“Ác mộng” vay tiền qua App
Thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh là những ưu điểm mà hình thức cho vay qua ứng dụng điện thoại (App) đang dùng để lôi kéo người vay. Nhưng song hành với đó là khoản lãi khổng lồ phải trả, những lời đe dọa, phỉ báng nếu không trả đúng hạn.
Các website, ứng dụng cho vay trực tuyến rất sẵn trên internet. Ảnh: Thanh Hải
“Thòng lọng” trên cổ người vay
Nói về tình trạng của mình tại thời điểm này sau một thời gian vay tiền qua App, chị Lê Ngọc Hân (quận Ba Đình, Hà Nội) cay đắng thừa nhận hoàn toàn bế tắc. Với mức vay khởi điểm chỉ có 1 triệu đồng nhưng chỉ chưa đầy 5 tháng sau, tổng số nợ mà chị phải trả lên tới xấp xỉ 50 triệu đồng, con số quá lớn và vượt ngoài khả năng của một lao động thời vụ.
Theo chị Hân, vào đầu tháng 1/2020 vừa qua, do công việc không ổn định, để có tiền trang trải cho cuộc sống thường ngày, chị Hân đã tìm đến App cho vay được quảng cáo trên mạng. Với số tiền vay lần đầu chỉ là 1 triệu đồng và được trả đúng hạn nên hạn mức vay của chị tăng dần lên 3 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu từ thời điểm chị không trả đúng hạn khoản vay 5 triệu đồng. Để có tiền trả nợ, chị Hân đã liên tục vay tiền từ hơn 20 App khác nhau để gán khoản này cho khoản kia và giờ đây tổng số tiền mà chị bắt buộc phải trả đã gấp gần 50 lần con số ban đầu.
Những nạn nhân phải gánh một khoản nợ khổng lồ sau quãng thời gian ngắn vay tiền qua App như chị Hân không phải là hiếm, bởi dịch vụ này rất phổ biến và dễ dàng tìm thấy chỉ với vài thao tác trên mạng. Có thể kể đến những App khá phổ biến trên Google Play hoặc Appstore dành cho điện thoại như: DoctorDong, Scash, Atome, VĐồng, Bagang … Điểm chung của những App này là dễ sử dụng, thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, đồng thời quá trình giải ngân khoản vay cũng khá nhanh chóng từ 1 – 2 ngày sau khi xác nhận từ bên cho vay.
Với những người tham gia vay tiền lần đầu, số tiền vay thường chỉ được giới hạn từ 3 triệu đồng trở xuống, nếu trả đúng hạn, hạn mức này sẽ được tăng dần lên. Tuy nhiên, người vay sẽ không được nhận đầy đủ số tiền mình vay mà phải cắt lại một khoản gọi là phí dịch vụ. Cụ thể, nếu vay 1,5 triệu đồng, người vay sẽ chỉ cầm về từ 900.000 – 1.000.000 đồng nhưng khi trả vẫn phải trả đủ 1,5 triệu đồng. Thời gian phải trả thường là trong 1 tuần, nếu trả chậm sẽ tính lãi suất khoảng 5%/ngày, tương đương với 150%/tháng.
Và khi người vay không trả đúng hạn, “cơn ác mộng” sẽ thực sự bắt đầu. Theo lời nhiều nạn nhân kể lại, lúc này, thủ đoạn được các tổ chức đứng sau những App cho vay này áp dụng là hướng người vay đi vay của các App khác (thường thuộc sở hữu của chung một đơn vị) để trả cho khoản nợ hiện tại. Và cứ theo vòng xoáy này, số tiền nợ ban đầu không những không trả hết được mà còn tăng theo cấp số nhân chỉ trong một quãng thời gian ngắn.
Video đang HOT
Khi số tiền đã vượt quá khả năng hoàn trả, người vay sẽ liên tục bị các tổ chức cho vay “khủng bố” tinh thần bằng nhiều phương thức khác nhau. Có thể kể đến như gọi điện gây sức ép với người thân hoặc đồng nghiệp, bêu riếu trên mạng xã hội bằng những thông tin sai lệch, xúc phạm tới nhân phẩm người vay… Điển hình cho việc không thể chịu được sức ép từ những thủ đoạn trên là chị Phạm Thị Tuyết Mai (Tiền Giang) đã từng uống thuốc sâu để tự tử nhưng không thành sau khi bị truy đòi quá gắt gao từ các App vay tiền.
Vay tiền qua App là tín dụng đen
Khi nói về tình trạng cho vay qua App có lãi suất “cắt cổ” đang khiến nhiều người lâm vào cảnh cùng cực, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng đây là một dạng của tín dụng đen. Với việc hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, gồm nhiều thủ đoạn đa dạng, có mặt ở hầu hết các địa phương, tín dụng đen cũng là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Trên thực tế, ngay trong nửa đầu 2020, cơ quan công an đã tổ chức nhiều chuyên án nhằm nhằm triệt phá các tổ chức tín dụng đen nói chung cũng như các tổ chức vận hành các App vay tiền nói riêng. Có thể kể đến như vụ Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh phanh phui ổ nhóm gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc điều hành các App vay tiền “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với lãi suất lên đến 90%/tháng. Được biết, mặc dù mới chỉ hoạt động được 6 tháng nhưng những đối tượng trên đã nắm trong tay hồ sơ vay vốn của 60.000 người với số tiền 100 tỷ đồng và đã thu lời hàng chục tỷ đồng.
Cũng từ trường hợp nói trên có thể thấy, không giống như đa phần mô hình tội phạm của tín dụng đen, App cho vay còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn khi xuất hiện yếu tố nước ngoài, hay nói cách khác là có tính chất của tội phạm xuyên biên giới. Có thể nhận thấy, phần lớn các App vay tiền hiện đang hoạt động tại Việt Nam đều có bóng dáng của DN Trung Quốc. Những đối tượng này thường núp bóng DN trong nước và thuê người Việt để vận hành các App có sẵn nhằm tiếp cận người cần vay tiền, sau đó lợi nhuận sẽ được chuyển ngược trở lại Trung Quốc.
Theo một chuyên gia trong ngành công nghệ tài chính, sau một thời gian bùng nổ, vay tiền qua App đã bị Trung Quốc siết chặt quản lý, do đó nhiều tổ chức dạng này đã chuyển sang hoạt động tại Việt Nam. Ước chừng hiện có khoảng hơn 60 DN Trung Quốc đang vận hành các App vay tiền tại Việt Nam với vỏ bọc là DN trong nước. Với cách thức hoạt động có hơi hướng của “xã hội đen” như hiện nay, các App vay tiền dạng này đã và đang gây ra nhiều phản cảm cho người dùng, trực tiếp ảnh hưởng đến mô hình cho vay ngang hàng vốn đang có dấu hiệu phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhằm hạn chế tình trạng biến tướng như cho vay qua App hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng. Động thái này được đánh giá là rất cần thiết để tạo dựng tính pháp lý mô hình cho vay có ứng dụng công nghệ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người đi vay.
Về bản chất, mô hình cho vay qua App là rất tiện lợi đang được triển khai thành công tại nhiều quốc gia như Mỹ hay Nhật Bản. Hoạt động này hỗ trợ người vay nhanh chóng, thích hợp với những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên trên thực tế, vay qua App đang bị biến tướng thành tín dụng đen với khoản lãi vay có thể lên tới trên 1.000%/năm. Chính vì vậy, mô hình này cần có sự giám sát kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của loại hình cho vay ngang hàng đang còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam cũng như bảo đảm quyền lợi cho người vay. – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng
Cảnh giác với tín dụng đen thời công nghệ cao
Với sự phát triển của công nghệ đã nở rộ loại hình 'tín dụng đen' mới - cho vay trực tuyến qua mạng internet, gây nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội.
Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần cài đặt app trên điện thoại thông minh, cung cấp CMT, danh bạ điện thoại, người vay dễ dàng vay được cả chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng hệ lụy đằng sau là lãi suất cắt cổ lên tới cả nghìn % một năm, bị khủng bố điện thoại ngày đêm khi không trả nợ đúng hạn, ảnh hưởng đến cả người thân và gia đình, nhiều người thậm chí đã tìm đến cái chết.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, tình trạng cho vay và khủng bố qua mạng đang là một vấn đề mà các cơ quan chức năng rất khó xử lý. Bởi thường rất khó xác định, định danh được những cá nhân, tổ chức cụ thể, những dữ liệu điện tử; nhiều lúc các nạn nhân không biết cách để thu thập lại thông tin, để chứng minh cho những yêu cầu của mình. Điều này đang để lại những hệ lụy xấu cho người dân, quan trọng hơn đó là làm cho môi trường thương mại điện tử trong sạch không thể phát triển nổi.
Lỡ "đụng" vào các app vay tiền nhanh là người dùng đã rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen"
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen qua app, có đường dây với số lượng khách hàng lên đến cả nghìn người. Kẻ cầm đầu là người trong nước và có cả người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc.
Theo Luật sư Truyền, mô hình cho vay qua app phát triển khá mạnh ở Trung Quốc và sau đó đã bị chính quyền và pháp luật nước sở tại xử lý một cách quyết liệt vào năm 2018-2019. Các đối tượng này đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng như: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia,...
"Tại Việt Nam chưa có một thống kê cụ thể nào về việc có bao nhiêu app, công ty, tổ chức, cá nhân có chủ sở hữu là người nước ngoài. Điều này gây ra sự nguy hiểm đối với an ninh tiền tệ của nước ta, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và đặc biệt là đối với người dân nghèo yếu thế khó tiếp cận được với những nguồn tài chính minh bạch" - ông Truyền nói.
Thực tế cho thấy vẫn còn những khoảng trống pháp lý, là cơ sở để nạn tín dụng đen tiếp tục hoành hành. Theo pháp luật Việt Nam, lãi suất tối đa được quy định là 20%/năm. Căn cứ theo điều 201 BLHS năm 2015, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định thì có thể bị xem xét xử lý về tội cho vay nặng lãi.
"Các đối tượng khi cho vay thường áp đặt nhiều loại phí khác nhau, đặc biệt họ lơi dụng mô hình B2B - cho vay ngang hàng để cung cấp dịch vụ tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Đặc biệt là ở Việt Nam hiện tại chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý nào cho mô hình vay ngang hàng như vậy." - Luật sư Truyền phân tích.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
Đáng lo ngại có những tổ chức, đường dây núp dưới danh nghĩa là công ty tài chính, tư vấn tài chính đã được cấp phép, lợi dụng hình thức cho vay ngang hàng để đánh lừa người dân và qua mặt cơ quan chức năng.
Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, chúng ta đã tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi làm ăn, kinh doanh, nhưng việc kiểm tra giám sát sau đó của các cơ quan chức năng hầu như đang bị buông lỏng, thiếu sự quản lý đồng bộ, mang tính hình thức. Hiện nay, chưa có một chế tài đầy đủ, hình thức quản trị triệt để nào để kiểm soát hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp này.
Với sự nở rộ và ngày càng phức tạp của hoạt động tín dụng đen, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giải pháp trước mắt đó là người dân cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi chấp nhận giao dịch.
"Nếu bất kì app, phần mềm, công ty nào đưa ra những điều kiện mập mờ, thì chúng ta cần phải từ chối ngay việc giao dịch với các app như vậy"- ông Truyền lưu ý.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, những chế tài xử lý phù hợp. Theo đó cần phải sớm có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an để ra được một Thông tư, văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật có thể xây dựng một cách nhanh nhất, bảo đảm đáp ứng được tình hình hiện nay, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 khi mà nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao.
Trong khi tín dụng đen theo hình thức cho vay trực tiếp đang càn quét nhiều vùng quê chưa được kiểm soát hiệu quả, thì thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ đã nở rộ loại hình tín dụng đen mới - cho vay trực tuyến, qua mạng internet. Thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng đã khiến cho con nợ sập bẫy với lãi suất lên tới cả nghìn phần trăm một năm và gây ra nhiều hệ lụy to lớn./.
Bị 'khủng bố' vì vướng phải app vay tiền Lâm vào cảnh túng quẫn, nhiều bạn trẻ 'làm liều' nhấn tay vào các app cho vay tiền trên internet để mong mượn được ít tiền trả nợ... Một số hình ảnh người trẻ bị "khủng bố" tin nhắn từ các app cho vay lãi cao - NVCC Ai ngờ, họ đã nhấn phải các "chủ nợ" cho vay nặng lãi, và thế...