9 căn bệnh dễ mắc do ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm như hen suyễn, ung thư, bệnh tim mạch, vô sinh.
Viêm phế quản: Đây là tình trạng viêm hoặc sưng của ống phế quản, đường dẫn khí giữa miệng, mũi và phổi. Tiếp xúc bụi mịn và khói từ môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Theo nhiều nghiên cứu, nitơ dioxide ngoài trời là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản mạn tính ở nữ giới. Ảnh: Harvard.
Hen suyễn: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen suyễn là căn bệnh mạn tính do viêm và hẹp đường thở, có thể gây ra cảm giác tức ngực, khó thở, thở khò khè và ho. Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh này ngày càng tăng. Khí ozone, chất gây ô nhiễm ngoài trời phổ biến, có thể là tác nhân gây hen suyễn và kích thích phổi hoặc đường thở. Ảnh: Chestnet.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tiếp xúc lâu với các chất gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân làm trầm trọng bệnh COPD. Khi tiếp xúc các hạt ô nhiễm, bệnh nhân mắc COPD dễ bị phát bệnh, cấp cứu, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở các nước kém phát triển, COPD chủ yếu xảy ra do sử dụng than để nấu ăn, sưởi ấm… Ảnh: Mayoclinic.
Video đang HOT
U xơ nang: Đây là bệnh di truyền kéo dài suốt đời có thể gây nhiễm trùng phổi dai dẳng và làm giảm khả năng thở theo thời gian. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) phát hiện mối quan hệ đáng kể giữa lượng hạt mịn trong không khí với số lượng ca nhiễm trùng phổi liên quan u xơ nang. Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra và làm trầm trọng thêm sự phát triển của căn bệnh này. Ảnh: Dailymail.
Các vấn đề về tim mạch: Các hạt nhỏ được tìm thấy trong không khí ô nhiễm có thể kích thích phổi và các mạch máu quanh tim. Theo thời gian, chúng có thể làm hỏng các mô của tim, cứng động mạch, tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao và đột quỵ. Nguy cơ càng tăng cao và rõ rệt ở người già, người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp. Ảnh: Webmd.
Tự kỷ: Gần đây, các nhà khoa học công bố nhiều nghiên cứu khẳng định mức độ ô nhiễm không khí cao ảnh hưởng đến thai kỳ, gây ra chứng tự kỷ cho trẻ sau này. Cụ thể, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tiếp xúc lượng hạt mịn lớn tăng gấp đôi nguy cơ sinh con tự kỷ so với phụ nữ tiếp xúc với môi trường sạch, ít ô nhiễm. Ảnh: Focusforhealth.
Viêm não: Ô nhiễm không khí có thể gây viêm trong não và hệ thần kinh. Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Los Angeles (Mỹ) chứng minh mối tương quan mạnh mẽ giữa ô nhiễm không khí và hành vi phạm pháp của thanh thiếu niên. Điều này cho thấy các hành vi chống đối xã hội được kích hoạt do viêm trong não. Ảnh: Medicalnewstoday.
Vô sinh: Theo Reuters, nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy phụ nữ tiếp xúc mức độ ô nhiễm không khí cao có thể khó thụ thai tự nhiên. Một nghiên cứu khác của Đài Loan (Trung Quốc) theo dõi 6.500 nam giới phát hiện ô nhiễm có thể làm kém chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh. Ảnh: Foxnews.
Ung thư: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết ô nhiễm không khí ngoài trời có thể là nguyên nhân gây ung thư. Các hạt nhỏ nhất trong không khí là PM10 và PM2.5 có liên quan ung thư phổi do ô nhiễm. Nguyên nhân có thể là các hạt này gây thiệt hại gốc tự do, làm hỏng ADN trong tế bào, dẫn đến ung thư. Tiếp xúc lâu dài với amiăng trong không khí có thể gây ung thư biểu mô phát triển trong niêm mạc phổi, dạ dày hoặc tim. Ảnh: CBS News.
Theo Zing
Ô nhiễm không khí làm phổi nhanh lão hóa
Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm dễ gây suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm dễ gây suy giảm chức năng phổi. Nguồn: internet
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói bụi nhà máy, hoạt động giao thông... chưa khắc phục đáng kể, số ca tử vong toàn cầu do căn bệnh này được các chuyên gia y tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trong mười năm tới, kể từ năm 2019.
Thông thường, tuổi càng cao, phổi dần yếu đi, nhưng các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí sẽ càng làm tăng nhanh hơn quá trình lão hóa của phổi, và hít phải không khí ô nhiễm, khói thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phổi.
Trên thực tế, từng có các nghiên cứu về ô nhiễm không khí gây hại phổi hiếm đến mức khó tin. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mẫu không khí mà các đối tượng tham gia tiếp xúc tại nhà để ước tính mức độ ô nhiễm. Phát hiện cho thấy, những chất gây ô nhiễm gồm có vật chất dạng hạt (PM10), dạng hạt mịn (PM2,5) và nitro dioxide (NO2).
Thông thường, các chất này được sinh ra từ nhà máy nhiệt điện, khí thải công nghiệp và các phương tiện giao thông... Sau đó, nhóm nghiên cứu tìm hiểu, bằng cách nào mà tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Những dữ liệu như độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, thu nhập hộ gia đình, trình độ học vấn, tình trạng hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá của đối tượng tham gia, cũng như ảnh hưởng của nghề nghiệp, cũng được phân tích kỹ lưỡng.
Kết quả thật bất ngờ, vì từ dữ liệu cho thấy, trung bình mỗi năm mật độ PM2,5 tăng 5 microgram/mét khối (mcg/m3) trong bầu không khí tại nhà của các đối tượng tham gia, gây suy giảm chức năng phổi, tương đương với hai năm lão hóa sớm.
Khi tính toán khả năng mắc bệnh phổi, những đối tượng tham gia sống ở khu vực có mật độ PM2,5 trên mức tiêu chuẩn trung bình hằng năm mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra (10mcg/m3), khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của họ cao gấp 4 lần, so với những người tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà, và bằng phân nửa so với những người đã, đang hút thuốc lá. Kết quả này cho thấy, tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời có liên quan trực tiếp đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài ra, những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn thì phổi của họ yếu hơn, tương đương với ít nhất một năm lão hóa sớm. Đáng lo nhất là những đối tượng thu nhập thấp có xu hướng dễ ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, tăng gấp đôi suy giảm chức năng phổi và tăng gấp ba nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, so với đối tượng thu nhập cao, ở cùng điều kiện tiếp xúc không khí ô nhiễm.
Qua xem xét việc hút thuốc lá của đối tượng tham gia và nghề nghiệp của họ khiến phổi suy yếu, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự chênh lệch trên có thể liên quan đến chất lượng sống, chế độ ăn uống kém, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hoặc hoàn cảnh sống, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi từ thời thơ ấu.
Tuy nhiên, các đánh giá này cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ khẳng định này. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp xúc không khí ô nhiễm đối với sức khỏe con người, vì khả năng làm giảm tuổi thọ, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Theo Trường Thi/doanhnhansaigon.vn
Ô nhiễm không khí và bệnh phổi Tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) khoảng 4,4% ở người trên 40 tuổi và tỉ lệ này có xu hướng ngày một tăng. GS.TS Ngô Quý Châu - Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch hội Hô hấp Việt Nam cho biết như vậy tại Hội nghị hô hấp châu Á-Thái bình dương (APSR) lần...