82% dân số Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vaccine
Ngày 27/9, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, công bố báo cáo cho biết 13,12 triệu người Campuchia, tương đương 82% tổng số 16 triệu dân nước này, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo, trong 13,12 triệu người nói trên, 10,88 triệu người, tương đương 68% dân số, đã tiêm đủ 2 liều vaccine; 869.680 người, chiếm tỷ lệ 5,4% dân số, đã được tiêm liều tăng cường.
Bà Or Vandine nêu rõ tính từ ngày 26/9 đến nay, các nhóm đối tượng đã được tiêm ít nhất một liều vaccine bao gồm nhóm người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 98,8% mục tiêu đề ra là 10 triệu người; thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ 89% mục tiêu 2 triệu người; và trẻ em từ 6-12 tuổi đạt tỷ lệ 78,6% mục tiêu 1,9 triệu em.
Campuchia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ tháng 2 năm nay. Ngày 25/9 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết nước này đang duy trì tiến độ tiêm chủng ổn định, đồng thời bày tỏ hy vọng quốc gia Đông Nam Á này có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới, hướng đến mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và xã hội một cách toàn diện và bền vững.
Cũng trong ngày 27/9, trong bối cảnh đa số người dân Campuchia đã được tiêm chủng ngừa COVID-19, Bộ Giáo dục nước này đã “bật đèn xanh” cho các trường đại học công lập và tư thục mở cửa trở lại.
Video đang HOT
Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron ra thông báo nêu rõ các giảng viên và sinh viên đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được trở lại các lớp học trực tiếp, trong khi những người trên 50 tuổi hoặc có các bệnh lý nền được khuyến cáo tiếp tục giảng dạy và học tập trực tuyến.
Bộ trưởng Chuon Naron cũng nhấn mạnh số lượng giảng viên và sinh viên trong một phòng học không được vượt quá 20%. Các sinh viên phải ngồi cách nhau tối thiểu 1,5m nhằm đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Ngoài ra, trước khi mở cửa trở lại, các trường đại học phải ký một bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục về việc thực hiện các Thủ tục hoạt động tiêu chuẩn (SOP) và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo phòng dịch COVID-19.
Tại Nhật Bản, ngày 28/9, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc đề xuất của các chuyên gia, cố vấn về việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế khẩn cấp vào cuối tháng này, khi số ca mắc mới COVID-19 cũng như áp lực đối với hệ thống y tế đều giảm.
Nếu đề xuất trên được hội đồng cố vấn của chính phủ thông qua, các tỉnh thành trên toàn Nhật Bản sẽ không phải thực thi tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 lần đầu tiên trong gần 6 tháng qua.
Tương tự nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đã nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm bệnh do biến thể Delta có khả năng lây lan cao bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại nhiều địa phương ở nước này. Nhờ vậy, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Nhật Bản và số ca bệnh nặng đã giảm đều trong một tháng trở lại đây. Đơn cử ngày 26/9 nước này ghi nhận 2.129 ca mắc mới. Cho đến nay, khoảng 56% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Toàn thế giới vượt 232,7 triệu ca nhiễm; dịch vẫn lây lan mạnh ở châu Á
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 232,72 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,76 triệu người không thể qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 209,36 triệu người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại căn cứ Torrejon de Ardoz ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Á, "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay, trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Philippines, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 10.000 đến 26.000 ca. Trong khi đó, dịch bệnh cũng có dấu hiệu lây lan mạnh tại Singapore, Campuchia, Lào và Hàn Quốc.
Singapore ngày 26/9 ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mới COVID-19, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 tại nước này. Cụ thể, nước này ngày 26/9 có 1.939 ca, trong đó có 1.536 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 398 ca trong các khu nhà ở của lao động nhập cư và 5 ca nhập cảnh. Đáng lưu ý, trong số các ca nhiễm mới có tới 417 ca là người trên 60 tuổi. Nhà chức trách cho biết đa số ca nhiễm mới đã tiêm vaccine, đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và có thể điều trị tại nhà.
Kể từ ngày 27/9, Singapore bắt đầu thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, theo đó giảm số người được phép tụ tập từ 5 người xuống 2 người, mỗi gia đình được tiếp đón 2 khách/ngày, làm việc tại nhà là bắt buộc với các vị trí có thể làm việc từ xa, các trường tiểu học chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần. Các hoạt động tập trung vẫn được phép duy trì như trước đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, giới chức Singapore khuyến cáo những người cao tuổi không nên tham dự các hoạt động tập trung, như hoạt động tín ngưỡng (hiện vẫn cho phép 1.000 người tham dự nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine) do nhóm này vẫn dễ tổn thương dù đã tiêm vaccine đầy đủ.
Singapore hiện đã đạt tỷ lệ tiêm phòng cho 82% dân số (trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm). Giới chức Singapore dự báo số ca lây nhiễm mới có thể lên tới trên 3.000 ca/ngày vào đầu tháng 10 tới.
Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận 13 ca nhiễm mới lây trong cộng đồng. Theo báo cáo hằng ngày của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong số ca nhiễm mới này, 11 ca ghi nhận tại tỉnh Hắc Long Giang và 2 ca tại Phúc Kiến. Ngoài ra, có 22 ca nhập cảnh và không ghi nhận thêm ca tử vong nào.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, ngày 27/9 là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tăng lên trên mức 800 ca mỗi ngày, liên quan đến ổ dịch là các ngôi chùa ở Phnom Penh và "điểm nóng" COVID-19 tại tỉnh Siem Reap.
Ổ dịch các ngôi chùa ở Phnom Penh tiếp tục có thêm nhiều ca nhiễm mới trong số tăng lữ và người làm việc trong đền chùa, cho dù Lễ Pchum Ben trên cả nước đã phải dừng lại từ ngày 23/9. Trong khi đó, điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia là tỉnh Siem Reap đã trở thành "điểm nóng" COVID-19 với nguyên nhân được cho là sự chủ quan của người dân đã được tiêm phòng, khiến dịch bệnh tại đây lan rộng. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap, Neak Nerom cho biết nhiều người tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 lại mắc COVID-19 vì một số người không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Cùng ngày, giới chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm mới tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu) đang gây gián đoạn kế hoạch áp dụng chiến lược "sống chung với COVID-19" mà chính phủ nước này dự kiến triển khai từ cuối tháng 10 tới, sau khi ít nhất có 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 27/9, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 2.383 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 2.356 ca trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 303.553 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến bởi số liệu kể trên vẫn chưa phản ánh đúng số ca nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ kéo dài vừa qua.
Trong khi đó, một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan trong ngày 27/9 đều đề cập khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và các biện pháp hạn chế đi lại trong nỗ lực khôi phục trạng thái"bình thường mới".
Phnom Penh tạm ngừng toàn bộ hoạt động tụ tập, lễ hội tôn giáo đông người Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiều 23/9, Sở Lễ nghi và tôn giáo Đô thành Phnom Penh đã quyết định tạm thời ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập lễ hội tôn giáo đông người tại thủ đô Campuchia cho đến khi có thông báo mới. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu:...