80 dự án trọng điểm giúp tạo đà cho Đà Nẵng phát triển
Giai đoạn 2021-2025, TP Đà Nẵng tập trung đầu tư 80 dự án trọng điểm nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá hạ tầng kinh tế – xã hội của TP những năm qua đã được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng đô thị có mặt chưa đồng bộ. Do vậy, trong nhiệm kỳ này TP Đà Nẵng đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm theo Quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bổ sung 32 dự án trọng điểm, động lực giai đoạn 2016-2020
Những ngày đầu tháng 10, công trường dự án nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu, tp đà nẵng) sôi động hơn với khoảng 200 công nhân làm việc ba ca/ngày. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc đi lại của công nhân cũng như vận chuyển thiết bị, vật tư thuận lợi hơn cũng là lúc dự án được đẩy nhanh tiến độ.
Dự án này được khởi công vào ngày 29-3-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 723 tỉ đồng, quy mô ba tầng gồm đường hầm dài hơn 900 m, cầu vượt thép và đảo xuyến ở tầng mặt đất. Mục tiêu của dự án này nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cụm nút, đặc biệt vào giờ cao điểm. Dự án cũng tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay Đà Nẵng và biển phía đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng công suất sân bay Đà Nẵng.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đi kiểm tra, đốc thúc tiến độ dự án nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị điều hành), cho hay dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Dự kiến dự án sẽ khánh thành vào khoảng cuối tháng 2-2022.
Đây là một trong những dự án lớn của Đà Nẵng liên tục được các lãnh đạo cao nhất của TP đến kiểm tra, đốc thúc tiến độ. Dự án này cũng nằm trong danh mục 80 dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 đã được đưa vào nghị quyết của HĐND TP tại kỳ họp tháng 8 vừa qua.
Theo nghị quyết, Đà Nẵng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư công trung hạn để phát triển TP đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXII và trên cơ sở nhu cầu đầu tư cấp thiết của giai đoạn 2021-2025.
Trong 80 dự án, có 48 dự án trọng điểm, động lực giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục đôn đốc, triển khai thực hiện. 32 dự án bổ sung mới giai đoạn 2021-2025 gồm 20 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và 12 dự án đầu tư từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Báo cáo mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho hay chín tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỉ đồng, đạt 50,5% kế hoạch trung ương giao và 36,7% kế hoạch HĐND TP giao.
Video đang HOT
Tập trung đẩy nhanh tiến độ
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng TP cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Triết, TP đảm bảo yêu cầu đầu tư dứt điểm từng dự án. Đà Nẵng chỉ thông qua chủ trương đầu tư hoặc bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao về giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng điều chỉnh dự án về quy mô, thiết kế kỹ thuật hay chi phí giải phóng mặt bằng.
“TP tiếp tục rà soát nguồn lực, ưu tiên giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, thi công để triển khai các dự án. TP cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho UBND quận quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án dân sinh quy mô nhỏ trên địa bàn các quận” – ông Triết cho biết.
Được biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Đà Nẵng cần nguồn vốn gần 59.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP cần hơn 53.800 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 5.600 tỉ đồng. Để đảm bảo kế hoạch, TP cần thu từ quỹ đất gần 29.000 tỉ đồng trong giai đoạn này.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, TP sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tài chính cho những dự án. Mục tiêu của TP là khơi thông lợi ích, giải phóng các nguồn lực đất đai còn hạn chế trong thời gian qua, tăng cường khai thác các lô đất trống và sử dụng các lô đất tái định cư dư thừa. UBND TP đã phê duyệt danh mục đấu giá đất đợt 1-2021 và những năm tiếp theo. Thực hiện được việc này thì nguồn thu cho ngân sách TP cơ bản đảm bảo để chi cho đầu tư.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND TP đã thành lập tổ công tác liên ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng. Tổ liên ngành do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm tổ trưởng, hai tổ phó là lãnh đạo Sở KH&ĐT cùng 38 thành viên khác ở các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Đà Nẵng đã 'dìu' người dân vượt qua đại dịch
Đà Nẵng đã chi khoảng 2.500 tỉ đồng chống dịch COVID-19, riêng kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là gần 800 tỉ đồng.
Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, xoay quanh công tác phòng chống dịch COVID-19 và hàng loạt chính sách nhân văn của TP đối với người dân, người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN).
Những chính sách vượt trội, nhân văn
Ông Triết khẳng định: "Các chính sách của TP là vượt trội, kịp thời, giàu tính nhân văn, bao phủ tất cả đối tượng, kể cả các hộ tạm trú, sinh viên, lao động ngoại tỉnh... nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19".
. Phóng viên : Thưa ông, Đà Nẵng đã trải qua chuỗi ngày "ai ở đâu ở yên đó" chưa từng có tiền lệ và đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Ông nhận xét thế nào về những chủ trương chống dịch của TP thời gian qua?
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết : Đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với TP. Nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của các tổ chức, DN và nhân dân, đến nay TP đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Có thể khẳng định các biện pháp phòng chống dịch của TP đã và đang đi đúng hướng với những cách làm hợp lý, quyết đoán và sáng tạo. Cụ thể như việc truy vết thần tốc, kịp thời khoanh vùng, phong tỏa và dập các ổ dịch trong cộng đồng khi vừa phát hiện với thời gian nhanh nhất. Nhờ đó, hầu hết ca nhiễm và F liên quan đều được đưa đi cách ly, điều trị sớm. Công tác tiêm chủng đang được đẩy nhanh và đảm bảo tiến độ.
. Đến nay, TP Đà Nẵng đã chi bao nhiêu tiền cho công tác hỗ trợ người dân và DN?
Đến nay, TP đã chi khoảng 2.500 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, kinh phí để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn là gần 800 tỉ đồng. Ngoài các chính sách của trung ương, nhiều chính sách đặc thù của TP đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Có thể kể đến chính sách hỗ trợ riêng của TP cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền hơn 29 tỉ đồng. Hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế gần 100 tỉ đồng. Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm trị giá 500.000 đồng/hộ cho 50.651 hộ chính sách, người có công và hộ dân khó khăn với số tiền hơn 25 tỉ đồng.
Chưa hết, khi thấy các hộ dân vẫn còn khó khăn, TP tiếp tục hỗ trợ hơn 184 tỉ đồng (500.000 đồng/hộ). Miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tất cả hộ dân với tổng số tiền hơn 30 tỉ đồng. Với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, TP hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021-2022, kinh phí hơn 87 tỉ đồng...
Người dân quận Liên Chiểu nhận quà hỗ trợ của TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi trả các gói hỗ trợ của TP và tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động đến ngày 31-10. Việc này nhằm tạo điều kiện cho NLĐ hoàn thành các thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ. TP đang tiếp tục rà soát và sẽ có chính sách hỗ trợ đối với những lao động tự do còn lại với tổng kinh phí dự kiến hơn 100 tỉ đồng.
Thời gian qua, TP đã hỗ trợ hơn 360.000 hộ dân (hơn 300.000 hộ dân thường trú, hơn 60.000 hộ là sinh viên, lao động ở trọ...) và đang rà soát, bổ sung số hộ còn thiếu. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND TP đã kịp thời chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Người dân quận Sơn Trà nhận 500.000 đồng tiền hỗ trợ của TP Đà Nẵng . Ảnh: TẤN VIỆT
Giám sát chặt để mọi người dân được thụ hưởng
. Đà Nẵng đã có những chính sách rất vượt trội, vậy việc triển khai trong thực tế có gặp khó khăn gì không?
Cũng phải nhìn nhận rằng công tác triển khai thực hiện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do TP thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng NLĐ, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ chưa nhiều.
Cán bộ xã, phường vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân nên việc chi trả hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ vay vốn trả lương cho NLĐ ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng còn nhiều khó khăn do các quy định chưa phù hợp. Cạnh đó, có nơi cách thức triển khai còn phát sinh vướng mắc, lúng túng, làm cho người dân chưa hiểu và có bức xúc.
Ngoài ra, việc cấp phát gạo của Chính phủ về các địa phương chưa được thực hiện thống nhất. Có nơi phát cho hộ khó khăn với 15 kg/khẩu, có nơi quy định hộ từ năm người trở lên được nhận không quá bốn khẩu, có nơi phát mỗi hộ khó khăn 15 kg, lại có nơi chia đều cho tất cả hộ dân trong tổ.
Trước những phát sinh đó, HĐND TP đã kịp thời giám sát, trao đổi, đề nghị chính quyền cơ sở giải thích, tăng cường công tác tuyên truyền. Đến nay, đại đa số người dân đã hiểu và đồng thuận cao với các chính sách hỗ trợ của TP.
. Ông có thể nói rõ hơn về công tác giám sát của HĐND TP để đảm bảo chính sách được thực hiện công bằng, minh bạch đến với tất cả người dân?
Thường trực HĐND TP đã thành lập hai tổ kiểm tra trên địa bàn quận Thanh Khê, quận Ngũ Hành Sơn và ba đoàn giám sát tại 12 phường, ba quận trên địa bàn TP về công tác phòng chống dịch và giám sát việc hỗ trợ người dân.
Các tổ, đoàn đi kiểm tra thực tế, trao đổi trực tiếp với người dân để lắng nghe các phản ánh và làm việc với UBND các phường, quận để khắc phục những tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót của cấp cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chính sách (nếu có) và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, ổn định cuộc sống của người dân trong giai đoạn sắp tới.
Qua giám sát có thể thấy các chủ trương, chính sách của TP đã đề ra là đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các địa phương không thể tránh khỏi những thiếu sót, chưa minh bạch và Thường trực HĐND TP đã kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP chỉ đạo khắc phục kịp thời các bất cập phát sinh trong việc thực thi chính sách.
. Xin cám ơn ông.
Ông Lê Trung Chinh tái đắc cử Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ông Lê Trung Chinh (sinh năm 1969) tái đắc cử Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khoá X với đại đa số phiếu bầu... Ngày 25/6, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch...