vài thông tin tiêu cực, xấu xa về con người được đăng trên Internet, mạng xã hội nào đó mà hắn lại muốn huỷ diệt thế giới ư? Nghe giống như những người suốt ngày cắm mặt vào mạng ảo, nhìn thế giới qua màn hình máy tính và điện thoại vậy. Có lẽ trong 5 phút lên mạng đó, Ultron đã vô tình đọc một bài tranh luận ngớ ngẩn nào đó trên Reddit hay Facebook chăng?
10. Nhân vật phản diện lại được yêu thích nhất
Đóng vai trò là một nhân vật phản diện, có bản tính xấu xa, phản trắc thì đáng lẽ Loki phải bị căm ghét mới đúng. Nhưng cách Marvel xây dựng hình ảnh Loki cùng diễn xuất tuyệt vời của nam tài tử Tom Hiddleston lại khiến gã trai hư này có lượng fan đông đảo. Chia buồn cùng Tony, Steve hay là Thor, mặc dù các anh luôn cố gắng làm điều tốt nhưng rất tiếc là được ưu ái bằng cái gã lừa đảo này.
Vũ trụ điện ảnh Marvel sẽ bước vào giai đoạn 3 với bom tấn Avengers: Infinity War được công chiếu vào ngày 25/4/2018, hứa hẹn sẽ trở thành bộ phim điện ảnh được mong đợi nhất năm và mang lại thắng lợi lớn cho Disney.
Trailer của “Avengers: Infinity War” (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực)
Theo Trí Thức Trẻ
Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel
Hóa ra, quá trình "về nhà" của Spider-Man từ Sony đã gây ra một lỗ hổng khá to trong dòng thời gian của Marvel.
Nhớ lại năm 2016, màn xuất hiện của Spider-Man trong Captain America: Civil War đã khiến cả thế giới phát cuồng. Sau đó, Spider-Man: Homecoming của 2017 là một bản tái khởi động thương hiệu đầy thành công của Sony với sự hợp tác của Marvel. Song, điều này lại khiến dòng thời gian của MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) gặp phải một lỗ hổng cực lớn.
Lỗ hổng trong Spider-Man: Homecoming
"Spider-Man: Homecoming" khiến MCU gặp nhiều rắc rối
Spider-Man: Homecoming diễn ra ngay sau các sự kiện trong Captain America: Civil War khi Peter Parker (Tom Holland) quay trở lại cuộc sống học sinh trung học thường nhật. Do đó, mốc thời gian của phim được cho là vào năm 2016.
Song, tác phẩm lại mở đầu bằng hình ảnh Adrian Toomes (Michael Keaton) đang dọn dẹp đống tàn tích sau trận chiến tại New York trong The Avengers (2012). Ngay sau đó, chúng ta được chuyển cảnh tới các sự kiện chính trong phim với dòng tiêu đề "8 năm sau".
Người hâm mộ của MCU sẽ nhận ra ngay lỗ hổng cực lớn này mốc thời gian của The Avengers là vào năm 2012. Điều này dẫn đến việc Spider-Man: Homecoming sẽ diễn ra năm... 2020, trễ hơn tận 4 năm so với Captain America: Civil War. Hay khán giả đã mắc phải sai lầm suốt bao nhiêu năm nay khi nhóm Avengers tụ họp lần đầu vào năm 2008 nhỉ?
Dòng thời gian hiện tại của MCU
Giai đoạn 1 của MCU khá đơn giản và liên kết
Giai đoạn 1 của MCU có liên kết khá chặt chẽ với những bước đi đầu đơn giản. Chúng ta có Iron Man (2008) rồi Iron Man 2 (2010) có bối cảnh 1 năm sau đó. Nhiều chi tiết cho thấy bộ phim cũng diễn ra cùng một thời điểm với Thor (2011) và The Incredible Hulk(2008). Như vậy, phần phim đầu tiên của Marvel có mốc thời gian là năm 2010, Captain America (Chris Evans) được "rã băng" vào năm 2011 dẫn đến The Avengers (2012) sẽ diễn ra vào năm 2012.
