Ác mộng với “bẫy giết người” từ thiên nhiên
Hơn 1 tuần sau trận động đất 7,9 độ richter lớn nhất trong vòng 80 năm qua tại Nepal, không chỉ người dân Nepal mà cả thế giới đều chưa hết sốc bởi sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên.
Hôm qua, một quan chức thuộc Trung tâm cứu trợ khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC) cho biết, số người chết trong trận động đất đã tăng lên 7.040 người, số người bị thương đã vượt qua con số 14 nghìn. Còn theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), có tới 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Trong số đó, hơn 1,4 triệu người đang cần lương thực, thực phẩm, nước uống và chỗ ở.
Một lần nữa thế giới lại phải chứng kiến thảm cảnh như đã từng xảy ra sau cơn địa chấn năm 1934 từng san phẳng cả thủ đô Kathmandu của Nepal. Chính phủ Nepal cho biết, cho đến nay, việc giải quyết hàng trăm xác người được tìm thấy mỗi ngày cũng là một vấn đề lớn, khi các nhà xác đã hoạt động hết công suất. Người ta đã phải hỏa táng xác người ngay sau khi tìm thấy trước sự đau khổ của người thân.
Không chỉ người Nepal, hàng nghìn người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam hiện có mặt ở Nepal, cũng phải hứng chịu ảnh hưởng của trận động đất. Rất may, theo những thông tin mới nhất, đa số người Việt bị kẹt tại Nepal sau trận động đất đã an toàn ở Kathmandu. Cụ thể, ít nhất 35 người đang có mặt tại Kathmandu đã đến khách sạn Hyatt để chờ về Việt Nam bằng máy bay miễn phí do Công ty bảo hiểm AIG thuê.
Quay trở lại với trận động đất hôm 25-4, không khó khăn gì để giải thích nguyên nhân của thảm họa này. Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này trôi dạt về phía đất liền và va chạm với lục địa Á Âu. Dưới dãy núi Himalaya, mảng lục địa Ấn Độ đang “lấn sân” mảng lục địa Á – Âu với tốc độ 1 mm mỗi tuần. Sự va đập nói trên đã tạo ra một lực khủng khiếp, góp phần hình thành dãy Himalaya hùng vĩ và cả những trận động đất cực mạnh.
Nằm ở nơi xảy ra sự va đập giữa hai mảng lục địa này, thảm họa động đất là điều được báo trước với Nepal. Nhìn lại quá khứ, chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, các trận động đất đã giết chết hàng chục nghìn người ở Nepal. Một tuần trước khi trận động đất hôm 25-4 xảy ra, 50 nhà khoa học động đất từ khắp thế giới đã đến thủ đô Kathmandu để thảo luận biện pháp giúp Nepal có sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó với một trận động đất lớn. Tất cả đều thống nhất rằng, khu vực này chắc chắn sẽ phải đối mặt với động đất lớn. Tuy nhiên, Nepal chưa kịp làm gì thì thảm họa đã xảy ra.
Ai cũng biết động đất là vấn đề của tự nhiên, nhưng hậu quả của chúng lại có yếu tố do con người tạo ra. Bị bao bọc bởi các dãy núi cao, Kathmandu nằm trên một hồ nước cạn, với nền đất yếu. Khi động đất xảy ra, nền đất ở đây dao động như bột nhão, chẳng khác nào “cái bẫy” động đất. Trong khi đó ở Kathmandu cũng như các thành phố khác ở Nepal, hàng triệu người sống chen chúc trong những tòa nhà không đủ khả năng chống lại động đất. Chính vì thế khi thảm họa xảy ra, số người thiệt mạng là rất lớn.
Chuyên gia địa chất Jackson nhấn mạnh: “Không phải động đất mà các tòa nhà sụp đổ mới là hung thủ giết người. Nếu bạn sống ở một sa mạc phẳng thì động đất không thể giết bạn”. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cho rằng, người dân Nepal phải biết cách “sống chung với nguy cơ động đất”. Các biện pháp phòng ngừa là quan trọng và có lẽ, điều quan trọng là các công trình xây dựng phải trụ vững trước những đợt rung lắc mạnh của động đất, không biến chúng thành “những chiếc bẫy giết người”.
Theo_An ninh thủ đô
Video đang HOT
Người Mỹ nhắc nhau tránh sai lầm Việt Nam
Giới lãnh đạo Mỹ đã biết trước rằng cuộc chiến sẽ thất bại nhưng vẫn tiếp tục đưa lính Mỹ tới Việt Nam để đánh nhau và chết.
Nhân dịp 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam (1975-2015), người Mỹ vẫn tiếp tục viết về đề tài này. Một trong những bài viết đáng chú ý mang tên "Ám ảnh ác mộng Chiến tranh Việt Nam" của tác giả Alan Miller trên tờ The Sacramento Bee.
Qua bài viết, tác giả muốn nhắc nhở người Mỹ không lặp lại những sai lầm mà họ đã mắc phải ở Việt Nam.
Sau đây là nội dung chính của bài viết:
Khi kế nhiệm Richard Nixon năm 1974, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố "Cơn ác mộng kéo dài của nước Mỹ đã qua". Ông Ford khi đó ám chỉ tới vụ bê bối Watergate làm rúng động nước Mỹ hàng tháng trời.
