Ai Cập phát hiện nhiều xác ướp có lưỡi vàng
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo ngày 24/11, một phái đoàn khảo cổ Ai Cập đã công bố phát hiện những xác ướp có lưỡi vàng, tại địa điểm khảo cổ Quweisna ở tỉnh Menoufiya, cách thủ đô Cairo khoảng 90 km về phía Bắc.
Xác ướp được phát hiện tại địa điểm khảo cổ ở Quweisna, tỉnh Menoufiya, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Phát hiện này được thực hiện trong quá trình khai quật được tiến hành trong ba tháng qua tại nghĩa địa Quweisna ở tỉnh Menoufiya nằm ở trung tâm đồng bằng sông Nile.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một bộ sưu tập gồm các bình đất sét, nhiều tấm vàng có hình con bọ hung và hoa sen, một số bùa hộ mệnh bằng đá dùng cho người đã khuất và bình chứa bằng đá dùng trong tang lễ từ cuối thời kỳ Ai Cập cổ đại, thời kỳ Ptolemaic và thời La Mã.
Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập Mustafa Waziri cho biết “các xác ướp có lưỡi vàng đang ở trong tình trạng bảo quản tồi tệ”. Các bộ xương và phần còn lại của các xác ướp được phủ bằng những tấm vàng đựng trong các quan tài hình người bằng gỗ và các dấu vết bằng đồng từng được sử dụng để chế tạo quan tài cũng được tìm thấy.
Người đứng đầu Vụ Cổ vật – Cổ đại Ai Cập Ayman Ashmawi khẳng định rằng khu vực khảo cổ mới được phát hiện tại nghĩa địa Quweisna mang phong cách kiến trúc rất khác biệt. Ông Ashmawi giải thích rằng các lăng mộ được phát hiện làm bằng gạch bùn gồm một sảnh chính với ba phòng chôn cất đều hình vòm và một hầm chôn cất với hai phòng bên cạnh.
Một số tấm vàng được khai quật tại nghĩa địa Quweisna ở tỉnh Menoufiya, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Khu nghĩa địa Quweisna, một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở đồng bằng sông Nile, chứa nhiều ngôi mộ và phòng chôn cất từ nhiều thời đại khảo cổ. Bộ sưu tập này tiết lộ những thay đổi trong phong cách kiến trúc của lăng mộ và phương pháp chôn cất được sử dụng trong các thời đại khác nhau.
Trong các mùa khảo cổ vừa qua, phái đoàn khảo cổ Ai Cập đã thành công trong việc phát hiện ra một bộ sưu tập các ngôi mộ, tàn tích của các tòa nhà, xác ướp, áo quan và quan tài, bao gồm một quan tài hình người khổng lồ được chạm khắc bằng đá granit đen dành cho một trong những linh mục cao cấp của thành phố cổ Atribis thuộc vùng Hạ Ai Cập (ngày nay là thành phố Banha ở tỉnh Qalioubiya phía Bắc Cairo).
Ai Cập cam kết giải quyết vấn đề đập GERD đảm bảo lợi ích tất cả các bên
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi ngày 16/10 khẳng định nước này cam kết sẽ nỗ lực để giải quyết tranh chấp liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh theo hướng đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong bài phát biểu trực tuyến tại Tuần lễ Nước Cairo lần thứ 5 khai mạc ngày 16/10, Tổng thống El-Sisi cho biết Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy những nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu công bằng nói trên. Ông El-Sisi nêu rõ Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc liên quan đến các dòng sông xuyên biên giới, nhằm tránh gây tổn hại cho các bên khác và đảm bảo sử dụng công bằng các nguồn tài nguyên chung. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và làm việc cùng nhau để tối ưu hóa sự phồn thịnh của lưu vực sông Nile và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, thay vì các hành động cá nhân bất hợp tác.
Những bất đồng sâu sắc về GERD giữa Ai Cập và các bên liên quan đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ai Cập và Sudan đã tiến hành đàm phán với Ethiopia trong gần một thập kỷ qua để đạt được thỏa thuận toàn diện và có tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan đến việc tích nước và vận hành GERD. Ai Cập, quốc gia chủ yếu dựa vào nguồn nước sông Nile, lo ngại các hoạt động đơn phương của Ehtiopia nhằm tích đầy hồ chứa có dung tích 74 tỷ m3 sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp nước của Cairo. Nguồn nước sông Nile được coi là sống còn đối với Ai Cập. Với 104 triệu dân, 95% nguồn cung cấp nước của Ai Cập đến từ sông Nile. Ai Cập cần khoảng 114 tỷ m3 nước/năm, nhưng nước này hiện chỉ nhận trung bình 60 tỷ m3/năm, chủ yếu từ sông Nile, do lượng nước mưa và nước ngầm trong sa mạc rất hạn chế. Dân số Ai Cập dự kiến sẽ tăng thêm 75 triệu người vào năm 2050, và điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực về nguồn nước.
Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Nam Sudan Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 11/10, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch giữa các nhóm vũ trang ở khu vực Fashoda, thuộc bang Thượng sông Nile của Nam Sudan. Binh sĩ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tuần tra tại Leer, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN...