9 hành vi bị cấm trong Luật Căn cước
Theo Luật Căn cước, sẽ có một số hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước…
Mới đây, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều. Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Theo Luật Căn cước, sẽ có một số hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thẻ căn cước, giấy chứng nhận (GCN) căn cước. Ngoài ra, khi đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước thì dãy số trên thẻ CCCD có bị thay đổi không là một trong những nội dung được bạn đọc quan tâm.
Có bắt buộc người từ đủ 14 tuổi trở lên phải làm thẻ căn cước?
Anh Trần Tuấn Lộc (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết anh đọc được một thông tin trên mạng xã hội liên quan đến Luật Căn cước nhưng không biết có chính xác không, đó là thông tin bắt buộc người từ đủ 14 tuổi trở lên phải làm thẻ căn cước.
“Theo quy định cũ thì người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước, đó chỉ là điều kiện cấp thẻ. Gần đây tôi đọc được thông tin công dân từ đủ 14 tuổi trở lên phải làm thẻ căn cước, nếu không làm tức là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Căn cước. Đây có phải là thông tin đúng không, Luật Căn cước quy định về những hành vi bị cấm như thế nào?” – anh Lộc thắc mắc.
Chị Bảo Ngọc (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng thông tin về những hành vi bị cấm như mua bán, làm giả, cầm cố CMND/CCCD trước đây chị đã biết. Nay đổi sang thẻ căn cước và có thêm GCN căn cước thì những hành vi bị cấm sẽ được quy định như thế nào?
Khi đổi sang thẻ căn cước thì không đổi số định danh (số trên thẻ CCCD). Ảnh: TM
“Ngoài những hành vi nghiêm cấm với người dân thì những người quản lý thông tin hay những người thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến căn cước có quy định hành vi bị nghiêm cấm không? Chẳng hạn như làm sai thông tin của người dân trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, làm người dân gặp khó khăn, dùng thông tin của người dân làm những việc vi phạm pháp luật…” – chị Ngọc nói.
Bên cạnh những hành vi bị nghiêm cấm, anh Nguyễn Linh Thiện (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thắc mắc việc đổi sang thẻ căn cước có làm thay đổi dãy số trên thẻ CCCD không?
Những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Căn cước
Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết so với quy định của Luật CCCD năm 2014, những hành vi bị nghiêm cấm của Luật Căn cước có một số thay đổi, bổ sung.
Đồng thời, những hành vi bị nghiêm cấm này không chỉ người dân mà ngay cả các cán bộ, những người tham gia vào công tác quản lý cũng như thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước cũng có quy định.
Cụ thể, Điều 7 Luật Căn cước quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, GCN căn cước trái quy định của pháp luật. Giữ thẻ căn cước, GCN căn cước trái quy định của pháp luật.
Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.
Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.
Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đã đủ 14 tuổi trở lên đối với công dân Việt Nam.
Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, GCN căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, GCN căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, GCN căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, GCN căn cước giả.
Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
“Từ những quy định trên có thể thấy không chỉ thẻ căn cước, CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, căn cước điện tử… có những quy định bị nghiêm cấm, mà ngay cả GCN căn cước cũng không ngoại lệ. Do đó, dù là công dân Việt Nam hay người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch… cũng cần tuân thủ các quy định của Luật Căn cước. Người dân không nên thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm vì bất kỳ lý do nào. Đặc biệt, với trẻ em đủ 14 tuổi buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước để tránh vi phạm pháp luật” – luật sư Trịnh Công Minh nói.
Đổi sang thẻ căn cước, số trên thẻ CCCD có bị thay đổi?
Hiện nay, số định danh cá nhân được xác lập từ CSDL quốc gia về dân cư của một công dân Việt Nam chính là dãy 12 số trên thẻ CCCD khi công dân được cấp thẻ CCCD.
Đồng thời, theo Điều 13 Nghị định 137/2015, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Theo Điều 12 Luật Căn cước, số định danh cá nhân của công dân Việt Nam cũng là dãy số tự nhiên gồm 12 số do CSDL quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.
Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam dùng để cấp thẻ căn cước…
Theo những quy định trên, khi đổi sang thẻ căn cước thì không đổi số định danh (số trên thẻ CCCD).
Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Trẻ sơ sinh được cấp căn cước như thế nào?
Luật Căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Vậy trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, quy trình cấp diễn ra như thế nào, có khả thi?
Luật Căn cước công dân đang có hiệu lực quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, kể từ 1.7.2024, khi luật Căn cước có hiệu lực và thay thế cho luật Căn cước công dân, thẻ căn cước công dân sẽ đổi tên thành thẻ căn cước, đối tượng được cấp thẻ cũng mở rộng, gồm cả người dưới 14 tuổi.
Trẻ sơ sinh được cấp căn cước như thế nào?
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: quy trình cấp thẻ căn cước đối với trẻ em dưới 14 tuổi diễn ra như thế nào, nhất là với trẻ sơ sinh thì liệu có khả thi?
Luật Căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho cả trẻ em dưới 14 tuổi. Ảnh TUYẾN PHAN
Không thu thập vân tay, mống mắt của trẻ dưới 6 tuổi
Luật Căn cước quy định rõ, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu chứ không bắt buộc. Quy trình cấp căn cước cho đối tượng này cũng được chia thành 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Khi có nhu cầu, trẻ em trong độ tuổi này sẽ cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt).
Tiếp đó, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho trẻ.
Sau khi thu nhận thông tin, cán bộ có thẩm quyền về quản lý căn cước sẽ in phiếu để người cần cấp thẻ kiểm tra, cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước theo quy định.
Trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Từ 1.7.2024, người dân được cấp căn cước điện tử
Nhóm thứ hai là dưới 6 tuổi. Khi có nhu cầu, người đại diện hợp pháp của trẻ trong độ tuổi này có thể thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Trường hợp trẻ chưa đăng ký khai sinh, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Đặc biệt, với trẻ em dưới 6 tuổi, cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Công an thu nhận thông tin về dấu vân tay để cấp thẻ căn cước công dân cho người dân. Ảnh PHÚC BÌNH
Vì sao cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi?
Quá trình xây dựng luật Căn cước, cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số quan điểm cho rằng quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí thực hiện; chưa kể trẻ em khi đăng ký khai sinh đã được cấp mã số định danh cá nhân, không cần có thêm thẻ căn cước...
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi (theo nhu cầu) là cần thiết. Bởi lẽ, với thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ vào thẻ, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong việc cấp các loại giấy tờ này.
Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi đảm bảo đơn giản, không phát sinh nhiều thủ tục hành chính, vì cơ bản các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý căn cước.
Cũng theo tính toán của Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo luật Căn cước, Việt Nam có khoảng 19 triệu công dân dưới 14 tuổi. Nếu tất cả trẻ được cấp thẻ căn cước thì sẽ tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng, thông qua việc không tốn chi phí cấp sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh...
Ở chiều ngược lại, để triển khai việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải điều chỉnh các quy định liên quan; tốn chi phí thu thập, cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu; tốn chi phí để sản xuất, in thẻ CCCD (khoảng 900 tỉ đồng)...
Có phải làm lại căn cước công dân sang thẻ căn cước mới? Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2024. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không biết rằng căn cước công dân còn hiệu lực có phải đi làm lại hay không. Sáng 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024). Với việc đổi tên...