Tuy nhiên, cơn ác mộng Việt Nam bắt đầu từ năm 1955, khi mà Mỹ cử những cố vấn quân sự đầu tiên tới Đông Nam Á, rồi sau đó là thảm họa nhục nhã của chính sách ngoại giao vào ngày 30/4/1975, vẫn tiếp tục đeo bám nước Mỹ.
Tác giả Alan Miller
Dịp kỉ niệm 40 năm sự kiện này là điều mà người Mỹ muốn quên đi nhất. Thế nhưng bức tường tưởng niệm bằng đá cẩm thạch đen u ám ở thủ đô của nước Mỹ với tên tuổi 58.272 người đã chết ở Việt Nam sẽ không thể bị quên lãng.
Những cái chết này nhắc cho chúng ta nhớ lại cảnh báo của George Santayana: "Những người không thể nhớ lại quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm". Lời răn của triết gia người Tây Ban Nha cho tới nay vẫn đúng khi các lực lượng của Mỹ đang tự sa lầy ở Trung Đông.
Hơn chục năm sau khi xâm lược Iraq, phần lớn người Mỹ thừa nhận rằng khu vực bạo lực kéo dài này là một bí ẩn vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta.
Sự tiến thoái lưỡng nan tương tự chúng ta từng phải đối mặt ở Việt Nam, nơi chúng ta cố gắng tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước chống lại đối thủ phi quy ước, một đối thủ không phải "con cờ" của Liên Xô hay Trung Quốc. Vậy mà cái gọi là "học thuyết domino" cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản phải bị chặn lại ở Việt Nam vẫn cứ được lan truyền nhanh chóng.
Hình ảnh trực thăng Mỹ di tản khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 được sử dụng trong bài viết của Miller.
Cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia James Webb đã hoàn toàn đúng khi nói sẽ luôn luôn tồn tại một bức tường giữa những người từng phục vụ ở Việt Nam và những người chưa từng ở đó.
James Webb từng phục vụ ở Việt Nam với tư cách là trung đội trưởng một đơn vị thủy quân lục chiến. Sau đó, Webb làm trợ lý bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh trong chính quyền Reagan, rồi Bộ trưởng Hải quân.
Webb tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và tình nguyện tham gia Thủy quân lục chiến, nơi mà có tới 73% binh sĩ tử trận ở Việt Nam là quân tình nguyện!
Cựu binh Việt Nam này từng nói: "Điều mỉa mai đối với Thế hệ Vĩ đại nhất là từng làm việc tại đây. Hãy để chúng tôi quên đi rằng thế hệ trong Thế chiến II đang được tôn vinh cũng chính là những người đã đưa chúng tôi đến với chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến bị phản đối rộng rãi..."
Alan Miller cho biết ông muốn chia sẻ suy nghĩ của Webb cho những kẻ diều hâu ủng hộ chiến tranh cũng như những ai đã bị cử đi chiến đấu và chết.
Bức tường tưởng niệm bằng cẩm thạch đen ở Washington
Theo Miller, lẽ ra có thể tránh được cơn ác mộng Việt Nam. Năm 1963, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Robert McNamara đã đề nghị Tổng thống John F. Kennedy rút các cố vấn quân sự. Mỹ đã làm thế cho tới khi xảy ra cuộc đảo chính ở Sài Gòn dẫn tới cái chết của Ngô Đình Diệm.
Ngay sau khi Kennedy bị ám sát, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã điều nửa triệu quân Mỹ tới Việt Nam.
Trước cuối năm 1965, McNamara đã nhận ra đây là cuộc chiến tranh không thể thắng nhưng vẫn một mực bảo vệ quan điểm cho tới khi từ chức năm 1968, lúc mà số binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam lên tới 25.000 người.
Năm 1971 là năm mà nước Mỹ chia rẽ sâu sắc với các cuộc biểu tình, những phát hiện về sự dối trá của chính quyền. Một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ đã cho công bố tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho thấy ngay từ giữa những năm 1960, giới lãnh đạo dân sự và quân đội Mỹ đã nhận thấy cuộc chiến ở Việt Nam về cơ bản là thất bại thế nhưng họ vẫn tiếp tục cử lực lượng Mỹ đến đánh nhau và chết.
Ngày 22/4/1971, ông John Kerry (hiện là Ngoại trưởng Mỹ), một cựu binh hải quân trở thành nhà hoạt động phản chiến, ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ông Kerry đặt câu hỏi: "Làm thế nào để có thể yêu cầu một người đàn ông trở thành người cuối cùng chết ở Việt Nam? Làm thế nào để đòi hỏi một người đàn ông chết cho sai lầm?".
Nhưng cũng phải mất gần 4 năm và thêm vô số cái chết nữa Tổng thống Gerald Ford mới chịu thừa nhận và yêu cầu người Mỹ rút khỏi Sài Gòn.
Bảo Minh
Theo_Báo Đất Việt
Nepal nhọc nhằn gượng dậy từ đổ nát Hôm 2-5, một tuần sau khi xảy ra trận đại địa chấn ở Nepal. Nhịp sống ở thủ đô Kathmandu đang dần dần trở lại. Tuy nhiên đường sá rất vắng vẻ so với bình thường bởi số lượng người di tản quá lớn. Số người ở tạm tại các lều lán tạm bợ tại các bãi đất trống vẫn còn nhiều, tuy...