9 tháng ngân hàng VIB lãi trước thuế 1.720 tỷ đồng
Nhờ mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng 58%, kiểm soát tốt chi phí, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.720 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng trưởng 176% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ xấu hiện chiếm khoảng 2.380 tỷ đồng.
Cập nhật kết quả kinh doanh từ VIB cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng lần lượt 50% và 37%. Trong đó, thu nhập ngoài lãi hiện chiếm 16% trong tổng doanh thu và đang có xu hướng tăng tích cực. Hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) giảm mạnh từ 57% năm 2017 xuống còn 48%.
Chi phí dự phòng trong 9 tháng duy trì ở mức thấp và từ cuối tháng 7/2018, VIB đã tất toán hết các dư nợ trái phiếu ở VAMC.
Lợi nhuận trước thuế tính chung 9 tháng đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB đạt 19,4%.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của ngân hàng VIB tăng thêm 8% so với hồi đầu năm lên mức hơn 132.500 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 95.200 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 89.200 tỷ, tăng lần lượt 13,1% và 14,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,5% trên tổng dư nợ, cao hơn mức 2,33% hồi giữa năm và số nợ xấu khoảng 2.380 tỷ đồng.
Hệ số an toàn vốn (CAR) đang ở mức 12,4%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 38,2% so với quy định hiện tại là 45%.
Với kết quả này cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý 3 của VIB đạt khoảng 569 tỷ đồng và liên tục tăng đột biến trong các quý gần đây do các nguồn thu nhập tăng mạnh và quản lý chi phí hiệu quả.
Trong đó, chỉ riêng trong quý 3/2018 tín dụng của ngân hàng tăng trưởng tới 4,16% so với quý trước.
Theo lý giải của VIB, thời gian qua ngân hàng này đã tập trung đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ theo chiến lược chuyển đổi kinh doanh trong 2 năm qua, nhờ đó, doanh thu từ ngân hàng bán lẻ 9 tháng đầu năm đã tăng 92% so với cùng kỳ. Cụ thể, dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB hiện nay đạt trên 67.400 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Thị phần cho vay mua ô tô của VIB hiện chiếm hơn 25% của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, hoạt động kết hợp phân phối bảo hiểm (bancassurance) đã giúp VIB vươn lên top 3 thị phần toàn thị trường, với doanh số bán mới bảo hiểm tăng 202% so với cùng kỳ năm 2017.
Video đang HOT
Hoạt động thẻ cũng phát triển mạnh với số lượng thẻ tín dụng tăng 84% so với cùng kỳ và tổng chi tiêu thẻ tín dụng quý 3 năm 2018 tăng 214% so với quý 3 năm 2017…
Ngân hàng VIB hiện đã hoàn tất các chuẩn của Basel II và đang chờ NHNN chấp thuận để vận hành Basel II từ ngày 01/01/2019.
“Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIB thời gian qua cũng gây “sốc” trên sàn HNX khi tăng hơn 100% lên mức đỉnh 40.000 đồng/CP vào giữa tháng 4/2018. Tuy nhiên từ đó đến nay, giá VIB liên tục sụt giảm mạnh, có thời điểm về mức thấp nhất ghi nhận là 23.000 đồng/CP và hồi phục quanh lên mức giá hiện tại 27.000 đồng/CP. Thanh khoản giao dịch mã VIB thời gian qua cũng duy trì ở mức thấp so với các mã ngân hàng khác, chỉ vài trăm nghìn cổ phiếu.
Được biết, năm 2018 VIB có kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang Hose song đến nay, ngân hàng chưa có thông tin chi tiết về thời điểm lên sàn cũng như hé lộ mức giá chào sàn.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ từ mức 5.644 tỷ đồng hiện nay lên 7.834 tỷ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông 2018 của ngân hàng thông qua. Theo đó, VIB sẽ phát hành và chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư các quỹ, và lợi nhuận để lại với tỷ lệ 36% trong đó 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu.
Đến ngày 15/10/2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu và hồ sơ niêm yết trái phiếu tại nước ngoài của VIB.
Theo thuonggiaonline.vn
Thực hư cuộc đua lãi suất tiền gửi của các 'ông lớn' ngân hàng
Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước vẫn thuộc nhóm thấp nhất thị trường, trừ những ngân hàng mà vì một vài lý do cụ thể cũng có lãi suất huy động khá thấp.
* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, một chuyên gia tài chính từng làm việc nhiều năm ở Singapore, Nhật Bản.
Chạy theo xu hướng hơn là dẫn dắt
4 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn Nhà nước gần đây đã điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất huy động áp dụng cho nhiều kỳ hạn.
Điển hình là Agribank đã điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khoảng 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm.
Tương tự, Vietcombank vốn khá "bảo thủ" với lãi suất, cũng đã phải tham gia cuộc chơi, điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Trước đó, VietinBank và BIDV đã sớm tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Kết quả là lãi suất của 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước thậm chí còn cao hơn một số ngân hàng khác ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, ở kỳ hạn 1 đến 6 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,5%-5,5%/năm, cao hơn đáng kể so với LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,1%-5,1%/năm.
