‘Ad Astra’: Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học không gian trong tương lai
Phim “ Ad Astra”, (tựa tiếng Việt là “Giải mã bí ẩn ngân hà”) hé lộ một tương lai tươi sáng của khoa học kỹ thuật trong không gian, biến các hành tinh trở thành nơi sinh sống của con người.
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong “tương lai gần” xuất hiện trong bộ phim Ad Astra qua chi tiết các cơ quan vũ trụ quyết định đưa Roy McBride ( Brad Pitt) lên mặt trăng bằng máy bay thương mại. Điều này cho thấy con người hoàn toàn có thể chinh phục những đỉnh cao mới của khoa học bằng chính tri thức và tiềm lực của mình. Cùng với đó, chi tiết một công dân sinh ra và lớn lên ở sao Hỏa có tên Helen Lantos ( Ruth Negga) chia sẻ rằng mình đã đến trái đất một lần và cảm nhận đó là một hành tinh xinh đẹp, đã gợi lên sự xót xa khi trái đất lại trở thành một hành tinh xa lạ đối với nhiều người.
Phim có một số tuyến nhân vật phụ nhưng xuyên suốt trong phim các nhân vật này dường như không đóng vai trò tạo điểm nhấn mà lướt qua một cách mờ nhạt. Phi hành gia cao tuổi Colonel Pruitt ( Donald Sutherland) trong chuyến đi cùng Roy McBride lên mặt trăng xuất hiện với vẻ bí ẩn, là người giám sát Roy, từng làm chung dự án Lima với cha của Roy nên khán giả trông chờ nhiều điều thú vị, kịch tính từ nhân vật này. Thế nhưng chưa kịp thể hiện hay giải mã được điều gì thì nhân vật này đã sớm ra đi trên đường tới phi thuyền để lên sao Hỏa.
Mọi trông chờ đổ dồn vào nhân vật người cha của Roy là Clifford McBride ( Tommy Lee Jones) sẽ cứu vãn phần nào hình ảnh những nhân vật phụ, thế nhưng nhân vật này xuất hiện cũng vô cùng bình thường trong bối cảnh hai cha con mấy chục năm xa cách nhau, nay gặp lại ở tận sao Hải Vương. Mọi thứ diễn ra một cách gượng gạo, không lắng đọng cảm xúc. Giống như Roy, nỗ lực tập luyện, gác bỏ mọi tình cảm riêng tư để được chọn lên sao Hải Vương, ông Clifford dành cả cuộc đời của mình để khám phá không gian và tìm sự sống trong không gian. Ông cho rằng “thuyền trưởng phải chìm cùng con tàu của mình” và quyết định tháo dây trôi vô định vào vũ trụ mênh mông khi Roy cài đặt đầu đạn hạt nhân phá hủy dự án Lima, phá bỏ cơn bão từ đang làm tổn hại trái đất và các hành tinh.
Phim tập trung thể hiện diễn biến nội tâm với nhiều giằng xé của phi hành gia Roy McBride do diễn viên gạo cội Brad Pitt đảm nhận. Xa cách cha từ nhỏ, trong Roy luôn giữ hình ảnh cha là một người anh hùng hy sinh lúc làm nhiệm vụ ngoài không gian rồi đột ngột được thông báo cha anh có thể đang còn sống ở sao Hải Vương. Khi biết sự thật người cha đã bất tuân mệnh lệnh cấp trên để theo đuổi khát khao khám phá sự sống ngoài vũ trụ, niềm tin trong lòng anh có chút xao động. Thế nhưng, một số hành động, diễn biến tâm lý thiếu sự kiên định, nhất quán, đôi khi gặp quá nhiều sự thuận lợi tưởng như được sắp đặt cho nhân vật, chàng Roy của Brad Pitt vẫn chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem về cả chiều sâu nội tâm cũng như tính cách, hành động.
Một số vấn đề cũng cần được nhắc đến là âm thanh, chuyển động hình ảnh phi logic trong phim. Âm thanh được thể hiện theo kiểu đối nghịch, đang lúc yên bình thì có thể ồn ào, dồn dập, đang thể hiện sự tĩnh lặng của vũ trụ thinh không làm nền cho những độc thoại nội tâm của Roy thì chuyển ngay đến âm thanh náo nhiệt bên trong phi thuyền. Tương tự, những chi tiết về chuyển động hình ảnh, có lúc các nhân vật đang di chuyển rất nhẹ nhàng trong trạng thái không trọng lực rồi đột nhiên có những lực đẩy, lực hút rất mạnh khiến các nhân vật bị đẩy văng tứ tung hoặc bị hút vào khoảng không mênh mông của vũ trụ. Vô số chi tiết trong phim khiến khản giả “mệt não” cũng không lý giải được như sự xuất hiện của những con khỉ ăn người dữ tợn trong một tàu không gian ở ngoài vũ trụ, mục đích của thế lực bí ẩn tấn công Roy cùng đồng đội trên đường ra phi thuyền lên sao Hỏa. Từ trái đất, Roy phải “quá cảnh” lên mặt trăng, đến sao Hỏa rồi mới tới sao Hải Vương nhưng lúc về thì chỉ cần “một chặng” với khoảng cách lên đến vài ngàn tỷ km.
Gửi gắm nhiều tầng lớp ý nghĩa về chủ đề phi hành gia trong không gian, Ad Astra có thể là thể loại phim điện ảnh kén khán giả nhưng cũng đáng để một bộ phận khán giả yêu thích dòng phim này thưởng thức và có những cảm nhận thú vị riêng biệt. Phim được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 20/09.
Trailer Ad Astra
Theo saostar
'Ad Astra' của Brad Pitt - đằng sau ước mơ vươn tới những vì sao
Bộ phim mới của tài tử Brad Pitt gợi nhắc khán giả tới nhiều tác phẩm kinh điển như "Apocalypse Now" hay "2001: A Space Odyssey", và mang tới những thông điệp đáng suy ngẫm.
Trailer bộ phim 'Giải mã bí ẩn ngân hà' Tác phẩm khoa học viễn tưởng có Brad Pitt đóng chính với câu chuyện một phi hành gia đi tìm cha ngoài không gian.
Thể loại: Tâm lý, khoa học viễn tưởng
Đạo diễn: James Gray
Diễn viên: Brad Pitt, Ruth Negga, Liv Tyler, Donald Sutherland, Tommy Lee Jones
Zing.vn đánh giá: 8/10
Chuyến hành trình khám phá bí mật quá khứ ngoài vũ trụ bao la
Vươn tới những vì sao ở phía xa dải Ngân Hà luôn là ước vọng của loài người để thoát khỏi cảnh đói nghèo, buồn khổ trên Trái Đất. Ngay từ trước kỷ nguyên Thiên chúa, đại thi hào La Mã Virgil đã nhấn nhá trong thiên sử thi Aeneis của ông ý chí "ad astra" - tức vươn đến những vì sao.
Hai thiên niên kỷ sau thời của Virgil, mong muốn chinh phục vũ trụ càng trở nên thôi thúc nhân loại hơn bao giờ hết khi chính con người đang hủy hoại Trái Đất với chiến tranh, với ô nhiễm, với lòng tham không đáy đối với những nguồn tài nguyên có hạn.
"We are world eaters; thus we journey to the stars" (Chúng ta là những kẻ tiêu thụ thế giới, bởi thế chúng ta du hành đến những vì sao), thiếu tá Roy McBride (Brad Pitt) đã giải thích một cách đơn giản ước muốn "ad astra" của loài người như thế.
Trung tâm của Ad Astra là nhân vật phi hành gia Roy McBride do Brad Pitt thể hiện.
Luôn biết cách kìm nén cảm xúc để nhịp tim không bao giờ vượt quá 80 lần/phút, cũng như sẵn sàng loại bỏ những thứ "không cần thiết" để tập trung vào những chuyến du hành - kể cả khi thứ "không cần thiết" ấy có là gia đình nhỏ đang bên bờ vực tan vỡ với người vợ Eve McBride (Liv Tyler), Roy mang mong muốn giúp xã hội loài người vươn xa hơn những "thuộc địa" từ Mặt Trăng cho tới tận Sao Hỏa, cùng mục tiêu tối thượng là tìm thấy sự sống ở một nơi nào đó ngoài Trái Đất.
Nhưng ước mơ "ad astra" của Roy và thế hệ của anh đột ngột trở nên mờ mịt khi từ xa tận phía Sao Hải Vương, những đợt sóng năng lượng dữ dội bất thường xuất hiện một cách bất ngờ và hướng về Trái Đất với sức mạnh hủy diệt.
Không chỉ làm rối loạn cuộc sống của loài người trên mặt đất, những đợt sóng năng lượng còn làm hư hỏng trạm không gian nơi Roy làm việc và đe dọa sự tồn vong của các trạm vũ trụ mà loài người đã dày công xây dựng trên Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Để cứu lấy khát vọng vẫn chưa thành hiện thực của loài người là tìm thấy "người ngoài hành tinh", thiếu tá Roy McBride được Bộ Chỉ huy Vũ trụ nước Mỹ cử đi thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật: Truy tìm nguồn gốc của những đợt sóng năng lượng chết chóc ở đâu đó phía ngoài Sao Hải Vương.
Trước khi bắt đầu chuyến đi đầy hiểm nguy và bất trắc, Roy được các quan chức của Bộ Chỉ huy và thượng tá Thomas Pruitt (Donald Sutherland) hé lộ một bí mật mà anh chẳng thể ngờ tới. Đó là việc rất có thể thủ phạm của những tín hiệu chết người chính là H. Clifford McBride (Tommy Lee Jones) - nhà du hành vĩ đại nhất trong lịch sử chinh phục vũ trụ, và cũng chính là cha của thiếu tá Roy McBride.
Nhân vật chính dấn thân vào chuyến hành trình khó lường ngoài dải Ngân Hà để tìm kiếm người cha mất tích 16 năm về trước.
16 năm trước, H. Clifford McBride được giao chỉ huy một đoàn thám hiểm có nhiệm vụ bằng mọi giá phải tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất cho dù có phải đi đến tận cùng của dải Ngân Hà.
Vượt qua Mặt Trăng, vươn tới Sao Hỏa, bay ngang qua hai hành tinh khí khổng lồ là Sao Thổ và Sao Mộc, rồi đi quá cả "khối băng khổng lồ" Sao Thiên Vương, con tàu du hành "Dự án Lima" của phi hành trưởng H. Clifford McBride trở thành đại diện đầu tiên của loài người vươn xa đến thế trước khi mất liên lạc hoàn toàn với trạm chỉ huy tại Trái Đất.
Giờ đây, con trai của nhà du hành vĩ đại năm xưa có nhiệm vụ lần ra dấu vết của "Dự án Lima" và nguồn gốc của những đợt sóng năng lượng đang tấn công Trái Đất với cường độ ngày một dữ dội.
Với sự hỗ trợ của thượng tá Pruitt, của Helen Lantos (Ruth Negga) - trưởng trạm lưu trú của loài người trên Sao Hỏa, hay của các phi hành gia trên tàu Cepheus, Roy bắt đầu chuyến hành trình đi vào bóng đêm của dải Ngân hà để tìm ra bí mật về cha mình, về chuyến đi định mệnh của "Dự án Lima", và về lý do tại sao dù đã rất cố gắng, con người vẫn chưa thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh để phá bỏ sự đơn độc đến cùng cực giữa vũ trụ bao la.
Lựa chọn ngạc nhiên của James Gray
Ad Astra là tác phẩm mới nhất của đạo diễn James Gray người Mỹ gốc Ukraine, và cũng là tác phẩm khoa học giả tưởng đầu tiên của nhà làm phim chuyên trị đề tài bi kịch / hình sự.
Gây tiếng vang tại Hollywood ngay từ tác phẩm đầu tay Little Odessa (1994), Gray luôn khiến khán giả phải trầm trồ vì những bộ phim có nhịp độ không quá nhanh, nhưng luôn thấm đẫm cảm xúc và ẩn chứa bi kịch về sự cô độc, về mặt trái của cái nghèo và tội ác.
Luôn chấp bút cho kịch bản các bộ phim của mình, James Gray thường lấy bối cảnh hiện đại hoặc cận hiện đại cho chuyến hành trình tìm lấy hơi ấm của tình thương, của sự cảm thông với các nhân vật nhiều phần cô độc của ông.
Bối cảnh gần gũi, cốt truyện thiên hướng nội tâm, và nỗi niềm cô đơn ai cũng từng phải trải qua giúp các tác phẩm của Gray, từ Two Lovers (2008), The Immigrant (2013), cho tới The Lost City of Z (2016), tuy chưa bao giờ gây tiếng vang lớn về mặt doanh thu nhưng luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.
Đạo diễn James Gray bên cạnh Brad Pitt trên trường quay bộ phim.
Với một danh mục tác phẩm như trên, Ad Astra rõ ràng là lựa chọn gây ngạc nhiên của James Gray vì bộ phim có trị giá gần 100 triệu USD vừa sở hữu kinh phí lớn hơn hẳn các dự án trước đây của ông, vừa lấy bối cảnh khoa học giả tưởng hoàn toàn xa lạ với khung cảnh cận hiện đại - cận hiện đại, và nói về chuyến hành trình hướng ngoại "vươn tới các vì sao" thay vì những câu chuyện thiên về khám phá nội tâm.
Nhưng sau khi theo dõi bộ phim, chắc chắn bất cứ ai yêu thích điện ảnh nói chung và phong cách của James Gray nói riêng sẽ phải đồng ý rằng đây vẫn là một tác phẩm mang đậm chất riêng nhà làm phim. Đó vẫn là một chuyến đi đầy chông gai để vượt khỏi xiềng xích của sự cô độc, mà lần này là sự cô độc của loài người giữa vũ trụ bao la.
Nội dung gợi nhắc Apocalypse Now với tầng ý nghĩa mới
Dù Ad Astra có kịch bản gốc được James Gray và nhà biên kịch phim truyền hình Ethan Gross chấp bút không dựa trên bất cứ tác phẩm nào, người xem vẫn có thể nhận ra tác phẩm có tứ khá giống với tiểu thuyết ngắn Heart of Darkness của nhà văn Joseph Conrad.
Tác phẩm miêu tả cuộc khám phá thiên nhiên hoang dã và "chưa được khai hóa" ở vùng đất trái tim của Châu Phi tại Congo. Đại diện của "thế giới văn minh" như gương mặt bí hiểm Kurtz có cuộc sống và mối quan hệ hết sức đặc biệt với người dân bản xứ vốn luôn bị coi là đối tượng cần được "khai sáng" bằng nền văn minh của xã hội hiện đại, hay chính là xã hội của những kẻ đi thống trị.
Với cái tứ rất nhiều kịch tính và cảm xúc như vậy, Heart of Darkness được chuyển thể nhiều lần lên màn ảnh nhỏ và cũng trở thành nguồn cảm hứng để nhà làm phim huyền thoại Francis Ford Coppola làm nên Apocalypse Now (1979) - tác phẩm xuất sắc bậc nhất lấy đề tài chiến tranh Việt Nam.
Bộ phim có thể khiến nhiều người nhớ tới bộ phim kinh điển Apocalypse Now.
Trong Apocalypse Now, đại úy Benjamin L. Willard (Martin Sheen) được giao nhiệm vụ đi sâu vào những mảnh rừng, con sông hoang dã còn lại của Việt Nam và Cambodia để tìm kiếm viên đại tá Walter E. Kurtz (Marlon Brando) - người bị coi là đã hóa điên vì sự cô độc, và vì mối quan hệ dị biệt với những người bản địa còn "chưa được khai hóa".
Trong Ad Astra, thế chỗ cho Willard là Roy McBride, thế chỗ cho Kurtz là H. Clifford McBride, và thế chỗ cho rừng thiêng nước độc của xứ Đông Dương là bóng đêm sâu thẳm của dải Ngân hà được điểm xuyết đây đó bởi những hành tinh lạnh lẽo, khô cằn.
Giống như chuyến hành trình đầy bất ngờ và chết chóc của Willard, Roy trên từng chặng đường của anh từ Trái Đất lên Mặt Trăng, từ Mặt Trăng vươn tới Sao Hỏa, và từ Sao Hỏa trôi dạt tới Sao Hải Vương vừa được tận mắt chứng kiến những hình ảnh chẳng ai có thể hình dung từ Trái Đất, vừa phải đối diện với những vấn đề "xưa như Trái Đất". Ở cách xa đất mẹ hàng triệu cây số, sự phản bội, lòng tham, cái chết và sự cô độc tồn tại trong từng hơi thở vẫn luôn tồn tại.
Vài năm trở lại đây, du hành vũ trụ quay trở lại như một đề tài yêu thích của giới làm phim Hollywood với rất nhiều tác phẩm hay như Gravity (2013) của Alfonso Cuarón, Interstellar (2014) của Christopher Nolan, The Martian (2015) của Ridley Scott, hay gần đây nhất là First Man (2018) của Damien Chazelle.
Hầu hết nhóm tác phẩm đều nhấn vào sự tương phản giữa một bên là vũ trụ bao la, xa lạ với vô vàn điều chưa được khám phá, và một bên là sự nhỏ bé nhiều khi đến bất lực của con người. Sự tương phản đó cũng phần nào được phản ánh trong Ad Astra. Nhưng bên cạnh đó, James Gray còn muốn truyền tải đến người xem một góc nhìn khác về những cuộc du hành thám hiểm không gian.
Nhân loại vươn tới khoảng không xa xôi ngoài kia dường như không phải để khám phá cái mới, mà là để chinh phục, để biến những hành tinh xa lạ trở thành Trái Đất mới, để áp đặt cách tồn tại, cách sống, cách hưởng thụ vốn đã khiến Trái Đất thân yêu trở nên cằn cỗi lên những hành tinh khác vốn đã tồn tại cả tỷ năm mà không cần tới hơi thở, tiếng nói của con người.
Bởi thế, trong Ad Astra, người ta thấy những cửa hiệu bánh mỳ Subway trên Mặt Trăng, người ta thấy những phòng thí nghiệm thử nghiệm thuốc trên khỉ trôi dạt trong khoảng không vô tận giữa Mặt Trăng và Sao Hỏa, hay thậm chí là nghe thấy những nhịp điệu quen thuộc của các bộ phim ca vũ nhạc cũ kỹ phát ra từ một con tàu nằm khuất sau vành đai đá của Sao Hải Vương.
Câu hỏi mà bộ phim muốn đặt ra là liệu con người hướng tới điều gì khi vươn ra ngoài vũ trụ và dải Ngân Hà bao la.
Vũ trụ bao la có ý nghĩa gì khi con người vẫn phải giam mình trong những không gian chật hẹp của tàu vũ trụ, của trạm vũ trụ nằm sâu trong lòng các hành tinh để duy trì sự sống? Những chân trời mới lạ có ý nghĩa gì khi dù đi tới đâu, con người vẫn luôn khắc khoải với nỗi nhớ thiên nhiên nơi quê nhà, vẫn phải trăn trở với những cảm xúc vốn tưởng đã có thể rời xa khi đặt chân lên những con tàu vũ trụ?
Những câu hỏi giàu tình cảm tưởng chừng đơn giản, nhưng vẫn hết sức mới lạ với thể loại khoa học viễn tưởng đã giúp Ad Astra có một chỗ đứng khác biệt khi phải so sánh với nhiều tác phẩm cùng loại của Hollywood.
Những hình ảnh gợi nhớ 2001: A Space Odyssey
Nếu như phần nội dung của Ad Astra gợi khán giả nghĩ tới Apocalypse Now, thì phần hình ảnh của bộ phim cho thấy James Gray muốn nhắc người yêu điện ảnh về một tác phẩm kinh điển khác: 2001: A Space Odyssey (1968) của đạo diễn Stanley Kubrick.
Được coi là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của dòng phim khoa học viễn tưởng hiện đại và là tác phẩm hay nhất của thể loại phim du hành vũ trụ, 2001: A Space Odyssey để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc với khán giả về mặt hình ảnh. Có rất nhiều khung hình trong Ad Astra chắc chắn khiến người xem nghĩ tới tác phẩm năm xưa.
Đó có thể hình ảnh căn cứ của con người nằm trong hố va chạm Walther của Mặt Trăng với nhiều đường nét và cảnh quan rất giống với căn cứ Clavius ở 2001: A Space Odyssey. Đó có thể sự giận dữ và sức mạnh đến bàng hoàng của những chú khỉ bị thử nghiệm ngoài không gian - trường đoạn gợi nhớ tới buổi bình minh của loài người từng được Kubrick khắc họa một cách đầy tính biểu tượng.
Về mặt hình ảnh, Ad Astra dễ khiến khán giả liên tưởng tới 2001: A Space Odyssey.
Và đó cũng có thể là hình ảnh dàn máy móc "nổi loạn" của "Dự án Lima" được con người chế tạo ra, rồi quay lại đe dọa sự tồn vong của con người như cái cách HAL 9000 dần biến đổi trên con tàu Discovery One.
Ngay cả nhịp phim chậm rãi của Ad Astra - lựa chọn thường thấy của James Gray, và phần nhạc phim vừa hào hùng, vừa da diết của nhà soạn nhạc Max Richter cũng phần nào đó biến bộ phim trở nên hết sức gần gũi với 2001: A Space Odyssey, bất chấp khoảng cách hơn nửa thế kỷ.
Tất nhiên, mọi so sánh đều chỉ mang tính chất tương đối, bởi 2001: A Space Odyssey là bộ phim đậm chất triết lý với những hình ảnh biểu tượng về giá trị sự tồn tại của loài người trong vũ trụ bao la. Còn Ad Astra lại nhắm tới mục đích mô tả những cuộc du hành vũ trụ xa xôi qua góc nhìn đời thường, ẩn chứa những cảm xúc hết sức con người.
Đặc biệt, phần kết của Ad Astra có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả phải đặt câu hỏi về việc liệu đây có phải tác phẩm xứng danh là 2001: A Space Odyssey thời hiện đại, hay chỉ là một nỗ lực khác của James Gray trong việc đi tìm ý nghĩa thực sự cho những chuyến du hành tìm "bạn đồng hành" cho loài người trong vũ trụ bao la.
Thêm vào đó, ngoại trừ Brad Pitt hết sức xuất sắc trong vai nhà du hành cô độc và đầy trăn trở Roy McBride, thì các diễn viên tên tuổi khác như Tommy Lee Jones, Ruth Negga, hay Donald Sutherland đều không để lại nhiều ấn tượng. Có lẽ một phần vì James Gray đã dành phần lớn thời lượng và những dòng hay nhất của kịch bản để dành cho nhân vật chính-không-thoại của phim: vũ trụ bao la.
Không phải một tác phẩm hoàn hảo, nhưng nội dung và phần hình ảnh đầy tính gợi mở của Ad Astra có lẽ vẫn sẽ làm hài lòng đa số khán giả. Và trên hết, trong thời buổi biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá cuộc sống, chiến tranh cùng đói nghèo vẫn đang gây ra những vết sẹo hủy hoại thiên nhiên hằn sâu vào bề mặt Trái Đất, thì cuộc hành trình vô số gian nan nhưng rất ít hy vọng của cha con nhà McBride để tìm miền đất hứa, tìm "bạn đồng hành" cho loài người ở ngoài không gian xứng đáng là tiếng chuông cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại, rồi chăm chút hơn cho chính mái nhà Trái Đất.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo zing
'Ad Astra': Bom tấn không gian hoành tráng và hành động nghẹt thở của Brad Pitt Với phần kỹ xảo hoành tráng và chân thật về không gian, Ad Astra còn chứa đựng nhiều cảnh hành động kịch tính và hồi hộp. 2019 có lẽ là năm của Brad Pitt khi anh liên tiếp xuất hiện trong hai tác phẩm được đánh giá rất cao là Once Upon a Time in... Hollywood và Ad Astra ( Giải mã bí...