8 tỉnh thành chống dịch quá “gắt”: Bộ GTVT ra “tối hậu thư” đề nghị bãi bỏ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát bằng văn bản về Bộ GTVT trước 15h ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Ngày 26/8, Bộ GTVT phát công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.
Quy định quá “gắt” trong phòng chống dịch của một số địa phương gây khó khăn trong lưu thông, vận tải hàng hóa trên quốc lộ (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).
Công điện của Bộ GTVT nêu rõ, ngày 26/8, Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp với Thành ủy, UBND TPHCM và các Bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất việc lưu thông hàng hóa.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia cũng nêu lên thực trạng một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ, ngắn hơn thời gian so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công Thương trước khi vào địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Video đang HOT
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19″ được Bộ GTVT ban hành ngày 24/8.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021, văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
“Chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát bằng văn bản về Bộ GTVT trước 15h ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ” – công điện nhấn mạnh thời hạn kết thúc rà soát.
Theo Bộ GTVT, do đây là vấn đề cấp bách và tác động trực tiếp đến việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tại TPHCM và các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm khẩn trương chỉ đạo thực hiện.
Trước đó, Bộ GTVT ghi nhận báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT, ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về việc xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tại một số chốt kiểm soát dịch trên địa bàn một số tỉnh, thành phố gây ùn ứ, vướng mắc đối với vận chuyển, lưu thông hàng hóa hoặc gây khó khăn cho lái xe, doanh nghiệp.
Có 8 tỉnh, thành phố ban hành các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ, gồm: TP Cần Thơ, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu.
Nguyên nhân là do các địa phương có quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Nhiều địa phương vẫn có quy định riêng gây ách tắc hàng hóa
Các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tại một số địa phương lại có quy định riêng gây ách tắc trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Rất đông xe tải, xe container chở hàng hóa xếp hàng chờ kiểm tra giấy tờ tại Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ, ngày 24/8. Ảnh: TTXVN.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công - nông nghiệp, hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc.
Theo đó, quy định, thủ tục giữa các địa phương khác nhau, không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan cho phép hàng hóa được lưu thông thông suốt, trừ hàng hóa cấm kinh doanh; thậm chí có địa phương còn ban hành văn bản để đạt mục tiêu "Hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh" như Công văn số 3438/YBND-KT ngày 21/8/2021 của UBND TP Cần Thơ đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Duy Đông nêu một thực tế từ vướng mắc của MM Mega Market trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở TP Cần Thơ. Theo đó, do hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương, về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu. Trong khi MM Mega Market đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế, phụ lái trước 1 ngày vào 13 giờ hàng ngày cho Sở Công Thương của TP Cần Thơ và sau đó có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký. Ngày 24/8, các xe của MM Mega Market vẫn phải đợi từ sáng đến tối nhưng cũng chưa được vào thành phố.
Đặc biệt, UBND TP Cần Thơ còn yêu cầu "tất cả các phương tiện đến thành phố giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định".
Ông Trần Duy Đông cho hay, hàng hóa của các hệ thống phân phối là hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cần được bảo quản nhiệt độ mát hoặc đông lạnh thì không thể chuyển tải tại các điểm tập kết quy định của thành phố vì sẽ làm hư hỏng sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ bảo quản ngoài trời, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, hàng hóa có khối lượng rất nặng nên không thể bốc tách dễ dàng cho việc chuyển tải qua xe khác nếu không có các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng thích hợp như xe nâng, xe nâng tay... Trong khi đó, tại các điểm tập kết thì không có các thiết bị chuyên dụng này.
Một số địa phương khác như Kon Tum, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang... không cho xe tải vào mà yêu cầu phải sang xe, đổi tài xế mới cho vào tỉnh. TP Phú Quốc (Kiên Giang) thì yêu cầu tài xế giao hàng phải ở lại đảo 30 ngày.
Mặt khác, về giao thông vận tải, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không thống nhất. Thậm chí, có tình trạng địa phương này không công nhận giấy tờ của địa phương khác cấp, hoặc xe chuyển hàng được địa phương này cho lưu thông nhưng địa phương kia không cho vào dẫn đến chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn kép cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.
Cùng với đó, một số địa phương không chấp nhận kết quả PCR của tỉnh khác và yêu cầu lái xe phải kiểm tra PCR lại tại cơ sở y tế của tỉnh. Một số địa phương yêu cầu kết quả test COVID-19 có giá trị trong 24 giờ, trong khi các tỉnh khác cho phép kết quả trong 72 giờ. Việc không thống nhất về test nhanh hoặc PCR giữa các địa phương, không chấp nhận kết quả test của địa phương khác khiến lãng phí thời gian và tiền bạc....
Để việc lưu thông hàng hóa được thực hiện xuyên suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Duy Đông kiến nghị, các địa phương hiện đang có hướng dẫn khác chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa sớm thực hiện thống nhất, xuyên suốt hướng dẫn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các Sở, ngành tại địa phương thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021.
"Khi xe đã được cấp luồng xanh ưu tiên điểm đi là một tỉnh, điểm đến là một tỉnh khác, đã đủ tiêu chuẩn hai đầu giao nhận. Không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID nữa hoặc chỉ kiểm tra xác suất", ông Trần Duy Đông kiến nghị.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các Sở Giao thông vận tải tham mưu UNBD tỉnh, thành phố thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ chủ quản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian cấp QR Code cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm http://luongxanh.drvn.gov.vn và tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR Code. Công bố đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải để kịp thời hỗ trợ, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Quảng Ninh lên tiếng khi lọt danh sách 8 tỉnh, thành chống dịch quá "gắt" Trước việc lọt danh sách một trong 8 tỉnh, thành có biện pháp chống dịch Covid-19 quá "gắt" gây ùn ứ lưu thông hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh khẳng định, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Tỉnh Quảng Ninh khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải hàng hóa nhưng phải đảm bảo an...