Với những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất của những "ông lớn" ngân hàng này (trừ Vietcombank) cũng đều tiệm cận hoặc thậm chí là nhỉnh hơn của một số ngân hàng TMCP tư nhân như Eximbank, LienVietPostBank, MBBank, Techcombank, và TPBank (xem bảng).
Điều này làm cho nhiều người nhìn nhận rằng sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, với vai trò "kim chỉ nam" cho các ngân hàng nhỏ, đã và sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn là vậy. Trước tiên, cần lưu ý rằng 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước mới chỉ điều chỉnh (đáng kể) lãi suất tiền gửi gần đây, sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất từ trước đó vài tháng.
Nói cách khác, sự điều chỉnh tăng lên về lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, chỉ là sự chạy theo xu hướng, chứ không phải dẫn đầu, định hướng cho các ngân hàng TMCP tư nhân khác.
Áp lực chạy đua lãi suất ở ngân hàng tư nhân ra sao?
Hãy xem lý do đằng sau việc một số ngân hàng tư nhân lại không dẫn đầu trong bảng lãi suất tiền gửi nếu so với các ông lớn có vốn Nhà nước.
Với LienVietPostBank, biểu lãi suất tiền gửi hiện tại đã được áp dụng từ 8/8, hơn 2 tháng trước khi nhiều ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất. Điều này chứng tỏ lãi suất của ngân hàng này không phải là kém cạnh tranh so với các ngân hàng khác tại thời điểm áp dụng.
Điều đáng nói là dư địa tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank năm 2018 đã không còn nhiều. Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã đạt tới 13,3% so với cuối năm 2017, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phép tối đa bị khống chế ở mức 14% cho cả năm nay (25% trong năm 2017).
Như vậy, rõ ràng là ngân hàng này không có nhiều áp lực phải chạy đua tăng lãi suất huy động để có thêm vốn đẩy mạnh cho vay nữa.
Với Eximbank, dù có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 12%, khá thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng 6 tháng đầu năm Eximbank tăng trưởng tín dụng âm 0,5%. Điều này chứng tỏ ngân hàng này có những khó khăn nhất định, hoặc có chiến lược không chú trọng vào việc đẩy mạnh cho vay. Nói cách khác, họ không có động cơ chạy đua nâng lãi suất để huy động thêm được nhiều vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tương tự, Techcombank có chiến lược chuyển từ cho vay trung - dài hạn sang cho vay ngắn hạn nên rõ ràng là nhu cầu huy động vốn trung - dài hạn sẽ phải giảm đi tương ứng. Theo đó, lãi suất huy động trung - dài hạn của ngân hàng này đã và sẽ ở mức tương đối thấp so với các đối thủ.
Techcombank không có áp lực lớn trong việc cạnh tranh lãi suất huy động.
Ảnh: Hoàng Hà.
Thêm nữa, nhà băng cũng tập trung vào xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết để đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ thế, ngân hàng đạt được tỷ lệ thu nhập ngoài lãi chiếm đến 41,7% tổng thu nhập trong nửa đầu năm 2018. Đây cũng là lý do Techcombank không có áp lực lớn trong việc cạnh tranh lãi suất huy động.
Một ngân hàng khác có lãi suất huy động tương đối thấp là MBBank. Lý do có thể bắt nguồn từ dư địa tăng trưởng tín dụng cũng không còn "xông xênh" trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã đạt 11% trong khi hạn mức tăng trưởng cả năm là 15%.
Hơn nữa, ngân hàng này có lợi thế lớn là luôn có nguồn vốn huy động có chi phí thấp. Ngoài ra, ngân hàng này từ giữa năm 2017 có một lượng vốn lớn đang phân bổ ở thị trường 2 có hiệu quả không cao, nên đã chuyển sang cho vay khách hàng trong năm nay. Những yếu tố này kết hợp với nhau làm cho MBBank không phải tích cực tham gia cuộc đua lãi suất như với các ngân hàng khác.
Cuối cùng là TPBank, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tới 14,5%. Trong khi đó, hạn mức tín dụng của ngân hàng chỉ là 15%. Điều này buộc ngân hàng phải giảm thiểu các hoạt động cho vay. Vì vậy, áp lực chạy đua nâng lãi suất huy động của ngân hàng này cũng được giảm bớt đi.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, trừ những ngân hàng mà vì một vài lý do cụ thể cũng đang có lãi suất huy động khá thấp.
Và do "ông lớn" ngân hàng cũng chỉ mới gia tăng sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất nên không thể kết luận được rằng nhóm này đang dẫn dắt thị trường và sẽ tiếp tục đẩy lãi suất lên cao trong thời gian tới.
Nói cách khác, lãi suất nếu có tăng trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục được dẫn đầu bởi các ngân hàng TMCP tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, yếu.
TS. Phan Minh Ngọc
Theo news.zing.vn
Giá vàng tiếp tục tăng Tiếp nối đà tăng từ phiên giao dịch trước đó, ngày 19/10, giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt tăng giá. Chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng trong nước ngày càng được nới rộng. Theo đó, mở cửa lúc 8h30 sáng ngày 19/10, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm...