ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm 2020
Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp các thách thức do đại dịch do vi-rút Corona gây ra (Covid-19) với GDP năm 2020 dự kiến 1,8% và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021
Lãnh đạo ADB Việt Nam tại buổi họp báo công bố Báo cáo ADO 2020 sáng 15/9.
Đó là dự báo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong bản Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 công bố hôm nay (15/9).
Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nói: “Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh, tuy nhiên, Việt Nam không đứng ngoài tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như các quốc gia khác”.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2020 xuống 0,4% trong quý II, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.
Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56,0%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay. Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi vào tháng 5 và tháng 6, nhưng lại bị chững lại do Covid-19 quay trở lại vào tháng 7.
Tăng trưởng chậm lại, theo ADB, được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Video đang HOT
Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay.
Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời kỳ, 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.
Suy thoái toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp xấu đi và tiêu dùng suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế nặng nề hơn dự kiến. Triển vọng kinh tế còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới kể từ cuối tháng 7 năm 2020. Do đó, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh giảm từ 4,8% trong Báo cáo ADO 2020 và 4,1% trong Báo cáo ADO bổ sung vào tháng 6 xuống 1,8% trong Báo cáo ADO cập nhật này.
ADB cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Tiêu dùng nội địa được ADB dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong sáu tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này.
Bên cạnh đó, thặng dư tài khoản vãng lai được ADB dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1,0% GDP vào năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021. Mặc dù xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng cuối năm, nhập khẩu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, giữ cán cân thương mại duy trì thặng dư.
Tuy nhiên, mức thặng dư này không phải là một chỉ báo về sức khỏe kinh tế, vì nó phát sinh từ việc sản lượng và nhu cầu đều suy yếu. Trong khi đó, áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, được dự báo sẽ giảm 18,0% trong năm 2020.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn được ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau.
Báo cáo cũng nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Các số liệu tới cuối tháng 6 chưa phản ánh hết hệ lụy Covid-19 tới kinh tế Việt Nam
Diễn biến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng
Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. (Ảnh Shutter)
Dù có cơ hội phục hồi kinh tế sớm sau những tác động từ dịch Covid 19, song Việt Nam vẫn cần thận trọng kiểm soát tình hình 6 tháng cuối năm để có các nhóm giải pháp phù hợp tạo động lực cho khôi phục tăng trưởng kinh tế, đảm bảo giữ mạch cải cách và an sinh xã hội.
Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.
Đánh giá của CIEM cho thấy, trong 2 quý đầu năm, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng do tác động từ dịch Covid-19 và bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đình trệ do dịch bệnh. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á.
Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đạt 4,19%; áp lực đối với CPI xuất phát từ một số nhóm hàng như lương thực - thực phẩm thiết yếu và thuốc và dịch vụ y tế.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, lạm phát cơ bản và lạm phát bình quân dù tương đối cao so với các năm 2018-2019, nhưng có thể chấp nhận được. Xu hướng giảm của lạm phát bình quân và lạm phát cơ bản ít nhiều phản ánh nỗ lực kiểm soát giá cả, điều hành chính sách tiền tệ tương đối hiệu quả của Chính phủ, neo giữ kỳ vọng lạm phát.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.
"Nguyên nhân có thể do chính phủ nhiều nước, kể cả Việt Nam, đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ, hoặc do đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ", ông Dương phân tích.
Theo ông Dương, diễn biến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng, đặc biệt từ diễn còn rất bất định và suy giảm mạnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh khả năng cao bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19.
Với 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020 được CIEM đưa ra dao động từ mức thấp là 2,1% tới mức cao là 2,6%, ông Dương cho rằng, kịch bản 2 là khá tham vọng trong điều kiện dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2020.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đứt gãy như hiện nay, kỳ vọng thu hút đầu tư lớn trong thời gian trước mắt là chưa thực sự khả thi. Ông Tuấn cũng lưu ý, doanh nghiệp nội hiện đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị tổn thương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Và khi đã bị thương rồi thì rất khó phục hồi, khó để bật như lò xo như kì vọng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro - đặc biệt gắn với Covid-19 - trong bối cảnh "bình thường mới".
Đặc biệt, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên hàng đầu nhằm giữ dư địa cho điều hành các chính sách kinh tế, vận dụng phối hợp linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư và thương mại để ứng phó với các diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới và khu vực, trong đó đặc biệt lưu ý đến các diễn biến có tác động mạnh tới tình hình kinh tế xã hội trong nước như cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, diễn biến đại dịch Covid-19, rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu, xung đột địa chính trị...
Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng phục hồi nửa cuối năm 2020 Theo nhận định của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, và sẽ phục hồi mạnh vào nửa cuối năm 2020. Theo Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2020 - kỳ vọng đổi thay của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nửa đầu năm 2020, dịch...