à Lạt những bông hoa mãi nở
Hai bản sắc rõ nhất của Đà Lạt mà đã tới là phải nhớ và về thì rất lâu quên, là dốc, những con ngõ dốc, và hoa.
Nhiều nơi có dốc chứ chả riêng gì Đà Lạt. Phàm là các thành phố ở miền núi thì phải có dốc. Sa Pa, Tam Đảo, Gia Nghĩa, Hà Giang, Sơn La… và Pleiku nơi tôi đang sống, đều dốc. Là tôi kể bất chợt thế. Nhưng dốc trở thành ký ức, trở thành dấu ấn, thành nơi để thỏa mãn thú tò mò, thú quan sát, trở thành địa điểm du lịch, tham quan và check in, tức thành đặc sản… thì chỉ có Đà Lạt.
Ảnh: V.Trang |
Tôi từng có những buổi lẵng nhẵng đi theo anh chàng nhiếp ảnh lãng tử của Đà Lạt, một “sản vật” Đà Lạt, chết danh Phước “khùng”, ngoắt ngoéo theo những con dốc ngõ ấy. Ngay ngôi nhà của cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm bạn tôi, lần đầu tôi đến, nhớ là cũng phải leo một con dốc khá cao mới lên.
Trước khi là dốc ngõ đẹp, nó là thử thách.
Từng ở Pleiku đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi đã nếm đòn… không có nước sinh hoạt khi ở trên đầu những con dốc. Thời ấy nước chưa có như bây giờ, một tuần chảy một lần, lên tới đỉnh dốc là nước rất yếu. Phải sắm rất nhiều phuy, chum, vại, xoong, chậu… để trữ nước, chứ đừng mơ nước lên nóc nhà như bây giờ.
Để thấy, người Đà Lạt đã rất kiên định khi cương quyết giữ những ngoắt ngoéo dốc bản sắc Đà Lạt chứ không chỗ thấp thì đổ cho cao, chỗ cao thì san cho bằng như một số đô thị miền núi, trong đó có Pleiku. Không vì tiện lợi cho sinh hoạt trước mắt mà phá vỡ đặc ân của trời cho, mà cũng là thử thách của trời đối với con người trước khi đến với thiên đường của cái đẹp.
Và gì, nó không chỉ là dốc, là ngõ, là nhấp nhô, là nhà… mà là những… bất ngờ.
Những cái đẹp bất ngờ ở những con dốc ấy đợi ta.
Video đang HOT
Nó là những cái ban công rất đẹp, treo, trồng đầy hoa và cây xanh.
Là những ngôi nhà kiến trúc rất hợp với cảnh quan. Nó không đều tăm tắp ống, chằn chặn vuông thành sắc cạnh bê tông, lạnh lẽo và vô cảm những cửa sắt kéo hoặc cuốn… nó, mỗi góc, mỗi cạnh, mỗi nhô ra thụt vào… là một thế giới thắc thỏm, là một hơi thở, là một mỉm cười, là một hụt hơi, là một hồi hộp, là một mời gọi, là một sinh thể đầy sức sống chào ta đón ta, để ta vỡ òa trong hân hoan phát hiện và bất ngờ…
Nó làm Đà Lạt sinh động lên từ chính sắt thép xi măng mà nơi nào cũng có, nhưng đến Đà Lạt, nó thành… Đà Lạt. Một Đà Lạt màu sắc mà không phô phang sặc sỡ, một Đà Lạt thâm trầm mà không ngái ngủ, một Đà Lạt tinh khôi mà không mới kiểu vôi ve, một Đà Lạt chậm nhưng vẫn đô hội, Đà Lạt đến để thụ hưởng, để thư giãn, để chiêm ngắm, để yêu nhau và cả yêu… mình.
Đêm Đà Lạt, những ly cà phê, những giọng ca từ một quán Trịnh, và không chỉ Trịnh, giờ đây Đà Lạt còn là một thành phố của âm nhạc. Cố tình co ro trong tà áo len mỏng, ta tận hưởng Đà Lạt, cũng chính là tận hưởng mình.
Một thời Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố không có đèn giao thông, nhưng té ra, cũng khó mà cưỡng sự phát triển, nên đành.
Cũng như thế, một thời nhà kính Đà Lạt cũng là đặc sản, cũng là nơi khách du lịch tham quan, nhưng giờ, nghe nói nó cũng là tác nhân gây biến đổi khí hậu Đà Lạt.
Nhưng Đà Lạt còn hoa.
Nói gì thì nói, Đà Lạt vẫn là, luôn là, mãi là, thủ phủ hoa.
Thì như trên tôi viết, thực ra, nếu chỉ những con dốc vô hồn, những góc nhà trơ lạnh, những khúc quanh khô khốc… thì chả có gì đáng nói. Người Đà Lạt, từ trong máu, họ đã yêu hoa và biết cách dùng hoa trang trí. Vậy nên bất cứ chỗ nào có thể, họ đều mời hoa ngự lên. Nên các góc nhà, ban công nhà, cửa sổ, cửa chính nhà, bậc thềm nhà… họ đều khéo léo trưng hoa lên đấy. Và trưng rất nghệ thuật chứ không phải được chăng hay chớ. Có chỗ đầy dụng ý, cầu kỳ tới từng dáng cong của lá hoa, có nơi thì lại như lơ đãng, như tiện thể, quăng ra đấy, vứt lên đấy… những chậu, những nhánh, những cành… nhưng nó lại vô cùng hòa hợp với khung cảnh xung quanh, nó khiến ta mê mẩn, ta bất ngờ và ta rưng rưng.
Là thành phố đầu tiên tổ chức Festival Hoa, tới giờ đấy vẫn là thương hiệu của xứ này. Bây giờ người ta tổ chức nhiều thứ festival, từ chiêng cồng, thổ cẩm tới tôm cua, lúa gạo, nhưng tôi thấy, cái Festival hoa nó vẫn thanh cao, tao nhã, văn hóa và trữ tình nhất. Nó tôn con người, nó làm sang cho cái thành phố nó thể hiện và biết cách dùng nó thể hiện. Nó biến Đà Lạt thành một thành phố độc đáo, hết sức độc đáo, không nơi nào có dẫu họ cũng có dốc, có hoa, có mưa, có lạnh nữa.
Thì ra, nó lại còn là con người. Những con người Đà Lạt, dẫu gốc ở đấy hay mới tới định cư, mới trở thành người Đà Lạt.
Thì đã bảo, người Đà Lạt rất yêu hoa và biết cách yêu hoa. Họ yêu hoa từ trong máu, từ trong hơi thở, như một lẽ đương nhiên, không cầu kỳ, không thể hiện.
Thì cứ nhìn những ngôi nhà, những khối bê tông cũng xù xì như các khối bê tông khác, nhưng ở xứ mưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt này, thì còn cần bê tông kỹ hơn nữa. Rồi những bậc tam cấp rất dài rất rộng để từ phố này có thể nối sang phố kia, rồi những khúc quanh đầy đá… nếu không có hoa, có cây xanh, không biết bày nó, thì nó sẽ như thế nào, mà mưa thì xám thế, mà trời thì lạnh thế, mà sương mù thế…
Như thể, con người Đà Lạt sinh ra là để chăm sóc hoa, sử dụng hoa, nâng niu hoa và đặt hoa đúng vị trí của nó. Và cũng ngược lại, hoa sinh ra là để dành cho người Đà Lạt.
Một thứ nữa, Đà Lạt cũng làm được, giữ được mà các nơi khác rất khó, là rừng trong phố.
Nhiều tỉnh cao nguyên, nhiều thành phố có núi, có rừng muốn điều này mà không được.
Tất nhiên Đà Lạt cũng đã mất nhiều. Nhưng những gì còn, nó vẫn xứng đáng được gọi là rừng, rừng trong phố và rừng làm nên đặc trưng phố. Phố Đà Lạt có rừng, có dốc và có hồ.
Năm 2007, có một người tới đất này, đi một mình, để rồi “Đà Lạt hoa sương muối/ em lang thang giấc ngủ không dầy/ vân vi cúi mặt nhìn mây/ tìm may mắn giữa hằng hà sa số…/ không tìm ra nhau/ không may mắn/ bao nhiêu tưởng tượng như mây/bồi hồi ngọn thông cao vút/ chẳng lẽ mình mãi mãi lạc nhau?… nở lại đi bông hoa dại ven đường/ cỏ Đà Lạt xanh mềm thiếu nữ…”.
Vâng, cỏ Đà Lạt cứ mãi xanh và hoa Đà Lạt mãi nở, phố Đà Lạt luôn mềm và những con người vẫn hết sức đáng yêu.
Du lịch và "cánh cửa" điện ảnh
Tại nhiều quốc gia, sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn.
Là một quốc gia sở hữu những cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ấn tượng và bản sắc văn hóa phong phú đa dạng, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch ở nước ta hiện nay vẫn khá dè dặt và còn không ít những hạn chế, bất cập.
Ngôi nhà bối cảnh trong phim "Chuyện của Pao" thu hút đông khách du lịch tìm đến. |
Điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền đến với công chúng, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều địa điểm là bối cảnh trong tác phẩm điện ảnh đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến. Tiêu biểu thời gian qua có thể kể đến lượng khách ồ ạt đổ về "Nhà của Pao" ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang sau thành công của bộ phim "Chuyện của Pao"; hay việc gia tăng đột biến số lượng du khách đến với quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) ngay khi phim "Kong Skull Island" ra mắt năm 2017. Tại các địa danh ít được biết đến như ngôi làng Đo Đo ở xã Bình Quế (Thăng Bình, Quảng Nam) cũng trở nên nổi tiếng, được nhiều người tìm đến trải nghiệm sau khi bộ phim "Mắt biếc" công chiếu. Mới đây, bối cảnh xuất hiện trong các bộ phim "Tết ở làng Địa Ngục", "Kẻ ăn hồn" cũng được khán giả săn tìm và đến thăm, đó là làng Sảo Há, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Là quốc gia sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên ấn tượng và bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng nhưng so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam chưa thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các đoàn làm phim nước ngoài, thậm chí ngay chính các đoàn làm phim trong nước cũng vấp phải không ít rào cản. Tiềm năng du lịch của nhiều vùng chưa được các nhà làm phim "đánh thức" và khai thác một cách hiệu quả. Từ đây đặt ra vấn đề: Các địa phương đã sẵn sàng mời gọi, "trải thảm đỏ" đón các nhà làm phim trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi? Không ít đoàn làm phim đi tìm bối cảnh tại các địa phương song gặp phải sự kém mặn mà của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng. Cùng với đó họ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà, chồng chéo và những quy định hành chính cứng nhắc, mất thời gian, làm gia tăng đáng kể chi phí, khiến dự án làm phim bị chậm tiến độ, đội vốn.