Giai đoạn 2 vẫn có sự liên kết chặt chẽ trừ một vài ngoại lệ. Iron Man 3 (2013) lấy bối cảnh 6 tháng sau The Avengers với việc Killian (Guy Pearce) nói rằng đã 13 năm trôi qua kể từ khi hắn gặp Tony Stark (Robert Downey Jr.) vào đêm Giao thừa năm 1999. Thor: The Dark World (2013) diễn ra vào tháng 11/2013 với hình ảnh trên tờ lịch. Cả 2 phần phim về Guardians of the Galaxy đều diễn ra vào năm 2014 khi đoạn mở đầu lần lượt diễn ra vào năm 1988 và 1980 rồi "nhảy cóc" đến thời điểm 26 và 34 năm sau.
2 phần phim về nhóm Guardians of the Galaxy diễn ra cách nhau không lâu
Captain America: The Winter Soldier (2014) diễn ra 2 năm sau The Avengers. Avengers: Age of Ultron (2015) và Captain America: Civil War đều có mốc thời gian 2 năm sau đó nữa khi Falcon (Anthony Mackie) từng đề cập đã săn đuổi Bucky suốt quãng thời gian trên. Ant-Man (2015) diễn ra ngay sau cuộc chiến với Ultron.
Dòng thời gian tiếp theo vẫn khá mờ mịt nhưng chúng ta biết rằng Avengers: Infinity Wardiễn ra vào năm 2018 khi nó lấy mốc thời gian 4 năm sau Guardians of the Galaxy Vol. 2(2017).
Lỗ hổng trong giai đoạn 3
"Spider-Man: Homcoming" và "Captain America: Civil War" mâu thuẫn về mặt thời gian
Giai đoạn 3 của MCU đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt lỗ hổng trong dòng thời gian. Khi thảo luận về Hiệp định Sokovia, Vision (Paul Bettany) có nói tới việc " 8 năm sau khi Stark nhận là Iron Man". Trên thực tế thì đúng là đã 8 năm trôi qua kể từ khi Iron Man ra mắt khán giả nhưng chỉ mới... 6 năm trong dòng thời gian phim. Rối rồi phải không?
Doctor Strange (2016) càng khiến mọi thứ thêm rối khi không có bất kỳ liên kết về dòng thời gian nào. Thay vào đó, đoạn credit cuối phim lại liên kết thẳng tới Thor: Ragnarok(2017).
Và Spider-Man: Homecoming không chỉ tạo ra một lỗ hổng lớn của riêng nó mà còn xung đột luôn với Captain America: Civil War. The Avengers diễn ra 2 năm sau Iron Man là điều chắc chắn nhưng cả hai cùng được cho là có mốc thời gian... 8 năm trước 2016. Làm sao lại có sự nhầm lẫn vô lý đến thế được?
Sự thật là: Marvel chẳng quan tâm tới tiểu tiết
Kể từ những ngày đầu tiên của Giai đoạn 1, MCU đã dùng câu thần chú "mọi thứ đều được kết nối". Và rõ ràng là điều này chỉ đúng trên quy mô lớn. Nếu nhìn vào phạm vi rộng, chúng ta sẽ có tấm bản đồ tuyệt đẹp của 16 tác phẩm điện ảnh và hàng loạt phim truyền hình.
Tuy nhiên, sự lộn xộn cũng có từ rất sớm với việc The Incredible Hulk hé lộ mối liên kết của Tony Stark với S.H.I.E.L.D, mặc dù Iron Man 2 cho thấy anh chàng đã bị đuổi khỏi dự án Avengers. Tuy nhiên, khi những vấn đề này nảy sinh Marvel đã làm tốt công việc giải quyết bất kỳ xung đột lớn nào. Mối quan hệ giữa Iron Man và S.H.I.E.L.D đã được giải thích trong Marvel One-Shot The Consultant. Tuy nhiên, những sai lầm xuất hiện thường xuyên hơn và luôn bị bỏ qua.
Một trong những chi tiết thú vị trong Thor là chiếc Găng tay Vô cực ở hầm vũ khí của Odin (Anthony Hopkins) ngay trước cả khi Thanos (Josh Brolin) xuất hiện. Song, khi gã Titan Điên góp mặt trong Avengers: Age of Ultron thì hắn cũng có chiếc găng của riêng mình. Điều này khiến Kevin Feige lên tiếng giải thích việc có tới 2 chiếc găng và cuối cùng biến món đồ của Odin thành... hàng giả.
Đây là minh chứng cho việc Marvel sẵn sàng phá vỡ những gì họ tạo ra trước đó chỉ để phim được "vui". James Gunn mới đây cũng tuyên bố sẽ phá nát dòng thời gian để thực hiện Guardians of the Galaxy Vol. 3. Nếu xét về mức độ dụng ý của đạo diễn thì hoàn toàn có thể chấp nhận được nhưng thật khó hiểu khi dòng thời gian không gây ra ảnh hưởng gì nhưng vẫn tạo nên lỗ hổng lớn.
Nếu Adrian Toomes chỉ mất 4 năm để xây nên bộ giáp Vulture thì mọi chuyện đã không trở nên rắc rối. Nhiều người cho rằng đây là lỗi của Sony nhưng nên nhớ Marvel mới chính là những kẻ thực hiện bộ phim và đảm bảo sự xuất hiện của Peter Parker vừa khớp với MCU.
Marvel đang thay đổi dòng thời gian?
Những phim như "Doctor Strange" có thời gian không xác định
Marvel có thể giải quyết phần nào những lỗ hổng trên bằng cách thay đổi dòng thời gian một số bộ phim. Giai đoạn 1, The Avengers, Iron Man 3, Thor 2 và hai phần Guardians of the Galaxy là cố định và Doctor Strange diễn ra vào đầu năm 2016. Trong khi đó, Captain America: Winter Soldier, Avengers: Age of Ultron, Ant-Man, Captain America: Civil War Spider-Man: Homecoming có mốc thời gian dựa trên những phim khác nên có thể được chuyển đổi một cách linh động.
Như vậy, nếu phần phim riêng về Spider-Man diễn ra vào năm 2020 thì cuộc nội chiến siêu anh hùng cũng vậy, cuộc chiến của Ultron cùng với phim riêng của Ant-Man sẽ diễn ra vào năm 2019 còn Bucky (Sebastian Stan) sẽ đối đầu với Steve vào năm 2018.
Vậy thì quá trình luyện phép của Doctor Strange sẽ kéo dài từ năm 2016 đến tận... 2020 còn Avengers: Infinity War diễn ra sớm nhất là vào năm 2021. Tuy nhiên, điều này tạo ra một lỗ hổng còn lớn hơn khi từ năm 2013 tới 2018 chả có vấn đề gì xảy ra trong MCU cả. Captain America tốn quá nhiều thời gian làm quen với thế giới hiện đại trước khi Bucky xuất hiện.
Có cả một tấm poster của Stark Expo 2018 xuất hiện trong Spider-Man: Homecoming và ta chẳng biết được nó đã đang diễn ra hay chỉ mới là quảng cáo cho 1 2 năm sau đó. Và thậm chí, điều này còn xóa bỏ toàn bộ các sự kiện trong cả loạt Agents of S.H.I.E.L.D.
Spider-Man: Homecoming thay đổi chỉ vì Iron Man 2?
Đây là cậu bé gây bao sóng gió cho MCU
Vài tuần trước khi Spider-Man: Homecoming ra rạp, Tom Holland xác nhận một thuyết âm mưu của người hâm mộ khi nói rằng cậu bé đeo mặt nạ Iron Man được "chính chủ" cứu trong Iron Man 2 chính là Peter Parker. Điều đó nghe thú vị đấy nhưng vấn đề là nó... dở ẹc.
Bởi lẽ, cậu nhóc mới chỉ tầm 6 tuổi ở thời điểm 2011 của Iron Man 2. Nếu Spider-Man: Homecoming diễn ra vào năm 2016 thì Peter Parker mới chỉ... 10 tuổi. Nhưng nếu kéo dài đến 2020 như trên thì đúng là cậu sẽ bước sang tuổi 15 như trong phim. Dường như Marvel đang làm lệch dòng thời gian cả một vũ trụ điện ảnh chỉ vì một chi tiết thú vị bé như con kiến.
Chẳng phải hay hơn nếu họ thừa nhận sự sai lầm ngay từ đầu sao?
Theo Trí Thức Trẻ
18 phim siêu anh hùng của Marvel: Từ dở nhất đến hay nhất Năm 2008 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Marvel Studios, bước đầu của quá trình phát triển thành một gã khổng lồ của thế giới điện ảnh. Đến nay, Marvel đã sở hữu cho mình một chuỗi các bom tấn oanh tạc phòng vé, và có vẻ như họ sẽ còn ăn mừng dài dài khi bộ phim thứ 18 của...