ADB hỗ trợ Pakistan 2,5 tỷ USD khắc phục hậu quả của thảm hoạ từ biến đổi khí hậu
Ngày 5/10, Bộ Tài chính Pakistan cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á ( ADB) sẽ cung cấp cho Pakistan khoản cứu trợ lên tới 2,5 tỷ USD nhằm giúp nước này khắc phục hậu quả đợt lũ lụt vừa qua.
Cảnh ngập lụt tại Sohbatpur, huyện Jaffarabad, tỉnh Bolochistan, Pakistan ngày 4/10/2022. Ảnh AFP/TTXVN
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc làm việc giữa Giám đốc ADB tại Pakistan Yong Ye và Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar tại thủ đô Islamabad.
Gần 1.700 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, trong đợt lũ lụt kinh hoàng vừa qua tại Pakistan. Hơn 7 triệu người đã phải đi sơ tán. Hàng trăm nghìn người bị phơi nhiễm với các bệnh như sốt rét, sốt vàng da, viêm da, viêm mắt, tiêu chảy… những căn bệnh có khả năng lây lan nhanh khi nước lũ vẫn chưa rút.
Theo giới chức các địa phương tại Pakistan, phải mất nhiều tháng nước lũ mới có thể rút hết. Ước tính thiệt hại lên tới 30 tỷ USD do mùa màng, vật nuôi, đường sá, cầu cống, nhà cửa, trường học và cơ sở y tế bị lũ cuốn trôi. Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định biến đổi khí hậu đã gây ra thảm họa này.
Ngày 4/10 vừa qua, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Pakistan, ông Julien Harneis đã tăng gấp 5 lần mức kêu gọi quyên góp viện trợ nhân đạo cho Pakistan, từ 160 triệu USD lên 816 triệu USD. Theo ông, Pakistan đang cần khẩn cấp thuốc men cho 8,2 triệu người và sẽ cần thêm lương thực vì mùa vụ đã bị lũ cuốn trôi. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo Pakistan “đang đứng bên bờ vực của một thảm họa y tế công cộng”.
Pakistan kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia bị khủng hoảng
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 23/9, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia đang phát triển phải hứng chịu nhiều tác động từ các cú sốc như đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng, gia tăng xung đột và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi ông nhấn mạnh lũ lụt tàn phá Pakistan.
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Rajanpur, tỉnh Punjab, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN
Khi chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng Nhóm G77 (Nhóm quốc gia đang phát triển) và Trung Quốc tại Mỹ, Ngoại trưởng Bilawal nói: "Các quốc gia và người dân của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn; chúng ta cần thay đổi các chính sách và cấu trúc vốn gây ra tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói dai dẳng".
Pakistan hiện là chủ tịch của Nhóm G77 và Trung Quốc. Nhóm này hiện có 134 thành viên và là nhóm liên chính phủ lớn nhất của Liên hợp quốc gồm các quốc gia mới nổi. Trong bài phát biểu với tư cách Chủ tịch nhóm, Ngoại trưởng Bilawal nêu rõ: "Những thách thức của chúng ta ngày càng trầm trọng hơn do sự thiếu đoàn kết giữa các 'đối tác' là các nước phát triển của chúng ta. Hậu quả là, giờ đây chúng ta phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng đan xen về lương thực, nhiên liệu và tài chính". Bên cạnh đó, ông Bilawal đã kêu gọi tăng cường nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và tài chính ưu đãi.
Ngoại trưởng Bilawal nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh đề xuất (của Tổng thư ký Liên hợp quốc) về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trị giá 500 tỷ USD nhằm tạo điều kiện cho những quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng phục hồi nền kinh tế và các mục tiêu phát triển của họ". Ông cũng kêu gọi cung cấp lương thực khẩn cấp thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho 250 triệu người gặp khó khăn; tiếp tục điều chỉnh giá bằng cách mở rộng sản xuất và cung cấp lương thực, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn cung hạt giống, phân bón và tài chính.
Theo Ngoại trưởng Pakistan, "chúng ta sẽ không an toàn nếu không có sự hỗ trợ, đoàn kết và thống nhất với nhau. Hãy để sự tương trợ đoàn kết và thống nhất này trở thành kim chỉ nam của chúng ta khi chúng ta xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn và thịnh vượng cho người dân của mình".
Tổng thư ký LHQ cam kết cùng lãnh đạo thế giới ứng phó biến đổi khí hậu Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 14/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh thông điệp phải ứng phó với biến đổi khí hậu ngay lập tức bởi những người dân nghèo khổ nhất trên thế giới đang phải trả một cái giá khủng khiếp do chính những doanh nghiệp xả khí thải...