Từ đây, những kế hoạch vốn rất thiện chí của đoàn làm phim không thể thực hiện. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia những giấy phép con hiện nay là một nguyên nhân khiến nhiều đoàn làm phim trong nước cũng như nước ngoài thấy nản, chấp nhận bỏ cuộc. Đây là điều rất đáng tiếc.
Tất nhiên, cũng cần thừa nhận một thực tế, đó là trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, một số đoàn làm phim hành xử chưa phù hợp lối sống, văn hóa bản địa, không hoàn trả mặt bằng sau khi kết thúc cảnh quay, xâm hại cơ sở vật chất, cảnh quan tại di tích cũng như danh lam thắng cảnh,... Cách đây ít lâu, một đoàn làm phim tự ý tô vẽ giếng cổ trong khuôn viên ngôi đình Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) đã được xếp hạng di tích quốc gia khiến người dân bức xúc, chính quyền phải vào cuộc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thờ ơ của nhiều địa phương với đoàn làm phim là bởi suốt một thời gian dài, điện ảnh Việt Nam hoạt động theo hình thức bao cấp từ khâu sản xuất đến khâu phát hành. Do đó, các nhà làm phim cũng như các địa phương đều chưa quan tâm nhiều đến yếu tố thị trường, cũng như quảng bá du lịch thông qua tác phẩm điện ảnh. Song khi bước vào cơ chế thị trường, cùng với các hãng phim của Nhà nước (từng bước được cổ phần hóa), điện ảnh ngày càng có sự góp mặt đông đảo của giới làm phim tư nhân, mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng. Những bộ phim được thị trường đón nhận góp phần kích cầu du lịch, thúc đẩy kinh tế cho địa phương.
Nhằm tháo gỡ phần nào vướng mắc hiện nay liên quan vấn đề này, năm 2023 Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) chính thức công bố Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (Production Attraction Index-PAI) với mục tiêu đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương, mở cánh cửa mời đoàn làm phim tìm đến. PAI được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí, gồm: Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có. Nhà làm phim Ấn Độ-Rahul Sudesh Bali đánh giá cao Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim vì theo ông, "thông tin của PAI giúp chúng tôi hiểu thêm về những ưu đãi, hỗ trợ đoàn quay phim của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Tôi nghĩ các thành phố khác của Việt Nam nên phối hợp VFDA tham gia PAI. Như vậy, điện ảnh của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn".
Ngay khi công bố PAI, 10 địa phương đã đăng ký tham gia, một trong số đó là Phú Yên - địa phương có sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ nhờ sự lan tỏa từ tác phẩm điện ảnh. Lượng du khách đến với Phú Yên tăng mạnh từ 750.000 lượt khách năm 2014 tăng lên 1,8 triệu lượt khách năm 2019, doanh thu 2.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với trước khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ ra mắt. Phú Yên cũng đang đứng đầu bảng xếp hạng PAI. 9 tỉnh, thành phố khác cũng nhiệt tình tham gia PAI là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Kạn và Cần Thơ. Tuy chưa tham gia PAI nhưng Lâm Đồng cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng nơi đây như một phim trường hấp dẫn các đoàn làm phim, từ đó kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Chỉ riêng năm 2022, địa phương này đã đón và tạo điều kiện cho 130 đoàn làm phim chọn bối cảnh. Việc cấp phép cho đoàn làm phim chỉ mất hai ngày; cảnh quay sử dụng bối cảnh tại địa phương hoàn toàn không bị thu phí.
Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... đã phát huy rất tốt việc quảng bá thương hiệu quốc gia, phát triển du lịch thông qua phim ảnh, các show truyền hình. Đây là hướng đi hiệu quả cần học tập, nhất là với những tiềm năng sẵn có mà chúng ta chưa khai thác hết, nhưng cũng đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các nhà quản lý, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ngành du lịch và điện ảnh. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim. Thậm chí, chính quyền có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, "khoe" được những nét đặc sắc của địa phương. Tạo điều kiện cho nhà làm phim nói riêng, hoạt động văn hóa nói chung sẽ mở cánh cửa để quảng bá cho địa phương, thu hút khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng, miền, từ đó góp phần xây dựng thành công thương hiệu của quốc gia.
Du khách ưu tiên chọn du lịch xanh Xu hướng du lịch xanh, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Nhấn mạnh tại diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 12-4 với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước...